Thử nghiệm Arrow-2 bất thành - một "thất bại nghiêm trọng"

VIT - Việc thử nghiệm tên lửa đánh chặn Arrow 2 cải tiến không thành công được coi là thất bại nghiêm trọng đối với hệ thống phòng thủ chính của Israel trong bối cảnh Iran đang đẩy mạnh chương trình tên lửa đạn đạo tầm xa.

Theo các nguồn tin từ Mỹ và Israel, việc phóng thử tên lửa Arrow hôm 22/7 ở California bị hủy bỏ ba lần do vấn đề kỹ thuật, bao gồm cả sự thiếu ổn định trong kết nối giữa tên lửa và radar Green Pine do Israel phát triển. Thất bại này được xem là thắng lợi tinh thần cho Iran. Ba ngày sau vụ thử nghiệm, Mohammad Ali Jafari, Tư lệnh Lực lượng Vệ binh cách mạng Hồi giáo Iran tuyên bố rằng Tehran có đủ khả năng đánh trúng các cơ sở hạt nhân của Israel và sẽ làm thế nếu bị tấn công. "Tên lửa của chúng tôi có độ chính xác cần thiết để nhằm vào mọi cơ sở hạt nhân của Israel", ông Jafari tuyên bố hôm 25/7. Arrow-2 là tên lửa tầm xa trong hệ thống phòng thủ nhiều tầng của Israel có nhiệm vụ bảo vệ quốc gia này khỏi những vụ tấn công bằng tên lửa. Nó được thiết kế để bắn hạ các tên lửa đạn đạo ở cự ly tối đa 1.100 km. Tuy nhiên, thất bại trong vụ thử khiến toàn bộ hệ thống Arrow tỏ ra không chắc chắn. Cả Mỹ và Israel hy vọng hệ thống Arrow cải tiến sẽ ngăn ngừa bất cứ vụ tấn công nào nhằm vào Israel. Đồng thời, Mỹ cũng hy vọng rằng sở hữu một hệ thống phòng thủ đáng tin cậy sẽ thuyết phục được Israel không tấn công phủ đầu Iran. Israel hiện có 2 hệ thống Arrow-1 hoạt động với khoảng 100 tên lửa. Quốc gia này đang tiến hành nâng cấp các hệ thống trên và đang trong giai đoạn đầu phát triển phiên bản Arrow-3 hiện đại hơn với sự trợ giúp của Mỹ. Việc phóng thử không thành công sau nhiều ngày với ít nhất 3 lần phải hoãn lại là một thất bại nghiêm trọng, mặc dù các quan chức Israel biện minh rằng trong một dự án phức tạp như vậy thì các trục trặc kỹ thuật đã được lường trước. Đây là vụ thử khả năng đánh chặn của Arrow ở tầm xa đầu tiên trên Thái Bình Dương do điều kiện địa lý của khu vực Trung Đông không cho phép tiến hành các vụ thử như vậy trên đất Israel. Theo các quan chức Mỹ, cần có 6 tháng để chuẩn bị việc thử nghiệm, tuy nhiên cả Lầu Năm Góc lẫn Bộ Quốc phòng Israel đều chưa cho biết lịch cho lần thử tiếp theo. Trong lần phóng tại căn cứ Point Mugu của Hải quân Mỹ ở miền trung California, một tên lửa Block4 M5 Arrow - được hợp tác sản xuất với Boeing - dự định đánh chặn một tên lửa giả định Shehab-3 của Iran do máy bay C-17 Globemaster của Không quân Mỹ thả cách đó 1.100 km trên Thái Bình Dương. Hiện Iran được cho là sở hữu khoảng 100 tên lửa Shahab-3 với tầm bắn 2.000 km có thể bắn tới Israel. Nước này cũng tuyên bố gần đây đã bắn thử loại Sejjil-2 tiên tiến hơn với nhiên liệu rắn, cho phép việc chuẩn bị bắn nhanh chóng và khó bị phát hiện hơn. Trong khi đó tên lửa Shehab-3 dùng nhiên liệu lỏng cần tới một giờ chuẩn bị. Chương trình tên lửa và hạt nhân với tiềm năng sản xuất đầu đạn nguyên tử của Iran được Israel coi là mối đe dọa an ninh lớn nhất. Nước này tuyên bố đã chuẩn bị cho việc tấn công Iran để loại trừ mối đe dọa trên. Lo ngại của Israel đã tăng thêm khi Ngoại trưởng Mỹ Hillary Clinton phát biểu rằng Mỹ sẽ mở rộng "cái ô phòng thủ" đối với các đồng minh Ả-rập ở Vùng Vịnh nhằm ngăn ngừa Iran thống trị khu vực chiến lược nhiều dầu mỏ này "khi họ có vũ khí hạt nhân". Đối với Israel, đây là dấu hiệu cho thấy chính quyền Tổng thống Barack Obama chấp nhận "chung sống" với một Iran sở hữu sức mạnh hạt nhân.

Nguồn VITINFO: http://vitinfo.com.vn/muctin/quansu/la63767/default.htm