Thua lỗ do lan đột biến dẫn đến rối loạn tâm thần, một cán bộ công an 2 lần tự tử

Một cán bộ công an rơi vào tình trạng rối loạn sự thích ứng, sau cơn sốc bị thua lỗ hơn 20 tỷ, đến mức tự sát 2 lần. Được cấp cứu thoát khỏi cửa tử, nhưng bệnh nhân phải điều trị ở Viện Sức khỏe Tâm thần.

TS. Dương Minh Tâm - Trưởng Đơn nguyên các rối loạn liên quan đến stress và rối loạn tình dục Viện SKTT - tư vấn cho bệnh nhân bị rối loạn sự thích ứng

Không thích ứng được với hoàn cảnh ập đến, nhiều người căng thẳng, mệt mỏi, mất lòng tin, mất sự tự trọng, luôn cảm thấy tội lỗi và tự hủy hoại hoặc tự sát; mất ăn mất ngủ. Họ không hề biết mình đã “sập bẫy” một căn bệnh sức khỏe tâm thần mang tên rối loạn sự thích ứng. Mà, hầu hết bệnh nhân của rối loạn sự thích ứng là người trẻ, với tỉ lệ nam - nữ ngang nhau.

Không thích nghi được hoàn cảnh mới - dễ rối loạn sự thích ứng

Chiều mùa đông, rét ngọt. Đơn nguyên Các rối loạn liên quan đến stress và rối loạn tình dục của Viện Sức khỏe Tâm thần (SKTT) vẫn khá đông bệnh nhân. Đủ lứa tuổi và giới tính.

2 đến 8% dân số mắc rối loạn thích ứng. Phụ nữ mắc nhiều gấp đôi nam giới. Nhưng thường gặp ở thanh, thiếu niên

Một bệnh nhân điển hình bị rối loạn thích ứng là anh Nguyễn Văn C, 30 tuổi, cán bộ công an, đã đượcBSCK2 Vũ Thị Lan trực tiếp điều trị tại Đơn nguyên các rối loạn liên quan đến stress và rối loạn tình dục.

BSCK2 Vũ Thị Lan chia sẻ: Trước khi vào Viện SKTT điều trị, anh C. phải nhập viện cấp cứu vì uống thuốc diệt cỏ. Gia đình cho biết, cơn sốc vì đầu tư lan đột biến bị thua lỗ khiến anh C. âu sầu nhiều tháng liền, luôn mặc cảm mình vô dụng, là gánh nặng cho vợ con. Rồi với áp lực ấy, anh tìm đến thuốc độc để giải thoát. Nhưng may mắn, anh đã được ở các bác sĩ ở Trung tâm Chống độc Bệnh viện Bạch Mai cứu sống.

BSCK2 Vũ Thị Lan (trái) chia sẻ về biện pháp điều trị bệnh nhân rối loạn sự thích ứng

Nhưng 3 tuần sau, bệnh nhân tiếp tục tự tử bằng việc cắt mạch máu tay và lại được cứu sống. Phối hợp các chuyên khoa chẩn đoán, các bác sĩ nhận thấy anh C. bị mắc rối loạn sự thích ứng, nên đã cho chuyển sang Viện SKTT để điều trị.

Tại hội thảo về rối loạn sự thích ứng do Viện SKTT tổ chức chiều nay, 25/12, TS. Dương Minh Tâm - Trưởng Đơn nguyên các rối loạn liên quan đến stress và rối loạn tình dục - cho biết: Không chỉ có những người gặp các vấn đề khó khăn, mất mát trong cuộc sống, mà bệnh nhân rối loạn sự thích ứng có cả những người có con cái thành đạt: Các con đi du học nước ngoài, bố mẹ không chịu nổi sự xa con. Có gia đình con được đề bạt cán bộ lãnh đạo, bố mẹ cũng mắc căn bệnh này, vì bỗng cảm thấy con mình “vuột” khỏi tầm tay, không còn quản lý được, hoặc thấy mình bị bỏ rơi, vô dụng.

Nhiều bệnh nhân của TS. Tâm là con cái các cán bộ đại sứ quán, do phải sống di chuyển liên tục theo bố mẹ và không thích ứng được.

Ai dễ bị mắc rối loạn sự thích ứng?

Theo TS. Dương Minh Tâm, những người mắc rối loạn sự thích ứng thường là người yếu đuối, dễ bị tổn thương, không dám đương đầu với thử thách. Còn những người mạnh mẽ, không ngại khó ngại khổ, dám đương đầu với khó khăn thường không rơi vào bệnh này.

