'Thủ lĩnh' của nông dân vùng biên

Cùng với thực hiện nhiệm vụ được giao, ông Hờ Bá Pó, Chủ tịch Hội Nông dân xã Nậm Cắn, huyện Kỳ Sơn, tỉnh Nghệ An đã tiên phong phát triển kinh tế hộ gia đình, vươn lên làm giàu chính đáng. Từ những kết quả đạt được, ông đã truyền đạt kinh nghiệm, hỗ trợ bà con trong xã làm theo. Phát huy tinh thần của đảng viên, ông Pó trực tiếp nhận 'đỡ đầu' giúp một hộ gia đình tại địa phương vươn lên thoát nghèo.

Ông Hờ Bá Pó (ngoài cùng bên phải) bàn giao bò giống cho người dân địa phương. Ảnh: Viết Lam

Ông Hờ Bá Pó (ngoài cùng bên phải) bàn giao bò giống cho người dân địa phương. Ảnh: Viết Lam

Địa bàn xã biên giới Nậm Cắn chủ yếu có địa hình đồi núi dốc, nơi định cư của đông đảo đồng bào dân tộc Mông, Thái và Khơ Mú, cuộc sống chủ yếu phụ thuộc vào sản xuất nông nghiệp. Do điều kiện tự nhiên khắc nghiệt, nguồn vốn, trình độ sản xuất của người dân còn hạn chế, một thời gian dài, cuộc sống của nhân dân địa phương gặp rất nhiều khó khăn. Nhưng nhờ chính sách ưu đãi đặc biệt của Đảng, Nhà nước và sự nỗ lực của chính quyền địa phương và người dân, những năm gần đây, đời sống vật chất, tinh thần của đồng bào các dân tộc trên khu vực biên giới xã Nậm Cắn đang có nhiều đổi thay tích cực. Địa phương biên giới đã xuất hiện nhiều gương nông dân sản xuất, chăn nuôi giỏi, từng bước thoát nghèo, vươn lên làm giàu. Điển hình như hộ gia đình ông Moong Văn Chun, bản Khánh Thành với mô hình chăn nuôi từ 20 - 25 con trâu, bò và 100 - 150 con dê; hộ gia đình ông Lầu Công Tủa, bản Trường Sơn có đàn trâu, bò lên đến 45 con...

Quá trình đi thực tế, tôi cảm nhận người dân ở xã biên giới đang rất vui mừng khi cuộc sống của họ ngày càng no đủ, hạnh phúc hơn. Trong những câu chuyện vui, bà con thường nhắc đến ông Hờ Bá Pó, Chủ tịch Hội Nông dân xã Nậm Cắn đã luôn tận tụy với công việc và chăm lo đời sống cho hội viên. Theo bà con, ông Pó vốn sinh ra, lớn lên ở vùng đất biên cương, rất hiểu điều kiện tự nhiên, suy nghĩ, khả năng lao động của bà con.

Không chỉ vậy, được đào tạo bài bản về chuyên ngành nông nghiệp, ông luôn trăn trở để mang về vùng đất biên giới những giống cây trồng, vật nuôi phù hợp nhất. Một điều mà Chủ tịch Hội Nông dân xã Nậm Cắn luôn đề cao là làm thay đổi suy nghĩ, phương thức chăn nuôi, sản xuất cho nông dân xã nhà. Bởi trước đây, nhân dân trên bàn chủ yếu sản xuất nông nghiệp theo kiểu manh mún, với suy nghĩ mong đủ lương thực, thực phẩm phục vụ cho gia đình. Cụ thể, bà con đã quen với việc chăn nuôi gia súc, gia cầm theo kiểu thả rông trong môi trường tự nhiên nên thường dễ bị bệnh, bị chết khi gặp thời tiết khắc nghiệt. Trên cương vị của mình, ông Pó hiểu rằng, cần trang bị kỹ thuật, mở rộng quy mô chăn nuôi tập trung mới có thể giúp hội viên thoát nghèo, vươn lên làm giàu.

