Thư pháp Việt trên sản phẩm chưng tết

Ngày tết, một số bạn trẻ ở TP. Rạch Giá (Kiên Giang) sử dụng mực truyền thống và cọ lông để viết chữ thư pháp trên giấy, liễn tặng miễn phí cho người dân vui xuân, đón tết tại quảng trường Trần Quang Khải.

Các bạn trẻ đến xin chữ tại khu vực viết chữ thư pháp miễn phí ở quảng trường Trần Quang Khải, TP. Rạch Giá (Kiên Giang).

Thư pháp trở thành một phần không thể thiếu trong dịp Tết Nguyên đán. Trong ngày tết, một số bạn trẻ và người yêu thư pháp Việt tổ chức không gian thư pháp tại khu vực quảng trường Trần Quang Khải, TP. Rạch Giá (Kiên Giang).

Anh Đặng Tiến Bình, ngụ phường Vĩnh Bảo (TP. Rạch Giá) cho biết anh chủ công cùng một số người khác tổ chức 2 khu vực tặng chữ trên giấy miễn phí cho người dân chơi tết. “Tôi vận động một doanh nghiệp tài trợ khoảng 3.000 giấy liễn, sau đó cùng anh em trong nhóm viết chữ tặng người dân từ ngày 3-2. Nếu người dân muốn viết chữ trên giấy mành tre, biểu lụa thì chỉ cần trả tiền vốn thôi, chúng tôi viết miễn phí”, anh Bình cho biết.

Mực sử dụng viết thư pháp là mực truyền thống.

Các loại cọ lông khác nhau sẽ cho các nét chữ thư pháp dày, mỏng khác nhau.

Một doanh nghiệp tài trợ 3.000 giấy liễn để nhóm của anh Bình viết tặng miễn phí cho người dân.

Nhóm của anh Đặng Tiến Bình mong thư pháp Việt có mặt ở các sản phẩm chưng tết của người dân dịp tết hàng năm. Anh đã tổ chức tặng miễn phí từ tết năm 2015 đến nay.

“Sản phẩm chưng tết không chỉ mang ý nghĩa về mặt thẩm mỹ mà còn thể hiện mong muốn về một năm mới an khang, thịnh vượng. Chúng tôi có thể viết thư pháp lên các sản phẩm như đèn lồng, bình hoa, nón lá… mang theo lời chúc may mắn và hạnh phúc”, anh Bình nói.

Các thầy đồ trẻ trong nhóm anh Đặng Tiến Bình sử dụng mực truyền thống và cọ lông để viết trên nền giấy liễn tạo ra những nét chữ đẹp, uyển chuyển. Các chữ thường thấy như “An”, “Thịnh”, “Phúc”, “Lộc”… không chỉ đẹp về mặt hình thức mà còn mang ý nghĩa tốt lành, phản ánh tinh thần lạc quan và yêu đời của người Việt.

“Thư pháp trong dịp tết không chỉ là nghệ thuật mà còn là biểu tượng của tinh thần và văn hóa dân tộc, kết nối quá khứ với hiện tại và hướng tới tương lai”, em Lâm Nhật Tiến, ngụ đường Trần Khánh Dư, phường An Hòa (TP. Rạch Giá) chia sẻ sau khi đến xin chữ.

Anh Đặng Tiến Bình, ngụ phường Vĩnh Bảo, TP. Rạch Giá (Kiên Giang) tặng chữ cho người dân.

Mỗi tấm liễn thư pháp đều được đóng dấu ấn riêng của nhóm viết thư pháp.

Riêng Tết Nguyên đán Giáp Thìn năm 2024, nhóm thư pháp trẻ chuyên viết chữ trên dưa hấu. Việc viết thư pháp trên dưa hấu là một nét đẹp độc đáo trong văn hóa tết ở Việt Nam. Các bạn trẻ sẽ chọn những quả dưa hấu có hình dáng đẹp, sau đó viết lên vỏ dưa với mực đỏ đặc biệt. Những chữ được viết thường là những lời chúc tốt lành.

Trước khi viết thư pháp, dưa hấu được phủ một lớp sơn.

Thư pháp trên dưa hấu được viết bằng loại mực đặc biệt, bám dính cao và thường là màu đỏ.

Kỹ thuật viết thư pháp trên dưa hấu đòi hỏi sự tỉ mỉ và khéo léo cao, cần sự kiên nhẫn và tay nghề tốt. Quả dưa hấu thư pháp không chỉ là một tác phẩm nghệ thuật mỹ lệ mà còn là một biểu tượng văn hóa, mang đến không khí tết truyền thống và ý nghĩa cho gia đình và bạn bè trong dịp lễ quan trọng này. “Khách hàng chỉ cần trả tiền dưa hấu, mỗi cặp có giá từ 350.000 đến 500.000 đồng, chúng tôi viết và trang trí miễn phí cho khách hàng”, anh Bình nói.

Viết chữ thư pháp trên dưa hấu khó hơn viết trên giấy thường, không khéo tay sẽ dễ hư hỏng.

Cặp dưa hấu với chữ thư pháp hoàn thiện.

“Chúng em cảm thấy hào hứng khi được đến không gian thư pháp ngày tết này. Em không chỉ được xem thầy đồ viết chữ tặng mà còn được hướng dẫn trải nghiệm viết chữ thư pháp”, em Tạ Thảo Trâm, ngụ đường Ngô Quyền, TP. Rạch Giá (Kiên Giang) cho biết.

Bạn trẻ trải nghiệm tự tay viết thư pháp.

Nhiều học sinh ở TP. Rạch Giá đến viết thư pháp và phơi khô giấy liễn trước khi mang về nhà.

Bài và ảnh: TÂY HỒ

Nguồn Kiên Giang: https://baokiengiang.vn/van-hoa-the-thao/thu-phap-viet-tren-san-pham-chung-tet-18957.html