Thủ môn Bùi Tấn Trường: Từ thủ môn, doanh nhân, đến "tài tử" điện ảnh

Tài năng của Tấn Trường trên sân cỏ là điều đã được khẳng định. Còn công việc kinh doanh, có lẽ anh cũng được xếp hàng “sao số” trong giới cầu thủ. Và mới đây nhất, chàng sếu vườn gốc Đồng Tháp đã chính thức gia nhập làng “showbiz” với một vai diễn trong bộ phim sẽ được công chiếu vào dịp tết Quý Tỵ 2013.

PHI THƯƠNG BẤT PHÚ
Có lần ngồi hàn huyên với Tấn Trường, anh đột nhiên triết lý: “Phi thương bất phú, có buôn bán làm ăn mới giàu được. Dân cầu thủ đúng là có mặt bằng thu nhập cao hơn mặt bằng xã hội nhưng lấy tiền rồi ôm khư khư, cứ tiêu xài mà không biết làm ăn thì mãi mãi chỉ là một... cầu thủ”.

Với quan điểm ấy, sau khi đặt bút ký vào bản hợp đồng 3 năm với đội bóng quê hương Đồng Tháp với giá 5 tỷ đồng (mùa 2010), Tấn Trường đã bắt đầu nghĩ đến việc bắt tiền đẻ ra tiền.

Đầu tiên, chàng thủ môn “sếu vườn” đã bỏ ra khoảng 1,2 tỉ đồng mua chiếc xe Mercedes 16 chỗ cho anh trai chạy xe khách đường dài. Tiếp đó, anh bỏ thêm khoảng 200 triệu đồng cho Ngọc Liên, cô vợ xinh đẹp sắp cưới vào thời điểm đó mở quán Internet tại Cao Lãnh với quy mô hơn 20 máy.

Chưa hết, Tấn Trường tiếp tục bỏ ra hơn 1 tỉ đồng, hùn với ông anh kết nghĩa, mở một cụm sân nhân tạo mang tên Sài Gòn FC trên đường Trần Văn Dư, quận Tân Bình (TP.HCM).

Ở đây, chưa nói đến tầm nhìn, hay sự nhạy bén thời cuộc, có một điều cần khẳng định, Tấn Trường cho thấy, anh rất biết sử dụng hình ảnh của mình vào công việc kinh doanh. Cụ thể, với với sự xuất hiện của những người bạn là các nghệ sĩ TP.HCM, cũng như sự thân quen với giới truyền thông, ngày khai trương đã trở thành sự kiện đáng chú ý.

Và thực sự, cụm sân cỏ của “ông chủ” Tấn Trường đang ăn nên làm ra với lịch đặt sân kín mít. Hai năm trôi qua, Tấn Trường đã cho thấy, anh không phải là một “tay mơ” trong lĩnh vực kinh doanh. Việc rót hơn 1 nửa gia sản vào kinh doanh sân cỏ nhân tạo là sự đầu tư đúng đắn, nên Tấn Trường đã thắng lớn bởi phong trào bóng đá sân cỏ nhân tạo ở Sài Gòn đang rất rầm rộ.

LẤN CẢ SÂN CHƠI ĐIÊN ẢNH
Không thể phủ nhận, vị đạo diễn của bộ phim “Bay vào cõi mộng” đã có một con tính khôn ngoan khi mời Tấn Trường tham gia diễn xuất trong bộ phim này. Chính sự xuất hiện của Tấn Trường thực sự là “cơn gió lạ” thu hút sự hiếu kỳ của NHM, mặc cho “Bay vào cõi mộng” được đầu tư với mức kinh phí 8 tỉ đồng, cùng với dàn diễn viên ngôi sao, như: Vĩnh Thuyên Kim, Kiều Oanh, Lê Huỳnh, Tấn Beo - Tấn Bo, hay Linda Trang Đài, Tommy Ngô, Thu Tuyết, ca sỹ Khánh Phương, người mẫu Xuân Lan...
Nhắc đến vai diễn của Tấn Trường, nếu như trước đây các ngôi sao thể thao của Việt Nam tham gia nghệ thuật chiều thứ 7, chủ yếu đóng các “vai quần chúng”, thì trong “Bay vào cõi mộng” Tấn Trường được xuất hiện với vai trò một “kép chính” thực thụ. Cụ thể, thủ môn Tấn Trường sẽ vào vai một người đạp xe ba gác chở dừa tươi đi bán trên đường phố Sài Gòn.

