Thủ tướng Pháp bị bỏ phiếu bất tín nhiệm

Ngày 30/9, Quốc hội Pháp đã bác bỏ kiến nghị bất tín nhiệm do cánh tả đệ trình nhằm lật đổ chính phủ của Thủ tướng Élisabeth Borne. Đây cũng là lần thứ 18 bà Borne vấp phải kiến nghị tương tự kể từ khi lên nắm quyền điều hành chính phủ năm 2022.

Thủ tướng Pháp Elisabeth Borne hôm thứ Tư (27/9) lại một lần nữa kích hoạt Điều 49 khoản 3 trong Hiến pháp để thông qua Dự luật Xây dựng tài chính công mà không cần bỏ phiếu tại Quốc hội. Ngay sau khi quyết định này được công bố, các đảng cánh tả đã tỏ ra phẫn nộ và đệ đơn kiến nghị bất tín nhiệm đối với chính phủ của bà Borne.

Cuộc bỏ phiếu bất tín nhiệm, được tiến hành trong đêm thứ Sáu rạng sáng thứ Bảy (30/9), đã bị bác bỏ với số phiếu áp đảo, chỉ có 193 phiếu ủng hộ bất tín nhiệm trong tổng số 577 nghị sĩ Hạ viện.

Từ khi lên nắm quyền, bà Borne cũng liên tục sử dụng Điều 49 khoản 3 trong Hiến pháp để thông qua một loạt dự luật. Ảnh: Le Monde

Bà Yaël Braun-Pivet, Chủ tịch Hạ viện Pháp nhấn mạnh: “Số phiếu cần thiết để thông qua cuộc bỏ phiếu bất tín nhiệm là 289. Số phiếu ủng hộ thực tế là 193 phiếu. Như vậy kết quả này chưa đạt được đa số và kiến nghị bất tín nhiệm bị bác bỏ. Do đó, Dự luật Xây dựng tài chính công cho năm 2023-2027 sẽ được thông qua”.

Kết quả này cũng không hề bất ngờ cho lần kiến nghị bất tín nhiệm lần thứ 18. Tuy nhiên, các chuyên gia lo ngại chính phủ của Thủ tướng Pháp sẽ tiếp tục vấp phải làn sóng kiến nghị bất tín nhiệm khi cố gắng áp dụng Điều 49 khoản 3 trong Hiến pháp để thông qua Dự luật ngân sách mới cho năm 2024 dự kiến được trình lên Quốc hội vào tháng 10 tới.

Trước đó cùng kỳ năm 2022, Thủ tướng Pháp đã làm điều tương tự để có thể thông qua dự luật ngân sách của năm 2023. Điều này sau đó đã gây nên sự phản đối trong Quốc hội Pháp. Bà Élisabeth Borne cũng xác nhận trên truyền thông vào đầu tháng 9 rằng chắc chắn sẽ sử dụng công cụ Hiến pháp này vào mùa thu tới với lý do đất nước cần ngân sách.

Từ khi lên nắm quyền, bà Borne cũng liên tục sử dụng Điều 49 khoản 3 trong Hiến pháp để thông qua một loạt dự luật, trong đó có Dự luật cải cách hưu trí đã gây nên hàng loạt cuộc biểu tình làm tê liệt nước Pháp hồi tháng 4 vừa qua.

Dự kiến sắp tới, ngoài các dự luật liên quan đến ngân sách và tài khóa năm 2024, Thủ tướng Pháp cũng phải trình lên Quốc hội dự luật về nhập cư. Dự luật này hiện đang vấp phải sự phản đổi của đảng Cộng Hòa. Người phát ngôn của đảng Cộng Hòa cho biết đã sẵn sàng đệ đơn bỏ phiếu bất tín nhiệm với chính phủ của bà Borne nếu mọi thứ trở nên “mất kiểm soát”.

Anh Tuấn/VOV-Paris

Nguồn VOV: https://vov.vn/the-gioi/thu-tuong-phap-bi-bo-phieu-bat-tin-nhiem-post1049451.vov