“Về lý thuyết là như thế nhưng để thay đổi suy nghĩ, phương thức chăn nuôi, trồng trọt của bà con địa phương là điều rất khó. Tôi đã bàn với gia đình là phải tiên phong quyết tâm làm thành công các mô hình để chứng minh cho mọi người tin, làm theo. Trên diện tích đất rừng được giao, tôi quy hoạch thành khu chăn thả gia súc, làm chuồng nuôi nhốt, ưu tiên diện tích lớn trồng cỏ đảm bảo nguồn thức ăn. Các loại gia súc, gia cầm đều được tiêm phòng, đáp ứng thức ăn đầy đủ vào mùa mưa rét nên phát triển tốt. Đã nhiều năm nay, gia đình tôi luôn có đàn gia súc (trâu, bò) trên 35 con, cùng nhiều loại gia cầm khác, cho thu nhập ổn định.” - Ông Pó khẳng định.

Từ chỗ thành công của bản thân, Chủ tịch Hội Nông dân xã Nậm Cắn đã tự tin bồi dưỡng, truyền đạt kinh nghiệm, giúp hội viên tiếp cận nguồn vốn để phát triển sản xuất. Nhờ đó, những năm gần đây trên địa bàn xã Nậm Cắn có nhiều mô hình trồng trọt, chăn nuôi quy mô lớn mang lại hiệu quả cao, có 172 hộ đăng ký phấn đấu đạt hộ kinh doanh, sản xuất giỏi.

Nhiều gia đình nông dân ở xã Nậm Cắn đang phát triển mô hình chăn nuôi gia súc quy mô lớn mang lại hiệu quả kinh tế cao. Ảnh: Viết Lam

Nhiều gia đình nông dân ở xã Nậm Cắn đang phát triển mô hình chăn nuôi gia súc quy mô lớn mang lại hiệu quả kinh tế cao. Ảnh: Viết Lam

Không chỉ hoàn thành chức trách nhiệm vụ được giao, ông Hờ Bá Pó cũng luôn phát huy tinh thần, trách nhiệm của đảng viên trong giúp đỡ nhân dân địa phương. Sau giờ làm việc ở công sở, khi nhận được yêu cầu của bà con, ông Pó sẵn sàng đến từng hộ gia đình để hướng dẫn họ chăm sóc cây trồng, vật nuôi. Đặc biệt, Chủ tịch Hội Nông dân xã Nậm Cắn đã đăng ký nhận đỡ đầu, hỗ trợ hộ gia đình anh Lỳ Bá Xừ, bản Trường Sơn từng bước thoát nghèo bền vững.

Qua tìm hiểu thực tế, ông Pó thấy rằng gia đình anh Lỳ Bá Xừ rất chăm chỉ lao động, sản xuất nhưng do thiếu nguồn vốn, sinh kế, chưa tạo ra nguồn thu nhập ổn định, vẫn trong vòng luẩn quẩn đói, nghèo. Năm 2021, ông Pó đã bàn bạc với gia đình và đi đến quyết định tặng gia đình anh Lỳ Bá Xừ một con bò giống sinh sản. Cùng với đó, anh cũng thường xuyên thăm hỏi, hướng dẫn, động viên anh Xừ tập trung lao động sản xuất, chăm sóc gia súc đúng cách. Không phụ lòng mong đợi, con bò giống của hộ gia đình anh Xừ đã lần lượt sinh sản 3 con bê khỏe mạnh.

Bên cạnh đó, ông Pó còn tiếp tục hỗ trợ giống gia cầm, chỉ dẫn gia đình mình nhận đỡ đầu trồng các loại cây để chủ động lương thực, thực phẩm. Nhờ có nguồn thu nhập ổn định, gia đình anh Lỳ Bá Xừ đã tự nguyện xin ra khỏi danh sách hộ nghèo của địa phương. “Từ khi được ông Pó hỗ trợ bò giống, hướng dẫn cách chăn nuôi, trồng trọt, gia đình tôi đã từng bước vượt qua được khó khăn. Chúng tôi đã có nguồn thu nhập ổn định từ việc chăn nuôi gia súc, gia cầm, cũng như biết tính toán trong tiêu dùng nên cuộc sống đã no đủ hơn.” - anh Lỳ Bá Xừ cho biết.

Sự giúp đỡ giống, vốn, kỹ thuật chăn nuôi của Chủ tịch Hội Nông dân xã Nậm Cắn Hờ Bá Pó đã giúp bộ mặt nông thôn thay da đổi thịt, đời sống của người dân ngày càng ấm no, hạnh phúc; góp phần thực hiện thắng lợi Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021-2025 trên địa bàn xã Nậm Cắn.

Viết Lam

Nguồn Biên Phòng: https://bienphong.com.vn/thu-linh-cua-nong-dan-vung-bien-post466670.html