Dĩ nhiên, tài “bắt bóng da” của Tấn Trường thì không còn phải bàn cãi, chỉ có điều nhiều người ta tò mò, không biết tài “bắt dừa” của anh chàng sếu vườn này sẽ ra sao.

“Trong phim có nhiều đoạn trái dừa được biến thành vũ khí ném nhau. Anh bán dừa vì xót của, đã có những pha bay lộn chẳng khác nào anh thủ môn. Thế nên, tôi nghĩ mình đã diễn mấy đoạn này chẳng đến nổi nào. Có khi đóng như chuyên nghiệp cũng nên”. Tấn Trường bật mí về một cảnh mà anh đóng vai chính trong phim.

Vậy từ bóng đá đến đóng phim dễ hay khó với Tấn Trường? Chàng sếu vườn này nói: “Tôi chỉ tham gia khoảng 3 buổi và thấy oải quá, quay từ sáng đến chiều, cả đoàn làm phim làm việc cật lực để có những cảnh quay thành công. Nếu cảnh nào cảm thấy chưa ổn, thì phải diễn đi diễn lại khi nào đạt thì thôi. Bóng đá thì lăn lộn, té ngã này nọ, chẳng sợ. Còn đóng phim đúng là cần nhiều cái cộng hưởng, nếu mình vào vai không thành công sẽ ảnh hưởng đến rất nhiều con người, thậm chí cả bộ phim”.

Mỗi cầu thủ có những giá trị khác nhau, và Tấn Trường rõ là biết cách khai thác giá trị của mình tốt hơn so với nhiều cầu thủ khác. Nhìn ở góc độ nào đó, giá trị luôn chứng minh cho đẳng cấp của thủ thành đang khoác áo Xi Măng Xuân Thành Sài Gòn, trong mọi lĩnh vực mà anh đã dấn thân và thử nghiệm.

Trong thời buổi khó khăn, rất nhiều đồng nghiệp đang đối diện với cảnh thất nghiệp thì Tấn Trường đã và đang chuẩn bị vững chắc cho tương lai không còn gắn bó với trái bóng. “Tôi chẳng biết là mình sẽ theo bóng đá được bao lâu nữa. Tôi chỉ biết bây giờ mình phải cố gắng lo cho mai sau. Tôi dám khẳng định, bây giờ tôi đã có thể tự chủ về kinh tế, tôi đã có thể sống tốt nhờ việc làm kinh doanh”. Tấn Trường tự tin nói về hành trang cho ngày mai.

Tấn Trường đắt thứ nhì Việt Nam
Thủ môn Nguyễn Mạnh Dũng chuyển từ Thanh Hóa về V.Ninh Bình với giá 12 tỷ đã phá sâu giá chuyển nhượng cho một thủ môn Việt Nam. Không ai khác, Tấn Trường cũng có cái giá cao thứ nhì với giá 9 tỷ đồng cho 3 năm. Áp lực tiền bạc đôi khi cũng chính là áp lực khiến thủ môn này từng mắc những sai lầm.

Bao giờ số 1?
Tấn Trường rất giỏi kinh doanh, nhưng trong màu áo ĐTQG, anh vẫn chưa phải là thủ thành số 1. Tại AFF Suzuki Cup 2012, Trường đã phải ngồi dự bị cho Hồng Sơn. Còn trong màu áo CLB, đã có những thời điểm chàng thủ môn này biến mất vì phong độ phập phù của mình. Có người nói, công việc của Tấn Trường phát đạt nhưng đổi lại là vị trí thứ yếu tại CLB.

Nguồn Bóng Đá Plus: http://bongdaplus.vn/bong-da-cuoc-song/thu-mon-bui-tan-truong-tu-thu-mon-doanh-nhan-den-tai-tu-dien-anh/79947.bbd