Thu phí sử dụng vỉa hè: Việc nên làm nhưng làm cho đúng, loại bỏ 'tham nhũng vỉa hè'

Từ ngày 1/1/2024 tới, TP. Hồ Chí Minh bắt đầu triển khai thu phí vỉa hè. Hà Nội cũng được cho là sẽ xem xét thu phí vỉa hè vào đầu năm 2024.

Như vậy, rõ ràng thu phí vỉa hè đã là việc đã đến lúc nên làm, như một giải pháp khả dĩ nhất hiện nay để lập lại trật tự văn minh đô thị. Tuy nhiên, điều “lấn cấn” nhất hiện nay chỉ là việc triển khai như thế nào cho đúng, cho minh bạch, loại bỏ được “vấn nạn luật ngầm”, “tham nhũng vỉa hè” vốn âm thầm bấy lâu.

Thu phí vỉa hè: Việc cần thiết, đã đến lúc phải làm

Thực ra trong khi Việt Nam còn tranh luận về chuyện có nên thu phí sử dụng vỉa hè hay không, thì nhiều quốc gia trên thế giới đã đưa vào thực thi việc này từ khá lâu.

Đơn cử như Thái Lan từ năm 2005 đã ban hành bộ quy tắc về quy định và điều kiện bán hàng rong trên hè phố. Theo đó, quầy hàng không được rộng quá 2m2 và cao quá 1,5m; các quầy bán hàng phải ở cùng một phía, chừa khoảng trống cho người đi bộ; được phép đặt tối đa 2 bộ bàn ăn và phân bổ thời gian bán hàng theo ca ngày, ca đêm. Từ năm 2014, chính quyền Bangkok quyết tâm “dọn sạch” vỉa hè bằng cách phạt nặng xe đậu, đi trên vỉa hè, quầy bán hàng rong lấn chiếm không gian.

Tại Quảng trường Thời đại ở New York, Mỹ, các hộ kinh doanh phải nộp 50 USD để có được giấy phép hoạt động. Tại Vương quốc Anh, việc kinh doanh vỉa hè được các Hội đồng thành phố quy định từ những năm 1990, tự quyết mức phí. Tại Australia, mỗi thành phố sẽ có quy tắc và điều kiện sử dụng vỉa hè riêng, được ban hành và xét duyệt bởi Hội đồng thành phố, Chi phí cho giấy phép không cố định, thậm chí khác biệt theo từng khu vực của một thành phố. Ở Sydney, có thể từ 200 đến 700 AUD mỗi năm, trong khi ở các thành phố khác, giấy phép có thể 3-7 năm mới phải gia hạn.

Trở lại câu chuyện thu phí vỉa hè tại Việt Nam. Thực ra, tại nước ta, nhất là tại các thành phố lớn như Hà Nội, TP.HCM, Đà Nẵng… tình trạng xâm lấn vỉa hè diễn ra rất “nóng” thì câu chuyện thu phí vỉa hè đã được bàn tới từ lâu. Nhất là khi các đợt ra quân “dẹp loạn vỉa hè” dù được các cơ quan chức năng thực hiện thường xuyên, nhưng kết quả đạt được chẳng khác mấy kiểu “bắt cóc bỏ đĩa” sau mỗi “chiến dịch” rộ lên, tình trạng lấn chiếm lòng, lề đường, vỉa hè có sự cải thiện đáng kể, nhưng chỉ một thời gian mọi việc lại “trở về vạch xuất phát”, thậm chí còn trầm trọng hơn. Những ý kiến phản đối việc thu phí thì cho rằng vỉa hè là của công, sao lại thu phí?, rằng chả thu được bao tiền mà mất mỹ quan, ảnh hưởng người đi bộ…

Các quán ăn uống chiếm vỉa hè làm chỗ trông xe cho khách, người bán hoa quả lấy vỉa hè làm chỗ bán hàng... Ảnh: Minh Chí

Tuy nhiên, cho tới nay, sau khi “nhìn ngắm ra thế giới”, sau hiệu quả chả đáng được bao nhiêu của những “chiến dịch dẹp loạn” vỉa hè, câu chuyện thu phí lại được nhiều chuyên gia cũng như dư luận đặt ra như một động thái cần thiết, hợp lý, sát thực tế và phù hợp xu hướng. Theo đó, KTS Nguyễn Ngọc Phước Đại cho rằng, trước hết phải hiểu cho đúng lại về định nghĩa vỉa hè, theo đó, “Vỉa hè không phải là phần ngăn cách giữa lòng đường và ngôi nhà. Vỉa hè cũng không phải chỉ dành cho mỗi người đi bộ mà vỉa hè còn là một không gian công cộng, không gian giao lưu văn hóa và giao tiếp cộng đồng với những giá trị nhân văn sâu sắc”.

