Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc: Xây dựng thể chế không có kẽ hở cho tham nhũng

Tại buổi chất vấn Thủ tướng sáng qua (17/11), các đại biểu Quốc hội (ĐBQH) tập trung vào những vấn đề được cử tri và nhân dân quan tâm, như việc giải quyết tham nhũng, phát triển kinh tế, hội nhập quốc tế…

Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc trả lời chất vấn

Thống kê, có 36 ĐBQH đăng ký đặt câu hỏi chất vấn đã hoàn thành, còn lại 7 câu hỏi, Thủ tướng Chính phủ sẽ trả lời bằng văn bản.

Giải quyết nợ xấu

Là một trong những ĐB đầu tiên chất vấn Thủ tướng, ĐB Lê Quân (Hà Nội) bày tỏ lo lắng trước vấn đề nội dung tái cấu trúc nền kinh tế, cấu trúc nợ xấu và các ngân hàng yếu kém là rất khó khăn. Theo ĐB Quân, “nợ xấu như cục máu đông, tiềm ẩn nhiều rủi ro, nếu không xử lý tốt sẽ rất khó cho nền kinh tế phát triển. Những năm qua chúng ta đã nỗ lực nhiều nhưng kết quả đạt được chưa lớn, còn hạn chế”. Từ thực tế đó, ĐB đặt câu hỏi: “Chính phủ sẽ có giải pháp đột phá nào để cơ bản giải quyết được tình trạng nợ xấu và xử lý các ngân hàng yếu kém?”.

Liên quan đến sự kiện bầu cử tổng thống tại Mỹ khi mà TPP không nhận được sự đồng thuận của Tổng thống Mỹ mới và Đảng Cộng hòa. ĐB Quân đề nghị Thủ tướng cho biết ý kiến về tương lai của TPP, quan điểm và chính sách của Việt Nam đối với TPP ra sao?

Trả lời vấn đề này, Thủ tướng cho biết, hiện nay nợ xấu theo sổ sách kế toán chưa đầy đủ, bao gồm cả nợ xấu trong VAMC, trong các ngân hàng mua lại không (0) đồng. Theo Thủ tướng, để giải quyết vấn đề trên, cần phải làm đồng thời các việc: Một là, có một khung thể chế pháp lý cho vấn đề này tốt hơn, nhất là khung thể chế pháp lý cho VAMC. Hai là, phải kiểm soát chặt chẽ, không phát sinh nợ xấu mới, trong đó có kiểm soát đặc biệt đối với ngân hàng không đồng để mua lại. Đồng thời, chúng ta có những biện pháp đồng bộ hơn trong vấn đề này để nợ xấu được minh bạch và giải quyết trong quá trình điều hành của nền kinh tế, để quá trình đó giảm dần xuống.

“Chúng tôi đang xây dựng đề án toàn diện để xử lý vấn đề nợ xấu ở Việt Nam và sẽ báo cáo với các ĐBQH trong thời gian tới, để làm “cục máu đông” này nhỏ đi, để điều hành nền kinh tế an toàn hơn. Hiện nay, đây là vấn đề rất lo lắng của Chính phủ, Quốc hội chúng ta”, Thủ tướng cho biết.

Xung quanh TPP, Thủ tướng cho biết, TPP có 12 nước tham gia Hiệp định kinh tế châu Á- Thái Bình Dương. Việt Nam đã chuẩn bị các điều kiện cần thiết để tham gia TPP. Nhưng QH Mỹ hiện đã ngừng thông qua TPP nên Việt Nam chưa có đủ cơ sở trình tham gia TPP. “Việt Nam với tinh thần lớn, sẵn sàng tham gia TPP. Tuy nhiên, không tham gia TPP hay có tham gia thì chúng ta vẫn là nền kinh tế tiếp tục hội nhập sâu rộng với quốc tế, vì chúng ta có 12 hiệp định thương mại tự do. Cho nên, có tham gia TPP rất tốt, không tham gia TPP chúng ta vẫn tiếp tục hội nhập nền kinh tế của các chương trình chúng ta đã làm thời gian qua và tiếp tục có chương trình hội nhập quốc tế thời gian tới, kể cả với ASEAN”, Thủ tướng khẳng định.

Quan tâm đến vấn đề tăng trưởng kinh tế, ĐB Trần Hoàng Ngân (TP HCM) đặt câu hỏi làm thế nào để đạt được mục tiêu, tốc độ tăng trưởng kinh tế giai đoạn 2016 - 2020 đạt được 6,5 -7%. Trong đó năm 2017 tăng 6,7% trong điều kiện vẫn đảm bảo ổn định kinh tế vĩ mô và an toàn nợ công.

