Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính dự Hội nghị tổng kết công tác năm 2023 của Bộ Tài nguyên và Môi trường

Sáng 31-12, tại Hà Nội, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính dự và chỉ đạo Hội nghị tổng kết công tác năm 2023 và triển khai nhiệm vụ năm 2024 ngành tài nguyên và môi trường.

Cùng dự hội nghị có Phó thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà cùng lãnh đạo các ban, bộ, ngành Trung ương và lãnh đạo các địa phương.

Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính dự hội nghị.

Mở đầu hội nghị, các đại biểu đã xem video tổng kết công tác năm 2023 của Bộ Tài nguyên và Môi trường. Theo đó, trong năm 2023, bám sát chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, toàn ngành tài nguyên và môi trường đã nỗ lực, quyết liệt trong giải quyết công việc, bảo đảm các hoạt động quản lý nhà nước của Bộ, của Ngành được nhịp nhàng, thông suốt, đặc biệt trong bối cảnh Bộ có sự thay đổi, chuyển giao lãnh đạo. Nhiều kết quả quan trọng đã được lãnh đạo Đảng, Nhà nước ghi nhận và nhân dân đánh giá cao, trong đó nổi bật là: Công tác hoàn thiện thể chế, chính sách, pháp luật tiếp tục được quan tâm, qua đó tạo lập hệ thống pháp luật về tài nguyên và môi trường ngày càng đồng bộ, thống nhất, đi vào cuộc sống.

Chủ động thực hiện sớm các giải pháp để đảm bảo các yếu tố đầu vào cho nền kinh tế như đất đai, sản xuất, tài nguyên nước, thông tin, số liệu khí tượng thủy văn phục vụ sản xuất kinh doanh, phát triển kết cấu hạ tầng chiến lược của đất nước.

Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính dự và chỉ đạo hội nghị.

Hiệu quả thực thi chính sách, pháp luật về bảo vệ môi trường; trách nhiệm của chính quyền các cấp, doanh nghiệp, nhà đầu tư và nhận thức của người dân đối với các vấn đề về môi trường ngày càng được nâng cao.

Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính phát biểu tại hội nghị.

Chuyển đổi số, xây dựng cơ sở dữ liệu trong Ngành tài nguyên và môi trường được quan tâm đầu tư, góp phần nâng cao hiệu quả quản lý nhà nước, cung cấp dịch vụ công, giải quyết thủ tục hành chính cho người dân, doanh nghiệp. Chủ động dự báo sớm, đủ độ chi tiết, tin cậy cao trong cảnh báo mưa lớn, bão, lũ trên các sông và các hình thái thời tiết cực đoan, góp phần giảm thiểu thiệt hại do thiên tai gây ra.

Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính và các đại biểu tại hội nghị.

Chủ động triển khai các chiến lược, kế hoạch về ứng phó với biến đổi khí hậu, chuyển đổi năng lượng công bằng, thu hút đầu tư ngoài nước cho phát triển năng lượng tái tạo, năng lượng sạch.

Đối với công tác lập quy hoạch theo quy định của Luật Quy hoạch, Bộ tập trung xây dựng, hoàn thành, trình Thủ tướng Chính phủ 8/8 quy hoạch cấp quốc gia, 10/15 quy hoạch có tính chất kỹ thuật, chuyên ngành. Trong đó, lập Quy hoạch không gian biển quốc gia là nhiệm vụ khó, phức tạp, lần đầu được triển khai thực hiện ở nước ta (Quy hoạch đang được Ban cán sự đảng Bộ trình, xin ý kiến của Bộ Chính trị trước khi trình Quốc hội).

Bộ đã vận hành các hệ thống thông tin Chính phủ điện tử phục vụ công tác chỉ đạo điều hành, quản trị, làm việc của Bộ, ngành tài nguyên và môi trường trên môi trường điện tử, trực tuyến; nền tảng kết nối, tích hợp dữ liệu của Bộ đã tích hợp với nền tảng kết nối, chia sẻ dữ liệu quốc gia, với 240 dịch vụ, 10.878.577 giao dịch; số lượng văn bản điện tử (ký số) gửi, nhận qua Trục liên thông văn bản quốc gia và nội bộ là 95.018 văn bản. Cơ bản hoàn thành các nhiệm vụ được giao tại Đề án phát triển ứng dụng dữ liệu về dân cư, định danh và xác thực điện tử phục vụ chuyển đổi số quốc gia giai đoạn 2022 - 2025, tầm nhìn đến 2030 (Đề án 06/CP).

Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Đặng Quốc Khánh phát biểu tại hội nghị.

Toàn bộ 63/63 tỉnh, thành phố đã và đang triển khai xây dựng cơ sở dữ liệu (CSDL), trên cả nước đã có CSDL của 450/705 huyện. Đã kết nối CSDL đất đai của 63/63 tỉnh, thành phố với CSDL quốc gia về dân cư với 461/705 quận/huyện, 6.198/10.599 phường/xã, tổng số hơn 26 triệu thửa đất; cơ bản hoàn thành thí điểm làm giàu, làm sạch dữ liệu về đất đai, thông tin nhà ở trong CSDL đất đai tại tỉnh Hà Nam và TP Hà Nội...

