Thủ tướng Phạm Minh Chính: Xây dựng lương cán bộ, công chức tiệm cận khu vực doanh nghiệp

Sáng 8-11, trả lời chất vấn các đại biểu Quốc hội, Thủ tướng Phạm Minh Chính nêu rõ, hiện nay, chúng ta đã tiết kiệm các nguồn, đã dành được 560.000 tỷ đồng để chi cho cải cách tiền lương, từ ngày 1-7-2024 đến hết năm 2026.

Đã đủ nguồn trả tăng lương đến hết năm 2026

Tham gia chất vấn Thủ tướng Phạm Minh Chính, đại biểu Văn Thị Bạch Tuyết (đoàn TP Hồ Chí Minh) đề nghị Thủ tướng cho biết việc triển khai cải cách chính sách tiền lương và hoàn thiện các chính sách có liên quan để bảo đảm tính đồng bộ trong cải cách chính sách tiền lương.

Trả lời câu hỏi của đại biểu Văn Thị Bạch Tuyết, Thủ tướng Phạm Minh Chính cho biết, tiền lương là vấn đề luôn được Đảng, Nhà nước quan tâm vì đây vừa là công cụ tái tạo sức lao động, vừa là động lực cho cán bộ, công chức, người lao động tham gia vào việc phát triển kinh tế - xã hội của đất nước.

Tuy nhiên, vừa qua do bối cảnh khó khăn, trong đó có dịch Covid-19 nên chúng ta chưa thực hiện được. Hiện nay, chúng ta đã tiết kiệm các nguồn, đã dành được 560.000 tỷ đồng để chi cho cải cách tiền lương, từ ngày 1-7-2024 đến hết năm 2026.

Song song với cải cách tiền lương trong khu vực nhà nước, cũng sẽ cải cách tiền lương ngoài khu vực nhà nước để tiệm cận với nhau. Cùng với đó là hoàn thiện vị trí việc làm; tinh giản biên chế; tiết kiệm các khoản chi… để bảo đảm nguồn chi lương.

Như vậy, chúng ta sẽ vừa cải cách tiền lương trong khu vực nhà nước, vừa cải cách tiền lương ngoài khu vực nhà nước để 2 khu vực này tiệm cận với nhau.

 Thủ tướng Phạm Minh Chính trả lời chất vấn các đại biểu.

Thủ tướng Phạm Minh Chính trả lời chất vấn các đại biểu.

Thủ tướng Phạm Minh Chính cũng nhấn mạnh, Chính phủ đã có chương trình, kế hoạch để thực hiện chuyển đổi số quốc gia, vì đó là xu thế mà Việt Nam không thể đứng ngoài. Chính phủ đã chuẩn bị, triển khai đồng bộ các giải pháp, từ hạ tầng, nhân lực, nguồn lực để phát triển kinh tế số và xã hội số.

Ba vấn đề quan trọng nhất trong thời gian tới của Chính phủ

Tại phiên chất vấn, đại biểu Mai Thị Phương Hoa (đoàn Nam Định) khẳng định: Ngay từ những ngày đầu nhận nhiệm vụ, Chính phủ và Thủ tướng Chính phủ đã xác định cải cách thể chế là một trong những nhiệm vụ trọng tâm và đã đạt được nhiều kết quả quan trọng.

Tuy nhiên, cũng có ý kiến cho rằng, vẫn còn chưa rõ cải cách quan trọng nhất và trọng tâm nhất ở đây là gì? Bên cạnh đó, thủ tục hành chính thì vẫn còn rườm rà và sức ì của một bộ phận cán bộ, công chức vẫn là cản trở cho sự phát triển. Vì vậy, đại biểu chất vấn Thủ tướng Phạm Minh Chính là nếu được xếp thứ tự ưu tiên ba vấn đề quan trọng nhất trong thời gian tới thì Thủ tướng sẽ chọn vấn đề gì và giải pháp gì để xử lý những tồn tại, hạn chế nêu trên?

Trả lời đại biểu, Thủ tướng Phạm Minh Chính nêu rõ, trong ba đột phá là thể chế, nguồn nhân lực và xây dựng kết cấu hạ tầng, không chọn ưu tiên nào trong 3 đột phá này mà cần bảo đảm hài hòa, hợp lý phù hợp với hoàn cảnh cụ thể trong từng giai đoạn.

Về cắt giảm chi phí cho doanh nghiệp, Thủ tướng Phạm Minh Chính khẳng định có tình trạng thủ tục hành chính còn rườm rà, cán bộ đùn đẩy, sợ trách nhiệm, vì vậy giải pháp trong thời gian tới là bảo đảm lợi ích vật chất và tinh thần cho cán bộ, công chức và tăng cường giáo dục, tuyên truyền nâng cao ý thức trách nhiệm trong giải quyết thủ tục hành chính.

