Thừa Thiên Huế, Đà Nẵng, Quảng Nam chủ động phòng ngừa, ứng phó mưa lũ

Từ 13-17/11, dự báo trên đất liền tỉnh Thừa Thiên Huế có mưa to đến rất to; còn tại Đà Nẵng, trước diễn biến phức tạp của mưa lớn, trẻ mầm non, học sinh, sinh viên trên toàn thành phố nghỉ học ngày 13/11. Trong khi đó, nhiều địa phương ở Quảng Nam trong 3 giờ qua đã có mưa to đến rất to, thủy triều đang lên dần.

Sáng 13/11, trên địa bàn thành phố Đà Nẵng tiếp tục có mưa vừa, mưa to, có nơi mưa rất to - Ảnh: VGP/Nhật Anh

Sáng 13/11, Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn (PCTT và TKCN) tỉnh Thừa Thiên Huế ban hành công điện chủ động phòng ngừa, ứng phó thiên tai trên địa bàn tỉnh.

Theo công điện, sáng 13/11, bộ phận không khí lạnh đã ảnh hưởng đến tỉnh Thừa Thiên Huế, trời chuyển lạnh, nhiệt độ thấp nhất ở vùng núi A Lưới từ 17-19 độ C, các nơi khác 19-21 độ C. Từ ngày 13-17/11, trên đất liền tỉnh Thừa Thiên Huế có mưa to, mưa rất to. Tổng lượng mưa phổ biến 250-500 mm, có nơi trên 800 mm. Vùng biển ngoài khơi của tỉnh có gió mạnh cấp 6, có lúc cấp 7, giật cấp 8-9; biển động mạnh. Sóng biển cao 2,5-4 m; cần đề phòng nguy cơ xảy ra lũ quét, sạt lở đất tại khu vực vùng núi và ngập úng các khu vực trũng thấp; dông, lốc, sét và gió giật mạnh.

Để chủ động phòng, ngừa, ứng phó thiên tai, Ban Chỉ huy PCTT và TKCN tỉnh Thừa Thiên Huế đề nghị giám đốc các sở, thủ trưởng các ban, ngành, đoàn thể cấp tỉnh, các đơn vị Trung ương trên địa bàn, chủ các hồ đập thủy điện, thủy lợi, chủ tịch UBND các huyện, thị xã và TP. Huế chỉ đạo thực hiện nghiêm túc Công điện số 1034/CĐ-TTg ngày 31/10/2023 của Thủ tướng Chính phủ về ứng phó mưa lũ, bảo đảm an toàn cho người dân tại khu vực miền Trung và Tây Nguyên; Công điện số 17/CĐ-QG ngày 12/11/2023 của Ban Chỉ đạo Quốc gia PCTT-Ủy ban Quốc gia Ứng phó sự cố thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn.

Đề nghị chủ tịch UBND các huyện, thị xã và TP. Huế triển khai ứng phó với mưa lớn, lũ quét, sạt lở đất, phân công lãnh đạo xuống các địa bàn trọng điểm để trực tiếp chỉ đạo, đôn đốc, kiểm tra công tác ứng phó tại cơ sở.

Kiên quyết tổ chức sơ tán người dân tại những nơi nguy hiểm, nhất là khu vực ven biển, cửa sông, ven phá, trên lồng bè, chòi canh nuôi thủy sản, khu dân cư có nguy cơ bị ảnh hưởng của gió mạnh, sóng lớn, khu vực có nguy cơ sạt lở đất, lũ quyét, ngập lụt (chú ý ưu tiên sơ tán trước các đối tượng dễ bị tổn thương, phụ nữ mang thai, người già yếu…); triển khai phương án ứng phó mưa lũ tại cấp xã theo phương án đã phê duyệt.

Chỉ đạo, kiểm tra các chủ đầu tư xây dựng công trình bảo đảm an toàn trong thiên tai, khắc phục tình trạng ngập úng đô thị khi mưa lớn.

Chỉ đạo lực lượng cảnh giới tại các điểm có nguy cơ xảy ra lũ, lũ quét, sạt lở, ngập lụt; cảnh giới, hướng dẫn phương tiện giao thông tại các ngầm, tràn khi xảy ra lũ lụt; quản lý chặt chẽ các ghe, thuyền bãi ngang ven biển, đầm phá và trên các sông; nghiêm cấm người dân đi vào rừng khi có mưa lũ.

