Thứ trưởng Bộ Công thương không nên mừng vì sức mua giảm sút vào dịp Tết

Kích cầu luôn là mục tiêu hàng đầu của nền kinh tế để vực dậy sức khỏe của doanh nghiệp, từ đó hướng tới nâng cao thu nhập, đời sống cho người lao động. Ấy vậy nhưng Bộ Công thương lại mừng vì sức mua của người dân giảm sút vào dịp Tết, bởi theo lý giải của Bộ, điều này cho thấy dân ta đã biết sống tiết kiệm hơn!

Tại cuộc họp báo thường kỳ của bộ Công thương ngày 4/2/2013, Thứ trưởng Bộ Công thương đã trả lời báo chí về thắc mắc có liên quan đến sức mua thấp vào những ngày giáp Tết. Thứ trưởng Lê Dương Quang giải thích nguyên nhân của sức mua yếu là do kinh tế khó khăn, lương, thưởng Tết giảm nên việc mua sắm của người dân cũng giảm theo.

Vấn đề đau đầu của doanh nghiệp lúc này là hàng tồn kho nhiều, nếu kích cầu tiêu dùng, sẽ giúp doanh nghiệp giải phóng hàng tồn kho, có tài chính để trang trải cho hoạt động của mình. Kích cầu tiêu dùng cũng là cách gián tiếp hỗ trợ cho doanh nghiệp (Ủy viên Ủy ban Kinh tế Quốc Hội Trần Hoàng Ngân).

Thứ trưởng Lê Dương Quang nhận định việc giảm sức mua được hiểu như một tín hiệu đáng mừng: “Khi kinh tế khó khăn, thu nhập giảm thì người dân phải chi tiêu tiết kiệm hơn. Mặt khác, đây cũng là một tín hiệu đáng mừng chứ không đáng lo. Bởi lẽ lúc này người dân chỉ mua sắm những sản phẩm thực sự cần thiết chứ không chi tiêu hoang phí”.

Trong khi đó, từ giữa năm 2012, khi chỉ số CPI tăng trưởng âm 2 tháng liên tiếp, nền kinh tế có những dấu hiệu của suy thoái, Ủy viên Ủy ban Kinh tế Quốc Hội, ông Trần Hoàng Ngân đã cảnh báo, một khi sức mua suy kiệt, doanh nghiệp sẽ là đối tượng chịu ảnh hưởng đầu tiên và sản xuất tiếp tục đình trệ thì kinh tế khó phục hồi. Theo ông Ngân, đã đến lúc cần có gói kích cầu cho người tiêu dùng trong nước, tập trung vào người nghèo, người có thu nhập thấp (vnexpress.net-26/7/2012).

Tuy chưa có một con số thống kê cụ thể, nhưng dựa vào những diễn biến của thị trường, rất có thể, chỉ số giá tiêu dùng tháng 2/2013 (dịp Tết nguyên đán) sẽ ở mức thấp nhất, hoặc có mức tăng yếu nhất trong vòng vài chục năm trở lại đây.

Và hậu quả từ “sức mua yếu” là hơn 50.000 doanh nghiệp phá sản, giải thể, ngưng hoạt động tính riêng trong năm 2012. Chưa dừng ở đó, nếu theo cách tính của ngành thuế, dựa trên những doanh nghiệp không tiếp tục đóng thuế và dừng hoạt động mà không làm bất cứ thủ tục nào, con số này có thể lên đến hàng trăm ngàn.

Thật xúc động khi ông Thứ trưởng Quang đã biết nghĩ hộ dân, và mừng thay cho dân. Nhưng ở phía bên kia, các doanh nghiệp đang gồng mình để tồn tại, và không có gì đảm bảo rằng, năm 2013, số doanh nghiệp phá sản vì “dân biết tiết kiệm” sẽ không vượt con số hơn 50.000 đơn vị của năm 2012.

Nguồn Sống Mới: http://songmoi.vn/xa-hoi-thoi-su/thu-truong-bo-cong-thuong-khong-nen-mung-vi-suc-mua-giam-sut-vao-dip-tet