Ông Phạm Bình An - Phó Viện trưởng phụ trách Viện Nghiên cứu phát triển TP, cũng cho rằng vỉa hè là một phần không gian công cộng quan trọng của đô thị, không chỉ là nơi bố trí hạ tầng kỹ thuật, cây xanh hay dành cho người đi bộ, mà còn là nơi diễn ra dòng chảy về kinh tế chính thức và phi chính thức với các hoạt động mua bán, dịch vụ rất đa dạng. Theo ông An, khi các hoạt động diễn ra trên vỉa hè được đưa vào khuôn khổ sẽ vừa đảm bảo trật tự mỹ quan đô thị, vừa chia sẻ lợi ích.

Nhìn một cách khái quát hơn, luật sư Lê Bá Thường - Đoàn Luật sư TP.HCM, cho rằng, nếu thực hiện khai thác hợp lý sự hữu dụng của các vỉa hè, lòng đường sẽ đem lại nhiều lợi ích nhất định.

Đầu tiên, việc thu phí tạm thời lòng đường, vỉa hè nhằm xây dựng văn hóa vỉa hè, góp phần làm đẹp cho bộ mặt TP. Nếu không thu phí và không cho kinh doanh trên vỉa hè, người dân cũng sẽ lấn chiếm, càng mất trật tự hơn. Do vậy, thu phí kinh doanh trên vỉa hè là một trong những giải pháp nhằm quản lý tốt hơn.

Thứ hai, việc thu phí nhằm đóng vào ngân sách Nhà nước để duy tu, bảo dưỡng đường bộ, bến bãi và trực tiếp là vỉa hè. Tiếp theo, việc thu phí nhằm nâng cao trách nhiệm của cá nhân và tổ chức khi sử dụng tạm thời một phần lòng đường, hè phố, hướng tới xây dựng văn hóa vỉa hè, góp phần đảm bảo an toàn giao thông, vệ sinh môi trường và mỹ quan đô thị. Việc thu phí cũng sẽ giúp kiểm soát lấn chiếm vỉa hè thông qua thu phí vỉa hè, cho phép sử dụng tạm một phần vỉa hè của các hộ mặt tiền, sẽ vừa đảm bảo công bằng, đồng thời giúp chủ hộ biết được ranh giới sử dụng của mình đã đóng phí, không lấn chiếm ra ngoài, nếu không sẽ bị xử phạt.

Quan trọng là khâu triển khai thực thi, phải minh bạch và “thấu tình đạt lý”

Là động thái cần thiết, hợp lý, sát thực tế và phù hợp xu hướng, tuy nhiên, những lấn cấn được đặt ra khi triển khai thu phí cũng không phải là ít. Trong đó, “lấn cấn” chung nhất, lớn nhất, nói như luật sư Lê Bá Thường - Đoàn Luật sư TP.HCM: Chính quyền TP có chủ trương tốt mang lại lợi ích, nhưng nếu các cấp cơ sở vận dụng trong thực tiễn không thấu tình đạt lý thì cũng rất khó mang lại hiệu quả cao, mà còn gây bức xúc và lo lắng cho người dân.

TS. Nguyễn Hữu Nguyên - Hội Quy hoạch phát triển đô thị Việt Nam, bày tỏ quan điểm “vỉa hè là của người đi bộ” không còn phù hợp với hoàn cảnh hiện tại. Thay vào đó, TP.HCM cần tiếp cận khái niệm vỉa hè đa năng, tức vỉa hè không chỉ có một công năng đi bộ. TS. Trần Quang Thắng, Viện trưởng Viện Kinh tế và Quản lý TP.HCM cũng cho rằng thu phí sử dụng tạm lòng đường, vỉa hè là cần thiết trong bối cảnh hiện nay.

“Tuy nhiên, việc triển khai phải đảm bảo hài hòa lợi ích giữa người buôn bán và người tham gia giao thông, đi bộ trên vỉa hè. Các trường hợp mua bán thực phẩm phải bảo đảm an toàn thực phẩm, đủ tiêu chí mới được cấp giấy phép cho thuê. Do đó, các tiêu chí “sử dụng tạm vỉa hè, lòng đường” phải được xây dựng nghiêm túc ngay từ đầu, dù khó khăn nhưng vẫn phải làm. Ngoài ra, khi triển khai thu phí cần có sự tham gia giám sát của người dân để bảo đảm hài hòa lợi ích giữa chính quyền và người dân. Việc tổ chức thu phí phải đảm bảo khách quan, minh bạch, gắn trách nhiệm với người thi hành công vụ, nếu không thì sẽ không đạt mục đích của việc thu phí” - TS. Trần Quang Thắng nhấn mạnh.

