Thủ tướng lên đường đến Nhật Bản dự hội nghị ASEAN-Nhật Bản

Sau 50 năm thiết lập quan hệ ngoại giao, Việt Nam-Nhật Bản đã có những bước phát triển mạnh mẽ và toàn diện trên các lĩnh vực với sự tin cậy chính trị cao.

Sáng 15-12, Thủ tướng Phạm Minh Chính dẫn đầu đoàn đại biểu cấp cao Việt Nam rời Thủ đô Hà Nội lên đường dự Hội nghị Cấp cao kỷ niệm 50 năm quan hệ ASEAN-Nhật Bản và tiến hành các hoạt động song phương tại Nhật Bản.

Chuyến công tác diễn ra từ 15 đến 18-12 theo lời mời của Thủ tướng Nhật Bản Kishida Fumio.

 Thủ tướng Phạm Minh Chính lên đường sang Nhật Bản bắt đầu chuyến công tác từ ngày 15 đến 18-12. Ảnh: VGP

Thủ tướng Phạm Minh Chính lên đường sang Nhật Bản bắt đầu chuyến công tác từ ngày 15 đến 18-12. Ảnh: VGP

Sau 50 năm, quan hệ ASEAN-Nhật Bản phát triển toàn diện, năng động trên tất cả lĩnh vực gồm chính trị, an ninh, kinh tế, thương mại, đầu tư, văn hóa, xã hội và hợp tác phát triển.

Nhật Bản tham gia sâu rộng vào các tiến trình hợp tác chính trị-an ninh khu vực, ủng hộ đoàn kết, thống nhất và vai trò trung tâm của ASEAN.

Hợp tác kinh tế đầu tư giữa ASEAN và Nhật Bản được triển khai qua nhiều cơ chế-khuôn khổ khác nhau, trong đó có Hiệp định Đối tác Kinh tế Toàn diện Khu vực (RCEP) và Hiệp định Đối tác Kinh tế Toàn diện ASEAN-Nhật Bản (AJCEP). Nhật Bản cũng là đối tác tích cực đóng góp cho triển khai Sáng kiến Hội nhập ASEAN (IAI) và hỗ trợ thu hẹp khoảng cách phát triển trong ASEAN.

 Đại sứ Nhật Bản Yamada Takio tại Việt Nam Yamada tiễn Thủ tướng Phạm Minh Chính tại Sân bay Quốc tế Nội Bài. Ảnh: TTXVN

Đại sứ Nhật Bản Yamada Takio tại Việt Nam Yamada tiễn Thủ tướng Phạm Minh Chính tại Sân bay Quốc tế Nội Bài. Ảnh: TTXVN

Năm 2022, Nhật Bản là đối tác thương mại lớn thứ 4 và đầu tư FDI đứng thứ 2 của ASEAN, với kim ngạch thương mại hai chiều đạt 268,5 tỉ USD. Tổng FDI từ Nhật Bản vào ASEAN đạt 26,7 tỉ USD, tăng 27,7% so với năm trước đó.

Trước bối cảnh thế giới, khu vực có những thách thức, diễn biến mới khó lường, trên nền tảng quan hệ tốt đẹp giữa hai bên và tiềm năng, cơ hội rộng mở, ASEAN và Nhật Bản đều mong muốn tăng cường hợp tác, liên kết nhằm ứng phó với những thách thức chung và cùng phát triển.

Hội nghị cấp cao kỷ niệm 50 năm quan hệ ASEAN-Nhật Bản được tổ chức ngay sau khi ASEAN và Nhật Bản thiết lập Quan hệ Đối tác chiến lược toàn diện, là dịp để lãnh đạo cấp cao hai bên cùng kiểm điểm thành quả hợp tác. Từ đó, đề ra định hướng phát triển quan hệ trong trong giai đoạn mới, xứng tầm với khuôn khổ Đối tác chiến lược toàn diện.

Việt Nam là một thành viên tích cực, có trách nhiệm trong ASEAN và trong việc thúc đẩy quan hệ Nhật Bản-ASEAN, nhất là việc Việt Nam đảm nhiệm thành công vai trò điều phối quan hệ ASEAN-Nhật Bản giai đoạn 2018-2021.

