Thứ khiến Tần Thủy Hoàng điên cuồng tìm kiếm: 1 cọng cứu sống ngàn người?

Tần Thủy Hoàng, nổi tiếng với khát vọng bất tử và trường sinh, đã ra lệnh cho 3.000 người đi tìm kiếm một loại cây cỏ được cho là có khả năng cải tử.

Tần Thủy Hoàng (sinh năm 259 TCN - mất năm 210 TCN) là hoàng đế đầu tiên thống nhất Trung Quốc sau khi tiêu diệt 6 nước chư hầu. Không chỉ nổi tiếng với tài cầm quân và trị quốc, vị vua nhà Tần này còn được biết đến với khao khát trường sinh bất tử.

Vì vậy, trong suốt thời gian trị vì, Tần Thủy Hoàng đã cho nhiều người đi khắp nơi tìm kiếm thuốc trường sinh. Ông cũng sử dụng các loại tiên đan do các thuật sĩ, nhà giả kim bào chế với hy vọng trường thọ.

Tương truyền, một quan phủ đã bẩm tấu lên Tần Thủy Hoàng về một sự việc kỳ lạ xảy ra ở Tây Vực (khu vực Trung Á ngày nay). Đó là một người đột tử ở nước Đại Uyên bất ngờ sống lại sau khi được con chim thả một loại cỏ lên mặt.

Tin tức này khiến Tần Thủy Hoàng phấn khích và ông đã gửi người hỏi hiền giả là Quỷ Cốc về xuất xứ của loại cỏ này.

Quỷ Cốc tiên sinh tiết lộ rằng đó là cỏ Bất Tử, xuất xứ từ Tổ Châu ở Đông Hải, một vùng đất theo thần thoại Trung Quốc cổ đại là nơi của các vị thần.

Cỏ Bất Tử còn được gọi là Dưỡng Thần Chi, mọc ở ruộng Quỳnh, và chỉ cần một cọng có thể cứu sống hàng nghìn người.

Tần Thủy Hoàng sau đó đã ra lệnh cho Từ Phúc, một nhà giả kim, dẫn theo 3.000 người nam nữ, đi tìm cỏ Bất Tử. Tuy nhiên, không có tin tức nào được truyền về từ chuyến đi này, và ông qua đời vào năm 210 TCN, hưởng thọ 49 tuổi.

Chemistry World đưa ra thông tin, Tần Thủy Hoàng có thể đã sử dụng chu sa (sulfua thủy ngân) với hy vọng kéo dài tuổi thọ. Tuy nhiên, ngày nay, thủy ngân được biết là chất độc hại. Người xưa tin rằng thủy ngân có thể chữa khỏi nhiều bệnh, nhưng các phương pháp này có thể đã góp phần dẫn đến cái chết của ông vua khi mới 49 tuổi.

Mời quý độc giả xem thêm video: Sự thật bất ngờ về cung điện Tần Thủy Hoàng khiến thích khách run sợ.

Thiên Trang (th)

Nguồn Tri Thức & Cuộc Sống: https://kienthuc.net.vn/kho-tri-thuc/thu-khien-tan-thuy-hoang-dien-cuong-tim-kiem-1-cong-cuu-song-ngan-nguoi-1929316.html