Thu phí sử dụng tạm thời lòng đường, hè phố: TP.HCM ước tính thu 1.552 tỷ đồng/năm

Mức thu phí xây dựng trên nguyên tắc chỉ thu một phần chi phí, không bao gồm chi phí hoàn trả, cải tạo lại nguyên trạng hè phố.

Ngày 29.6, thông tin từ Sở Giao thông vận tải TP.HCM cho biết Sở này vừa có tờ trình gửi UBND TP.HCM, đề nghị xây dựng Nghị quyết ban hành mức thu phí sử dụng tạm thời lòng đường, hè phố trên địa bàn TP.HCM.

Nhiều hàng quán đã chiếm dụng trái phép toàn bộ vỉa hè có diện tích từ 5 - 7m ở quận 1 để buôn bán. Trong ảnh: Một đoạn vỉa hè trên đường Nguyễn Du (gần Nhà thờ Đức Bà) bị lấn chiếm toàn bộ khoảng 5m vỉa hè để buôn bán, khiến du khách đi bộ phải luồn lách. Ảnh: Tứ Quý

Theo đó, tờ trình đề xuất đối tượng nộp phí là: Các tổ chức, cá nhân được cơ quan nhà nước có thẩm quyền cho phép sử dụng tạm thời lòng đường, hè phố phù hợp với quy định của thành phố để:

Làm điểm trông, giữ xe có thu phí;

Tổ chức các hoạt động văn hóa (thể thao, diễu hành, lễ hội) và điểm trông, giữ xe phục vụ các hoạt động văn hóa;

Làm điểm trung chuyển vật liệu, phế thải xây dựng để phục vụ thi công công trình của hộ gia đình;

Làm điểm trung chuyển rác thải sinh hoạt của doanh nghiệp vệ sinh môi trường đô thị;

Làm điểm tổ chức kinh doanh dịch vụ, mua, bán hàng hóa;

Làm điểm lắp đặt các công trình tạm dưới lòng đường, trên vỉa hè, giải phân cách, tiểu đảo, trong hành lang an toàn giao thông.

(Không bao gồm đối tượng nộp phí đã được quy định tại Nghị quyết 01 của HĐND TP.HCM ngày 16.3.2018 về mức thu phí sử dụng tạm thời lòng đường để đỗ xe ô tô trên địa bàn TP.HCM)

Sử dụng tạm thời lòng đường, hè phố làm điểm trung chuyển vật liệu, phế thải xây dựng để phục vụ thi công công trình của hộ gia đình là một trong những đối tượng đề xuất phải nộp phí. Ảnh: Tứ Quý

Các trường hợp miễn thu phí:

Tổ chức đám cưới, đám tang và điểm trông giữ xe phục vụ đám cưới, đám tang;

Các hoạt động sử dụng tạm thời lòng đường, hè phố để trông giữ xe phục vụ các sự kiện văn hóa, chính trị của thành phố như: Lễ 30/4 và 1/5, Giỗ tổ Hùng Vương, Quốc khánh 2/9 và Tết âm lịch, Tết dương lịch;

Các công trình phục vụ công tác tổ chức giao thông dưới lòng đường, trên hè phố; các công trình tạm phục vụ tuyên truyền cổ động chính trị, tuyên truyền về trật tự an toàn giao thông;

Các hoạt động văn hóa (thể thao, diễu hành, lễ hội) và điểm trông, giữ xe phục vụ các hoạt động văn hóa theo kế hoạch của UBND thành phố, tuyên truyền chủ trương, chính sách của Đảng và pháp luật của Nhà nước;

Dịch vụ xe hai bánh công cộng (xe đạp, xe điện) do các tổ chức triển khai thực hiện phục vụ hành khách được cơ quan có thẩm quyền cho phép;

Xe chữa cháy, xe quân sự, xe công an, xe cứu thương, xe đi làm nhiệm vụ khắc phục sự cố thiên tai, dịch bệnh hoặc đi làm nhiệm vụ khẩn cấp theo quy định của pháp luật;

Các xe đang phục vụ các hoạt động cộng đồng được cơ quan có thẩm quyền cho phép;

Xe của gia đình hộ kinh doanh (tự quản), xe đỗ trên các tuyến đường cho phép đỗ không thuộc phạm vi thu phí;

Điểm bố trí các công trình, tiện ích, hệ thống thiết bị phục vụ giao thông công cộng và hệ thống trạm sạc cho xe điện.

Vạch sơn trên vỉa hè trung tâm TP.HCM phân định khu vực đỗ xe sát tường, dành một lối thông thoáng cho người đi bộ và không gian cho các hoạt động gần phía lòng đường. Ảnh: Tứ Quý

Mức thu phí xây dựng trên nguyên tắc chỉ thu một phần chi phí, không bao gồm chi phí hoàn trả, cải tạo lại nguyên trạng hè phố; Phù hợp với mục tiêu hạn chế sử dụng phương tiện cá nhân, đảm bảo công bằng, bình đẳng giữa các tổ chức, cá nhân có nhu cầu sử dụng tạm thời lòng đường, hè phố…

Trên cơ sở so sánh mức thu của Hà Nội và Đà Nẵng, kết hợp phương pháp xây dựng mức thu theo giá đất hàng năm do UBND TP.HCM ban hành và tỷ lệ phần trăm tính tiền thuê đất theo khu vực, từ đó tờ trình xây dựng cách tính mức thu phí như sau:

Mức thu hàng tháng theo từng khu vực = [giá đất bình quân theo từng khu vực x tỷ lệ % tính tiền thuê đất từng khu vực] / 12 tháng x diện tích đất sử dụng theo từng khu vực.

