Thủ tướng Phạm Minh Chính dự Lễ Công bố Quy hoạch và xúc tiến đầu tư tỉnh Cà Mau

Ngày 9.12, tại thành phố Cà Mau, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã dự Lễ Công bố Quy hoạch tỉnh Cà Mau thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 và Hội nghị xúc tiến đầu tư tỉnh Cà Mau.

Cùng dự có các Ủy viên Trung ương Đảng: Trưởng ban Dân nguyện Dương Thanh Bình; Bộ trưởng Bộ Giao thông Vận tải Nguyễn Văn Thắng; đại diện lãnh đạo các bộ, ngành trung ương, các đối tác, nhà đầu tư trong và ngoài nước.

Thủ tướng Phạm Minh Chính và các đại biểu dự Hội nghị công bố quy hoạch và xúc tiến đầu tư tỉnh Cà Mau

Thủ tướng Phạm Minh Chính và các đại biểu dự Hội nghị công bố quy hoạch và xúc tiến đầu tư tỉnh Cà Mau

Về phía địa phương có Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh Cà Mau Nguyễn Tiến Hải; Ủy viên dự khuyết Trung ương Đảng, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh Cà Mau Huỳnh Quốc Việt và đại diện các sở, ngành trong tỉnh.

Xây dựng Cà Mau trở thành trung tâm kinh tế biển của cả nước

Tại Hội nghị công bố quy hoạch tỉnh Cà Mau, Bí thư Tỉnh ủy Cà Mau Nguyễn Tiến Hải cho biết, những năm qua, dưới sự chỉ đạo, điều hành quyết liệt của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, sự hỗ trợ kịp thời của các Ban, Bộ, ngành Trung ương và sự nỗ lực, phấn đấu, quyết tâm của các cấp ủy đảng, chính quyền, người dân và sự chung tay, góp sức của cộng đồng doanh nghiệp, Cà Mau đã đạt được nhiều kết quả quan trọng trên tất cả các lĩnh vực kinh tế - xã hội; quốc phòng - an ninh. Đặc biệt, tỉnh luôn xác định công tác lập quy hoạch là nhiệm vụ chính trị trọng tâm, là cơ sở pháp lý vững chắc để tập trung lãnh đạo, chỉ đạo, hoạch định chính sách, quản lý, điều hành thống nhất, xuyên suốt trong tiến trình phát triển kinh tế - xã hội, phát triển từng ngành, lĩnh vực, cũng như huy động, phân bổ và sử dụng hiệu quả các nguồn lực của tỉnh.

Cà Mau xác định đến năm 2030 sẽ trở thành tỉnh phát triển khá của vùng đồng bằng sông Cửu Long, có hệ thống kết cấu hạ tầng đồng bộ, từng bước hiện đại; có nguồn nhân lực đáp ứng nhu cầu phát triển; hệ sinh thái được bảo tồn, thích ứng có hiệu quả với biến đổi khí hậu. Phấn đấu tốc độ tăng trưởng kinh tế (GRDP) bình quân giai đoạn 2021 - 2030 đạt trên 7,5%/năm. Quy mô GRDP năm 2030 gấp 2 - 2,5 lần so với năm 2020. GRDP bình quân đầu người đạt trên 146 triệu đồng. Tỷ trọng khu vực ngư, nông, lâm nghiệp chiếm khoảng 23%; công nghiệp - xây dựng chiếm khoảng 36,5%; dịch vụ chiếm khoảng 37%; thuế sản phẩm trừ trợ cấp sản phẩm chiếm khoảng 3,5%. Tỷ lệ trường học đạt chuẩn quốc gia đạt trên 80%. Tỷ lệ lao động qua đào tạo đạt trên 65%, trong đó tỷ lệ lao động đào tạo có bằng cấp, chứng chỉ đạt trên 30%.

Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính phát biểu tại Hội nghị

Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính phát biểu tại Hội nghị

Đến năm 2050, Cà Mau là tỉnh kinh tế phát triển, xã hội văn minh, hiện đại, thích ứng với biến đổi khí hậu; các giá trị văn hóa mang bản sắc của con người Cà Mau được giữ gìn và phát huy. Xây dựng các cơ chế, chính sách phù hợp để huy động nguồn lực phát triển kinh tế biển, trọng tâm là đầu tư Cảng biển tổng hợp Hòn Khoai, Khu kinh tế Năm Căn, Đề án xuất khẩu điện tỉnh Cà Mau (sau khi được cấp thẩm quyền phê duyệt), năng lượng tái tạo; phát triển hạ tầng giao thông, đô thị, các khu công nghiệp, cụm công nghiệp, du lịch, hạ tầng phòng chống thiên tai và thích ứng với biến đổi khí hậu. Tập trung cải cách hành chính, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh; ứng dụng khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo; đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao phục vụ phát triển kinh tế - xã hội; thực hiện chuyển đổi số toàn diện.

Xây dựng và phát triển Cà Mau trở thành trung tâm kinh tế biển của cả nước. Phát triển, ngư, nông, lâm nghiệp hiện đại, thông minh, ứng dụng khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo, bền vững, thích ứng với biến đổi khí hậu. Tổ chức, sắp xếp không gian phát triển ngư, nông, lâm nghiệp theo 3 vùng: vùng Bắc Cà Mau, vùng Nam Cà Mau, vùng ven biển và hải đảo. Trong đó, giữ gìn và bảo vệ hệ sinh thái ngọt ở huyện Trần Văn Thời và huyện U Minh. Đầu tư xây dựng Cảng biển tổng hợp Hòn Khoai, Khu kinh tế Năm Căn, Cảng sông Ông Đốc gắn với phát triển các khu công nghiệp, khu đô thị ven biển; phát triển nuôi biển công nghệ cao, hiệu quả và bền vững.

Xây dựng Cà Mau trở thành trung tâm chế biến thủy sản; đưa du lịch trở thành ngành kinh tế quan trọng, bền vững theo hướng chuyên nghiệp, hiện đại gắn với bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa, lịch sử; đưa du lịch trở thành ngành kinh tế quan trọng; liên kết và hợp tác phát triển du lịch với các địa phương trong vùng, cả nước và quốc tế. Phát huy lợi thế vị trí địa lý là tỉnh Địa đầu cực Nam của Tổ quốc; xây dựng, định vị và nâng cao thương hiệu du lịch Cà Mau "Địa đầu cực Nam - Khám phá - Môi trường - Kết nối".

UBND tỉnh Cà Mau trao giấy chứng nhận cho các nhà đầu tư

UBND tỉnh Cà Mau trao giấy chứng nhận cho các nhà đầu tư

Cần có cơ chế ưu tiên đầu tư và hỗ trợ cho Cà Mau

Thủ tướng Phạm Minh Chính khẳng định, quy hoạch tỉnh Cà Mau thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 được lập phù hợp với chủ trương, đường lối, nghị quyết của Đảng, Quốc hội, Chính phủ, phù hợp với mục tiêu, định hướng chiến lược phát triển kinh tế - xã hội của cả nước, chiến lược quốc gia về tăng trưởng xanh và bền vững; phù hợp với Quy hoạch tổng thể quốc gia, quy hoạch, kế hoạch ngành quốc gia, quy hoạch, kế hoạch vùng Đồng bằng sông Cửu Long và các quy hoạch, kế hoạch liên quan; bảo đảm sự tuân thủ, tính liên tục, kế thừa, ổn định và phát triển.

Thủ tướng cũng cho biết, Việt Nam xây dựng đất nước dựa trên 3 trụ cột chính là nền dân chủ xã hội chủ nghĩa, Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa, nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa. Xuyên suốt quá trình đó, Việt Nam lấy con người là trung tâm, là chủ thể, là mục tiêu, động lực, nguồn lực cho sự phát triển; phát huy tối đa trí tuệ, tài năng, phẩm chất, đạo đức của con người Việt Nam; không hy sinh tiến bộ, công bằng xã hội, an sinh xã hội, môi trường để đổi lấy tăng trưởng kinh tế đơn thuần.

