Thủ tướng: Sớm có giải pháp đột phá tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp

Thủ tướng Phạm Minh Chính nêu rõ, trong bối cảnh hiện nay, cần đặc biệt quan tâm, sớm có những giải pháp mới, có tính đột phá để tạo điều kiện thuận lợi, tiết giảm chi phí cho các doanh nghiệp. Các bộ, ngành, địa phương cần chủ động giải quyết kịp thời những vướng mắc mà các nhà đầu tư kiến nghị với trách nhiệm cao nhất, kịp thời nhất, hiệu quả nhất.

Ngày 22/4, tại trụ sở Chính phủ, Thủ tướng Phạm Minh Chính chủ trì Hội nghị gặp mặt các nhà đầu tư nước ngoài. Hội nghị được kết nối trực tuyến tới 63 điểm cầu tại các tỉnh, thành phố với sự tham dự của lãnh đạo UBND các tỉnh cùng các sở, ngành liên quan; 37 điểm cầu doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài tại Việt Nam.

Nhà đầu tư nước ngoài kiến nghị gì?

Phát biểu tại Hội nghị, Thủ tướng Phạm Minh Chính nêu rõ, Chính phủ Việt Nam mong muốn được lắng nghe, chia sẻ và thấu hiếu, đồng hành cùng các nhà đầu tư nước ngoài. Đảng, Nhà nước Việt Nam luôn đặc biệt quan tâm và xác định rõ, khu vực kinh tế có vốn đầu tư nước ngoài (khu vực FDI) là một bộ phận cấu thành quan trọng của nền kinh tế Việt Nam, được khuyến khích, tạo điều kiện phát triển lâu dài, hợp tác và cạnh tranh lành mạnh, bình đẳng với các khu vực kinh tế khác.

Thủ tướng đánh giá cao sự quyết tâm, nghiêm túc và hiệu quả của các doanh nghiệp, nhà đầu tư nước ngoài trong quá trình hoạt động đầu tư kinh doanh tại Việt Nam thời gian qua trên tinh thần tin cậy, chân thành, chia sẻ, trách nhiệm, lắng nghe, thấu hiểu và đồng hành.

Thủ tướng Phạm Minh Chính nhấn mạnh, Việt Nam chủ trương thu hút, hợp tác đầu tư có chọn lọc, lấy chất lượng, hiệu quả, công nghệ và bảo vệ môi trường là tiêu chí đánh giá chủ yếu. Ảnh: VGP

Theo báo cáo của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, trong 3 tháng đầu năm 2023, Việt Nam vẫn duy trì đà phát triển, đạt được những kết quả quan trọng. Vì thế, vị trí của Việt Nam trên các bảng xếp hạng đã có những bước tiến bộ đáng kể. Nhiều tổ chức uy tín quốc tế đánh giá cao kết quả và triển vọng phát triển kinh tế, nâng hạng tín nhiệm và dự báo tích cực tăng trưởng GDP của Việt Nam năm 2023 ở mức khoảng từ 6,3-7,0%.

Cũng tại Hội nghị, các hiệp hội doanh nghiệp nước ngoài tại Việt Nam đã đưa ra những nhận định về xu hướng dòng vốn đầu tư trên thế giới cũng như nhiều đánh giá tích cực về môi trường đầu tư kinh doanh tại Việt Nam.

Cụ thể, theo kết quả Khảo sát năm 2022 do Tổ chức xúc tiến thương mại Nhật Bản (JETRO) thực hiện với các doanh nghiệp Nhật Bản tại Việt Nam, có đến 60% doanh nghiệp sẽ mở rộng kinh doanh tại Việt Nam trong 1-2 năm tới, cao nhất trong khối ASEAN; Việt Nam có lợi thế về tiềm năng tăng trưởng cao, doanh nghiệp có thể tăng doanh thu nhờ mở rộng thị trường, tăng xuất khẩu; 56,5% doanh nghiệp sẽ xem xét thúc đẩy mức độ thu mua nội địa hóa tại Việt Nam cao hơn…

