Thử tìm giải pháp “sống chung” với biến đổi khí hậu: Ngành lâm nghiệp tìm cơ hội trong gian khó

Trồng rừng sẽ góp phần giảm tác hại của biến đổi khí hậu. KTNT - Những tác động tiêu cực của biến đổi khí hậu đối với đời sống kinh tế - xã hội, trong đó có ngành nông - lâm nghiệp đã quá rõ ràng. Nhưng không có nghĩa sẽ gặp toàn khó khăn, thách thức. Nếu biết ứng phó, chúng ta vẫn có thể tìm ra những cơ hội phát triển mới. Câu chuyện của ngành lâm nghiệp là một ví dụ.

Bài I: Không còn là nguy cơ Thách thức không nhỏ Theo Tổng cục Lâm nghiệp (Bộ Nông nghiệp và PTNT), do có bờ biển dài và thấp, các vùng ven biển của nước ta, bao gồm cả các khu rừng ngập mặn, rất dễ chịu tác động tiêu cực của biến đổi khí hậu. Về vấn đề này, Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) khẳng định, rừng và ngành lâm nghiệp Việt Nam hiện đã chịu ảnh hưởng nặng nề từ biến đổi khí hậu trên nhiều khía cạnh, và trong tương lai sẽ còn tiếp tục. Dự báo, diện tích rừng lá rộng sẽ giảm 41% (năm 2020), 66% (năm 2050) và 69% (năm 2100). Cứ 1m nước biển dâng sẽ khiến 1.731km2 rừng ngập mặn bị ảnh hưởng. Ngoài ra, diện tích rừng tự nhiên có mức độ đa dạng sinh học cao ở Việt Nam cũng tiếp tục suy giảm; các khu rừng nguyên sinh gần như biến mất. Sự tổn thất các cánh rừng chất lượng cao sẽ dẫn đến thiệt hại lớn về đa dạng sinh học cũng như ảnh hưởng tới phát triển kinh tế - xã hội. Trong bối cảnh biến đổi khí hậu, rừng ngập mặn đóng vai trò như một dải đê thiên nhiên, ngăn chặn và bảo vệ hiệu quả miền duyên hải trước sự dâng cao của nước biển. Hệ thống rễ chằng chịt trên mặt đất thu hút và giữ lại các trầm tích, góp phần mở rộng đất liền ra phía biển, nâng dần đất lên; mặt khác, chúng là hàng rào ngăn giữ những chất ô nhiễm, các kim loại nặng từ các sông đổ ra biển, bảo vệ các sinh vật vùng ven bờ. Tuy nhiên, hệ sinh thái rừng ngập mặn hiện đang bị suy thoái nghiêm trọng do những lợi ích kinh tế trước mắt, đặc biệt là hiện tượng chặt phá, lấy đất nuôi tôm. GS. Phan Nguyên Hồng, người đã có 40 năm nghiên cứu về rừng ngập mặn, cảnh báo: “Chúng ta chỉ còn trên 150.000ha rừng ngập mặn, bằng 1/3 so với ban đầu, chủ yếu là rừng trồng lại và rừng thứ sinh”. Có một thực tế không thể phủ nhận là, trong khi Chính phủ đang nỗ lực giảm nghèo, thì tỷ lệ này lại có khả năng gia tăng ở những khu vực ven rừng. ước tính, cả nước có khoảng 25 triệu người đang sinh sống trong rừng hoặc gần rừng, trong đó nhiều nhóm dân tộc thiểu số sống ở vùng sâu, vùng xa. Vì thế, tác động tiêu cực tới rừng sẽ là một trong những nguyên nhân khiến cho đời sống của họ gặp nhiều khó khăn. Theo bà Gudrun Kopp, Quốc vụ khanh, Bộ Hợp tác kinh tế và Phát triển, CHLB Đức, một trong những điều mà ngành lâm nghiệp Việt Nam cần phải làm là, giữ rừng. Song thực tế thấy, việc này hiện đang gặp nhiều vướng mắc, nguyên nhân chủ yếu là do tài chính hạn hẹp. Để đối phó với biến đổi khí hậu cần một khoản kinh phí khổng lồ khoảng 40 tỷ USD/năm. Đây là con số quá lớn. Cơ hội không ít Bà Gudrun Kopp cho rằng, ngành lâm nghiệp Việt Nam đang gặp một số khó khăn nhưng cũng có những cơ hội cần nắm bắt. Cụ thể, để thích ứng và ứng phó với biến đổi khí hậu, Chính phủ phải đưa ra những khung thể chế pháp lý rõ ràng, tạo điều kiện thuận lợi cho việc phát triển và trồng rừng tốt hơn, khuyến khích người dân trồng rừng; hạn chế chặt phá rừng... Và quan trọng hơn là phải đưa ra cơ chế đảm bảo sự phối hợp liên ngành giữa các cấp chính quyền, các cơ quan chịu trách nhiệm... Nhờ những đặc trưng riêng như tầng tán dày, hệ thống rễ chằng chịt..., rừng ngập mặn được đánh giá là bức tường xanh vững chắc chống gió bão, sóng thần, xói lở, làm sạch môi trường ven biển, hạn chế xâm nhập mặn, bảo vệ nước ngầm, tích lũy các-bon, giảm khí CO2... Ngoài ra, rừng ngập mặn còn có tác dụng làm chậm dòng chảy và phát tán rộng nước triều. Còn nhớ khi bão Washi đổ bộ vào Hải Phòng ngày 31/7/2005 đã phá vỡ đê biển bằng bê -tông