Thưa mẹ, con đi

Một mùa đoàn viên đã qua, người người lại tỏa đi muôn phương, trở lại với guồng quay hối hả của công việc, cuộc sống. Dẫu biết hội ngộ rồi chia ly là quy luật vốn dĩ, vậy mà người đi người ở vẫn thấy lòng nặng trĩu những nỗi niềm chẳng thể thốt thành lời.

Chiều nay, Hường mời bạn nghe câu chuyện của bạn Nguyễn Trúc.

Chiều đã buông màu xuống vành nón mẹ. Bóng lưng còng của mẹ như chùng thấp hơn, bên bao quà bánh được cột kĩ lưỡng. Chuyến xe đường dài chuẩn bị khởi hành. Mùa đoàn viên dài nhất trong năm sẽ theo bánh xe lăn tròn mà rời xa tít tắp. Tôi chẳng dám ngó lâu vào nếp nhăn trên vầng trán ấy. Dẫu biết hội ngộ rồi chia ly là quy luật vốn dĩ, vậy mà vẫn thấy lòng nặng trĩu những nỗi niềm chẳng thể thốt thành lời.

Mới hôm nào mẹ gọi những cuộc điện thoại ướm hỏi ngày nghỉ. Mớ kiệu mẹ đã ngâm, nồi bánh tét chờ con về cùng thức. Bao háo hức của mùa sum họp được mẹ cất vào những nếp nhăn nơi khóe mắt. Từ ngày ba đến một nơi xa lơ lắc mà hai mẹ con không cách nào trông thấy, mẹ chẳng mong xuân, chỉ chờ tết. Cái tết để đoàn tụ, để ấm êm, để được sẻ chia và an ủi. Vậy mà nhanh như cái đập cánh của lũ chuồn chuồn báo mưa, đứa con lại phải xa nhà để mưu sinh nơi xứ lạ. Đêm trước ngày xe chạy, bụng dạ cứ xót xa chẳng muốn xếp đồ vào túi hành lý. Giá mà tết đừng ngắn như chiếc bánh chưng vuông, cứ dài ra hơn đòn bánh tét, thì hay biết mấy. Dài thêm một chút thôi cũng được, để tôi kịp xoa mờ vài vết đồi mồi trên đôi tay gầy của mẹ.

Mẹ chống nạng, thắp nhang trên từng ban thờ xin vài hộp bánh ngọt, mấy quả cam vừa chín, mớ mứt gừng vàng ươm; bỏ hết vào bao bố, cột chặt bằng sợi dây nhựa đỏ, rồi mẹ cầm bút run run viết tên tôi cùng số điện thoại. Mẹ bảo xe khách nhiều đồ, nhỡ đâu thất lạc. Tôi ngồi rửa sạch bộ ấm trà cạnh giếng nước, ngó sang, bất giác nước mắt chực trào ra. Không biết tới khi nào tôi mới thôi làm mẹ lo, mẹ chờ, mẹ đợi.

Năm rồi kinh tế suy thoái. Những lao động tỉnh lẻ như tôi cũng bị ảnh hưởng ít nhiều. Chẳng có lương hay thưởng tết, tôi về với mẹ chỉ bọc theo 500 nghìn. Vậy mà ngày trở lại thành phố, đồ đạc của tôi không chỉ là cái ba lô hôm trước. Mẹ cho vào đó tất cả những thứ có thể gửi theo, từ nắm ớt ngoài vườn, tới ràng bánh tráng phơi sương. Mẹ bảo thị thành cái gì cũng có, nhưng con của mẹ lại chẳng có tiền. Tôi vần vò tờ 500 nghìn còn nguyên trong túi áo, mắt cứ cay xè, nghĩ bụng: “Mẹ cũng làm gì có tiền cơ chứ!”

Gói chặt lại mớ đồ đạc lỉnh kỉnh, lòng tự nhủ, năm sau sẽ cố gắng mang về chút thuốc bổ để mẹ thôi đau chân những ngày trái gió. Nhìn mẹ nhích từng bước khó khăn khi trong tay chỉ có 500 nghìn, tim tự nhiên cứ như bị cứa từng vết lằn rát. Nhanh lên, phải nhanh hơn nữa. Bởi thời gian của mẹ giờ đang như bóng câu qua cửa, không cho tôi cơ hội để chần chừ.

Tiếng cây nạng mẹ chống lọc cọc trong khuya vắng. Đã gần nửa đêm, mẹ vẫn loay hoay kiểm tra lại bao đồ đã soạn. Sương muối giăng lạnh ngoài hiên, đọng lộp độp trên mấy tàu chuối. Tôi bật dậy chong đèn, he hé cửa nhìn ra sau bếp. Bóng mẹ đơn côi hắt xuống nền. Tôi chẳng dám gọi hai tiếng mẹ ơi, bởi đã nghẹn ngào.

Đêm nay thật dài. Hình như ngoài hiên đã bắt đầu rơi từng giọt mưa xuân lành lạnh. Mẹ chong đèn ngồi cạnh bao đồ. Tôi chong đèn ngồi sau cánh cửa. Khoảng cách giữa chúng tôi không phải là vài ba bước nữa. Đó là khoảng cách của hơn 300 ngày dài sắp tới, hai trái tim một già một trẻ lại ngóng chờ một mùa đoàn viên mới.

Còn vài tiếng nữa là xe chạy, tôi không thốt lên được câu gì dặn dò mẹ giữ gìn sức khỏe, chỉ một lời chào nghèn nghẹn: "Thưa mẹ, con đi.."

Nguồn Hà Nội TV: https://hanoionline.vn/thua-m-con-di-220265.htm