Thủ tướng giao năm 2024 phải có thêm 130.000 căn nhà ở xã hội, giảm lãi suất cho vay mua nhà

Thủ tướng giao nhiệm vụ trong năm 2024 phải hoàn thành khoảng 130.000 căn hộ nhà ở xã hội trên cả nước, trong đó Bộ Công an và Bộ Quốc phòng thực hiện 10.000 căn hộ...

Bộ trưởng Xây dựng Nguyễn Thanh Nghị phát biểu tại Hội nghị (Ảnh: VGP)

Báo cáo tóm tắt việc phát triển nhà ở xã hội tại hội nghị tháo gỡ khó khăn, thúc đẩy phát triển nhà ở xã hội do Chính phủ tổ chức sáng 16-3, Thứ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Văn Sinh cho biết, theo tổng hợp của các địa phương, trên địa bàn cả nước đã quy hoạch 1.316 khu đất với quy mô 8.611 ha làm nhà ở xã hội. Như vậy so với báo cáo năm 2020 (3.359ha) thì diện tích đất phát triển nhà ở xã hội đến nay đã tăng thêm 5.252 ha.

Về kết quả triển khai thực hiện dự án nhà ở xã hội trong giai đoạn từ năm 2021 đến hết năm 2023, qua tổng hợp báo cáo của các địa phương trên địa bàn cả nước có 499 dự án nhà ở xã hội đã được triển khai với quy mô 411.250 căn.

Nhiều địa phương đã tích cực trong việc thu hút đầu tư, thúc đẩy khởi công xây dựng nhà ở xã hội như: Bắc Ninh 15 dự án, 6.000 căn; Bắc Giang 05 dự án, 12.475 căn; Hải Phòng 07 dự án, 11.678 căn; Bình Dương 07 dự án, 6.557 căn… Tuy nhiên, một số địa phương trọng điểm mặc dù có nhu cầu về nhà ở xã hội rất lớn, nhưng việc đầu tư nhà ở xã hội còn hạn chế so với mục tiêu của Đề án đến năm 2025.

Thủ tướng trao đổi với các đại biểu bên lề hội nghị (Ảnh: VGP)

Bộ Xây dựng cho biết, tại Nghị quyết số 01/NQ-CP ngày 05/01/2024, Thủ tướng Chính phủ đã giao trong năm 2024 nỗ lực phấn đấu trên địa bàn cả nước hoàn thành khoảng 130.000 căn hộ nhà ở xã hội.

Để có thể hoàn thành nhiệm vụ này, Bộ Xây dựng đề xuất nhiều giải pháp về hoàn thiện thể chế, cũng như đề nghị Ngân hàng Nhà nước Việt Nam tiếp tục nghiên cứu, xem xét hạ mức lãi suất cho vay nguồn vốn hỗ trợ 120.000 tỷ đồng phù hợp với điều kiện thực tiễn trong từng giai đoạn.

Đối với Bộ Công an, Bộ Quốc phòng, phấn đấu trong năm 2024, mỗi Bộ thực hiện 5.000 căn hộ nhà ở xã hội; Xác định nhu cầu nhà ở của các đối tượng do Bộ quản lý; Phối hợp chặt chẽ với các địa phương chuẩn bị quỹ đất đảm bảo đáp ứng nhu cầu, đồng thời chuẩn bị các nguồn lực khác về tài chính, con người... để triển khai hiệu quả các dự án nhà ở cho lực lượng vũ trang nhân dân sau khi Luật Nhà ở 2023 có hiệu lực thi hành.

Với Tổng Liên đoàn lao động Việt Nam, phấn đấu trong năm 2024 thực hiện 2.000 căn hộ. Bộ Xây dựng sẽ chủ trì, phối hợp với các Bộ, ngành đôn đốc các địa phương tập trung thực hiện mục tiêu hoàn thành 130.000 căn hộ nhà ở xã hội trong năm 2024…

Phát biểu kết luận hội nghị, Thủ tướng Phạm Minh Chính một lần nữa khẳng định: Đảng, Nhà nước luôn quan tâm an sinh xã hội, chăm lo đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân, trong đó nhà ở là 1 trong 3 trụ cột của an sinh xã hội, công dân có quyền có nơi ở hợp pháp.

Thủ tướng Phạm Minh Chính phát biểu kết luận

Theo Thủ tướng Chính phủ, việc phát triển nhà ở xã hội so với mục tiêu, yêu cầu, mong muốn thì chưa đạt được và còn một số tồn tại, khó khăn. Một trong những nguyên nhân là do lợi nhuận của loại hình này chưa đủ sức hấp dẫn với các chủ đầu tư. “Vì thế, nếu các địa phương không tạo điều kiện thuận lợi, hỗ trợ mà đòi hỏi, gây khó dễ, sách nhiễu thì doanh nghiệp cũng mất hào hứng" - Thủ tướng phân tích.

Người đứng đầu Chính phủ phân tích, nhà ở xã hội là nhà ở bình thường như loại nhà ở khác, phải bảo đảm chất lượng, an toàn, vệ sinh môi trường; bảo đảm hạ tầng về y tế, giáo dục, xã hội và các dịch vụ khác; nhưng điểm khác là có cơ chế, chính sách phù hợp cho người mua và người bán.

“Không phải những nơi xa xôi, vắng vẻ, những nơi không làm được nhà ở thương mại thì làm nhà ở xã hội, hay nhà ở xã hội thiếu hạ tầng y tế, giáo dục, điện nước, không bảo đảm vệ sinh môi trường…” - Thủ tướng nhắc nhở và gợi ý, nhà ở xã hội ngoài hình thức mua thì phải có thuê và thuê mua.

Thủ tướng cho biết, Nhà nước khuyến khích các thành phần kinh tế phát triển nhà ở xã hội, nhà ở công nhân theo cơ chế thị trường, đồng thời có chính sách để hỗ trợ về nhà ở cho các đối tượng người thu nhập thấp đô thị, công nhân khu công nghiệp.

Về các giải pháp cụ thể, Thủ tướng đề nghị các bộ ngành tập trung tháo gỡ các khó khăn vướng mắc trên tinh thần cắt giảm tối đa thủ tục hành chính, tăng cường phân cấp, phân quyền để giảm tối đa thời gian, chi phí thực hiện dự án nhà ở xã hội.

Ngân hàng Nhà nước chỉ đạo các ngân hàng thương mại nhà nước lớn chung tay cùng doanh nghiệp nghiên cứu, xây dựng và cung cấp gói tín dụng cho người mua với thời gian 10-15 năm với lãi suất thấp hơn từ 3-5% so với cho vay thương mại; nghiên cứu, xem xét hạ lãi suất cho vay nguồn vốn hỗ trợ 120 nghìn tỷ đồng phù hợp.

Thủ tướng lưu ý các địa phương đôn đốc chủ đầu tư các dự án nhà ở thương mại, khu đô thị triển khai đầu tư xây dựng nhà ở xã hội trên quỹ đất 20% của các dự án này theo tiến độ được phê duyệt. Trường hợp chủ đầu tư không thực hiện thì thu hồi quỹ đất 20% để lựa chọn các chủ đầu tư khác thực hiện…

Thủ tướng Chính phủ cũng nhắn nhủ các doanh nghiệp, ngân hàng thực hiện nghĩa vụ, trách nhiệm với tinh thần là “lợi ích hài hòa, rủi ro chia sẻ”.

Nguồn ANTĐ: https://anninhthudo.vn/thu-tuong-giao-nam-2024-phai-co-them-130000-can-nha-o-xa-hoi-giam-lai-suat-cho-vay-mua-nha-post570139.antd