Các bộ, ngành tiếp tục rà soát cắt giảm thủ tục còn rườm rà, huy động sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, vừa thúc đẩy, vừa giám sát, vừa động viên. Trong đó, giải pháp căn cơ vẫn là tinh thần trách nhiệm, năng lực của cán bộ, tăng chế tài xử lý; đồng thời, cần cụ thể hóa chủ trương của Đảng thành chính sách, pháp luật, đề cao trách nhiệm của người đứng đầu.

Điều gì chưa rõ, chưa chín thì phải mạnh dạn thí điểm, vừa làm vừa rút kinh nghiệm

Đại biểu Nguyễn Phương Thủy (đoàn TP Hà Nội) chất vấn, so với nhiệm kỳ Quốc hội khóa XIV, nhiệm kỳ này, Chính phủ trình thực hiện thí điểm nhiều và có thể dẫn đến hệ thống pháp luật thiếu thống nhất, đồng bộ, tạo điều kiện cho tham nhũng chính sách hoặc cơ chế xin - cho. Quan điểm của Thủ tướng về vấn đề này như thế nào?

Trả lời đại biểu, Thủ tướng Phạm Minh Chính cho biết, vừa qua đã có một số cơ chế đặc thù cho một số địa phương, ngành, đáp ứng các yêu cầu của thực tiễn khách quan. Nước ta là một nước đang phát triển, có nền kinh tế đang chuyển đổi, xuất phát điểm thấp, độ mở cao, khả năng chống chịu còn hạn chế; tình hình thế giới và trong nước thay đổi rất nhanh. Vì vậy, những văn bản, quy định có lúc theo kịp thực tiễn, có lúc chưa theo kịp được, quy trình xây dựng pháp luật còn mất nhiều thời gian, công sức.

Việc ra cơ chế đặc thù là có cơ sở chính trị vững chắc. Nghị quyết số 18 của Trung ương khóa trước, Nghị quyết số 19 của Trung ương khóa này đều mang tinh thần những gì đã rõ, đã chín, được thực tiễn chứng minh là đúng, thực hiện có hiệu quả, đa số đồng tình thì quyết tâm luật hóa. Điều gì chưa rõ, chưa chín, có luật pháp nhưng không còn phù hợp, hoặc chưa có luật pháp quy định, thì phải mạnh dạn thí điểm, vừa làm vừa rút kinh nghiệm, không cầu toàn, không nóng vội. Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật cũng cho phép việc này.

Theo Thủ tướng Phạm Minh Chính, về cơ sở thực tiễn, việc thực hiện các nghị quyết về cơ chế đặc thù ở các địa phương hiện đang phát huy hiệu quả. Tuy nhiên, cũng cần điều chỉnh cơ chế đặc thù cho phù hợp. Sắp tới, Chính phủ sẽ nghiên cứu sâu hơn, đánh giá tác động kỹ lưỡng hơn, lắng nghe ý kiến của các nhà khoa học, các cơ quan có liên quan, các đại biểu Quốc hội và người dân để có điều chỉnh cho phù hợp, tiến tới hệ thống pháp luật bao trùm, xuyên suốt, thống nhất.

Làm sao để xe chữa cháy phải vào được nơi có cháy, phải có vòi nước để chữa cháy

Đại biểu Cầm Thị Mẫn (đoàn Thanh Hóa) chất vấn rằng thời gian gần đây xảy ra nhiều vụ cháy nghiêm trọng, nhất là vụ cháy chung cư mini tại Hà Nội. Chính phủ có giải pháp gì để ngăn ngừa cháy nổ trong thời gian tới?

Trả lời đại biểu, Thủ tướng Phạm Minh Chính thừa nhận, chúng ta đã chứng kiến những vụ cháy nổ rất thương tâm vừa qua như ở quán karaoke, chung cư mini... Thực trạng này đã được Chính phủ, các bộ, ngành nhận diện, có giải pháp. Thủ tướng cũng đã có chỉ thị về tăng cường phòng cháy, chữa cháy trong tình hình mới.