Trong khi đó, kết quả khảo sát tháng 1/2023 về môi trường kinh doanh của Hiệp hội doanh nghiệp châu Âu tại Việt Nam (EuroCham), Việt Nam được đánh giá thuộc top 5 điểm đến đầu tư toàn cầu. Vừa qua, trong Báo cáo Hạnh phúc thế giới, Việt Nam đã tăng 12 bậc, đứng thứ 65/137 quốc gia…

Tuy nhiên, các doanh nghiệp nước ngoài cũng nhận diện nhiều thách thức, từ đó đưa ra những kiến nghị và nêu giải pháp nhằm tận dụng cơ hội để đầu tư và mở rộng đầu tư trong một số lĩnh vực tại Việt Nam.

Nổi cộm là các kiến nghị liên quan đến thủ tục hành chính cần nhanh chóng hơn, có biện pháp rõ khi áp dụng chính sách thuế tối thiểu toàn cầu, cần đưa ra các quy chuẩn trong phòng cháy chữa cháy, thuế tiêu thụ đặc biệt...

Ông Michael Michalak, phó chủ tịch cấp cao, giám đốc điều hành khu vực ASEAN, Hội đồng Kinh doanh Hoa Kỳ - ASEAN (USABC) kiến nghị: Việt Nam đơn giản hóa và rút ngắn thời gian xem xét, phê duyệt các dự án điện; cần ưu tiên phê duyệt sớm những dự án đã hoàn thành các thủ tục cần thiết; cần sớm ban hành Quy hoạch điện VIII. Việt Nam đang thu hút được ngày càng nhiều nhà đầu tư chất lượng cao và nhiều trong số họ đã cam kết thực hiện lộ trình trung hòa carbon nên cần được tiếp cận năng lượng tái tạo sớm. Đề nghị Chính phủ sớm phê duyệt kế hoạch thí điểm thực hiện cơ chế bán điện trực tiếp từ nhà sản xuất điện đến hộ tiêu thụ công nghiệp (DPPA).

Nhiều giải pháp hỗ trợ doanh nghiệp

Phát biểu kết luận Hội nghị, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính nêu rõ một số vấn đề nổi lên gồm: Phản ứng chính sách; giải quyết thủ tục hành chính; phê duyệt dự án; tháo gỡ khó khăn về pháp lý; đề xuất sửa đổi cơ chế, chính sách hỗ trợ doanh nghiệp trong lúc khó khăn là chưa kịp thời, linh hoạt, chưa mang lại hiệu quả cao.

Vì thế, Thủ tướng đề nghị các bộ, ngành, địa phương căn cứ chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và tinh thần trách nhiệm cá nhân của người đứng đầu, vì nước, vì dân, vì sự phát triển của doanh nghiệp, chủ động giải quyết kịp thời những vướng mắc mà các nhà đầu tư kiến nghị với trách nhiệm cao nhất, kịp thời, hiệu quả nhất, Chính phủ sẽ có cơ chế và kế hoạch kiểm tra các bộ, ngành, địa phương thực hiện chỉ đạo này.

Bên cạnh đó, Thủ tướng cho biết, Chính phủ đã và đang chỉ đạo khẩn trương rà soát, có các giải pháp, hỗ trợ khác ngoài thuế trên cơ sở không trái với các quy định và cam kết quốc tế, hài hòa lợi ích giữa các bên, bảo đảm bình đẳng giữa các doanh nghiệp.

Các hỗ trợ có thể là: hỗ trợ liên quan đến đất đai, chi phí nghiên cứu khoa học và công nghệ; cải cách thủ tục hành chính, phát triển nhà ở xã hội, nhà ở cho công nhân; đào tạo nguồn nhân lực; phát triển hạ tầng…

Đồng thời, tập trung rà soát, hoàn thiện thể chế, quy định và xây dựng lộ trình áp dụng thuế tối thiểu toàn cầu trên cơ sở tham khảo kinh nghiệm quốc tế và áp dụng phù hợp với Việt Nam trình cấp có thẩm quyền phê duyệt.

