Thủ tướng: Phát triển hệ thống đường ven biển là thế mạnh của Thái Bình

Thủ tướng nhấn mạnh việc tập trung làm đường ven biển sẽ là nguồn lực phát triển của Thái Bình. Phát triển đường ven biển vừa không tốn nhiều kinh phí mà lại gắn chặt với thế mạnh của tỉnh.

Chiều nay (8/5), Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã làm việc với Ban Thường vụ Tỉnh ủy Thái Bình.

Tại buổi làm việc với Ban Thường vụ Tỉnh ủy Thái Bình, Thủ tướng ghi nhận và đánh giá cao triển khai Nghị quyết Đại hội lần thứ XIII của Đảng của Đảng bộ, quân và dân Thái Bình; tỉnh cụ thể hóa nhanh Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XX; triển khai các Nghị quyết của Trung ương, Quốc hội, Chính phủ. Tinh thần đoàn kết, thống nhất trong nội bộ ngày càng được tăng cường; thu ngân sách tăng cao; giải ngân vốn đầu tư công tốt; chống dịch tốt; thu hút đầu tư ngày càng hiệu quả; định hướng phát triển sát điều kiện thực tế của tỉnh...

Chủ tịch UBND tỉnh Thái Bình Nguyễn Khắc Thận.

Chủ tịch UBND tỉnh Thái Bình Nguyễn Khắc Thận.

Từ đó, tỉnh góp phần thực hiện nhiệm vụ năm 2021 và đầu năm 2022, góp phần vào thành tích chung của cả nước. Thay mặt Chính phủ, Thủ tướng Phạm Minh Chính biểu dương những thành tựu mà Đảng bộ, chính quyền và nhân dân Thái Bình đạt được trong thời gian qua. Thủ tướng nêu rõ, đời sống nhân dân của tỉnh ngày càng được nâng lên; lòng tin của nhân dân vào Đảng, Nhà nước ngày càng được củng cố. Đoàn kết, thống nhất trong nội bộ ngày càng tốt hơn, quyết tâm ngày càng cao, nỗ lực ngày càng lớn; huy động được sức mạnh của cả hệ thống chính trị, của nhân dân, của doanh nghiệp, vì sự ấm no, hạnh phúc của nhân dân.

Tỉnh quyết tâm đưa Thái Bình trở thành tỉnh kiểu mẫu trong vùng đồng bằng sông Hồng. Tỉnh có dân số đông, nhưng tỉnh bảo đảm cuộc sống cho nhân dân, kể cả trong điều kiện phòng, chống dịch 2 năm qua; hạ tầng cơ sở có bước phát triển mới.

Thủ tướng cũng chỉ ra, tỉnh chưa có phát triển đột phá rõ nét. Thái Bình đã vượt qua chính mình, nhưng Thái Bình cần vượt qua chính mình hơn nữa bởi tỉnh có đủ điều kiện phát triển mạnh mẽ hơn; chúng ta phải có khát vọng, động lực hơn nữa vì con người Thái Bình thông minh, cần cù, chịu khó, có bề dày truyền thống lịch sử, văn hóa; phải tự hào với truyền thống văn hóa quê hương. Hạ tầng chiến lược nói chung gồm hạ tầng kinh tế như giao thông, chống biến đổi khí hậu, hạ tầng liên quan môi trường, y tế, giáo dục vẫn là nút thắt hiện nay. Các tỉnh chung quanh Thái Bình đang có chiến lược phát triển rất nhanh, mạnh, khai thác thế mạnh trong vùng. Chúng ta chưa khai thác hết hiệu quả trên đất và đội ngũ lao động dồi dào.

Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính

Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính

Thời gian tới, Thủ tướng mong muốn Thái Bình có sự đột phá, toàn diện, bền vững hơn nữa; thu nhập bình quân đầu người phải cao hơn nữa. Muốn vậy, tỉnh phải nhận thức là nằm ở tương đối trung tâm đồng bằng sông Hồng, có nhiều thuận lợi, có tiềm lực con người, truyền thống lịch sử văn hóa., cần khai thác tối đa. Cần triển khai Nghị quyết Đại hội lần thứ XIII của Đảng phù hợp điều kiện của tỉnh, tổ chức thực hiện tốt các Nghị quyết của Quốc hội, Chính phủ để phát triển tỉnh trong điều kiện mới.

Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Trần Hồng Hà.

Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Trần Hồng Hà.

Thủ tướng mong muốn phát huy truyền thống đoàn kết, cần cù, thông minh, chịu khó; phải tự lực, tự cường, không trông chờ, ỷ lại vào Trung ương; không thụ động; phải tích cực, chủ động hơn nữa. Đi lên từ nội lực, là con người, truyền thống, lịch sử văn hóa; coi trọng ngoại lực. Nội lực bên trong vẫn là chiến lược, quyết định và lâu dài; ngoại lực là thường xuyên.