kiên cố ở huyện Cát Hải, nhưng tuyến đê làm bằng đất ở xã Bằng La (huyện Đồ Sơn) vẫn an toàn nhờ có rừng trang - một loại cây ngập mặn. Nhưng những cánh rừng này đang dần mất đi. Song song đó, Chính phủ phải có biện pháp nâng cao đời sống cho những người ở gần rừng. Đây cũng là cách bảo vệ rừng hiệu quả bởi khi đời sống được cải thiện, người dân không còn phải chặt phá rừng để lấy đất canh tác. Minh chứng cho vấn đề này chính là việc nước ta đang thực hiện chương trình 5 triệu hecta rừng, có nhiều gia đình, cộng đồng sống dựa vào rừng, được hưởng lợi nhờ các sản phẩm, dịch vụ từ rừng. Để giúp các quốc gia chịu ảnh hưởng nhiều nhất từ biến đổi khí hậu, cộng đồng quốc tế đang triển khai hàng loạt các dự án, sáng kiến, vì thế đây sẽ là thời cơ mà Việt Nam nên tranh thủ tận dụng. Cụ thể, tại Việt Nam, hoạt động của Hợp tác Đức - Việt đã hỗ trợ cho ngành lâm nghiệp nước ta trong giai đoạn 2006-2020 và 5 chương trình của chiến lược về quản lý và phát triển rừng bền vững. Theo đó, Chính phủ Đức triển khai 9 dự án hỗ trợ chuyên môn với ngân sách lên tới 3,2 triệu USD. Mục tiêu chung của tất cả các dự án trồng rừng do Đức tài trợ là góp phần khôi phục rừng, bảo tồn đất đai và đa dạng sinh học, cũng như giảm nghèo, nhất là ở khu vực nông thôn. Các dự án đó đã góp phần làm tăng độ bao phủ rừng ở Việt Nam từ 27% (năm 1995) lên 38% (năm 2009), tỷ lệ này dự kiến tăng lên 42% vào năm 2015. Ngoài ra, các dự án triển khai đã thu hút sự tham dự của 70.000 hộ gia đình, trồng mới được 125.000ha rừng, từ đó giúp các gia đình trong dự án hưởng lợi thêm khoảng 1 triệu Euro. Giữ rừng, cách ứng phó hiệu quả nhất “Trong ngành lâm nghiệp, rừng đóng vai trò quan trọng trong thích ứng và giảm thiểu ảnh hưởng của biến đổi khí hậu”, ông Hứa Đức Nhị, Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và PTNT khẳng định. Đồng tình với quan điểm này, bà Gudrun Kopp nói: “Giữ rừng chính là cách ứng phó với biến đổi khí hậu rẻ nhất hiện nay”. Hiểu rõ điều này, Bộ Nông nghiệp và PTNT xác định, cần phải khôi phục, hình thành và quản lý bền vững rừng ngập mặn và các dải rừng ven biển nhằm giảm nguy cơ của nước ta trước tình trạng mực nước biển dâng và kiểu thời tiết cực đoan (bão, giông, lốc,...). Đồng thời quản lý bền vững rừng tự nhiên, nhằm bảo vệ các khu vực nằm ven sông khỏi ngập lụt, bảo tồn được bể các - bon từ rừng. Đây mới chỉ là những biện pháp mang tính vĩ mô, vì thế muốn thành công rất cần sự tham gia của người dân. Và thực tế, tại nhiều địa phương, việc nông dân tiến hành các dự án quản lý và trồng rừng đã mang lại hiệu quả thiết thực. Ngay từ năm 2009, ấp Âu Thọ B, xã Vĩnh Hải (Vĩnh Châu - Sóc Trăng) đã tiến hành thực hiện quản lý tổng hợp rừng ven biển với sự hỗ trợ tích cực của Ban điều hành liên ngành cấp tỉnh và cấp huyện cùng sự tham gia của người dân. Với gần 100ha rừng phòng hộ ven biển, dân số khoảng trên 700 hộ, chủ yếu là đồng bào Khmer, ngay khi bắt đầu triển khai đã có 240 hộ đăng ký tham gia, hiện nay con số này đã lên đến 300 hộ. Nói về lợi ích của việc trồng rừng, ông Nguyễn Chí Côn, Phó chủ tịch UBND huyện Vĩnh Châu cho biết, người dân ở đây đã chuyển biến rất tốt về hành vi cùng phối hợp bảo vệ môi trường, ý thức tự giác trong việc đồng quản lý, sử dụng tài nguyên thiên nhiên. Riêng tại Vĩnh Châu hiện có trên 3.560ha rừng và đất rừng ngập mặn ven biển, việc bảo vệ và phát triển vốn rừng sẽ mang lại hiệu quả rất lớn cả về kinh tế, xã hội, môi trường cho người dân địa phương và trong khu vực, từ đó góp phần ứng phó với những tác động xấu của biến đổi khí hậu. Mô hình canh tác bền vững (nuôi tôm - trồng rừng) đối với các vùng ven biển có rừng ngập mặn cũng được nhiều địa phương lựa chọn. Theo tính toán, hợp lý nhất là sử dụng 30% diện tích nuôi tôm, 70% diện tích trồng rừng. Bài III: Chiến lược thích nghi bền vững, yếu tố sống còn Quỳnh Hương

Nguồn KTNT: http://kinhtenongthon.com.vn/story/vandesukien/2010/10/25224.html