Thu hút thiếu nhi đến với văn hóa đọc

Những năm qua, hệ thống thư viện mà nòng cốt là thư viện công cộng và thư viện trường học đã có sự phát triển mạnh về số lượng và chất lượng, là chủ thể trực tiếp xây dựng môi trường đọc thuận lợi, thân thiện, phát triển văn hóa đọc trong Nhân dân; đã chú trọng đổi mới trong tổ chức và hoạt động, triển khai nhiều mô hình phù hợp, thực hiện tốt vai trò khơi dậy đam mê, hình thành thói quen, xây dựng và phát triển kỹ năng đọc, kỹ năng tiếp cận và xử lý thông tin cho thiếu nhi, góp phần xây dựng thế hệ trẻ Việt Nam phát triển toàn diện về Đức, Trí, Thể, Mỹ. Pháp luật về thư viện tiếp tục xác định vai trò, nhiệm vụ quan trọng của thư viện trong xây dựng và phát triển văn hóa đọc nói chung, kỹ năng đọc, tiếp cận và xử lý thông tin cho thiếu nhi nói riêng.

Thư viện tỉnh chú trọng đầu tư cơ sở vật chất, đáp ứng ngày càng tốt hơn nhu cầu đọc sách của thiếu nhi. Ảnh Ngọc Bích

Tuy nhiên, công tác tổ chức triển khai thực hiện và kết quả đạt được vẫn còn những hạn chế, chưa đáp ứng được yêu cầu: Môi trường đọc cho thiếu nhi ở nhiều địa phương còn thiếu, chưa thực sự phù hợp và thuận lợi trong tiếp cận thông tin; tỷ lệ thiếu nhi đọc sách thường xuyên chưa cao và bền vững, hoạt động khuyến đọc nhiều nơi còn mang tính phong trào; chưa thực sự chú trọng việc hình thành thói quen, xây dựng và phát triển kỹ năng đọc, tiếp cận và xử lý thông tin cho thiếu nhi; có sự chênh lệch về điều kiện tiếp cận thông tin và các tiện ích, dịch vụ, sản phẩm thông tin thư viện giữa thành thị và nông thôn, miền núi, khu vực biên giới, hải đảo, vùng đồng bào dân tộc thiểu số, vùng có điều kiện kinh tế - xã hội khó khăn và đặc biệt khó khăn.

Nguyên nhân chủ yếu là do các cấp, các ngành chưa quan tâm, đầu tư đúng mức, nhất là trong việc bố trí đủ quỹ đất, nhân lực, tài nguyên thông tin và các điều kiện cần thiết khác để thư viện triển khai hiệu quả các hoạt động phục vụ thiếu nhi; sự phát triển của các phương tiện truyền thông, thiết bị điện tử, mạng xã hội tác động mạnh mẽ đến thói quen đọc, tiếp cận thông tin của thiếu nhi; sự đổi mới hoạt động của thư viện chưa theo kịp tốc độ phát triển của khoa học công nghệ và yêu cầu thực tiễn nói chung; sự phối hợp giữa thư viện trường học với các loại thư viện khác chưa được triển khai đồng bộ, thường xuyên.

Để kịp thời khắc phục những hạn chế nêu trên, hình thành thói quen đọc sách và phát triển văn hóa đọc, đặc biệt là việc phát triển kỹ năng đọc, tiếp cận và xử lý thông tin cho thiếu nhi, góp phần thúc đẩy xây dựng xã hội học tập và học tập suốt đời, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam vừa ký Chỉ thị số 20/CT-TTg ngày 1/11/2022 về đẩy mạnh đổi mới hoạt động của thư viện trong xây dựng, phát triển kỹ năng đọc, tiếp cận và xử lý thông tin cho thiếu nhi. Trong đó,Thủ tướng Chính phủ yêu cầu Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch: Tiếp tục tập trung tổ chức thực hiện hiệu quả Luật Thư viện và các văn bản hướng dẫn; chủ trì hoặc phối hợp triển khai các văn bản liên quan đến phát triển văn hóa đọc, xây dựng xã hội học tập và học tập suốt đời, trong đó đặc biệt chú trọng đến đối tượng thiếu nhi. Tiếp tục rà soát, nghiên cứu, xây dựng, hoàn thiện hệ thống văn bản pháp luật để khuyến khích, thúc đẩy các hoạt động, phong trào đọc chủ động, thường xuyên cũng như hình thành xu hướng đọc trong thiếu nhi, trọng tâm là nâng cao kỹ năng đọc, tiếp cận và xử lý thông tin. Xây dựng điểm mô hình khuyến đọc, không gian đọc thân thiện với thiếu nhi; phát triển và nhân rộng mô hình tủ sách gia đình, tủ sách dòng họ, tủ sách trường học, mô hình “Gia đình đọc sách - Gắn kết yêu thương”. Tôn vinh những tấm gương ham đọc, ham học; nhân rộng những mô hình tốt, cách làm hay, các sáng kiến ứng dụng đổi mới hoạt động thư viện trong xây dựng, phát triển văn hóa đọc cho thiếu nhi, đặc biệt là gắn với chuyển đổi số trong lĩnh vực thư viện.

