Thú vui từ đá cảnh

Những viên đá có niên đại hàng triệu năm tuổi trên khắp mọi miền đất nước được anh Lê Nguyễn Ngọc Hà mang về Tâm Hội Quán (ấp Tấn Long, xã Thanh Phú, huyện Bến Lức, tỉnh Long An). Tại đây, người chơi vừa thưởng lãm nghệ thuật, vừa được học mô hình kinh tế nông thôn mới.

Một tác phẩm đoạt giải Nhất tại Hội thi sinh vật cảnh

Thú vui tao nhã

Nghệ thuật chơi đá cảnh xuất phát từ Trung Hoa khoảng 1.000 năm trước, sau đó truyền sang Nhật Bản. Với sự tinh tế của mình, người Nhật đã nâng loại hình nghệ thuật này lên một tầm cao mới.

Đá cảnh tự nhiên hay còn gọi là đá cảnh Suiseki (Sui là nước, seki là đá), là loại đá giữ nguyên đường nét vốn có do tự nhiên tạo ra, không có sự can thiệp của bàn tay con người. Tuy nhiên, mỗi đất nước có thủy thổ khác nhau; quá trình phong hóa, xâm thực cũng không giống nhau, do đó, mỗi viên đá cảnh tự nhiên mang trong mình một chất riêng.

Những viên đá đẹp sau khi nhặt được từ vùng sông, suối, núi,... được đặt lên một chân đế gỗ (Daiza). Anh Hà cho biết: “Quá trình này phải thực hiện cẩn thận bởi một viên đá bị mẻ, vỡ góc cạnh thì giá trị của nó giảm đi rất nhiều. Người chơi dù có dùng máy mài, giũa cỡ nào nhưng dân trong nghề nhìn là biết ngay”.

Một viên đá bị mài mòn trên núi gọi là khan thạch, bị mài mòn bởi nước gọi là thủy thạch. Những tác động từ tự nhiên tạo ra 4 loại đá: Phong cảnh, hình tượng, trừu tượng và hoa văn. Một viên đá nếu 6 mặt của nó đều chơi được (lục diện pháp) thì giá trị càng cao.

Với những người thưởng đá thì mỗi viên đá đều có thạch ý, thạch chất, thạch vị chứ không phải là vật vô tri.

Viên đá được đặt tên “Cá chép hóa rồng”

Để “giao cảm” được với đá, người chơi phải dùng tâm cảm nhận. Việc thưởng thức các tác phẩm từ đá là cách "chữa lành" tuyệt vời! Lúc nhìn sâu vào đá, người chơi có thể mường tượng ra cảnh núi non hùng vĩ, biển rộng sông dài. Từ đó, con người có sự gắn kết với tự nhiên.

Nơi kết nối những người có cùng đam mê

Hơn 40 năm trải qua nhiều nghề, anh Hà “bén duyên” với nghề làm hòn non bộ, bonsai rồi đá cảnh. Trong quá trình ấy, anh luôn tâm niệm phải làm điều gì đó cho cộng đồng. 20 mét ngang mặt tiền đối diện Trường THPT Nguyễn Trung Trực-Bến Lức (huyện Bến Lức) là mặt bằng khá đẹp để mở nhiều loại hình kinh doanh nhắm vào đối tượng học sinh nhưng anh lại chọn mở câu lạc bộ (CLB) nghiêng về nghệ thuật, chỉ có một quầy nước nhỏ làm phương tiện giao lưu.

Tuy nhiên, anh lại rơi vào trường hợp “bất chiến tự nhiên thành”. Cái được của anh là nhiều em học sinh thích thú với loại hình nghệ thuật này. Đến với CLB, anh hay khuyến khích em nào thi được 10 điểm thì anh tặng một ly nước tùy chọn nhằm tạo động lực cho các em.

Có trường hợp cá biệt ăn chơi lêu lổng nhưng khi tham gia CLB, nghe lời anh khuyên đã bỏ hết tật xấu và xem CLB là "ngôi nhà" thứ hai của mình.

Anh Bùi Quốc Việt (xã Thạnh Đức, huyện Bến Lức) là “khách mối” của CLB. Anh Việt chia sẻ: “Đây là nơi mà tôi được kết nối với những người cùng sở thích, được thỏa chí đam mê, được tu dưỡng, rèn luyện bản thân. Khi thấy những em nhỏ trở nên ngoan hơn, tôi cũng lấy làm vui”.

Anh Lê Nguyễn Ngọc Hà (xã Thanh Phú, huyện Bến Lức) kiểm tra chất lượng đá

Theo anh Hà, phong trào chơi đá cảnh trong tỉnh đã xuất hiện từ lâu nhưng chưa được nhiều người biết đến cũng như chưa tạo sự gắn kết giữa những người chơi với nhau.

Đây là một nghề khá thú vị, nhiều người dân khu vực Lâm Đồng, Nha Trang, Đà Nẵng,... sống được bằng nghề đá. Họ chỉ việc đi nhặt “lộc trời” rồi bán lại cho các nghệ nhân. Mỗi viên đá có thể có giá trị từ vài trăm ngàn đến hàng chục triệu đồng.

Hiện tại, anh Hà chia sẻ niềm đam mê với những người quan tâm mà chưa bao giờ sợ bị “giành mối”. Anh Hà bộc bạch: “Tôi mong muốn được mở lớp dạy nghề đá cảnh, bonsai cho những ai cần, nhất là giới trẻ. Chỉ cần thấy họ có việc làm, lo được cho bản thân và gia đình là tôi vui rồi!”./.

Châu Thanh

Nguồn Long An: https://baolongan.vn/thu-vui-tu-da-canh-a174555.html