Đoàn đại biểu chính thức cùng Thủ tướng Phạm Minh Chính trong chuyến công tác có Bộ trưởng Bộ LĐ-TB&XH Đào Ngọc Dung, Bộ trưởng Bộ KH&ĐT Nguyễn Chí Dũng, Bộ trưởng Bộ Y tế Đào Hồng Lan, Bộ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Văn Thắng, Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Kim Sơn, Bộ trưởng Bộ TN&MT Đặng Quốc Khánh.

Thứ trưởng Bộ Công an Lê Quốc Hùng, Thứ trưởng Bộ Quốc phòng Phạm Hoài Nam, Phó Chánh văn phòng Trung ương Đảng Lê Khánh Toàn, Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Đỗ Hùng Việt, Phó Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Nguyễn Xuân Thành.

Ngoài ra còn có lãnh đạo một số bộ, ngành, địa phương cùng tham gia Đoàn.

Về song phương, quan hệ Việt Nam-Nhật Bản tiếp tục phát triển mạnh mẽ và toàn diện trên các lĩnh vực với sự tin cậy chính trị cao, giao lưu cấp cao và các cấp diễn ra mật thiết.

Năm 2023 là dấu mốc quan trọng khi hai nước kỷ niệm 50 năm thiết lập quan hệ ngoại giao. Trong chuyến thăm Nhật Bản của Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng hai bên đã công bố nâng cấp quan hệ lên Đối tác chiến lược toàn diện vì hòa bình, thịnh vượng tại châu Á và trên thế giới.

Chuyến công tác tham dự Hội nghị cấp cao kỷ niệm 50 năm quan hệ ASEAN-Nhật Bản và tiến hành các hoạt động song phương tại Nhật Bản của Thủ tướng Phạm Minh Chính có ý nghĩa quan trọng, thực hiện đường lối đối ngoại của Đại hội XIII của Đảng, Chỉ thị 25 của Ban Bí thư về đẩy mạnh và nâng tầm đối ngoại đa phương đến năm 2030 và Kết luận 59 của Bộ Chính trị về định hướng tham gia ASEAN đến năm 2030.

Nhật Bản hiện là nước tài trợ ODA lớn nhất, đối tác hợp tác lao động thứ 2, nhà đầu tư số 3, đối tác du lịch thứ 3, thương mại lớn thứ 4 của Việt Nam.

Hai nước đã dành cho nhau thuế suất tối huệ quốc từ 1999. Trong 9 tháng đầu năm 2023, kim ngạch xuất nhập khẩu của Việt Nam với Nhật Bản đạt trên 32,9 tỉ USD, giảm 7,9% so với cùng kỳ năm 2022. Trong đó, kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam sang Nhật Bản đạt 17,2 tỉ USD, giảm 3,8%; kim ngạch nhập khẩu của Việt Nam từ Nhật Bản đạt 15,7 tỉ USD, giảm 12% so với cùng kỳ năm 2022.

FDI của Nhật Bản vào Việt Nam lũy kế tính đến 20-9-2023, đạt 71,3 tỉ USD với 5.198 dự án còn hiệu lực, xếp thứ 3-143 quốc gia và vùng lãnh thổ có đầu tư tại Việt Nam.

Trong 9 tháng đầu năm 2023, tổng vốn FDI của Nhật Bản vào Việt Nam đạt khoảng 2,9 tỉ USD, tăng 50% so với cùng kỳ 2022.

Về viện trợ phát triển chính thức ODA, Nhật Bản là nước cung cấp vốn vay bằng đồng yên cho Việt Nam lớn nhất, tổng giá trị vay tính đến hết năm tài khóa 2020 là 2.812,8 tỉ yên (tương đương 27,5 tỉ USD), chiếm hơn 26% tổng vốn ký kết vay nước ngoài của Chính phủ.

PV

Nguồn PLO: https://plo.vn/thu-tuong-len-duong-den-nhat-ban-du-hoi-nghi-asean-nhat-ban-post766799.html