Trong đó, giá đất bình quân theo từng khu vực:

+ Giá đất: là giá của 1 m2 đất sử dụng được quy định tại bảng giá đất do UBND TP.HCM ban hành hàng năm (hiện nay là Quyết định số 02 ngày 16.1.2020 quy định về bảng giá đất trên địa bàn TP.HCM giai đoạn 2020 - 2024).

+ Khu vực: bao gồm 5 khu vực theo quy định của UBND TP.HCM ban hành (hiện nay được quy định tại Quyết định số 50 ngày 24.12.2014 về đơn giá thuê đất, thuê mặt nước trên địa bàn TP.HCM). Tại mỗi khu vực trong 5 khu vực sẽ tiếp tục được chia thành 2 khu vực là các tuyến đường trung tâm và khu vực các tuyến đường còn lại.

“Dự kiến nguồn thu phí sử dụng tạm thời lòng đường, hè phố nộp toàn bộ vào ngân sách thành phố nhằm mục đích duy tu, bảo trì lòng đường, hè phố. Do đó sẽ tăng nguồn thu cho ngân sách thành phố. Dự kiến số phí thu được là 1.552 tỷ đồng/năm”, tờ trình cho biết.

Rất nhiều hè phố ở TP.HCM đang bị chiếm dụng để buôn bán, đậu xe và chừa lại lối đi rất hạn chế cho người đi bộ. Ảnh: Tứ Quý

Đơn vị giao nhiệm vụ thu phí là Sở Giao thông vận tải và UBND các quận, huyện, Thành phố Thủ Đức theo quyết định giao tài sản kết cấu hạ tầng giao thông đường bộ. Dự toán chi được ngân sách nhà nước cấp dự toán để phục vụ nhiệm vụ thu phí, không tăng chi ngân sách nhà nước do bộ phận thu phí của các đơn vị giao nhiệm vụ thu phí theo chế độ kiêm nhiệm.

Cũng theo tờ trình, trước đây UBND TP.HCM từng ban hành Quyết định số 964 ngày 24.12.1991 về việc điều chỉnh giá biểu thu lệ phí khai thác đất công, chợ, đường phố, bến bãi, cảng. Tuy nhiên mức thu này quá thấp nên không còn phù hợp với tình hình kinh tế, xã hội hiện nay trên địa bàn thành phố (12.000 đồng/m2/tháng đối với ngành hàng dịch vụ bày bán trên đường phố).

Đồng thời, tên gọi là lệ phí khai thác không còn phù hợp với tên gọi phí sử dụng tạm thời lòng đường, hè phố tại Luật phí và lệ phí. Đến năm 2017, thì Quyết định số 964 đã được bãi bỏ.

Nhu cầu sử dụng tạm thời lòng đường, hè phố của các tổ chức, cá nhân rất lớn nhưng hệ thống hạ tầng giao thông chỉ đáp ứng một phần do nguồn kinh phí bố trí cho công tác đầu tư xây dựng, công tác duy tu, bảo trì hàng năm còn hạn chế nên cần tạo thêm nguồn thu cho ngân sách thành phố nhằm duy tu, bảo trì lòng đường, hè phố.

“Do đó, để đảm bảo phù hợp với quy định tại Luật phí và lệ phí, tình hình phát triển kinh tế - xã hội của địa phương, đảm bảo hiệu quả trong công tác quản lý và thuận lợi cho các tổ chức, cá nhân trong quá trình tham gia sử dụng tạm thời lòng đường, hè phố trên địa bàn thành phố, thì việc ban hành mức thu phí sử dụng tạm thời lòng đường, hè phố là phù hợp và cần thiết”, tờ trình cho biết.

Mục tiêu xây dựng Nghị quyết ban hành mức thu phí sử dụng tạm thời lòng đường, hè phố trên địa bàn TP.HCM là nhằm tăng cường công tác quản lý sử dụng lòng đường, hè phố được hiệu quả, đúng mục đích, đảm bảo giao thông an toàn, vệ sinh môi trường và mỹ quan đô thị; Nâng cao trách nhiệm của các tổ chức, cá nhân khi sử dụng tạm thời một phần lòng đường, hè phố. Đồng thời, người dân phải có nghĩa vụ đóng góp một phần chi phí hỗ trợ tạo nguồn thu cho ngân sách nhà nước nhằm duy tu bảo trì lòng đường, hè phố.

Thời gian dự kiến trình thông qua Nghị quyết theo đề xuất của tờ trình là tại kỳ họp gần nhất của HĐND TP.HCM.

Minh Hoàng

Nguồn Người Đô Thị: https://nguoidothi.net.vn/thu-phi-su-dung-tam-thoi-long-duong-he-pho-tp-hcm-uoc-tinh-thu-1-552-ty-dong-nam-40037.html