Thu nhập trung bình thực tế tại Singapore giảm 4,5% nửa đầu năm 2023

Theo tuyên bố từ Bộ Nhân lực Singapore ngày 7/11, thu nhập trung bình tại quốc gia này giảm 4,5% trong nửa đầu năm 2023 so với cùng kỳ năm 2022 do lạm phát tăng cao và triển vọng kinh tế trì trệ.

Chính phủ Singapore đang thực hiện nhiều biện pháp nhằm giúp đỡ người lao động ứng phó với chi phí sinh hoạt gia tăng. Ảnh: ST

Phát biểu trước Quốc hội liên quan tới tác động của giá cả tăng đối với tăng trưởng thu nhập của người lao động Singapore, đặc biệt là những người dễ bị tổn thương về tài chính, Bộ trưởng Cấp cao phụ trách Nhân lực Zaqy Mohamad nhận định người lao động thuộc nhiều lĩnh vực và ngành nghề khác nhau đang ghi nhận sự sụt giảm thu nhập thực tế do lạm phát vượt quá tốc độ gia tăng lương.

Hãng tin Straits Times trích dẫn ông Zaqy cho biết thu nhập trung bình danh nghĩa – chưa được điều chỉnh theo lạm phát – tăng khoảng 0,9% so với cùng kỳ năm ngoái trong nửa đầu năm 2023. Dựa trên số liệu thu nhập dành cho người Singapore và thường trú nhân làm việc toàn thời gian, thu nhập trung bình thực tế được ghi nhận tăng tổng cộng 9,4% từ năm 2017 đến năm 2022, tương đương 1,8% mỗi năm.

Những con số trên thấp hơn nhiều so với tốc độ lạm phát ghi nhận được trong cùng khoảng thời gian. Cụ thể, lạm phát cơ bản của Singapore đã tăng lên 5,5% so với cùng kỳ vào tháng 1/2023, mức cao nhất kể từ tháng 11/2008. Tới tháng 9 vừa qua, lạm phát đã hạ nhiệt xuống còn 3%.

Khi đưa ra dự đoán cho tình hình trước mắt, ông cho biết lạm phát dự kiến sẽ ở mức vừa phải trong những tháng còn lại của năm 2023. Việc này có nghĩa là “tình trạng sụt giảm thu nhập thực tế có khả năng sẽ ở mức vừa phải”. Tuy nhiên tới năm 2024, mức tăng lương danh nghĩa đối với lao động thường trú dự kiến sẽ giảm xuống về tổng thể do nhu cầu lao động nguội đi.

Dù vậy, vẫn có một số lĩnh vực mức tăng lương danh nghĩa được duy trì ở ngưỡng cao. Cụ thể, ông cho biết: “Tốc độ tăng lương dự kiến sẽ tiếp tục ổn định trong các lĩnh vực liên quan đến du lịch - nơi nhu cầu tiếp tục phục hồi, cũng như các lĩnh vực dịch vụ sử dụng nhiều lao động hơn - nơi tình trạng thiếu nhân lực có thể kéo dài”.

Để giúp người lao động đối phó với chi phí sinh hoạt ngày càng tăng, chính phủ Singapore hồi tháng 9 đã công bố các khoản thanh toán bổ sung bằng tiền mặt cho những người lao động đủ điều kiện, như một phần của Gói Hỗ trợ Chi phí Sinh hoạt trị giá 1,1 tỷ USD.

Đối với những người lao động có thu nhập thấp, Mô hình Tiền lương Lũy tiến trong một số lĩnh vực được thiết kế nhằm giúp họ đạt được việc tăng mức lương tối thiểu thông qua đào tạo và cải thiện năng suất.

Theo ông Zaqy, các kế hoạch khác nhau của chính phủ cũng đang được áp dụng, ví dụ như bản đồ chuyển đổi ngành để hướng dẫn các doanh nghiệp và người lao động thích ứng với các loại công việc mới hay các chương trình chuyển đổi nghề nghiệp hỗ trợ những người lao động đang đào tạo lại kỹ năng để chuyển sang vai trò mới. Ngoài ra, Chương trình Tín dụng Tiền lương Lũy tiến cũng đồng tài trợ tới 75% số tiền tăng lương mà người sử dụng lao động cung cấp cho những người lao động có mức lương thấp từ năm 2022 đến năm 2026.

Ngân Hà

Nguồn Mekong Asean: https://mekongasean.vn/thu-nhap-trung-binh-thuc-te-tai-singapore-giam-45-nua-dau-nam-2023-post28933.html