Ban Chỉ huy PCTT và TKCN tỉnh Thừa Thiên Huế cũng cho biết để hạ mực nước tại các hồ chứa, tạo dung tích phòng lũ, hiện nay hồ Hương Điền, Bình Điền, Tả Trạch đang vận hành điều tiết qua tràn và tuabin.

Đà Nẵng: Trẻ mầm non, học sinh, sinh viên nghỉ học ngày 13/11

Cũng trong sáng 13/11, cơ quan chức năng của TP. Đà Nẵng phát thông tin cảnh báo lũ quét, sạt lở, sụt lún đất do mưa mũ hoặc dòng chảy, ngập úng trên địa bàn thành phố.

Trong 6 giờ qua (từ 1h-7h ngày 13/11), trên địa bàn TP. Đà Nẵng đã có mưa to đến rất to. Tổng lượng mưa một số nơi như sau: Hòa Bắc 206,8 mm, Hòa Phú 171,2 mm, Bà Nà 171,8 mm,...

Dự báo, trong 6 giờ tới trên địa bàn TP. Đà Nẵng tiếp tục có mưa vừa, mưa to, có nơi mưa rất to. Cảnh báo nguy cơ xảy ra lũ quét trên các sông, suối nhỏ, sạt lở trên sườn dốc. Nguy cơ xảy ra ngập úng cục bộ tại các khu đô thị và các vùng trũng thấp.

UBND TP. Đà Nẵng yêu cầu chủ tịch UBND các quận, huyện thường xuyên theo dõi chặt chẽ diễn biến của mưa, lũ, ngập lụt và ngập úng đô thị, sẵn sàng triển khai phương án sơ tán người dân, triển khai các lực lượng, phương tiện, trang thiết bị cứu hộ cứu nạn; chỉ đạo UBND các phường và đơn vị thoát nước của địa phương rà soát toàn bộ và triển khai khơi thông cửa thu nước trên các tuyến đường thuộc phạm vi quản lý; sẵn sàng nhân lực, vật tư trang thiết bị, xử lý theo phương châm "4 tại chỗ".

Trước diễn biến phức tạp của mưa lớn, Sở GD&ĐT TP. Đà Nẵng đã có công văn thông báo cho trẻ mầm non, học sinh, sinh viên trên toàn thành phố nghỉ học ngày 13/11.

Quảng Nam cảnh báo nguy cơ xảy ra lũ quét trên các sông, suối nhỏ vùng núi

Tại Quảng Nam, Đài Khí tượng thủy văn tỉnh cho biết, trong 3 giờ qua (từ 5h-8h ngày 13/11) các địa phương như Đại Lộc, Duy Xuyên, Điện Bàn, Hội An, Thăng Bình tỉnh Quảng Nam đã có mưa to đến mưa rất to như: Điện Hồng 162,4 mm, Ái Nghĩa 153 mm, Đập Hà Thanh 123 mm, Đại Hiệp 100,6 mm, Câu Lâu 99,2 mm… và thủy triều đang lên dần.

Trong ngày 13/11, các địa phương trên địa bàn tỉnh tiếp tục có mưa to đến mưa rất to. Nguy cơ xảy ra lũ quét trên các sông, suối nhỏ vùng núi; sạt lở đất trên sườn dốc, sụt lún đất tại khu vực các huyện Bắc Trà My, Đông Giang, Duy Xuyên, Hiệp Đức, Hội An, Nam Trà My, Nông Sơn, Quế Sơn, Tây Giang, Tiên Phước…

Nguy cơ ngập lụt cục bộ những vùng trũng thấp, tại các địa phương: Điện Bàn, Đại Lộc, Duy Xuyên, Thăng Bình, Núi Thành, TP. Hội An và TP. Tam Kỳ. Thời gian ngập có khả năng diễn ra kéo dài. Độ sâu ngập lớn nhất có nơi từ 0,2 - 0,7 m.

Nhật Anh

Nguồn Chính Phủ: https://baochinhphu.vn/thua-thien-hue-da-nang-quang-nam-chu-dong-phong-ngua-ung-pho-mua-lu-102231113095642676.htm