Thủ tướng Phạm Minh Chính thăm chính thức Thổ Nhĩ Kỳ

Tối 28-11 theo giờ địa phương (rạng sáng 29-11 giờ Việt Nam), chuyên cơ chở Thủ tướng Phạm Minh Chính cùng phu nhân và Đoàn đại biểu cấp cao Việt Nam đã hạ cánh xuống sân bay quốc tế Esenboga của Thổ Nhĩ Kỳ, bắt đầu chuyến thăm chính thức Thổ Nhĩ Kỳ từ ngày 28 đến 30-11.

Thủ tướng Phạm Minh Chính cùng phu nhân và Đoàn đại biểu cấp cao Việt Nam bắt đầu chuyến thăm chính thức Thổ Nhĩ Kỳ. Ảnh: Báo điện tử Đảng Cộng Sản

Tối 28-11 theo giờ địa phương (rạng sáng 29-11 giờ Việt Nam), chuyên cơ chở Thủ tướng Phạm Minh Chính cùng phu nhân và Đoàn đại biểu cấp cao Việt Nam đã hạ cánh xuống sân bay quốc tế Esenboga của Thổ Nhĩ Kỳ, bắt đầu chuyến thăm chính thức Thổ Nhĩ Kỳ từ ngày 28 đến 30-11.

Đón Thủ tướng và phu nhân tại sân bay, phía Thổ Nhĩ Kỳ có Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Burak Akçapar, Phó Thống đốc Ankara Sait Atalay, Phó Thị trưởng Ankara, Tư lệnh quân đội và Cục trưởng Cục Lễ tân Bộ Ngoại giao Thổ Nhĩ Kỳ Ahmet Cemil Miroğlu. Phía Việt Nam có Đại sứ Việt Nam tại Thổ Nhĩ Kỳ Đỗ Sơn Hải và Phu nhân cùng một số cán bộ, nhân viên Đại sứ quán.

Thổ Nhĩ Kỳ là nền kinh tế lớn thứ 19 thế giới, có tài nguyên thiên nhiên phong phú, nền kinh tế phát triển đa dạng. Ngành du lịch của Thổ Nhĩ Kỳ cũng rất phát triển thu hút hơn 30 triệu khách du lịch mỗi năm.

Kinh tế Thổ Nhĩ Kỳ phụ thuộc chính vào ngành công nghiệp và có xu hướng gia tăng các ngành dịch vụ, mặc dù ngành nông nghiệp truyền thống chiếm khoảng 25% việc làm. Thổ Nhĩ Kỳ là một trong ít nước trên thế giới duy trì được tăng trưởng dương trong giai đoạn dịch COVID-19 (năm 2020 đạt 1,8%; 2021 đạt 11%, nhờ các chính sách thu hút du lịch, đầu tư).

Thời gian vừa qua, Thổ Nhĩ Kỳ công bố một loạt các mục tiêu quốc gia quan trọng như “Tầm nhìn Thế kỷ của Thổ Nhĩ Kỳ”, hướng tới đưa Thổ Nhĩ Kỳ trong thế kỷ tới trở thành một trong 10 cường quốc hàng đầu thế giới trong các lĩnh vực ngoại giao, kinh tế, công nghệ và quân sự; Dự án Thung lũng Hydrogen mục tiêu đưa Thổ Nhĩ Kỳ trở thành trung tâm hydrogen của khu vực vào năm 2053.

Thổ Nhĩ Kỳ là một trong những nước có tiềm lực quân sự mạnh trong NATO. Ngành công nghiệp quốc phòng của Thổ Nhĩ Kỳ đã có bước nhảy vọt, vươn lên đứng thứ 12 trong số các nước xuất khẩu vũ khí lớn nhất thế giới (2022). Tổng kim ngạch xuất khẩu vũ khí của Thổ Nhĩ Kỳ đạt 4 tỷ USD trong năm 2022, tăng 42% so với năm 2021...

