Thủ tướng nêu ba mục tiêu và nhiệm vụ trọng tâm của sự kiện Ngày chuyển đổi số ngành ngân hàng năm 2024

Ngày 08/05 Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (NHNN), Thời báo ngân hàng, Vụ Thanh toán và các đơn vị liên quan phối hợp tổ chức sự kiện Ngày Chuyển đổi số ngành Ngân hàng năm 2024.

Thủ tướng Phạm Minh Chính phát biểu tại sự kiện “Ngày chuyển đổi số” ngành ngân hàng năm 2024. (Ảnh: BTC).

Phát biểu tại sự kiện, Thủ tướng Phạm Minh Chính cho biết : ” Mục tiêu của chuyển đổi số quốc gia là 3 trụ cột: Chính phủ số, kinh tế số và xã hội số. Năm nay, Chính phủ lựa chọn chủ đề chuyển đổi số quốc gia là “Phát triển kinh tế số với 4 trụ cột công nghiệp công nghệ thông tin, số hóa các ngành kinh tế, quản trị số, dữ liệu số - Động lực quan trọng cho phát triển kinh tế - xã hội nhanh và bền vững”. Theo đó, Chính phủ đặt trọng tâm cho việc phát triển kinh tế số, coi đây là trụ cột quan trọng, làm đòn bẩy để thúc đẩy các mục tiêu Chương trình chuyển đổi số quốc gia”

Thủ tướng đã ghi nhận, biểu dương những nỗ lực, cố gắng và kết quả đạt được của ngành ngân hàng và các tổ chức tín dụng, sự phối hợp chặt chẽ với các bộ, ngành, địa phương.

Thủ tướng cho biết qua tham quan, trải nghiệm các gian hàng trước khi tham dự sự kiện này, ông thấy rõ sự tiến bộ vượt trội so với những sản phẩm, dịch vụ mà đã trải nghiệm hai năm trước.

“Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ luôn xác định và rất kỳ vọng ngành ngân hàng sẽ là ngành đi đầu, tiên phong trong thúc đẩy chuyển đổi số quốc gia, phát triển kinh tế số, xã hội số, công dân số và ngành Ngân hàng có cơ sở, điều kiện, nền tảng để phát huy vai trò này”, Thủ tướng nói.

Thủ tướng tham quan các gian hàng của TPB tại sự kiện. (Ảnh: TPB).

Bên cạnh những kết quả đã đạt được, chuyển đổi số ngân hàng vẫn còn nhiều tồn tại, hạn chế. Thể chế, chính sách vẫn còn nhiều vướng mắc như quy định quản lý đầu tư ứng dụng công nghệ thông tin sử dụng nguồn vốn ngân sách nhà nước; Nghị định về cơ chế thử nghiệm có kiểm soát trong lĩnh vực ngân hàng, Nghị định mới về thanh toán không dùng tiền mặt chưa được ban hành.

Tuy nhiên, hạ tầng phục vụ chuyển đổi số ngành ngân hàng cũng đã được chú trọng đầu tư, nâng cấp, phát triển. NHNN đã khuyến khích các tổ chức tín dụng (TCTD) triển khai chuyển đổi số, kết nối, hợp tác với các ngành, lĩnh vực khác nhau để hình thành và mở rộng hệ sinh thái số cung ứng sản phẩm dịch vụ lấy khách hàng làm trung tâm, cung cấp trải nghiệm giao dịch liền mạch, cá nhân hóa. Các TCTD, tổ chức trung gian thanh toán (TGTT) đã ứng dụng nhiều công nghệ tiên tiến để tối ưu hóa, đơn giản hóa quy trình nghiệp vụ, nâng cao hiệu quả hoạt động và trải nghiệm giao dịch khách hàng; đồng thời, đánh giá, phân loại khách hàng, quyết định giải ngân và tích hợp với nhiều hệ sinh thái đối tác khác nhau trong các lĩnh vực. Nhiều nghiệp vụ cơ bản đã được số hóa hoàn toàn 100% (tiền gửi tiết kiệm, tiền gửi có kỳ hạn, mở và sử dụng tài khoản thanh toán, mở thẻ ngân hàng, ví điện tử, chuyển tiền,...), nhiều ngân hàng Việt Nam có tỷ lệ trên 90% giao dịch thực hiện trên kênh số.

Hoạt động TTKDTM và hoạt động ngân hàng số trong 3 tháng đầu năm 2024 so với cùng kỳ năm 2023 tiếp tục đạt được những chuyển biến tích cực. Giao dịch TTKDTM tăng 56,57% về số lượng và 31,35% về giá trị; qua kênh Internet tăng tương ứng 48,81% và 25,73%; qua kênh điện thoại di động tăng tương ứng 58,70% và 33,12%.

