Thủ tướng: Cần thiết thì sáp nhập, giải thể ngân hàng yếu kém

(TBKTSG Online)- Tại phiên họp thường kỳ tháng 8 của Chính phủ diễn ra hôm nay, 27-8, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng nhấn mạnh phải thực hiện tái cơ cấu ngân hàng vì an toàn của hệ thống, vì lợi ích của người dân. “Dứt khoát các ngân hàng yếu kém phải kiểm soát chặt chẽ, cần thiết thì sáp nhập, giải thể theo đúng pháp luật”, ông nói. Một nội dung khác cũng được Thủ tướng lưu tâm là tăng tổng cầu, giải quyết khó khăn cho doanh nghiệp.

Lan Nhi

Chính phủ yêu cầu cần quyết liệt hơn nữa tái cơ cấu ngân hàng, cắt giảm thủ tục hải quan, thuế Ảnh: Chinhphu.vn

Dứt điểm việc tái cơ cấu ngân hàng:

Tập trung tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh, thúc đẩy tăng trưởng là những nội dung trọng tâm mà Thủ tướng yêu cầu các thành viên Chính phủ thảo luận tại phiên họp thường kỳ tháng 8 tại Hà Nội hôm 27-8.

Mặc dù GDP 8 tháng đầu năm ước tăng 5,54% nhưng Bộ Kế hoạch và Đầu tư (KH-ĐT) vẫn nhận định tình hình kinh tế-xã hội còn nhiều khó khăn, kinh tế vĩ mô chưa thực sự vững chắc, tổng cầu tăng chậm, tăng trưởng tín dụng thấp. Khả năng tiếp cận vốn của doanh nghiệp còn nhiều khó khăn, xử lý nợ xấu rất chậm so với yêu cầu.

Tính đến nay, Bộ KH-ĐT thống kê và dự kiến sẽ có 12/14 chỉ tiêu kinh tế vĩ mô đạt và vượt mục tiêu đề ra, song Thủ tướng nhấn mạnh, “Trong 4 tháng còn lại của năm 2014, tiếp tục kiên định mục tiêu tổng quát, chỉ tiêu chủ yếu, nhiệm vụ, giải pháp đã đề ra theo Nghị quyết 01 của Chính phủ” mà trọng tâm là tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh, thúc đẩy thị trường thì các chỉ tiêu khác mới đạt được.

Để đến được đích tăng trưởng 5,8% cho cả năm, Thủ tướng đề nghị tập trung thảo luận về các giải pháp tăng tổng cầu của nền kinh tế, nhất là tăng dự nợ tín dụng gắn với nâng cao chất lượng tín dụng, gắn với giải quyết nợ xấu, tăng giải ngân đầu tư và chống hàng giả, hàng lậu để bảo vệ hàng sản xuất trong nước.

Trước tính hình tái cơ cấu các ngân hàng thương mại có xu hướng chậm lại so với kế hoạch đề ra, Thủ tướng yêu cầu triển khai với tinh thần dứt khoát, dứt điểm trong việc tái cơ cấu các ngân hàng yếu kém. Ông nhấn mạnh phải thực hiện tái cơ cấu ngân hàng vì an toàn của hệ thống, vì lợi ích của người dân. “Dứt khoát các ngân hàng yếu kém phải kiểm soát chặt chẽ, cần thiết thì sáp nhập, giải thể theo đúng pháp luật”, Thủ tướng nói.

Về tái cơ cấu doanh nghiệp nhà nước (DNNN), người đứng đầu Chính phủ yêu cầu một tinh thần quyết liệt, cụ thể, chặt chẽ trong chỉ đạo của các bộ trưởng. “Không chấp nhận DNN là kém hiệu quả, là thua lỗ, là tiêu cực”, ông nhấn mạnh.

Giảm một nửa số thủ tục hải quan:

Nhóm giải pháp cải cách hành chính, được Thủ tướng xem là giải pháp ít tốn kém, trong tầm tay của Chính phủ, các bộ ngành, địa phương và Thủ tướng đã đặt ra một số yêu cầu cụ thể hơn.

Theo đó, từ nay đến cuối năm và năm sau, thủ tục hải quan giảm một nửa số giờ. Thuế giảm từ khoảng 500 giờ xuống còn 200 giờ. Thủ tục bảo hiểm từ hơn 300 giờ xuống còn dưới 100 giờ. Các thủ tục đầu tư, xây dựng, tiếp cận đất đai giảm từ 1/3 đến một nửa thời gian so với hiện nay. Ông lưu ý đây mới chỉ là cam kết của các Bộ trưởng Bộ Tài chính, Bộ Tài nguyên Môi trường. Và yêu cầu các bộ trưởng khác phải tiếp tục rà soát, cắt giảm thủ tục vì đây là môi trường đầu tư, sức cạnh tranh của nền kinh tế.

Ông hy vọng rằng nếu thực hiện quyết liệt các mục tiêu và giải pháp năm nay thì năm 2015 có thể GDP sẽ tăng cao hơn 2014, đạt khoảng 6% đến 6,2% theo tính toán và đề xuất của Bộ KH-ĐT.

Tái cơ cấu ngân hàng: Rủi ro lớn nhất là sự trì hoãn

Tái cơ cấu ngân hàng: cờ đến tay Nhà nước

Nguồn Saigon Times: http://www.thesaigontimes.vn/119393/thu-tuong-can-thiet-thi-sap-nhap-giai-the-ngan-hang-yeu-kem.html/