Thủ lĩnh sinh viên Hồng Kông bị bắt ở Thái Lan

Nhà chức trách Thái Lan đã nhận được một lá thư từ Chính phủ Trung Quốc liên quan đến chuyến thăm của Wong...

Thủ lĩnh sinh viên Hồng Kông Joshua Wong - Ảnh: Reuters/BBC.

Nhà hoạt động dân chủ trẻ tuổi của Hồng Kông Joshua Wang đã bị nhà chức trách Thái Lan bắt giữ tại Bangkok và trục xuất sau đó, hãng tin BBC cho hay.

Wong là một trong những thủ lĩnh sinh viên dẫn đầu cuộc biểu tình đòi dân chủ ở Hồng Kông hồi năm 2014. Theo một tuyên bố của Demosisto, chính đảng do Wong đồng sáng lập và lãnh đạo, nhà hoạt động này đã bị bắt sau khi đặt chân xuống sân bay Suvarnabhumi. Nhiều giờ sau khi bị bắt giữ, Wong đã bị từ chối cho nhập cảnh và trục xuất.

Trong tuyên bố, Demosisto dẫn lời nhà hoạt động sinh viên Thái Lan Netiwit Chotipatpaisal, người đã mời Wong tới Bangkok và ra sân bay đón Wong, cho hay, thủ lĩnh sinh viên 19 tuổi hạ cánh xuống Bangkok vào nửa đêm ngày thứ Ba, nhưng bị tạm giữ ở sân bay cho tới buổi trưa ngày thứ Tư trước khi bị trục xuất về Hồng Kông.

Việc Wong bị bắt đã dược Chotipatpaisal thông báo với Demosisto vào lúc khoảng 4h sáng ngày thứ Tư.

Theo Chotipatpaisal, nhà chức trách Thái Lan đã nhận được một lá thư từ Chính phủ Trung Quốc liên quan đến chuyến thăm của Wong. Chotipatpaisal đã đề nghị được gặp Wong nhưng bị nhà chức trách từ chối.

Sau đó, Wong đã lên một chuyến bay của Hong Kong Airlines và dự kiến sẽ trở lại Hồng Kông vào lúc 3h45 chiều ngày thứ Tư, Demosisto cho biết. Đảng trung tả này đã chỉ trích Chính phủ Thái Lan vì hạn chế quyền tự do và quyền nhập cảnh của Wong một cách phi lý.

Demosisto cùng hai nhà sáng lập là Wong và Nathan Law, một thủ lĩnh sinh viên Hồng Kông nổi tiếng khác, ủng hộ mạnh mẽ việc Hồng Kông độc lập khỏi Trung Quốc đại lục. Trong mấy năm gần đây, Wong và các nhà hoạt động dân chủ khác của Hồng Kông đã đẩy mạnh các cuộc biểu tình phản đối việc Bắc Kinh can thiệp vào nền chính trị của vùng lãnh thổ.

Hồng Kông hiện là một đặc khu hành chính của Trung Quốc và hoạt động dựa trên nguyên tắc “một quốc gia, hai chế độ”. Quy chế này cho phép Hồng Kông có mức độ độc lập cao trước đại lục, nhưng Bắc Kinh vẫn nắm quyền lựa chọn ứng cử viên cho cương vị trưởng đặc khu hành chính Hồng Kông cũng như Hội đồng Lập pháp của thành phố.

Theo Hiến pháp của Hồng Kông, bầu cử dân chủ là “mục đích tối thượng”, nhưng vấn đề này vẫn nằm ngoài tầm tay của Hồng Kông bởi Bắc Kinh không cho phép đề cử tự do.

Tháng trước, Hồng Kông tổ chức cuộc bầu cử lớn đầu tiên kể từ cuộc biểu tình mang tên Phong trào Chiếc ô năm 2014, với tỷ lệ cử tri đi bỏ phiếu cao chưa từng thấy. Các chính trị gia dân chủ giành 54,8% phiếu bầu, trong khi phe thân Bắc Kinh đạt 40,3%. Tuy nhiên, trước cuộc bầu cử, chính quyền Hồng Kông đã cấm 6 ứng cử viên thuộc phe muốn Hồng Kông độc lập ra tranh cử.

Kết quả cuộc bầu cử trên được cho là khiến Bắc Kinh “không vui”. Nhiều quan chức Trung Quốc sau đó đã cảnh báo rằng Hồng Kông không bao giờ có thể độc lập khỏi đại lục.

Hãng tin Reuters dẫn một tuyên bố của Bộ Ngoại giao Thái Lan nói rằng việc cho phép Wong nhập cảnh vào Thái liên quan đến “nhiều yếu tố”. Bộ Ngoại giao Trung Quốc thì nói đã “hay biết những thông tin liên quan” khi được hỏi về vụ bắt giữ Wong.

“Trung Quốc tôn trọng việc Thái Lan thực thi kiểm soát nhập cảnh theo quy định của pháp luật”, Bộ Ngoại giao Trung Quốc cho biết trong một tuyên bố gửi theo đường e-mail.

Công dân Hồng Kông có thể nhập cảnh vào Thái Lan và ở lại trong vòng 30 ngày mà không cần visa.

Trước khi Wong tới Bangkok, Chotipatpaisal có nói với tờ South China Morning Post rằng Thái Lan có thể tổ chức các cuộc biểu tình tương tự như Phong trào Chiếc ô ở Hồng Kông.

Tháng 5 năm ngoái, Wong cũng từng bị từ chối nhập cảnh vào Malaysia khi tới nước này để tham dự vào một cuộc nói chuyện về dân chủ ở Trung Quốc. Wong cũng trở về Hồng Kông ngay sau đó.

An Huy

Nguồn VnEconomy: http://vneconomy.vn/the-gioi/thu-linh-sinh-vien-hong-kong-bi-bat-o-thai-lan-2016100503175107.htm