Tuy nhiên, Thủ tướng Phạm Minh Chính cho rằng, cần triển khai đồng bộ các giải pháp. Đầu tiên là công tác tuyên truyền để người dân có kỹ năng phòng và chống khi xảy ra cháy nổ, kỹ năng thoát hiểm… Cùng với đó, phải tăng cường công tác chỉ đạo của cấp ủy; tăng cường vai trò chỉ đạo, điều hành của các cấp chính quyền; đầu tư hạ tầng, thiết bị phòng cháy, chữa cháy đáp ứng yêu cầu. Và, quan trọng hơn nữa là làm tốt công tác quy hoạch, phải bảo đảm hiệu quả phòng cháy, chữa cháy, làm sao để khi có cháy, xe chữa cháy phải vào được nơi có cháy, phải có vòi nước để chữa cháy.

Bên cạnh đó là tăng cường sự vào cuộc của các tổ chức đoàn thể chính trị, vai trò tại chỗ của người dân; nâng cao sự chuyên nghiệp, hiện đại của lực lượng cảnh sát phòng cháy, chữa cháy vì đó là lực lượng nòng cốt.

Tiếp tục mạnh dạn thực hiện phân cấp, phân quyền

Đại biểu Nguyễn Lâm Thành (đoàn Thái Nguyên) chất vấn về chủ trương phân cấp, phân quyền gắn với tăng cường kiểm tra, giám sát quyền lực. Thực tế cho thấy, chủ trương này chưa được thực hiện hiệu quả.

Trả lời đại biểu, Thủ tướng Phạm Minh Chính nêu rõ, chủ trương phân cấp, phân quyền là rất rõ, để tăng cường tính chủ động, phát huy sự năng động, sáng tạo của các cấp.

“Phân cấp, phân quyền rất quan trọng để tăng tính linh hoạt, sáng tạo, phân định rõ trách nhiệm của các cấp. Nhưng, việc tổ chức thực thi chưa đáp ứng yêu cầu, chưa đáp ứng mong muốn của cử tri, nhân dân”, Thủ tướng thừa nhận. Lý do là một số cơ quan chưa thực hiện triệt để các chủ trương của Đảng, chính sách của Nhà nước về vấn đề này; chưa thực sự muốn phân cấp, phân quyền; năng lực của một bộ phận cán bộ chưa đáp ứng trong quá trình phân cấp, phân quyền.

Bên cạnh đó, việc đáp ứng nhu cầu của người dân liên quan đến nhiều cấp, ngành, do đó việc phân cấp phân quyền đến nay chưa thực sự đạt hiệu quả mong muốn.

Thủ tướng Phạm Minh Chính nêu rõ giải pháp là tiếp tục hoàn thiện thể chế, tiếp tục mạnh dạn thực hiện phân cấp, phân quyền, tránh việc né tránh, đùn đẩy; nâng cao chất lượng cán bộ...

Chưa phát huy hết tiềm năng du lịch Việt Nam

Đại biểu Nguyễn Ngọc Sơn (đoàn Hải Dương) chất vấn rằng, du lịch là một trong 3 ngành kinh tế mũi nhọn, nhưng ngành du lịch Việt Nam có nhiều tồn tại, hạn chế, chưa phát huy hết tiềm năng. Định hướng, giải pháp, chính sách của Chính phủ để phát triển ngành du lịch là gì?

Trả lời đại biểu, Thủ tướng Phạm Minh Chính nhấn mạnh, tài nguyên du lịch của Việt Nam rất phong phú cả về truyền thống lịch sử, văn hóa, cảnh quan, môi trường, nhất là lợi thế về chiều dài bờ biển; con người Việt Nam thân thiện, hiếu khách... Tuy nhiên, Thủ tướng Phạm Minh Chính cũng thừa nhận, chúng ta chưa phát huy hết tiềm năng du lịch. Nguyên nhân thì có nhiều, cả về vấn đề quy hoạch, thể chế chính sách, con người, nguồn lực đầu tư… đối với ngành kinh tế có tính hội nhập quốc tế cao như du lịch.

Về giải pháp, Thủ tướng Phạm Minh Chính cho rằng, cần thể chế hóa, cụ thể hóa chủ trương của Đảng về phát triển ngành kinh tế mũi nhọn; cần triển khai có hiệu quả chủ trương của Đảng, đường lối chính sách, pháp luật của Nhà nước. Cùng với đó, phải phát triển có trọng tâm, trọng điểm trong đầu tư hạ tầng, phát triển nguồn nhân lực. Mặt khác, phải có sự phối hợp đồng bộ giữa các cấp, các ngành trong phát triển.

Phiên chất vấn và trả lời chất vấn tại Kỳ họp thứ sáu hoàn thành tốt đẹp

Phát biểu bế mạc phiên chất vấn và trả lời chất vấn, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ khẳng định phiên chất vấn và trả lời chất vấn tại Kỳ họp thứ sáu đã hoàn thành tốt đẹp chương trình đề ra.

Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ nêu rõ, sau 2,5 ngày làm việc nghiêm túc, tập trung, sôi nổi, với tinh thần xây dựng, tâm huyết và trách nhiệm cao, đã có 457 lượt đại biểu Quốc hội đăng ký tham gia chất vấn; 152 lượt đại biểu Quốc hội thực hiện quyền chất vấn, trong đó có 39 lượt đại biểu tranh luận. Còn các đại biểu chưa được chất vấn và tranh luận, Chủ tịch Quốc hội đề nghị các đại biểu gửi văn bản đến Thủ tướng Chính phủ và các bộ trưởng, trưởng ngành để được trả lời trực tiếp bằng văn bản.

Chủ tịch Quốc hội cho biết đây là lần đầu tiên trong nhiệm kỳ khóa XV, Thủ tướng, tất cả các Phó thủ tướng Chính phủ và 21 vị bộ trưởng, trưởng ngành đã trực tiếp trả lời chất vấn của các vị đại biểu Quốc hội. Với phạm vi chất vấn rất rộng, các vị đại biểu Quốc hội đã thể hiện tinh thần trách nhiệm cao, nghiên cứu kỹ các báo cáo, đặt câu hỏi ngắn gọn, rõ ràng, có trọng tâm, đi thẳng vào vấn đề; các thành viên Chính phủ, trưởng ngành nắm chắc thực trạng của ngành, lĩnh vực phụ trách, cơ bản đã trả lời thẳng thắn, giải trình nghiêm túc, làm sáng tỏ nhiều vấn đề và đề ra giải pháp để khắc phục. Quốc hội ghi nhận và đánh giá cao sự nghiêm túc, cầu thị, tinh thần trách nhiệm của các thành viên Chính phủ, trưởng ngành trong việc trả lời chất vấn và tiếp thu ý kiến của đại biểu Quốc hội.

Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ phát biểu bế mạc phiên chất vấn và trả lời chất vấn.

Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ phát biểu bế mạc phiên chất vấn và trả lời chất vấn.

Chủ tịch Quốc hội nêu rõ, qua báo cáo của Chính phủ, Tòa án Nhân dân tối cao, Viện Kiểm sát nhân dân tối cao, Kiểm toán nhà nước, báo cáo thẩm tra của các cơ quan của Quốc hội và kết quả phiên chất vấn và trả lời chất vấn cho thấy, về cơ bản, các nghị quyết của Quốc hội đã được các cơ quan triển khai nghiêm túc, có trách nhiệm với nhiều giải pháp đồng bộ, đã tạo được chuyển biến tích cực và đạt được kết quả cụ thể ở hầu hết các lĩnh vực, góp phần quan trọng thực hiện thắng lợi các nhiệm vụ, mục tiêu, chỉ tiêu phát triển kinh tế - xã hội hằng năm theo nghị quyết của Quốc hội.

Bên cạnh đó, báo cáo của các cơ quan và chất vấn của các vị đại biểu Quốc hội tại kỳ họp cũng chỉ rõ việc triển khai một số nghị quyết, nhiệm vụ còn chậm, một số nội dung, chỉ tiêu trong các nghị quyết chưa hoàn thành, chưa đạt yêu cầu, chậm chuyển biến, chưa được giải quyết dứt điểm hoặc còn khó khăn, vướng mắc, cần phải được khắc phục, tháo gỡ, giải quyết dứt điểm trong thời gian tới.

Chủ tịch Quốc hội cho biết, trên cơ sở kết quả của phiên chất vấn, Quốc hội sẽ xem xét ban hành Nghị quyết về chất vấn vào cuối kỳ họp. Đồng thời, đề nghị Chính phủ, Tòa án Nhân dân tối cao, Viện Kiểm sát nhân dân tối cao, các bộ trưởng, trưởng ngành tiếp thu tối đa ý kiến của các đại biểu Quốc hội, tiếp tục thực hiện quyết liệt, đồng bộ và toàn diện các nghị quyết của Quốc hội về giám sát và chất vấn, tập trung vào việc khắc phục kịp thời, đầy đủ, hiệu quả những tồn tại, hạn chế, yếu kém trong từng lĩnh vực...

ANH PHƯƠNG

* Mời bạn đọc vào chuyên mục Chính trị xem các tin, bài liên quan.

Nguồn QĐND: https://www.qdnd.vn/chinh-tri/tin-tuc/thu-tuong-pham-minh-chinh-xay-dung-luong-can-bo-cong-chuc-tiem-can-khu-vuc-doanh-nghiep-750540