Ở một góc nhìn khác, cũng không kém phần “lấn cấn” là góc độ nhân văn, là nhu cầu mưu sinh của người nghèo. Về vấn đề này, TS Nguyễn Hữu Nguyên cho rằng, để bản đề án đi vào thực tế, cơ quan soạn thảo cần làm rõ các thứ tự ưu tiên trong việc cấp phép sử dụng, thu phí lòng đường, vỉa hè. Trong thứ tự đó, vấn đề mưu sinh của người nghèo cần được xếp hàng đầu tiên và nhu cầu đi bộ sẽ xếp cuối cùng.

Ngoài ra, những hộ có mặt tiền, kinh doanh lớn và sử dụng cả hè phố thì phải tính phí cao hơn vì họ có lợi ích gấp đôi. Việc thu phí cao hơn sẽ bù đắp cho những người nghèo, những gánh hàng rong trên hè phố. “Muốn thu được phí thì đầu tiên phải có vỉa hè để thu, có vỉa hè rồi thì mới phân bổ theo quyền lợi ưu tiên các nhóm đối tượng. Do đó, cơ quan nghiên cứu, chủ trì đề án cần có những nghiên cứu, phân tích, vạch ra sơ đồ, kịch bản rất cụ thể để biết đặt đối tượng nào lên trên, đối tượng nào xuống dưới, đặt cái nào bên phải, đặt cái gì sang bên trái” - TS. Nguyễn Hữu Nguyên nêu quan điểm.

Thu phí thế nào cho hợp lý cũng là câu hỏi không dễ để có câu trả lời thỏa đáng. Theo bản đề án thu phí của TP.HCM, mức thu phí tạm thời sử dụng lòng đường, hè phố để trông giữ các phương tiện giao thông cao nhất là 350.000 đồng/m2/tháng, thấp nhất là 50.000 đồng/m2/tháng. Mức thu phí sử dụng tạm thời hè phố để kinh doanh cao nhất là 100.000 đồng/m2/tháng, thấp nhất là 20.000 đồng/m2/tháng. Trong đó, mức thu cao nhất được áp dụng cho khu vực các quận trung tâm, có giá đất trung bình ở mức cao như quận 1, 3, 4, 5, 10, Phú Nhuận, Khu A Khu đô thị mới Nam thành phố, Khu đô thị mới Thủ Thiêm.

Các chuyên gia cho rằng, việc quy định mức thu này còn khá chung chung và chưa căn cứ trên đặc điểm của từng khu vực, từng tuyến đường. Theo PGS.TS Nguyễn Minh Hòa - Phó chủ tịch Hội Quy hoạch phát triển TP.HCM, để đưa được ra mức giá thuê phù hợp, TP.HCM cần có một cuộc điều tra xã hội học rất kỹ. Một đội điều tra cần được hình thành để thu thập thông tin của từng khu vực, tuyến đường, từng cơ sở bán gì, bán trong thời gian nào và doanh thu là bao nhiêu.

Hơn 1.500 tỷ đồng mỗi năm là số tiền TP.HCM dự kiến thu được khi thực hiện thu phí sử dụng tạm thời lòng đường, hè phố. Số tiền này bằng tổng vốn thành phố thực hiện dự án Nhà hát Giao hưởng, nhạc, vũ kịch tại Thủ Thiêm. Nghĩa là số tiền không nhỏ đưa vào ngân sách. Nhưng bên trên chuyện tiền bạc, việc thu phí vỉa hè còn được kỳ vọng làm giảm tình trạng ùn tắc giao thông, lấn chiếm lòng đường, vỉa hè đã tồn tại thời gian dài và góp phần chỉnh trang diện mạo đô thị. Tuy nhiên, vấn đề quan trọng nhất lúc này là làm thế nào để triển khai cho hợp lý hợp tình, hài hòa lợi ích, đảm bảo tính công bằng, minh bạch trong quản lý.

“Khi UBND TP thông qua đề xuất trên, liệu các cấp chính quyền có đảm bảo thực hiện nghiêm chỉnh và công bằng ở tất cả các khu vực để người dân không cảm thấy bức xúc? Bài toán đặt ra là cần sự giải quyết hài hòa lợi ích giữa một bên là trật tự kỷ cương trong quản lý đô thị và một bên là cuộc sống của một bộ phận người dân hiện nay sử dụng vỉa hè làm nơi kiếm sống” - Câu hỏi mà TS. Nguyễn Quang Tiệp - Viện trưởng Viện Đào tạo Kinh tế quốc tế - đặt ra cũng chính là điều được quan tâm nhất khi việc thu phí vỉa hè được triển khai. Thu phí ngoài chuyện kiểm soát vỉa hè còn là việc phải làm thế nào để “tham nhũng vỉa hè” không còn đất sống.

Nguyễn Hà

Nguồn Công Luận: https://congluan.vn/thu-phi-su-dung-via-he-viec-nen-lam-nhung-lam-cho-dung-loai-bo-tham-nhung-via-he-post278740.html