Trả lời câu hỏi, Thủ tướng cho biết, vì chúng ta đang gặp rất nhiều khó khăn khi xuất phát điểm và quy mô nền kinh tế còn quá thấp. “Tôi cho rằng đặt mục tiêu 6,7% mà QH đã thông qua là một thách thức rất lớn đối với Chính phủ… Nhưng trong bối cảnh như vậy, chúng ta không có cách nào khác là phải phấn đấu cao”, Thủ tướng nhấn mạnh.

Phải cải cách hành chính

Liên quan đến công tác phòng, chống tham nhũng, ĐB Nguyễn Tiến Sinh (Hòa Bình) đặt câu hỏi: “Thủ tướng có giải pháp đột phá nào để ngăn chặn và đẩy lùi tệ nạn tham nhũng hiện nay, biến quyết tâm xây dựng một Chính phủ liêm chính của Thủ tướng sớm trở thành hiện thực?”.

Cho rằng, tham nhũng còn phổ biến và nghiêm trọng nhất là tình trạng lãng phí trong bộ máy nhà nước, ĐB Nguyễn Thị Quyết Tâm (TP HCM) đề nghị Thủ tướng cho biết có hay không việc Chính phủ chưa phối hợp một cách hiệu quả với Mặt trận, các đoàn thể chính trị xã hội, các đoàn thể nhân dân và chưa phát huy đúng tầm, vai trò của nhân dân trong giám sát hoạt động của Nhà nước, các tổ chức quản lý nhà nước.

Đáp lời, Thủ tướng nhấn mạnh chúng ta cần thể chế luật pháp không có kẽ hở, thể chế này để những đối tượng đang có ý định tham nhũng sẽ “không dám, không thể và không nên”. Cùng với đó, là phải cải cách hành chính, không còn cơ chế xin-cho, hạn chế tối đa tình trạng xin-cho, đặc biệt trong một số lĩnh vực dễ phát sinh tham nhũng như ngân sách, xây dựng cơ bản, đất đai, hầm mỏ… Bên cạnh đó phải nghiêm trị, điều tra, truy tố, xét xử nghiêm minh những vụ đã được phát hiện có tham nhũng. Tăng cường kiểm soát quyền lực của bất cứ cán bộ nào. “Tôi nghĩ những biện pháp đồng bộ như vậy sẽ góp phần cho công tác phòng, chống tham nhũng… Đó là vấn đề phối hợp tốt hơn nữa, phát huy tốt hơn nữa vai trò của đoàn thể chính trị, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và vai trò của nhân dân. Có cơ chế phát huy vai trò của nhân dân trong vấn đề phát hiện, phòng chống tham nhũng trong thời gian tới. Vai trò của báo chí, vai trò của nhân dân, vai trò giám sát các đoàn thể chính trị và Mặt trận Tổ quốc, cùng với các cơ chế khác để tạo nên tinh thần phòng chống tham nhũng ở mọi tổ chức, mọi cá nhân trong toàn xã hội”, Thủ tướng cho biết.

Vấn đề kỷ luật, kỷ cương công vụ được ĐBQH Nguyễn Thái Học (Phú Yên) đặt ra, là cử tri quan tâm, lo lắng và bất bình trước tình trạng kỷ luật, kỷ cương không nghiêm trong quá trình thực thi pháp luật. Bên cạnh đó là một bộ phận cán bộ, công chức tha hóa, biến chất, vòi vĩnh, tiêu cực, trong đó có những người ở cương vị lãnh đạo quản lý. “Thủ tướng có quyết tâm, quyết liệt chấn chỉnh thực trạng nêu trên hay không? Giải pháp xử lý thế nào?”, ĐB Học đặt câu hỏi.

Trả lời chất vấn, Thủ tướng nêu rõ, Chính phủ đã ký một Chỉ thị mới nhất để tăng cường kỷ luật, kỷ cương hành chính và phổ biến tới tất cả các cấp trong cơ quan hành chính; thực hiện giáo dục đạo đức cho đội ngũ cán bộ. Thủ tướng cho rằng, phải chỉ định cho rõ, xử lý nghiêm khắc các cá nhân, tập thể vi phạm, có hình thức phát hiện cần thiết trong tình hình hiện nay, thực hiện nghiêm Nghị quyết Trung ương 4 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XII về chống thoái hóa, biến chất trong cán bộ, đảng viên. Thực hiện công khai, minh bạch, quyền lực phải được kiểm soát.

Phạm Diệu

Nguồn Pháp Luật VN: http://baophapluat.vn/thoi-su/thu-tuong-chinh-phu-nguyen-xuan-phuc-xay-dung-the-che-khong-co-ke-ho-cho-tham-nhung-305716.html