Thu nhập khá từ vườn ao chuồng

Không ngại khó, ngại khổ, bằng đôi tay của mình, chị Trương Thị Bé (sinh năm 1973) hội viên Hội Liên hiệp Phụ nữ (LHPN) xã Phong Sơn, huyện Phong Điền đã quyết tâm vươn lên thoát nghèo, làm giàu trên đất quê hương. Sau một thời gian gầy dựng, đến nay, mô hình vườn, ao, chuồng (VAC) của chị Bé đã cho thu 'quả ngọt', với thu nhập gần 200 triệu đồng/năm. Chị cũng là điển hình hội viên phụ nữ làm kinh tế giỏi tại địa phương.

Chị Bé (bên trái) kiểm tra, chăm sóc vườn chuối của mình

Đang dọn cỏ cho vườn cây ăn quả, thấy chúng tôi đến, chị Trương Thị Bé mới nghỉ tay để dẫn khách đi tham quan khu vườn rộng hơn 2ha của mình. Mặc dù mùa đông, thời tiết khá khắc nghiệt nhưng vườn cây ăn quả của chị Bé vẫn xanh tốt và trĩu quả. Khu vườn rộng nhưng được chị dọn dẹp sạch sẽ, phân chia khu vực trồng cây hợp lý nên nhìn rất thoáng đãng.

Sinh ra và lớn lên từ mảnh đất nông nghiệp, với lợi thế đất đai rộng, nên sau khi lập gia đình, chị Bé đã có ý định quy hoạch lại đất vườn của gia đình để trồng tràm dược liệu và xây dựng mô hình VAC. Trước khi bắt tay vào làm chị đã tham gia học hỏi kinh nghiệm trong trồng trọt, chăn nuôi và mạnh dạn vay 100 triệu đồng từ nguồn vốn của Ngân hàng Chính sách xã hội được ủy thác qua kênh phụ nữ.

Bên cạnh 3ha đất trồng lúa, 3ha trồng tràm dược liệu, 2ha đất vườn, chị Bé đã đầu tư cải tạo đất để trồng ổi, cam, chuối..., phân chia khu chăn nuôi lợn nái, đào ao nuôi cá trắm, cá mè...

Chị Bé chia sẻ: “Thời điểm mới bắt vào làm vất vả lắm. Bởi muốn trồng được cây ăn quả thì phải đầu tư cải tạo đất, lắp đặt hệ thống tưới tiêu hợp lý. Vốn ít, nên tôi không thể làm một lần, mà phải lấy ngắn nuôi dài. Xung quanh khu trang trại và hồ cá tôi trồng thêm rau màu ngắn ngày. Rồi tiền lời từ chăn nuôi tôi sẽ tích lũy, đầu tư ngược lại để mở rộng diện tích trồng cây ăn quả. Giai đoạn đầu cũng gặp nhiều khó khăn, bởi dịch bệnh, rồi giá cả nông sản bấp bênh. Nhưng không vì thế mà tôi nản lòng. Đến nay, vườn cây ăn quả của tôi đã cho thu hoạch ổn định”.

Vừa làm vừa học vừa rút kinh nghiệm, đó là cách chị Bé xây dựng và mở rộng mô hình VAC của mình. Để bây giờ mô hình phát triển kinh tế của chị đã đem lại hiệu quả.

Chuồng trại chăn nuôi cũng được chị Bé xây dựng lại kiên cố, hợp lý, duy trì ổn định trong chuồng 5 con lợn nái và vài chục con lợn thịt/lứa. Việc duy trì nuôi lợn nái đã giúp chị chủ động nguồn giống để nuôi gối, nên hàng tháng, trang trại của chị đều có lứa lợn thịt xuất bán.

Cũng chính từ ruộng đồng quê hương, chị Bé đã xây dựng được mô hình kinh tế phù hợp, hiệu quả, mang đến cuộc sống gia đình sung túc, ấm no, nhà cửa được xây dựng kiên cố, khang trang, nuôi dạy 5 người con trưởng thành, đều học lên đến đại học.

Bà Châu Thị Tuyết, Chủ tịch Hội LHPN xã Phong Sơn nhận xét: “Không chỉ làm giàu cho bản thân, là tấm gương phụ nữ làm kinh tế giỏi, thành công với mô hình kinh tế VAC, chị Bé cũng luôn sẵn sàng chia sẻ kinh nghiệm trồng trọt, chăn nuôi để phát triển kinh tế cho các hội viên khác trên địa bàn. Chị cũng gương mẫu đi đầu trong các phong trào hoạt động của Hội LHPN xã”.

Bài, ảnh: Thảo Vy

Nguồn Thừa Thiên Huế: https://baothuathienhue.vn/kinh-te/nong-nghiep-nong-thon/thu-nhap-kha-tu-vuon-ao-chuong-137550.html