Bí thư Tỉnh ủy tỉnh Cà Mau Nguyễn Tiến Hải phát biểu tại Hội nghị

Bí thư Tỉnh ủy tỉnh Cà Mau Nguyễn Tiến Hải phát biểu tại Hội nghị

Tin tưởng Hội nghị sẽ góp phần khơi thông, huy động các nguồn lực đầu tư lớn từ trong và ngoài nước vào Cà Mau, Thủ tướng đề nghị các bộ, ngành rà soát, sớm xem xét, giải quyết các kiến nghị của Cà Mau, có cơ chế ưu tiên đầu tư và hỗ trợ đầu tư hệ thống kết cấu hạ tầng của vùng bán đảo Cà Mau. Sớm nâng cấp Cảng hàng không Cà Mau; bổ sung quy hoạch cao tốc từ thành phố Cà Mau đến Mũi Cà Mau và ưu tiên cân đối nguồn vốn đầu tư công để sớm thực hiện các dự án nâng cấp, mở rộng Quốc lộ 1 và đường Hồ Chí Minh. Sớm xây dựng Đề án phát triển vùng Đất Mũi để tạo động lực mới phát triển cho Cà Mau.

Thủ tướng cũng đề nghị lãnh đạo Đảng, chính quyền các sở ngành, cán bộ, công chức, viên chức và Nhân dân trong tỉnh đoàn kết, đồng lòng thực hiện mục tiêu đề ra, phải có tư duy - hành động, làm việc hết sức, hết mình với tinh thần trách nhiệm cao đáp ứng với sự kỳ vọng của Trung ương, niềm tin của doanh nghiệp và người dân.
Thủ tướng yêu cầu Cà Mau quan tâm thực hiện một số nhiệm vụ cụ thể: Cần tập trung tổ chức triển khai Quy hoạch tỉnh Cà Mau giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 gắn với việc thực hiện Nghị quyết của Trung ương, nhất là Nghị quyết 13 của Bộ Chính trị ngày 2.4.2022 về phương hướng phát triển kinh tế- xã hội và bảo đảm quốc phòng, an ninh vùng Đồng bằng sông Cửu Long đến năm 2023, tầm nhìn đến 2045; các Nghị quyết của Quốc hội, Chính phủ, Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh Cà Mau lần thứ XVI, chiến lược và kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội của Trung ương và địa phương.

Cải thiện mạnh mẽ môi trường đầu tư kinh doanh, trọng tâm là tạo đột phá cải cách thủ tục hành chính, đơn giản hóa thủ tục xây dựng chính quyền điện tử, tạo môi trường đầu tư kinh doanh thông thoáng, minh bạch, bình đẳng. Định hướng phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao, đội ngũ lao động kỹ thuật, công nhân lành nghề, đáp ứng nhu cầu lao động cho các doanh nghiệp và nhà đầu tư.

Thủ tướng cũng hoan nghênh các nhà đầu tư đã không quản đường xá xa xôi, điều kiện đi lại khó khăn đến Cà Mau đầu tư. Thủ tướng đề nghị các doanh nghiệp hợp tác với Cà Mau trên tinh thần lợi ích hài hòa, rủi ro chia sẻ, cân bằng lợi ích của Nhà nước, người dân và doanh nghiệp. Doanh nghiệp đã cam kết thì phải làm và làm có hiệu quả, có sản phẩm, mang lại cơm cáo gạo tiền cho người dân, để người dân có công ăn việc làm có sinh kế và được ấm no hạnh phúc, khó khăn của nhà đầu tư được chính quyền xử lý, tháo gỡ, Nhân dân đùm bọc thì chắc chắn sẽ thành công.

Tại Hội nghị, UBND tỉnh Cà Mau đã trao chủ trương đầu tư, giấy chứng nhận đăng ký đầu tư, chủ trương tiếp cận, nghiên cứu, khảo sát dự án cho các nhà đầu tư.

Tin và ảnh: Vũ Châu

Nguồn Đại Biểu Nhân Dân: https://daibieunhandan.vn/chinh-tri/thu-tuong-pham-minh-chinh-du-le-cong-bo-quy-hoach-va-xuc-tien-dau-tu-tinh-ca-mau-i353482/