Thu hút nguồn lao động tại chỗ: Hiệu quả dài lâu

Với nhiều cơ hội việc làm tại chỗ, hiện nay, người lao động trên địa bàn tỉnh ta 'ly nông' nhưng không cần phải mạo hiểm 'ly hương'. Làm việc gần nhà sẽ giúp người lao động tiết giảm được nhiều chi phí, vì vậy họ có thể tích lũy cho cuộc sống sau này. Đồng thời, lao động làm việc ngay tại quê hương cũng mang lại những thuận lợi không nhỏ đối với doanh nghiệp. Bởi khi cuộc sống ổn định, người lao động càng thêm yên tâm, gắn bó với công việc. Đây là một trong những yếu tố tiên quyết cho sự phát triển bền vững của mỗi doanh nghiệp.

Làm việc cho các doanh nghiệp gần nhà, người lao động sẽ tiết kiệm được nhiều chi phí.

Làm việc cho các doanh nghiệp gần nhà, người lao động sẽ tiết kiệm được nhiều chi phí.

COVID-19 và phép thử "ly hương"

Anh Đỗ Văn Tình (xã Thượng Hòa, huyện Nho Quan) đã có trên 10 năm làm việc tại các tỉnh phía Nam. Anh Tình cho biết: Từ những năm 2000, tôi đã theo bạn vào thành phố Hồ Chí Minh làm cho một công ty cơ khí. Sau đó, tôi lấy vợ cũng là công nhân của một công ty may mặc. Nếu chăm chỉ và chi tiêu hợp lý thì mức lương công nhân của cả hai vợ chồng tôi cũng đủ để đảm bảo cuộc sống ở mức trung bình cho gia đình và phục vụ cho việc học của 2 con, nhưng không có tích lũy.

Vì vậy, khi công việc bị ảnh hưởng bởi dịch COVID-19, cuộc sống của gia đình anh Tình bị ảnh hưởng nặng nề. Việc phải lo từng bữa ăn khiến anh Tình phải suy tính lại. "Trước đây, tôi vào Nam là vì ở quê mình rất khó tìm được việc làm. Sau khi lập gia đình, sinh con và ổn định cuộc sống rồi, tôi cũng ngại thay đổi mặc dù được gia đình vận động về quê làm việc. Nhưng qua đợt dịch COVID-19, vợ chồng tôi thực sự đã suy tính lại. Hiện nay, tôi đã xin được việc làm ở địa phương để bắt đầu lại cuộc sống mới. Mức lương có thể thấp hơn một chút, song bù lại chúng tôi không phải thuê nhà, thuê người trông trẻ và nhiều chi phí cho các dịch vụ khác. Nếu chi tiêu hợp lý, với mức lương như hiện nay chúng tôi vẫn có tích lũy để cho con cái học hành sau này "- Anh Tình nói.

Anh Tình là một trong số hàng trăm lao động phải hồi hương do ảnh hưởng bởi dịch COVID-19 từ năm 2021. Ông Nguyễn Hữu Tuyến, Phó Giám đốc Sở Lao động, Thương binh và Xã hội tỉnh cho biết: Ở giai đoạn hiện nay, người lao động hoàn toàn có thể tìm được việc làm và ổn định cuộc sống ở ngay tại quê hương mình, "ly nông" nhưng không cần phải mạo hiểm "ly hương" nữa. COVID-19 thực sự là một phép thử. Thực tế cho thấy, khi làm việc ở gần nhà thì người lao động sẽ tiết kiệm được rất nhiều các chi phí khác. Đặc biệt, khi có những biến động do dịch bệnh, thiên tai hay vật giá leo thang… mức độ ảnh hưởng đến cuộc sống cũng hạn chế hơn.

Theo số liệu thống kê, chỉ tính riêng 5 khu công nghiệp (KCN) trên địa bàn tỉnh ta, hiện nay có trên 42 nghìn lao động đang làm việc. Tuy nhiên, chỉ có trên 2.200 lao động trong số này thuộc diện được nhận hỗ trợ tiền thuê nhà theo Quyết định số 08/2022/QĐ-TTg Quy định về việc thực hiện chính sách hỗ trợ tiền thuê nhà cho người lao động, với tổng kinh phí hỗ trợ dự kiến trên 3,3 tỷ đồng. Nguyên nhân số lao động được nhận hỗ trợ tiền thuê nhà chiếm tỷ lệ ít so với tổng số lao động đang làm việc tại các KCN là bởi chủ yếu người lao động thuộc các địa phương trong tỉnh, không phải thuê nhà trọ.

