Thử sức với vườn sầu riêng trên đất lúa

Những năm qua, nông dân trong tỉnh Long An tích cực chuyển đổi cây trồng, góp phần nâng cao thu nhập cho gia đình. Ông Nguyễn Văn Sáu (SN 1964, ngụ ấp 4, xã Tân Hiệp, huyện Thạnh Hóa) là một trong những nông dân năng động, sáng tạo, dám nghĩ, dám làm, mạnh dạn thử sức trồng sầu riêng trên đất lúa.

Ông Nguyễn Văn Sáu (thứ 3, trái qua, ngụ ấp 4, xã Tân Hiệp, huyện Thạnh Hóa) được tin tưởng bầu làm Chủ nhiệm Câu lạc bộ Canh tác sầu riêng thông minh tại xã Tân Hiệp

Ông Nguyễn Văn Sáu (thứ 3, trái qua, ngụ ấp 4, xã Tân Hiệp, huyện Thạnh Hóa) được tin tưởng bầu làm Chủ nhiệm Câu lạc bộ Canh tác sầu riêng thông minh tại xã Tân Hiệp

Quê ở huyện Chợ Lách, tỉnh Bến Tre, năm 1994, ông Sáu cùng vợ và các con tham gia xây dựng vùng kinh tế mới theo quyết định của Chính phủ. Ông Sáu nhớ lại, ngày đầu tiên đặt chân đến vùng đất mới (xã Tân Hiệp, huyện Thạnh Hóa) vừa phấn khởi nhưng cảm giác lo sợ về tương lai cũng hiện hữu trong tâm trí.

Dù được Nhà nước hỗ trợ 1ha đất nhưng do là vùng kinh tế mới, đất đai còn cằn cỗi, hạ tầng hạn chế nên giai đoạn đầu gặp rất nhiều khó khăn. Chính từ những thách thức đó, ông Sáu lấy làm động lực để vượt qua. Ông cần mẫn lao động, tích cóp để mua thêm đất, mở rộng diện tích canh tác. Trải qua 24 năm gắn bó với cây lúa, tuy gặt hái những thành công nhất định nhưng trước thực trạng giá lúa bấp bênh, ảnh hưởng đến thu nhập gia đình, ông Sáu nung nấu ý chí chuyển đổi sang cây trồng có giá trị kinh tế cao hơn.

Nghĩ là làm, năm 2018, ông mạnh dạn chuyển sang trồng 250 gốc sầu riêng và là một trong những người đầu tiên của xã Tân Hiệp trồng loại cây này tại địa phương. Ông Sáu chia sẻ: "Có dịp tham quan mô hình trồng sầu riêng ở xã lân cận, nghĩ là sẽ hợp với điều kiện thổ nhưỡng ở địa phương nên tôi quyết định chuyển đổi cây trồng.

Ban đầu, tôi đến tận huyện Chợ Lách để mua giống cây, lúc đó giá cao lắm (150.000 đồng/cây). Phân bón, thuốc bảo vệ thực vật cũng xuống Tiền Giang mua về, chứ thời điểm đó ở đây không ai bán cả,...”.

Theo ông Sáu, chi phí đầu tư vào cây sầu riêng rất lớn, dù là “lấy công làm lời” thì từ những ngày đầu trồng cho đến khi thu hoạch vụ đầu tiên cũng khoảng 5-6 triệu đồng/cây. Trồng giống cây mới nên ông tìm tòi, học hỏi thêm kinh nghiệm. Ông cùng nhóm bạn tự tổ chức đi tham quan, học hỏi mô hình trồng sầu riêng hiệu quả tại huyện Phong Điền (TP.Cần Thơ), tích cực ứng dụng khoa học - kỹ thuật vào sản xuất, từng bước hoàn thiện quy trình canh tác, nâng cao chất lượng sản phẩm.

Nhờ sự quyết tâm và nỗ lực không ngừng, sau 5 năm, vườn sầu riêng của ông Sáu đã phát triển với 800 cây, cho những đợt thu hoạch đầu tiên, mang lại nguồn thu nhập cao hơn nhiều so với trồng lúa trước đây. Ông Sáu nói: “Đến thời điểm hiện tại, vì vườn chưa cho trái đồng loạt nên tôi chưa thống kê thu nhập chính xác nhưng chắc cao hơn trồng lúa từ 5-6 lần. Theo tôi, muốn chuyển đổi cơ cấu cây trồng hiệu quả cần 3 yếu tố quan trọng: Đầu tiên, thổ nhưỡng địa phương phải phù hợp với loại cây; thứ hai, kinh tế gia đình phải ổn định trong thời gian chờ thu hoạch vì trồng cây ăn trái rất lâu mới thu hoạch, ví dụ sầu riêng là 4-5 năm; thứ ba chính là sự đam mê của bản thân với chính loại cây trồng của mình”.

Ông Nguyễn Văn Sáu sẵn sàng chia sẻ kinh nghiệm trồng sầu riêng với nông dân trong xã

Ông Nguyễn Văn Sáu sẵn sàng chia sẻ kinh nghiệm trồng sầu riêng với nông dân trong xã

Phó Chủ tịch Hội Nông dân xã Tân Hiệp - Tiết Văn Nghiệp cho biết: “Ông Sáu là gương nông dân điển hình của địa phương, từng được nhận bằng khen Nông dân sản xuất, kinh doanh giỏi cấp tỉnh. Ông nhiệt tình, sẵn sàng chia sẻ kinh nghiệm trồng sầu riêng với nông dân trong xã. Gần đây, ông được người dân tin tưởng, bầu làm Chủ nhiệm Câu lạc bộ Canh tác sầu riêng thông minh tại xã Tân Hiệp”./.

Khánh Duy

Nguồn Long An: https://baolongan.vn/thu-suc-voi-vuon-sau-rieng-tren-dat-lua-a176179.html