Thủ tướng nhấn mạnh, Nông nghiệp vẫn là một trụ cột quan trọng của tỉnh vì đây là thế mạnh, phải phát huy thế mạnh này: “Tập trung phát triển kinh tế nông nghiệp, xây dựng thương hiệu lúa gạo cho Thái Bình góp phần phục vụ an ninh lương thực, xuất khẩu; đầu tư khoa học công nghệ, tăng năng suất lao động về giống, phân bón, công nghệ mới, bảo quản, chế biến sau thu hoạch, mở rộng thị trường, quy hoạch vùng nguyên liệu. Nông nghiệp phải tạo hệ sinh thái nông nghiệp, tạo năng suất lao động trong nông nghiệp, thị trường trong nông nghiệp, tạo ra sản phẩm chế biến sâu. Nông nghiệp phải có chuỗi cung ứng toàn quốc, tham gia chuỗi cung ứng toàn cầu".

Tập trung cho công tác quy hoạch, phải có tầm nhìn chiến lược, có trọng tâm, trọng điểm, phát huy thế mạnh, có tư duy đổi mới, đột phá tạo nguồn lực, động lực mới. Tầm nhìn chiến lược để tạo ra ổn định lâu dài. Quy hoạch phải đi trước một bước,, quy hoạch để khai thác tiềm năng, lợi thế khác biệt, nổi trội.

Phải tập trung cho hạ tầng chiến lược, đặc biệt là hạ tầng giao thông, trong đó là đường thủy, đường thủy nội địa, đường bộ; tăng cường kết nối với cảng Lạch Huyện, sân bay Cát Bi...; tập trung mọi nguồn lực để đầu tư đường bao biển; không đầu tư manh mún, dàn trải; làm càng sớm càng tốt góp phần mở cửa ra nước ngoài, tạo ra lối thoát cho giao lưu hàng hóa; có đường này thì khu kinh tế mới hiệu quả, tạo không gian phát triển mới, động lực mới, tạo việc làm, thu hút đầu tư.

Bí thư Tỉnh ủy Thái Bình Ngô Đông Hải.

Bí thư Tỉnh ủy Thái Bình Ngô Đông Hải.

Đây là một động lực rất quan trọng. Do đó tỉnh phải làm. Phải xác định rõ quyết tâm này, không nên trông chờ vào nguồn lực từ Trung ương. Phải tăng thu, giảm chi để tập trung đầu tư cho tuyến đường này, từ đó tạo ra giá trị, nhà đầu tư sẽ tăng cường đầu tư vào đây, sẽ có nhiều khu công nghiệp, khu đô thị... Thái Bình đất hẹp người đông, do đó Bộ Tài nguyên và Môi trường cần nghiên cứu trên bình diện cả nước nói chung chỗ nào có thể giữ, chỗ nào có thể lấn để có quy hoạch tổng thể. Nhưng Thái Bình thì thấy rõ.

Vậy nguồn lực ở đâu? Từ trí tuệ của mình vì tư duy tạo ra tiền bạc. Tập trung làm đường ven biển là tư duy, không tốn nhiều tiền mà lại gắn với thế mạnh. Tăng cường hợp tác đối tác công tư; phải tìm được các đối tác có thực lực; tăng cường lãnh đạo công, quản trị tư. Thái Bình có 2 trường đại học, do đó phải có trung tâm y tế để vừa trở thành trung tâm đào tạo, chữa bệnh. Tiếp tục nâng cao chất lượng đào tạo nguồn nhân lực.

Phải nâng cao các chỉ số năng lực cạnh tranh; phải cải cách chính mình; các sở, ngành phải thực sự cải cách, thực sự vì người dân và doanh nghiệp. Không coi thường các chỉ số này vì các nhà đầu tư thường xem xét các chỉ số này mới quyết định đầu tư vào tỉnh hay không. Tái cơ cấu kinh tế, huy động tối đa nguồn lực trong xã hội; tái cơ cấu để bền vững, hiệu quả. Trong chỉ đạo, điều hành phải tập trung, có trọng tâm, trọng điểm; phải chọn điểm đột phá, làm việc nào dứt điểm việc đó.

Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính phát biểu tại buổi làm việc,

Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính phát biểu tại buổi làm việc,

Chủ động công tác thanh tra, kiểm tra, bảo vệ môi trường. Đầu tư nguồn lực xứng đáng cho giáo dục, đào tạo. Cần xây dựng trung tâm chữa bệnh lớn ở đây. Phải tăng cường củng cố quốc phòng an ninh, an dân, an toàn; xây dựng Đảng trong sạch, vững mạnh; xây dựng bộ máy tinh gọn hiệu lực, hiệu quả; nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức...

Về các đề xuất, kiến nghị của địa phương, Thủ tướng Chính phủ cơ bản đồng ý về mặt nguyên tắc; đề nghị các bộ, ngành, đơn vị bàn bạc với tỉnh xây dựng lộ trình, chương trình giải quyết theo thầm quyền. Những vấn đề vượt thẩm quyền thì tổng hợp, đề xuất, trình Chính phủ và cấp có thẩm quyền giải quyết, trên nguyên tắc linh hoạt, hiệu quả, đảm bảo đúng pháp luật, đặt lợi ích quốc gia, dân tộc, lợi ích của người dân lên trên hết, trước hết./.

Vũ Khuyên/VOV

Nguồn VOV: https://vov.vn/chinh-tri/thu-tuong-phat-trien-he-thong-duong-ven-bien-la-the-manh-cua-thai-binh-post942389.vov