Thủ tục pháp lý để hồi hương ấn vàng 'Hoàng đế chi bảo' sắp hoàn tất

Theo thông tin mới nhất từ Cục Di sản Văn hóa, dự kiến cuối tháng 10/2023, các thủ tục pháp lý liên quan đến ấn vàng 'Hoàng đế chi bảo' tại Pháp sẽ được hoàn tất.

Ấn vàng 'Hoàng đế chi bảo' của nhà Nguyễn đúc năm 1823 triều Minh Mạng (1820-1841), là di sản văn hóa có ý nghĩa hết sức quan trọng với dân tộc. (Ảnh: Cục Di sản Văn hóa)

Thủ tục pháp lý hồi hương ấn vàng "Hoàng đế chi bảo" sẽ được hoàn tất vào cuối tháng Mười. Đó là cơ sở quan trọng để báu vật triều Nguyễn sớm trở về Việt Nam.

Cục trưởng Cục Di sản Văn hóa Lê Thị Thu Hiền chia sẻ tin vui nói trên trong cuộc họp báo thường kỳ của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch diễn ra vào ngày 9/10 tại Hà Nội.

Bà Hiền cho hay đại diện pháp luật của Việt Nam vừa hoàn thành hai thủ tục pháp lý quan trọng là văn bản cho phép xuất khẩu cổ vật ra khỏi Pháp và văn bản cho phép xuất khẩu cổ vật ra khỏi châu Âu.

“Cho đến nay chúng ta đã đạt được kết quả là hồi hương ấn vàng bằng con đường ngoại giao văn hóa chứ không phải thông qua quá trình đấu giá,” bà Hiền nói.

Tuy nhiên, phía Việt Nam vẫn phải bồi thường cho chủ sở hữu chiếc ấn, theo quy định của luật pháp nước sở tại. Khi thủ tục này hoàn tất, chủ sở hữu sẽ có văn bản từ bỏ mọi quyền liên quan đến kim ấn.

Quang cảnh buổi họp thường kỳ. (Ảnh: Minh Thu/Vietnam+)

Chia sẻ với phóng viên Báo Điện tử VietnamPlus, Cục trưởng Cục Di sản Văn hóa cho biết đại diện của Việt Nam đang phối hợp cùng luật sư của hãng Millon để hoàn thiện tất cả các hồ sơ pháp lý vào cuối tháng Mười. Ngay sau đó, ấn vàng sẽ được đưa về cố hương.

Điểm lại quá trình hồi hương ấn vàng, bà Hiền cho hay cuối tháng 10/2022, lãnh đạo bộ nắm được thông tin hãng Million của Pháp sắp tiến hành đấu giá chiếc ấn vào ngày 31/10/2022 với giá khởi điểm từ 2-3 triệu Euro (48,1 tỷ đồng đến 72,2 tỷ đồng). Đây là kim ấn nhà Nguyễn được làm bằng vàng quý hiếm, đúc năm 1823 triều Minh Mạng. Cổ vật cao 10,4cm, mặt ấn hình vuông (13,8cm x 13,7cm), nặng 10,78kg.

Quai ấn đúc hình con rồng uốn khúc, đầu ngẩng cao, mắt nhìn về phía trước, tư thế vững vàng. Trán rồng có khắc chữ, vây lưng và đuôi rồng dựng đứng. Bốn chân rồng đúc hiển thị rõ năm móng. Phần mặt dưới khắc nổi 4 chữ triện "Hoàng đế chi bảo" (tạm dịch: Báu vật của Hoàng đế).

Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch sau đó đã phối hợp với nhiều bộ ban ngành và các cơ quan lên kế hoạch hồi hương ấn cổ thông qua con đường ngoại giao văn hóa. Phái đoàn Việt Nam đã thông qua mọi kênh, trong đó có trao đổi thư, công hàm chính thức, tiếp xúc, gặp gỡ với cố vấn đối ngoại của tổng thống Pháp, Bộ Ngoại giao, Bộ Văn hóa Pháp, lãnh đạo UNESCO và các bộ phận chuyên ngành liên quan, đề nghị can thiệp, ngừng việc đấu giá.

Cục trưởng Cục Di sản Văn hóa trả lời tại họp báo. (Ảnh: Minh Thu/Vietnam+)

Trước sự quan tâm của Việt Nam, hãng Millon đã hai lần dời lịch đấu giá ấn vàng. Sau khi làm việc với đoàn công tác liên ngành của Việt Nam, Millon đã thống nhất chuyển giao ấn "trên tinh thần đồng thuận, thấu hiểu giữa hai bên, mối quan hệ hợp tác hữu nghị giữa hai nước Việt Nam và Cộng hòa Pháp."

Tại cuộc họp báo, phóng viên Báo Điện tử VietnamPlus đã đặt câu hỏi liên quan đến việc xây dựng hệ thống định giá các Bảo vật Quốc gia, di vật, cổ vật cũng như sản phẩm của công nghiệp văn hóa. Đây là cơ sở để mua bảo hiểm cho các hiện vật khi cần vận chuyển ra nước ngoài cũng là cơ sở để định giá các tác phẩm mỹ thuật, điện ảnh, âm nhạc…

Trả lời vấn đề này, Cục trưởng Lê Thị Thu Hiền cho hay việc định giá là rất cần thiết để phát triển nền công nghiệp văn hóa gắn với phát triển kinh tế xã hội, phát triển du lịch và phát triển bền vững đất nước.

“Theo tinh thần của Công ước của UNESCO và dưới sự chỉ đạo của lãnh đạo Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, chúng tôi đang xây dựng kế hoạch để di sản văn hóa đóng góp tích cực trong chiến lược phát triển công nghiệp văn hóa trong thời gian tới. Chắc chắn, việc định giá tài sản là rất cần thiết,” bà Hiền khẳng định.

Việc định giá cho các sản phẩm công nghiệp văn hóa, chẳng hạn như tác phẩm mỹ thuật sẽ là cơ sở xây dựng thị trường mỹ thuật và các dịch vụ liên quan. (Ảnh: PV/Vietnam+)

Bà Hiền cho hay Cục Di sản Văn hóa sẽ tham mưu để điều chỉnh Luật Di sản văn hóa, bổ sung các quy định về định giá, các hình thức sở hữu công, sở hữu tư, sở hữu của cộng đồng dòng họ… để làm cơ sở xây dựng các hợp tác công-tư trong lĩnh vực này.

Đưa ra ví dụ, bà Hiền cho biết nhờ có hợp tác công-tư trong quản lý di tích mà các doanh nghiệp có thể đầu tư tu bổ, tôn tạo, xây dựng sản phẩm du lịch, phát huy giá trị di tích.

Ở lĩnh vực bảo tàng, việc xác định giá trị kinh tế của hiện vật, di vật, cổ vật, Bảo vật Quốc gia cho cũng giúp doanh nghiệp có thể đầu tư, khai thác hình ảnh hiện vật để sản xuất các sản phẩm lưu niệm.

“Chúng tôi sẽ kiến nghị bổ sung quy định về giá trị kinh tế hiện vật, từ đó sớm công nhận sự vận hành của việc kinh doanh, mua bán, đấu giá các di vật, cổ vật hay dịch vụ bảo quản, phục chế hiện vật tùy theo từng chất liệu,” bà Hiền chia sẻ./.

Minh Thu (Vietnam+)

Nguồn VietnamPlus: http://www.vietnamplus.vn/ngay-hoi-huong-cua-an-vang-hoang-de-chi-bao-da-can-ke/901169.vnp