Thủ tướng: Cổ phần hóa DNNN làm chậm, làm thất thoát thì phải xử lý

Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc cho rằng, kết quả sắp xếp, đổi mới doanh nghiệp Nhà nước giai đoạn 2011-2015 đã đạt được nhiều kết quả khả quan, nhưng kết quả này vẫn còn thấp, nhỏ lẻ nên trong giai đoạn tới cần có những biện pháp mạnh mẽ hơn.

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc phát biểu tại hội nghị. Ảnh: H.Dịu

Ngày 6-12, tại Hà Nội, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc cùng các Phó Thủ tướng chủ trì Hội nghị trực tuyến toàn quốc triển khai công tác sắp xếp, đổi mới doanh nghiệp Nhà nước (DNNN) giai đoạn 2016-2020.

Còn nhiều vướng mắc

Báo cáo tại hội nghị, Phó Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ, Phó Trưởng Ban Thường trực Ban Chỉ đạo đổi mới và Phát triển doanh nghiệp Lê Mạnh Hà cho biết, sắp xếp, cổ phần hóa DNNN đạt kết quả tích cực, số doanh nghiệp sắp xếp đạt 96% kế hoạch, doanh nghiệp cổ phần hóa đạt 96,3% kế hoạch của cả 5 năm.

Tuy nhiên, chia sẻ về vấn đề cổ phần hóa DN tại hội nghị, ông Trần Quang Nghị, Chủ tịch HĐQT Tập đoàn Dệt May cho biết, việc cổ phần hóa chậm là do tâm lý người đứng đầu DNNN muốn "làm ông chủ giả khỏe hơn ông chủ thật bỏ tiền ra để kinh doanh", bởi chỉ cần bảo toàn vốn là được, không cần phải đẩy nhanh cổ phần hóa để "chiến đấu" với thương trường...

Đặc biệt, ông Nghị cũng nhấn mạnh đến việc có những DN khi bán lại "làm cái nhà xấu đi" để bán giá thấp cho nhóm lợi ích... do vậy cần có sự giám sát chặt chẽ, hợp lý để bảo đảm lợi ích cao nhất của Nhà nước khi bán cổ phần.

Chính vì thế, ông Trần Quang Nghị đề xuất Chính phủ nên cử người xuống DN để làm cầu nối giải quyết những trì trệ, ách tắc, làm “tai mắt” cho Chính phủ, tránh những bất cập gây chậm trễ cho công cuộc quan trọng này.

Cũng kiến nghị về việc đẩy nhanh công tác cổ phần hóa, theo đại diện Tổng công ty Đầu tư và Kinh doanh vốn nhà nước (SCIC) cho rằng, Chính phủ cần tạo lập môi trường để DNNN hoạt động kinh doanh bình đẳng; Xem xét đánh giá, kiểm tra tổng thể để bảo đảm người đứng đầu có tính năng động, quyết đoán.

Phát biểu tại hội nghị trực tuyến, ông Nguyễn Đức Chung, Chủ tịch UBND TP. Hà Nội đề nghị, đối với DN mà Nhà nước không cần nắm giữ 100% vốn thì nên thoái hết vốn. Hơn nữa, Chính phủ cần sớm ban hành Nghị định thay thế Nghị định 59 về chuyển DN 100% vốn Nhà nước thành công ty cổ phần, Nghị định thay thế Quyết định 37/2014/QĐ-TTg về tiêu chí danh mục DN để tạo thuận lợi cho việc cổ phần hóa.

Còn phía đại diện TP.HCM đề xuất sớm phê duyệt danh mục DN cổ phần hóa; Có hướng dẫn về xác định giá trị lợi thế, xác định giá trị thương hiệu khi cổ phần hóa…

Trước những kiến nghị của các DN và địa phương, đại diện Bộ Tài chính cho rằng, khuôn khổ pháp lý đã tương đối đồng bộ và kịp thời.

“Không vì vướng mắc cơ chế mà chậm cổ phần hóa”, đại diện Bộ Tài chính khẳng định.

Do đó, các vướng mắc nêu trên đã và đang được Bộ Tài chính tập hợp, hoàn thiện để thành dự thảo, chuyển Bộ Tư pháp thẩm định. Ví dụ như, Bộ Tài chính đang hoàn thiện cơ chế về chuyển DN 100% vốn Nhà nước thành công ty cổ phần làm cơ sở pháp lý thực hiện cổ phần hóa giai đoạn 2016-2020.

