Thứ trưởng Bộ Y tế: Khi Trung ương rút quân, y tế TP.HCM sẽ nặng gánh

Thứ trưởng Nguyễn Trường Sơn cho biết trong quá trình rút lực lượng chi viện, đơn vị Trung ương sẽ dần chuyển giao công việc cho các bệnh viện tầng cao của thành phố.

Ngày 26/9, trao đổi với lãnh đạo Trung tâm Hồi sức tích cực người bệnh Covid-19 thuộc Bệnh viện Đại học Y Dược TP.HCM, Thứ trưởng Sơn cho biết trong thời gian tới, khi TP.HCM mở cửa, ngành y tế sẽ có nhiều thay đổi.

Cơ cấu lại hệ thống điều trị Covid-19

Thứ trưởng Nguyễn Trường Sơn, sau ngày 30/9, TP.HCM sẽ có kế hoạch đảm bảo sự an toàn, linh hoạt, hiệu quả trong phòng, chống dịch.

Để chuẩn bị cho giai đoạn này, trước mắt, ngành y tế sẽ phải tái cơ cấu lại hệ thống các trung tâm hồi sức, bệnh viện dã chiến theo tình hình chung trong công tác phòng, chống dịch của thành phố.

Thứ trưởng Nguyễn Trường Sơn trao đổi với PGS Nguyễn Hoàng Bắc, Giám đốc Bệnh viện Đại học Y Dược TP.HCM, khi đến thăm Trung tâm Hồi sức tích cực người bệnh Covid-19 do đơn vị này vận hành. Ảnh: Nguyễn Á.

Bên cạnh đó, ngành y tế sẽ phải tính toán kỹ bệnh viện nào có thể “rút quân” và trên tinh thần hỗ trợ từ các bệnh viện địa phương, Trung ương có thể sẽ rút từ từ. Trong quá trình rút quân, các đơn vị này phải chuyển giao cho các bệnh viện của TP.HCM.

“Chắc chắn các bệnh viện tầm cao của thành phố sẽ là những đơn vị chủ yếu tiếp nhận chuyển giao từ các tuyến trung ương. Tuy nhiên, tôi cũng phải khẳng định một điều là khi mở cửa để phát triển kinh tế, xã hội, văn hóa..., thì y tế vẫn là ngành nặng gánh nhất. Do đó, về mặt y tế cần phải làm rất kỹ, để làm sao có một khoảng thời gian gối đầu”, Thứ trưởng nhấn mạnh.

Báo cáo tại buổi làm việc với Thứ trưởng, PGS Nguyễn Hoàng Bắc, Giám đốc Bệnh viện Đại học Y Dược TP.HCM, kiêm Giám đốc Trung tâm Hồi sức tích cực người bệnh Covid-19 thuộc Bệnh viện Đại học Y Dược TP.HCM, cho biết kể từ ngày đi vào hoạt động cho đến nay, đơn vị đã tiếp nhận và điều trị cho hơn 500 bệnh nhân Covid-19 nặng, trong đó có nhiều ca nặng phải đặt máy thở xâm lấn, thở máy oxy liều cao (HFNC) và đặt nội khí quản.

Theo PGS Bắc, tính đến nay, Trung tâm này đã có hơn 200 trường hợp được xuất viện, trong đó, hơn 100 bệnh nhân thở oxy lưu lượng cao (HFNC) được trở về bên gia đình.

“Rất nhiều trường hợp người bệnh nặng được cứu sống ngoạn mục và xuất viện. Đó là động lực để đội ngũ y bác sĩ, nhân viên y tế, tình nguyện viên tiếp tục cống hiến và làm việc hết mình không quản ngày đêm”, PGS Bắc chia sẻ.

TP.HCM sẽ giữ lại 3 bệnh viện dã chiến

Phát biểu tại họp báo định kỳ cung cấp thông tin tình hình dịch Covid-19 trên địa bàn TP.HCM, chiều 26/9, bà Nguyễn Thị Huỳnh Mai, Chánh văn phòng Sở Y tế TP.HCM, cho biết thành phố sẽ thu hẹp dần quy mô điều trị từ nay đến cuối năm.

"Quan điểm về phòng, chống dịch của ngành y tế thành phố là tăng cường chăm sóc, bảo vệ sức khỏe, tính mạng người dân, như vậy, tùy theo tình hình thực tế tại thành phố mà Sở có kế hoạch thu hẹp, tháo dỡ các bệnh viện dã chiến", bà Mai nói.

Lực lượng dân quân và y tế tại Bệnh viện dã chiến số 6, đặt tại Khu tái định cư Thủ Thiêm (An Khánh, TP Thủ Đức). Ảnh: Duy Hiệu.

Cụ thể, bà Mai cho biết hiện tại, các bệnh viện ở vùng xanh sẽ chuyển đổi về đúng công năng khám, chữa bệnh cho người dân không phải Covid-19. Trong đó có 2 cơ sở y tế đang chuyển đổi là Bệnh viện Đa khoa quận 7 và Bệnh viện Đa khoa huyện Củ Chi.

Các cơ sở thu nhận bệnh nhân Covid-19 được xây dựng từ trường học sẽ thu hẹp trước để trả lại cơ sở hạ tầng.

"Với bệnh viện dã chiến khác, khi các đơn vị này hoàn thành sứ mệnh của họ, nghĩa là đến khi không còn bệnh nhân thì Sở sẽ có kế hoạch thu hẹp dần dần từ nay đến hết tháng 12/2021", bà Mai cho biết.

Những bệnh viện dã chiến giữ lại sẽ được cơ cấu lại thành bệnh viện 3 tầng. Trong đó, ưu tiên giữ lại các bệnh viện dã chiến gắn kết với Trung tâm hồi sức Covid-19 (có 3 cơ sở là Bệnh viện dã chiến điều trị Covid-19 số 13, 14 và 16).

Những bệnh viện khác, tùy theo việc hoàn thành sứ mệnh mà Sở Y tế TP.HCM thu hẹp quy mô.

Theo thông tin từ Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch Covid-19, trong ngày 25/9, số ca nhập bệnh viện tầng 2, tầng 3 là 3.512 người. Tổng số ca đang điều trị tại bệnh viện tầng 2, 3 là 39.208 bệnh nhân. Trong đó, tại bệnh viện tầng 3 có 2.932 ca đang điều trị.

Số ca nặng có hỗ trợ hô hấp là 6.351 người, chiếm tỷ lệ 16,2% so với tổng ca đang nằm viện và 6,7% so với tổng số F0.

Số ca đang thở máy xâm lấn là 838 người, chiếm tỷ lệ 2,1% so với tổng ca đang nằm viện và 0,9% so với tổng số F0. Số lượng trẻ em dưới 16 tuổi là 3.751 người. Số bệnh nhân là phụ nữ mang thai là 314 người.

Ngày 25/9, TP.HCM tiêm được 242.025 mũi vaccine. Tổng số mũi tiêm đã triển khai tính đến 25/9 là hơn 9.441.815 triệu liều.

Bích Huệ

Nguồn Znews: https://zingnews.vn/thu-truong-bo-y-te-khi-trung-uong-rut-quan-y-te-tphcm-se-nang-ganh-post1266492.html