Thủ tướng Chính phủ yêu cầu Bộ Giáo dục và Đào tạo tiếp tục chỉ đạo việc củng cố, kiện toàn hệ thống thư viện trong các cơ sở giáo dục phổ thông và cơ sở giáo dục khác thuộc phạm vi quản lý theo hướng hiện đại, thân thiện, tạo thuận lợi tối đa cho người sử dụng là đối tượng thiếu nhi; bố trí đủ người làm công tác thư viện đạt chuẩn theo quy định. Hoàn thiện chính sách, tiêu chuẩn về thư viện trong các cơ sở giáo dục thuộc phạm vi quản lý và khung chương trình giáo dục bao gồm các giờ học ngoại khóa tại thư viện công cộng; đẩy mạnh xây dựng văn hóa học đường, phát triển văn hóa đọc trong học đường, gắn với xây dựng xã hội học tập và học tập suốt đời, trong đó tập trung nâng cao tinh thần tự đọc, tự học, phát triển kỹ năng đọc, tiếp cận, tra cứu và xử lý thông tin cho thiếu nhi, đồng thời đưa hoạt động này thành nội dung của tiết học chính khóa phù hợp với từng cấp học, bậc học.

Bộ Thông tin và Truyền thông chỉ đạo các cơ quan xuất bản, phát hành sách tăng cường các xuất bản phẩm có chất lượng phục vụ thiếu nhi; phối hợp với thư viện trong thực hiện lưu chiểu và trao đổi xuất bản phẩm điện tử, ấn phẩm phục vụ thiếu nhi; chỉ đạo các cơ quan báo chí, hệ thống thông tin cơ sở đẩy mạnh truyền thông về văn hóa đọc, tăng cường ứng dụng và triển khai nền tảng công nghệ số phục vụ chuyển đổi số trong thư viện. Đề xuất và chỉ đạo triển khai các biện pháp kiểm soát, sàng lọc thông tin, sản phẩm văn hóa có nội dung không phù hợp với lứa tuổi trẻ em, nhất là trên nền tảng công nghệ số; chỉ đạo các doanh nghiệp viễn thông tăng cường tuyên truyền và triển khai các giải pháp kỹ thuật ngăn chặn thông tin xấu, độc hại trên không gian mạng có ảnh hưởng tiêu cực đối với trẻ em.

UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương bảo đảm ngân sách, quỹ đất và các điều kiện cần thiết để phát triển thư viện trên địa bàn đạt chuẩn theo quy định với trọng tâm là hệ thống thư viện công cộng, thư viện trường học; tăng đầu tư, hỗ trợ cho các thư viện công lập có vai trò quan trọng để tập trung phục vụ, phát triển kỹ năng đọc, tiếp cận và xử lý thông tin cho thiếu nhi; đẩy mạnh xã hội hóa để phát triển thư viện và văn hóa đọc phục vụ thiếu nhi trên địa bàn, đồng thời khuyến khích, phát huy vai trò của thư viện cộng đồng và thư viện tư nhân có phục vụ cộng đồng tham gia phục vụ thiếu nhi tại cơ sở. Tăng cường tổ chức kết nối giữa các thư viện, cơ sở giáo dục và các cơ quan liên quan để huy động sự tham gia của nhà trường, gia đình vào việc hình thành và duy trì thói quen đọc, nâng cao kỹ năng đọc và năng lực tiếp cận, xử lý thông tin cho thiếu nhi; chỉ đạo xây dựng, phát triển mô hình, liên kết các loại thư viện, không gian đọc, phòng đọc cơ sở trên địa bàn phù hợp với đối tượng thiếu nhi.

Khuyến khích các doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân đầu tư phát triển thư viện và văn hóa đọc phục vụ thiếu nhi, góp phần thúc đẩy thói quen đọc sách, nâng cao kỹ năng đọc và xây dựng xã hội học tập.

Phạm Kim

Nguồn Phú Thọ: https://baophutho.vn//van-de-hom-nay/thu-hut-thieu-nhi-den-voi-van-hoa-doc/188375.htm