Năm 2024, toàn ngành xác định tiếp tục đẩy mạnh cải cách thể chế, đảm bảo đồng bộ, thống nhất, rõ ràng, minh bạch; tháo gỡ các nút thắt, điểm nghẽn trong quy định của pháp luật, xây dựng hệ thống quy hoạch đồng bộ để giải phóng, phát huy các nguồn lực tài nguyên cho phát triển kinh tế - xã hội.

Chuyển đổi số, xây dựng hệ thống thông tin dữ liệu tài nguyên và môi trường; xây dựng, vận hành hệ thống thông tin đất đai (MPLIS), số hóa hồ sơ giải quyết thủ tục hành chính, hoàn thiện cơ sở dữ liệu nền địa lý quốc gia và các cơ sở dữ liệu quan trọng, cấp bách tạo nền tảng phát triển Chính phủ số, kinh tế số, xã hội số, đô thị thông minh.

Chủ động hội nhập với các xu thế của thời đại, huy động các nguồn lực xã hội, hỗ trợ quốc tế thực hiện chuyển đổi số, chuyển đổi xanh.

Tại hội nghị, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đánh giá cao và biểu dương nỗ lực, những kết quả quan trọng mà tập thể lãnh đạo, cán bộ, công chức, viên chức, người lao động ngành tài nguyên và môi trường đã đạt được trong năm 2023.

Về các nhiệm vụ trọng tâm của ngành tài nguyên và môi trường trong năm 2024, Thủ tướng yêu cầu, quán triệt và tổ chức triển khai thực hiện nghiêm túc, hiệu quả các Nghị quyết, Kết luận của Trung ương, Bộ Chính trị, Ban Bí thư, các Nghị quyết của Quốc hội, Chính phủ, chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ về các nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu phát triển kinh tế-xã hội năm 2024.

Thủ tướng Chính phủ và các đại biểu tham dự hội nghị

Thủ tướng nhấn mạnh, ngành cần chú trọng xây dựng đội ngũ cán bộ trong sạch, vững mạnh, đủ phẩm chất năng lực, uy tín. Đây là vấn đề có tính chất quyết định để thực hiện nhiệm vụ chính trị của ngành và để đất nước phát triển nhanh, bền vững.

Thủ tướng chỉ đạo, ngành tiếp tục hoàn thiện thể chế, xây dựng hệ thống chính sách, pháp luật. Trước mắt, phải hoàn thành bằng được Luật Đất đai (sửa đổi) đảm bảo chất lượng để trình Quốc hội thông qua tại kỳ họp gần nhất. Triển khai thực hiện Luật tài nguyên nước (sửa đổi); đồng thời tổ chức xây dựng Luật Địa chất và Khoáng sản để trình Chính phủ xem xét, trình Quốc hội trong năm 2024; tiếp tục rà soát tháo gỡ các vướng mắc ở các văn bản dưới Luật để thúc đẩy phát triển kinh tế-xã hội.

Tiếp tục cải cách mạnh mẽ thủ tục hành chính, cắt giảm hết các thủ tục hành chính rườm rà, không cần thiết, gây phiền hà cho người dân, tạo môi trường tiêu cực và sách nhiễu, cản trở sự phát triển.

Tổ chức hiệu quả việc thi hành Luật Bảo vệ môi trường năm 2020. Tăng cường thanh tra, kiểm tra và xử lý nghiêm các cơ sở, hành vi vi phạm pháp luật về môi trường.

Đa dạng hóa, thu hút đầu tư phát triển hạ tầng môi trường, nhất là hạ tầng chống biến đổi khí hậu. Nghiên cứu thí điểm mô hình tuần hoàn, kinh tế tuần hoàn ít phát thải để tiến tới nhân rộng cho cả nước. Hiện đại hóa, tăng cường mạng lưới khí tượng thủy văn, trạm ra đa, mạng lưới quan trắc, nâng cao chất lượng dự báo.

Thủ tướng yêu cầu, đẩy mạnh hơn nữa việc hoàn thiện thể chế, xây dựng các văn bản quy phạm pháp luật đồng bộ, toàn diện, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho người dân, doanh nghiệp, các tổ chức chính trị-xã hội, các tổ chức kinh tế.

Bộ Tài nguyên và Môi trường cần phối hợp chặt chẽ với các bộ, ngành, địa phương, đối tác quốc tế. Tập trung cho chuyển đổi số, chuyển đổi xanh, phát triển kinh tế tuần hoàn bằng cách tập trung xây dựng thể chế, đào tạo nguồn nhân lực và huy động nguồn lực thực hiện. Đặc biệt, cơ sở dữ liệu về đất đai, môi trường, khoáng sản cần kết nối được với cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư.

Thủ tướng tin tưởng rằng với truyền thống đổi mới, sáng tạo, quyết tâm cao từ Trung ương cho tới các địa phương, ngành tài nguyên và môi trường sẽ phát triển tốt, có thành tích cao năm 2023.

Phát biểu đáp từ chỉ đạo của Thủ tướng, Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Đặng Quốc Khánh hứa toàn ngành tài nguyên và môi trường sẽ cố gắng hết sức để phát huy được những kết quả đã đạt được trong năm 2023, khắc phục các hạn chế và thực hiện nghiêm túc, hiệu quả các ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng tại hội nghị.

Tin, ảnh: LA DUY

Nguồn QĐND: https://www.qdnd.vn/chinh-tri/tin-tuc/thu-tuong-chinh-phu-pham-minh-chinh-du-hoi-nghi-tong-ket-cong-tac-nam-2023-cua-bo-tai-nguyen-va-moi-truong-758622