Đặc biệt, trước những kiến nghị về vướng mắc của Quyết định 37/2014/QĐ-TTg, ông Đặng Tiến Đông, Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và đầu tư cho biết, dự thảo đã được hoàn thiện và sẽ sớm ban hành. Theo đó, Bộ đã đề xuất đưa vào danh mục DN Nhà nước thực hiện sắp xếp giai đoạn 2016-2020 là 143 DN, giúp rút ngắn quy trình được 2 năm so với trước đây.

Kiên quyết đẩy mạnh

Phát biểu kết luận hội nghị, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc một lần nữa nhấn mạnh công tác sắp xếp, đổi mới DNNN là nhiệm vụ chính trị quan trọng và giai đoạn 2011-2015 đã đạt được nhiều thành quả đáng ghi nhận.

Tuy nhiên, công tác này mới thoái vốn được 5 lĩnh vực (đạt 42%), cổ phần hóa số vốn được 8%, còn lại 92% vẫn là vốn Nhà nước. Như vậy, dù số lượng DNNN đã giảm đi nhưng tỷ lệ cổ phần hóa còn rất thấp, còn nhỏ lẻ, chưa đủ thay đổi cơ cấu DN để quản trị tốt hơn.

Nói về nguyên nhân của những hạn chế trên, Thủ tướng cho rằng, nguyên nhân khách quan là do vướng mắc về thể chế và cách làm; Nguyên nhân chủ quan là do lợi ích cục bộ nên chưa tạo được động lực thực sự để thoái vốn, cổ phần hóa.

Một nguyên nhân nữa là do đề án xây dựng chậm, phê duyệt cũng chậm, sự phối hợp giữa các bộ ngành chưa chặt chẽ, kịp thời. “Tư tưởng của một số bộ là không muốn cổ phần hóa, chậm cổ phần hóa để dễ quản lý, dễ nâng lương”, Thủ tướng nói.

Từ những nguyên nhân này, người đứng đấu Chính phủ đưa ra 3 yêu cầu cho công tác sắp xếp, đối mới DNNN giai đoạn mới.

Thứ nhất, cần phải tạo được động lực mạnh mẽ, tạo môi trường cạnh tranh, môi trường kinh doanh minh bạch, có sự giám sát chặt chẽ, có tính cạnh tranh cao cả đầu vào và đầu ra, có động lực để thúc đẩy DN hoạt động hiệu quả hơn.

Thứ hai, khi tiến hành cổ phần hóa, quy mô khu vực kinh tế Nhà nước nhỏ đi, nhưng hiệu quả hoạt động của DNNN phải cao hơn, vốn Nhà nước phải được bảo toàn và phát huy giá trị tốt hơn.

Thứ ba, tái cơ cấu DNNN để giải phóng nguồn lực phục vụ tăng trưởng cao hơn; Không cổ phần hóa bằng mọi giá, không phải Nhà nước bán hết để tư nhân chi phối. Lĩnh vực nào cần có vai trò của Nhà nước (năng lượng, ngân hàng, các thủy điện quan trọng...) thì tính toán lại để quản lý cho hiệu quả, còn lại thì rút vốn ra, tạo điều kiện để tư nhân hoạt động...

Từ đó, trong giai đoạn 2016-2020, Thủ tướng nêu các nhóm nhiệm vụ cơ bản: Xác định rõ lĩnh vực nào Nhà nước cần nắm giữ, lĩnh vực còn lại thì rút vốn theo tỉ lệ phù hợp; Sớm xác định danh mục DN với tỷ lệ giữ vốn cụ thể; Lành mạnh hóa hoạt động doanh nghiệp, xóa bỏ mọi rào cản trong quá trình cổ phần hóa; Xây dựng hệ thống đánh giá phù hợp DNNN sau cổ phần hóa thực hiện mục tiêu chính sách với mục tiêu kinh tế; Áp dụng quản trị DN theo thông lệ quốc tế; Hoàn thiện quy trình thủ tục về đầu tư, mua sắm, phân phối, công tác cán bộ; Xử lý các doanh nghiệp thua lỗ, hoạt động hiệu quả thấp; Quản lý chặt chẽ việc vay nợ; Rà soát, tháo gỡ mọi rào cản về chính sách... để đẩy nhanh quá trình cổ phần hóa, sắp xếp lại DNNN.

Để thực hiện hiệu quả các yêu cầu, nhiệm vụ nêu trên, Thủ tướng giao trách nhiệm cụ thể cho cá nhân lãnh đạo từng bộ, ngành, địa phương, doanh nghiệp trong thực hiện cổ phần hóa với phương châm bộ nào, địa phương nào, doanh nghiệp nào "làm chậm, làm thất thoát thì phải xử lý".

Hương Dịu

Nguồn Hải Quan: http://www.baohaiquan.vn/pages/thu-tuong-chinh-phu-khong-co-phan-hoa-bang-moi-gia.aspx