Về vấn đề áp dụng thuế tối thiểu toàn cầu, theo Thủ tướng, Việt Nam luôn đề cao việc tuân thủ luật pháp và chủ động, tích cực tham gia các cam kết chung của quốc tế, trong đó có các cam kết về thuế tối thiểu toàn cầu của OECD. Vì thế, Chính phủ đã và đang chỉ đạo khẩn trương rà soát, có các giải pháp thu hút đầu tư, hỗ trợ khác ngoài thuế trên cơ sở không trái với các quy định và cam kết quốc tế, hài hòa lợi ích giữa các bên, bảo đảm ứng xử bình đẳng giữa các doanh nghiệp để khuyến khích các nhà đầu tư hiện hữu và các nhà đầu tư mới.

Đồng thời, các cơ quan chức năng cũng đang tập trung rà soát, hoàn thiện thể chế, quy định và xây dựng lộ trình áp dụng thuế tối thiểu toàn cầu trên cơ sở tham khảo kinh nghiệm quốc tế và áp dụng phù hợp với Việt Nam trình cấp có thẩm quyền phê duyệt.

Về những vấn đề khác, Thủ tướng cho biết, Chính phủ đang trình Quốc hội xử lý các vấn đề liên quan thị thực. Các cơ quan đang tiếp tục xử lý các vấn đề liên quan tới phòng cháy chữa cháy (Bộ Công an, Bộ Xây dựng và các Bộ ngành liên quan), thuốc, vật tư y tế (Bộ Y tế), năng lượng (Quy hoạch điện VIII, điện gió, điện mặt trời, điện áp mái, thí điểm cơ chế mua bán điện trực tiếp)…

Về định hướng thu hút đầu tư, Thủ tướng Phạm Minh Chính nhấn mạnh, Việt Nam chủ trương thu hút, hợp tác đầu tư có chọn lọc, lấy chất lượng, hiệu quả, công nghệ và bảo vệ môi trường là tiêu chí đánh giá chủ yếu. Trong đó, ưu tiên thu hút các dự án trên 3 phương diện: Thuộc lĩnh vực công nghệ cao, đổi mới sáng tạo, nghiên cứu phát triển; tạo thuận lợi cho các doanh nghiệp Việt Nam tham gia vào chuỗi giá trị; thúc đẩy kinh tế số, kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn và đóng góp tích cực vào sự phát triển bền vững.

"Thành công của các nhà đầu tư cũng là thành công của Việt Nam. Việt Nam luôn chào đón và tạo điều kiện thuận lợi cho các nhà đầu tư cùng thắng, cùng Việt Nam phát triển”, Thủ tướng nhấn mạnh.

Có thêm gần 4 tỷ USD vốn FDI cam kết từ 3 nhà đầu tư

Tại Hội nghị, trên cơ sở sự chỉ đạo và đồng hành của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, đã có 3 tập đoàn trao đổi kế hoạch đầu tư mới và mở rộng đầu tư tại Việt Nam trong năm nay, với tổng vốn đầu tư 3,7 tỷ USD.

Trong đó, dự án sản xuất xanh sử dụng năng lượng tái tạo trị giá đầu tư gần 1,5 tỷ USD của nhà đầu tư Đức, dự án sản xuất trang thiết bị y tế 600 triệu USD của nhà đầu tư Nhật Bản, dự án sản xuất công nghiệp nặng và logistics trị giá 1,6 tỷ USD của nhà đầu tư Hàn Quốc.

Thanh Hoa

Nguồn Vnbusiness: https://vnbusiness.vn//viet-nam/thu-tuong-som-co-giai-phap-dot-pha-tao-dieu-kien-thuan-loi-cho-doanh-nghiep-1092170.html