Thú vị nghề hoạt náo viên

Điều đầu tiên mọi người nghĩ đến hoạt náo viên, đó là những cô gái nhảy múa trong trang phục sặc sỡ, thiếu vải với những chiếc pompoms (quả cầu bằng len, lụa) trong tay, là trò giải trí cho người hâm mộ tại các trận đấu khúc côn cầu và bóng rổ. Ít ai biết được rằng hoạt náo viên là một môn thể thao độc lập được Ủy ban Olympic Quốc tế (IOC) công nhận.

Đó là sự kết hợp vũ đạo, thể dục dụng cụ và nhào lộn - một hoạt động khó, có yêu cầu lớn về thể lực và tinh thần, không chỉ thu hút phụ nữ. Vậy, những ai đã phát kiến ra loại hình này, tại sao hoạt náo viên lại được yêu thích trên toàn thế giới? Vì sao từ việc biểu diễn, nó trở thành một môn thể thao nghiêm túc và vượt qua các định kiến xung quanh hoạt động này?

Đội cổ vũ tại trường Đại học Wisconsin-Madison Mỹ, năm 1948

Hoạt náo viên tại Mỹ

Thật khó tin, nhưng không ít người có tầm ảnh hưởng ở Mỹ đã tham gia phong trào này khi còn trẻ. Đó là Tổng thống Franklin Roosevelt và George Bush và Dwight Eisenhower, các nghệ sĩ nổi tiếng Madonna, Tom Cruise, Cameron Diaz, Jenifer Lawrence, Megan Fox, Christina Aguilera... Tất cả họ đều ở trong các nhóm hỗ trợ thể thao tại trường trung học hoặc đại học của mình, họ nhảy múa với những pompom, vừa hò hét, vừa thực hiện nhiều động tác và kỹ xảo khác nhau.

Vào những năm 1870, bóng đá bắt đầu được phát triển ở Mỹ, chủ yếu là trong giới sinh viên. Ngày càng có nhiều người muốn xem các trận đấu. Vì thế mà các sân vận động được xây dựng để tổ chức các giải đấu. Điểm bất lợi ở các đấu trường là khán đài nằm xa sân đấu. Bầu không khí khán phòng đã biến mất, các đội và các cổ động viên không cảm thấy gắn kết. Để phần nào khắc phục tình trạng trên, ban tổ chức giải đấu quyết định xếp những người đặc biệt dọc theo mép sân có tác dụng kích hoạt đám đông và giúp giữ tâm trạng suốt trận đấu. Trên thực tế, đây là sự khởi đầu của hoạt động cổ vũ.

Năm 1898 chính thức được coi là năm khai sinh của hoạt náo viên, khi các phong trào được thêm vào các bài hát. Người cổ vũ đầu tiên là sinh viên y khoa Johnny Campbell của Đại học Minnesota, người đã nảy ra ý tưởng tổ chức một đội cổ vũ thường trực tại các trận đấu. Trong phần biểu diễn, anh là người đầu tiên thực hiện yếu tố nhào lộn: Nhảy qua đầu đồng đội. Hoạt động cổ vũ bắt đầu lan nhanh sang các bang khác. Hầu hết các trường đại học đều có đội cổ vũ. Tuy vậy, chỉ có nam giới tham gia vào đó cho đến năm 1920. Phụ nữ bị cấm thực hiện bất kỳ thủ thuật nào, vì vậy họ không được đưa vào nhóm cổ vũ. Sau này, phụ nữ đã được nhận, mặc dù họ vẫn chưa học nhào lộn.

Madona (giữa) trong đội cổ vũ

Mọi thứ thay đổi đáng kể chỉ sau Thế chiến II, khi số lượng nam giới giảm mạnh. Lúc ấy, hoạt náo viên chủ yếu lại là phụ nữ. Trong hai thập kỷ tiếp theo, hoạt náo viên dần trông giống như hiện nay: các cô gái mặc váy ngắn hơn và bắt đầu trang điểm đậm.

Tranh cãi dữ dội nổ ra xung quanh hoạt động cổ vũ vào đầu những năm 1970: Các nhà nữ quyền thuộc làn sóng thứ hai tuyên bố rằng phong trào này làm giảm giá trị năng lực thể chất, tăng sự khêu gợi của các cô gái và người xem chỉ chú ý đến ngoại hình của họ. Xét đến cùng, các trận đấu thể thao có các cô gái của nhóm cổ vũ, khán giả hầu hết lại là nam giới. Việc tuyển chọn hoạt náo viên lúc đó rất khắt khe bởi họ chỉ chọn các cô là người mẫu, trang phục ngày càng trở nên táo bạo hơn. Một cuộc đấu tranh diễn ra chống lại sự phản đối các hoạt náo viên đã dẫn đến sự cổ vũ cực đoan - một phong trào cởi mở kết hợp các yếu tố của hoạt động chính trị hòa bình, vũ đạo và sân khấu.