Tăng cường tuyển dụng lao động tại chỗ

Ông Nguyễn Hữu Tuyến, Phó Giám đốc Sở Lao động, Thương binh và Xã hội cho biết thêm: Những năm qua, tỉnh Ninh Bình đã có nhiều nỗ lực trong thu hút các doanh nghiệp trong và ngoài nước đầu tư vào tỉnh nhằm tạo việc làm cho người lao động địa phương. Ở chiều ngược lại, một trong những yếu tố thu hút đầu tư của tỉnh cũng là bởi tỉnh ta có nguồn lao động trẻ, dồi dào và nhiều tiềm năng. Theo thống kê, hiện nay toàn tỉnh Ninh Bình có 5 KCN, 11 cụm công nghiệp với hàng trăm doanh nghiệp lớn đang hoạt động, giải quyết việc làm cho rất nhiều lao động địa phương.

Tỉnh ta cũng đã tận dụng mọi nguồn lực để đầu tư cho phát triển kinh tế xã hội, trong đó lựa chọn đầu tư phát triển các ngành công nghiệp có lợi thế cạnh tranh như công nghiệp chế biến nông, lâm, thủy sản, thực phẩm, phân bón. Đẩy mạnh ứng dụng khoa học công nghệ trong sản xuất; phát triển công nghiệp sản xuất lắp ráp ô tô, dệt may, da giày... Phát triển tiểu thủ công nghiệp, làng nghề gắn với du lịch và nông thôn mới: nghề thêu ren Ninh Hải, Hoa Lư, làng nghề đá truyền thống Ninh Vân, đan cói Kim Sơn... là những ngành sử dụng nhiều lao động để thu hút lao động từ ngành nông nghiệp sang phi nông nghiệp...

Việc thu hút được nguồn lao động tại chỗ sẽ là lợi thế rất lớn đối với sự ổn định và phát triển của doanh nghiệp. Qua các đợt dịch bệnh COVID-19 diễn biến phức tạp cho thấy, việc sử dụng được nguồn lao động tại chỗ đã giúp các doanh nghiệp xây dựng được kịch bản ứng phó dễ dàng và tiết kiệm hơn. Không bị biến động lớn về nhân lực bởi dịch bệnh, vì thế mà đa số các doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh ta vẫn đảm bảo tình hình sản xuất, kinh doanh ổn định.

Để thu hút và sở hữu được nguồn lao động tại chỗ, các doanh nghiệp đã tích cực triển khai các chiến dịch tuyên truyền, tuyển dụng về đến tận các đơn vị xã, phường. Đặc biệt, sau 7 cuộc ngừng việc tập thể tại các doanh nghiệp xảy ra trên địa bàn sau thời gian Tết nguyên đán, hiện nay các doanh nghiệp đã chủ động tăng lương và các khoản phụ cấp để thu hút và giữ chân người lao động. Cụ thể, đầu năm đã có 47 doanh nghiệp điều chỉnh lương và các khoản phụ cấp với tổng số tiền gần 14 tỷ cho gần 47 nghìn đoàn viên, người lao động... Cùng với nỗ lực của doanh nghiệp, của ngành Lao động trong việc kết nối, giới thiệu việc làm cho người lao động, ngay từ đầu năm 2022, LĐLĐ tỉnh cũng đã đã ký chương trình phối hợp với Hội LHPN để kết nối, giới thiệu việc làm cho hội viên phụ nữ và những người trong độ tuổi lao động. Kết quả, hơn 1.000 lao động đã được tuyển dụng làm việc tại các doanh nghiệp.

Với những nỗ lực đó của các cấp, các ngành chức năng, chỉ tính trong 6 tháng đầu năm 2022, toàn tỉnh giải quyết việc làm cho 10.284 người, đạt 53,01% kế hoạch năm 2022, vượt 10,6% so với cùng kỳ năm 2021 (9.295 người). Một số doanh nghiệp có nhu cầu tuyển dụng số lượng lao động lớn như: Công ty TNHH giầy Adora (Tam Điệp), Công ty TNHH Mcnex, Công ty TNHH giầy Athena (Yên Mô)…

Theo khảo sát của ngành chức năng, những tháng đầu năm 2022, đơn hàng của các doanh nghiệp tương đối ổn định. Vì vậy, nhu cầu tuyển dụng lao động mới theo các đơn hàng đã ký kết của các doanh nghiệp diễn ra khá thường xuyên. Tại thời điểm hiện nay, nhu cầu tuyển dụng mới tại các doanh nghiệp trong các KCN là 5.800 lao động, tập trung vào các ngành như: giầy da, điện tử, may mặc…

Bài, ảnh: Đào Hằng

Nguồn Ninh Bình: https://baoninhbinh.org.vn/thu-hut-nguon-lao-dong-tai-cho-hieu-qua-dai-lau/d20220621063956390.htm