Thổ Nhĩ Kỳ đặt ưu tiên gia nhập Liên minh châu Âu (EU), song đàm phán không có tiến triển từ năm 2018. Thổ Nhĩ Kỳ có ảnh hưởng tại khu vực và thế giới, tích cực tham gia giải quyết các điểm nóng tại khu vực như xung đột Nga - Ukraine, tiến trình hòa bình Trung Đông, khu vực Cascasus.

Đối với khu vực châu Á - Thái Bình Dương, Thổ Nhĩ Kỳ chủ trương đa dạng hóa quan hệ, đẩy mạnh chính sách hướng Đông với Sáng kiến châu Á mới (Asia Anew Initiative, 2019) , Chiến lược tăng cường thương mại với các quốc gia ở vị trí xa (Far countries strategies) trong đó có Việt Nam, nâng cấp khuôn khổ hợp tác với nhiều đối tác khu vực. Thổ Nhĩ Kỳ là thành viên của Liên hợp quốc, Nhóm G20, NATO, OECD, OIC, OSCE…

Việt Nam và Thổ Nhĩ Kỳ thiết lập quan hệ ngoại giao ngày 7-6-1978. Tháng 2-1997, Thổ Nhĩ Kỳ lập Đại sứ quán tại Hà Nội. Tháng 7-2002, Việt Nam mở Tổng Lãnh sự quán tại Istanbul. Tháng 10-2003, Việt Nam nâng Tổng Lãnh sự quán tại Istanbul lên Đại sứ quán và chuyển về Ankara.

Hai bên đang tiến hành thủ tục mở Tổng Lãnh sự quán Thổ Nhĩ Kỳ tại TP. Hồ Chí Minh. Hai nước duy trì quan hệ hữu nghị và hợp tác nhiều mặt. Hai nước đã tiến hành họp Tham vấn Chính trị cấp Thứ trưởng lần thứ 4 tại Ankara (12-2022), kỳ họp lần thứ 7 Ủy ban Hỗn hợp tại Hà Nội (7-2017). Hai nước thường xuyên ủng hộ lẫn nhau tại các diễn đàn đa phương.

Về đầu tư, tính lũy kế tháng 10-2023, Thổ Nhĩ Kỳ có 36 dự án đầu tư còn hiệu lực, với tổng số vốn đăng ký 974,3 triệu USD, đứng thứ 26/143 quốc gia và vùng lãnh thổ có dự án đầu tư tại Việt Nam.

Hợp tác trong các vấn đề khu vực và đa phương, hai bên tích cực phối hợp và ủng hộ lẫn nhau trên các diễn đàn quốc tế. Việt Nam ủng hộ Thổ Nhĩ Kỳ vào Hội đồng Chấp hành UNESCO nhiệm kỳ 2021 - 2025 (bầu cử đã diễn ra vào tháng 11-2021). Thổ Nhĩ Kỳ ủng hộ Việt Nam vào Ủy ban Di sản Thế giới (WHC) nhiệm kỳ 2023 - 2027 và ủng hộ Việt Nam ứng cử vào vị trí thành viên Hội đồng nhân quyền (HRC) nhiệm kỳ 2023 - 2025.

Tháng 6-2016, hãng hàng không quốc gia Thổ Nhĩ Kỳ (Turkish Airlines) mở đường bay thẳng Istanbul - Hà Nội (chuyển tiếp qua Tp. HCM) với tần suất 7 chuyến/tuần. Tháng 6-2019, Turkish Airlines chính thức mở văn phòng đại diện tại Hà Nội. Tháng 6/2023, Vietnam Airlines và Turkish Airlines đã ký thỏa thuận hợp tác liên danh (codeshare).

Tháng 1-2022, Thổ Nhĩ Kỳ đã trao tặng vật tư, trang thiết bị y tế hỗ trợ Việt Nam phòng, chống dịch COVID-19...

P.B.T tổng hợp

Nguồn Kiên Giang: https://baokiengiang.vn/chinh-tri/thu-tuong-pham-minh-chinh-tham-chinh-thuc-tho-nhi-ky-17839.html