Bên cạnh đó, các TCTD đang tích cực phối hợp với các doanh nghiệp được Bộ Công an cấp giấy phép cung cấp giải pháp xác thực người dùng bằng thẻ căn cước công dân (CCCD) gắn chip để tổ chức triển khai giải pháp xác thực khách hàng.

Trong đó có nhiều TCTD đã ký kết hợp đồng, đang triển khai thực tế: 48 TCTD đã và đang triển khai ứng dụng xác thực khách hàng bằng thẻ CCCD gắn chíp qua ứng dụng điện thoại; 60 TCTD đã và đang triển khai ứng dụng xác thực khách hàng bằng thẻ CCCD gắn chíp qua thiết bị tại quầy. Về làm sạch dữ liệu: 24 TCTD đã ký kết với C06 (Cục Cảnh sát quản lý hành chính về trật tự xã hội - Bộ Công an) triển khai làm sạch dữ liệu khách hàng theo phương thức offline; 19 TCTD đang triển khai thử nghiệm ứng dụng tài khoản định danh và xác thực điện tử (VNeID) vào các nghiệp vụ: mở tài khoản thanh toán; xác thực giao dịch thanh toán; đối chiếu, xác thực thông tin khách hàng; 7 TCTD đã và đang triển khai giải pháp chấm điểm khả tín.

Thủ tướng Phạm Minh Chính cũng đã nêu rõ ba mục tiêu và các nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm thời gian tới để ngành ngân hàng phát huy vai trò tiên phong trong chuyển đổi số.

Theo đó, chuyển đổi số ngành nhằm mục tiêu tạo điều kiện thuận lợi nhất cho người dân, doanh nghiệp, đơn vị hành chính-sự nghiệp tiếp cận thuận lợi nhất, tốt nhất với tất cả các dịch vụ ngân hàng; góp phần tiết giảm chi phí về thời gian, vật chất, chi phí tuân thủ cho người dân, doanh nghiệp, đơn vị hành chính-sự nghiệp và bản thân hệ thống ngân hàng; góp phần đắc lực, hiệu quả kiểm soát rủi ro, ngăn chặn và đẩy lùi tham nhũng, tiêu cực.

Về nhiệm vụ, giải pháp chung trong thời gian tới, Thủ tướng chỉ rõ "5 đẩy mạnh" gồm đẩy mạnh hoàn thiện thể chế, cơ chế chính sách, tạo hành lang pháp lý đầy đủ; đẩy mạnh phát triển hạ tầng thanh toán điện tử, đa dạng hóa sản phẩm, dịch vụ ngân hàng tạo nền tảng quan trọng cho phát triển hệ sinh thái ngân hàng số, nền kinh tế số.

Thống đốc NHNN phát biểu tại sự kiện “Ngày chuyển đổi số” ngành ngân hàng năm 2024. (Ảnh: BTC).

Cũng tại sự kiện, Thống đốc Nguyễn Thị Hồng cho biết trong những năm gần đây ngành ngân hàng đã lấy chuyển đổi số là một trong những trọng tâm phát triển và đạt được nhiều thành quả trên các trụ cột quan trọng: chuyển đổi nhận thức, hoàn thiện thể chế, nâng cấp hạ tầng, ứng dụng khai thác dữ liệu và phát triển các mô hình ngân hàng số; cùng với công tác đảm bảo an ninh, an toàn;...

Tính đến nay, hơn 87% người trưởng thành đã có tài khoản thanh toán tại ngân hàng và nhiều ngân hàng đã có trên 95% số lượng giao dịch được xử lý trên kênh số. Tăng trưởng về số lượng giao dịch thanh toán qua di động (Mobile) và QR code bình quân qua các năm từ 2017 - 2023 đạt trên 100%/năm.

Hệ thống thanh toán điện tử liên ngân hàng xử lý bình quân 830.000 tỷ đồng/ngày (tương đương 40 tỷ USD), hệ thống chuyển mạch tài chính và bù trừ điện tử xử lý bình quân 20-25 triệu giao dịch/ngày.

NHNN đã tích cực phối hợp với Bộ Công an triển khai Đề án 06 và đưa ra nhiều sản phẩm, dịch vụ thiết thực phục vụ người dân, doanh nghiệp. Đồng thời, đã tích cực triển khai cung cấp dịch vụ công ngành ngân hàng trực tuyến toàn trình và tích hợp trên Cổng dịch vụ công quốc gia và Đề án 06; trên 90% hồ sơ công việc được xử lý và lưu trữ trên môi trường mạng.

Thời gian tới, NHNN sẽ tiếp tục phối hợp với các Bộ, ngành liên quan triển khai thực hiện đồng bộ, có hiệu quả các giải pháp tại Đề án phát triển TTKDTM giai đoạn 2021-2025.

Nguồn Doanh Nhân VN: https://doanhnhanvn.vn/thu-tuong-neu-ba-muc-tieu-va-nhiem-vu-trong-tam-cua-su-kien-ngay-chuyen-doi-so-nganh-ngan-hang-nam-2024.html