Cũng theo TS. Dương Minh Tâm, rối loạn sự thích ứng được đặc trưng bởi một phản ứng cảm xúc với một sự kiện căng thẳng. Các yếu tố gây sang chấn trong rối loạn sự thích ứng là những biến cố thường gặp trong cuộc sống. Stress là nhân tố tác động trực tiếp của rối loạn sự thích ứng và thường xuất hiện sau một hoặc nhiều yếu tố sang chấn. Tuy nhiên, không phải cứ stress là rối loạn sự thích ứng, mà phải kéo dài trong ít nhất 3 tháng.

Trả lời câu hỏi về những yếu tố nguy cơ của rối loạn sự thích ứng, TS. Tâm cho hay: Sự căng thẳng trong thời thơ ấu; có vấn đề sức khỏe tâm thần khác; nhiều khó khăn xảy ra cùng một lúc; lạm dụng hoặc tấn công thể chất hoặc tình dục; được bao bọc quá mức; ly hôn hoặc các vấn đề hôn nhân; di chuyển thường xuyên trong cuộc sống sớm; mất việc làm, mất người thân hoặc mất tiền vv… Mắc bệnh hoặc sống trong khu phố có nhiều tội phạm cũng có thể mắc rối loạn sự thích ứng.

TS. Dương Minh Tâm

Đáng nói khi có tới 2 đến 8% dân số mắc bệnh này. Phụ nữ mắc nhiều gấp đôi nam giới. Thường gặp ở thanh thiếu niên.

Đặc biệt, rối loạn sự thích ứng phổ biến ở những người có bệnh tật. 50% bệnh nhân nội trú tại bệnh viện đa khoa bị rối loạn sự thích ứng. Một nghiên cứu ở Nhật Bản cho thấy có tới 35% bệnh nhân ung thư vú mắc rối loạn sự thích ứng và một phân tích tổng hợp quy mô lớn gần đây cho thấy tỷ lệ rối loạn sự thích ứng gặp ở 15,4% người trưởng thành mắc bệnh ung thư.

Làm sao để nhận biết bị rối loạn sự thích ứng?

Theo TS. Dương Minh Tâm, rối loạn sự thích ứng có các dấu hiệu như bệnh trầm cảm và lo âu: Mất hứng thú, mệt mỏi; mất lòng tin hoặc sự tự trọng; cảm thấy tội lỗi và tự hủy hoại hoặc tự sát … Bên cạnh đó còn có các biểu hiện như hồi hộp, vã mồ hôi, run, khô miệng, khó thở, đau và khó chịu ở ngực, buồn nôn và khó chịu ở bụng; giật mình, khó tập trung hoặc “đầu óc trở nên trống rỗng”, cáu kỉnh dai dẳng.

Trẻ bị rối loạn sự thích ứng thường xuyên cáu giận trầm trọng, hay cãi người lớn; cố tình làm những việc gây khó chịu cho người khác; đổ lỗi cho người khác; có thái độ ác ý và hận thù, nói dối, không giữ lời hứa, tránh né nghĩa vụ,…Một số ít có nguy cơ tự sát

Tuy nhiên, TS. Tâm lưu ý: Nếu không xác định đúng nguyên nhân rối loạn sự thích ứng, việc điều trị sẽ không có kết quả.

TS. Dương Minh Tâm tư vấn cho người nhà bệnh nhân bị rối loạn sự thích ứng về liệu pháp điều trị

Trao đổi với VietTimes về việc làm cách nào để xác định được bệnh trầm cảm với rối loạn sự thích ứng khi cả 2 có những dấu hiệu giống nhau, TS. Dương Minh Tâm nhấn mạnh: Rối loạn sự thích ứng là bệnh nhân có lý do để buồn chán, tội lỗi, còn trầm cảm thì không có lý do gì, bệnh nhân vẫn thấy u buồn, đau khổ và tội lỗi.

TS. Dương Minh Tâm cho biết: Đa số người bị rối loạn sự thích ứng cần phải điều trị, gồm liệu pháp tâm lý, hóa dược hoặc cả hai. Tuy nhiên, tâm lý trị liệu vẫn là phương pháp điều trị chính:

Nguyên tắc 5 chữ R giúp giảm stress:

Recognition: xác định nguyên nhân, nguồn gốc của stress, giáo dục và nâng cao nhận thức.

Relationships: Tìm kiếm sự giúp đỡ, hỗ trợ, trấn an

Removal: Loại bỏ các yếu tố gây stress và các yếu tố kích thích

Relaxation: Thư giãn thông qua các kỹ thuật như thiền, xoa bóp, tập thở..

Re-engagement: Tái tương tác thông qua tái tiếp xúc có quản lý và giải mẫn cảm.

Thanh Hằng

Nguồn VietTimes: https://viettimes.vn/thua-lo-do-lan-dot-bien-dan-den-roi-loan-tam-than-mot-can-bo-cong-an-2-lan-tu-tu-post172391.html