Theo quan điểm của hầu hết mọi người, hoạt náo viên là những cô gái mặc váy ngắn và tay cầm quả cầu lụa, biểu diễn trong giờ nghỉ của các trận đấu bóng rổ, khúc côn cầu và các môn thể thao khác. Trong việc hoạt náo, có một khuynh hướng thực sự tồn tại là vũ đạo. Thực tế là có các nhóm hỗ trợ chính thức tại hầu hết các câu lạc bộ lớn và hoạt động của các hoạt náo viên không giới hạn ở thời gian tạm nghỉ giữa cuộc đấu. Các cô gái còn tham gia những buổi chụp ảnh và các sự kiện từ thiện, duy trì mạng xã hội để quảng bá đội, phát biểu tại các hội nghị và được tổ chức huấn luyện tại các trường học.

Theo lẽ thường, các hoạt náo viên được nhận tiền thù lao. Số tiền phụ thuộc rất nhiều vào môn thể thao, cấp độ giải đấu và các nhà tài trợ. Ví dụ, trong giải bóng bầu dục quốc gia Mỹ, một giải vô địch được chi hầu bao khá, các hoạt náo viên kiếm được từ 200-400 USD mỗi trận.

Tuy nhiên, có một khía cạnh khác của hoạt động hoạt náo là sự cạnh tranh. Đây là một môn thể thao độc lập, bắt đầu phát triển mạnh vào những năm 1950-1960 tại Mỹ. Trại huấn luyện đầu tiên cho các hoạt náo viên được tổ chức vào năm 1949. Lawrence Herkimer đã dẫn đầu một khóa đào tạo tại Trường Cao đẳng Sư phạm Texas với sự tham gia của 52 vận động viên. Người Mỹ cũng nhận được bằng sáng chế về pompoms, thành lập Hiệp hội Cổ vũ quốc gia và đưa ra một trong những yếu tố vũ đạo. Sau đó, vào năm 1974, Jeff Webb lập ra một tổ chức thậm chí còn lớn hơn để chuẩn bị cho các vận động viên - đó là Hiệp hội Cổ vũ phổ thông (UCA).

Khi hoạt động của hoạt náo viên lan rộng khắp thế giới, nhiều tổ chức khác nhau bắt đầu xuất hiện. Năm 1995, phong trào cổ vũ ở châu Âu do Hiệp hội Cổ vũ châu Âu (ECA) đứng đầu. Cùng năm đó, ở Stugrart, Hiệp hội đã tổ chức giải vô địch đầu tiên của châu lục. Đến năm 2001, Liên đoàn Cổ vũ quốc tế (IFC) được thành lập.

Đồng thời, với tư cách là nước sáng lập thể thao và không muốn mất vị trí lãnh đạo thế giới, Mỹ đã lập nên một tổ chức cạnh tranh - Liên minh Cổ vũ quốc tế (ICU), được Hiệp hội Các liên đoàn thể thao quốc tế toàn cầu công nhận và trở thành một thành phần chính của môn thể thao này. Đến năm 2021, ICU lại được Ủy ban Olympic Quốc tế công nhận đầy đủ về hoạt động cổ vũ. Tuy nhiên, điều đó không có nghĩa là hoạt náo viên sẽ được đưa vào Thế vận hội. Sự tham gia của các hoạt náo viên trong Thế vận hội phải được xem xét riêng.

Tại Nga

Ở Nga, hoạt náo viên xuất hiện cách đây chưa lâu, vào giữa những năm 1990. Năm 1995, đội cổ vũ đầu tiên được thành lập tại một giải đấu dành cho trẻ em. Các câu lạc bộ cổ vũ bắt đầu được thành lập trên nền tảng các phần thi vũ đạo và nhào lộn. Để tổ chức các cuộc thi toàn Nga, Liên đoàn Cổ vũ là các nhóm hỗ trợ cho các đội thể thao được tạo lập và được Hiệp hội châu Âu và IFC công nhận. Điều kỳ lạ là tổ chức này chỉ được công nhận ở Nga vào năm 2008. Song điều này đã mở ra triển vọng tham dự giải vô địch thế giới và châu Âu cho các vận động viên trong nước.

Đội tuyển Nga tại giải Vô địch Thế giới năm 2017

Bản thân tổ chức hoạt náo viên để thi đấu không hề đơn giản. Ví dụ, ở cấp độ quốc tế, Nga không được đại diện bởi một đội tuyển quốc gia theo nghĩa thông thường, mà bởi những đội đến từ các khu vực khác nhau. Để đến được giải Vô địch châu Âu, đội tuyển phải giành vị trí nhất hoặc nhì ở giải vô địch quốc gia. Về phía mình, đội nào có thành tích tốt hơn ở giải vô địch châu lục sẽ được dự World Cup.

Các quốc gia dẫn đầu thế giới về hoạt náo viên là Mỹ và Nhật Bản. Rất khó để các đội Nga có thể cạnh tranh với các quốc gia này, nhưng họ đã tiến đến gần bục vinh quang. Thành công lớn nhất đối với Nga là trở thành đội vô địch World Cup năm 2021. Đội đã giành được 2 huy chương đồng ở thể loại jazz và hip-hop. Đội tuyển Mỹ đứng đầu tại Giải vô địch cổ vũ thế giới vào năm 2018.

Dữ liệu gần đây nhất có sẵn từ năm 2012 cho thấy rằng có khoảng 97% phụ nữ tham gia cuộc thi cổ vũ thế giới. Tuy nhiên, nếu nói về hoạt động cổ vũ của các trường đại học thì gần một nửa trong số người tham gia là nam giới.

Trang phục của hoạt náo viên là vấn đề quan trọng. Các quy tắc chính của môn thể thao cổ vũ nêu rõ: Trang phục và trang điểm không được thô thiển hoặc quá khích và phải phù hợp với khán giả ở mọi lứa tuổi và phù hợp độ tuổi của vận động viên. Vi phạm quy tắc này sẽ bị giảm điểm. Ngoài ra, trang phục cổ vũ thường kín đáo hơn nhiều so với một số môn thể thao khác, chẳng hạn như đồng phục bơi lội.

Nỗi khổ của nghề

Được biết, hoạt động cổ vũ vẫn có thể gây ra chấn thương nghiêm trọng. Năm 2006, tại một trận đấu bóng rổ giữa Đại học Nam Illinois và Bradley, hoạt náo viên tên là Christy Yamaoka đã ngã khỏi tháp diễn và bị gãy xương sống, chấn thương và giập phổi. Vụ việc gây ra tiếng vang rộng rãi: Hiệp hội Thể thao đại học quốc gia thậm chí đưa ra khuyến cáo là các tháp diễn có chiều cao từ 2,5 bậc trở lên sẽ bị cấm cho đến cuối mùa giải. Và, Ủy ban Quy tắc của Hiệp hội Cố vấn và Huấn luyện viên cổ vũ Mỹ đã đưa lệnh cấm trở thành bắt buộc.

Thực tế là hoạt động cổ vũ thi đấu vẫn ít được các nhà tài trợ quan tâm, một trong những lý do là ở cấp độ chính thức nó không được chú ý. Vấn đề chính của hoạt náo viên cạnh tranh thời nay là thiếu tài chính. Ngay cả tại Giải vô địch thế giới cũng không có quỹ giải thưởng.

Nghe có vẻ lạ, nhưng ngay cả những ai theo đuổi nghề này cũng do sự nhiệt tình thuần túy. Theo các vận động viên, một cuộc thi toàn Nga được tổ chức hằng năm và bạn có thể nhận được giải thưởng tiền mặt. Nó thường được chi cho vài bộ trang phục hoặc là tiền đặt cọc cho giải đấu tiếp theo.

Bà Ilona Melkonyan, đại diện của đội vũ đạo Neo-dance chia sẻ: “Hoạt náo viên là những người sáng tạo những người làm việc vì ý tưởng. Chúng tôi không nhận được bất cứ vật chất nào cho việc này nhưng chúng tôi có được cảm xúc và niềm vui, điều này là đáng giá”.

Các vận động viên nhìn về tương lai với sự lạc quan. Họ vẫn tin rằng sự phát triển của thể thao sẽ khiến nghề hoạt náo viên được phổ biến, đặc biệt về mặt kỹ xảo nó sẽ không dừng lại.

Hải Yến (Tổng hợp)

Nguồn ANTG: https://antg.cand.com.vn/kinh-te-van-hoa-the-thao/thu-vi-nghe-hoat-nao-vien-i668146/