Thu hút FDI luôn đạt 'mốc son mới', báo Nhật nêu rõ yếu tố quan trọng làm nên thành công của Quảng Ninh

Thương hiệu Quảng Ninh là điểm đến đầu tư an toàn, thuận lợi, minh bạch, hấp dẫn và thành công đã ghi dấu ấn với nhà đầu tư bởi sự kiên trì, bền bỉ, nỗ lực không ngừng trong công tác cải cách hành chính, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh...

Cầu Bãi Cháy, TP. Hạ Long, Quảng Ninh. (Ảnh: Nguyễn Thành Chung)

Cầu Bãi Cháy, TP. Hạ Long, Quảng Ninh. (Ảnh: Nguyễn Thành Chung)

Những năm qua, thu hút đầu tư, đặc biệt là vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) của Quảng Ninh luôn đạt được những "mốc son mới". Từ năm 2020 đến nay, Quảng Ninh liên tục bứt phá và lọt top đầu hút FDI cả nước, bên cạnh TP. Hồ Chí Minh, Hải Phòng, Bình Dương…

Hội tụ đủ điều nhà đầu tư cần

Những yếu tố then chốt mà nhà đầu tư quan tâm đều đang hội tụ ở địa phương này. Đơn cử như: Chính sách ưu đãi; Cơ sở hạ tầng đồng bộ với hệ thống giao thông và số lượng các khu kinh tế, khu công nghiệp (KCN) được quy hoạch nhiều nhất miền Bắc; Môi trường kinh doanh liên tục cải thiện; Chất lượng điều hành kinh tế dẫn đầu cả nước, linh hoạt trong huy động đầu tư, hỗ trợ xúc tiến tại chỗ…

Trang Nikkei Asia mới đây cũng khẳng định, yếu tố quan trọng làm nên thành công thu hút FDI của Quảng Ninh chính là làn sóng đa dạng hóa địa điểm sản xuất của doanh nghiệp toàn cầu đang diễn ra mạnh mẽ. Tỉnh có đường biên giới cả trên đất liền và trên biển với Trung Quốc. Từ khi căng thẳng thương mại Mỹ - Trung Quốc gia tăng, các nhà đầu tư trực tiếp nước ngoài bắt đầu chú ý nhiều đến Quảng Ninh.

"Với vị trí gần Trung Quốc và khoảng 250 kilomet đường bờ biển, lại có một cảng hiện đại mới được xây dựng gần Hạ Long, tỉnh được coi như điểm đến tốt nhất cả nước cho những doanh nghiệp tìm kiếm địa điểm sản xuất thay thế cho Trung Quốc", trang Nikkei Asia viết.

Không chỉ thế, Nikkei Asia cho rằng, Quảng Ninh đang hấp dẫn nhà đầu tư nước ngoài còn bởi chi phí lao động và thuê nhà xưởng tại nhiều địa phương khác của Việt Nam những năm gần đây tăng mạnh.

Sufex Trading, một doanh nghiệp Nhật chuyên tư vấn cho các doanh nghiệp Nhật khác vào Việt Nam thông tin, giá thuê mặt bằng tại các khu công nghiệp tỉnh Quảng Ninh cạnh tranh hơn rất nhiều so với Hà Nội và TP. Hồ Chí Minh, chỉ từ 80 - 100 USD mỗi mét vuông.

Chi phí nhân công tại Quảng Ninh cũng rẻ hơn các thành phố lớn. Theo Tổng cục Thống kê, mức lương trung bình của người lao động tại Hà Nội năm 2022 ước tính khoảng 8,86 triệu đồng và 9,1 triệu đồng tại TP. Hồ Chí Minh, nhưng tại Quảng Ninh chỉ khoảng 7,03 triệu đồng.

KCN Đông Mai, Quảng Ninh. (Nguồn: Viglacera)

KCN Đông Mai, Quảng Ninh. (Nguồn: Viglacera)

Sự nỗ lực không ngừng nghỉ của tỉnh

Bên cạnh những yếu tố trên, sự nỗ lực của các cấp chính quyền Quảng Ninh trong thu hút đầu tư, thu hút FDI cũng được nhà đầu tư đánh giá cao.

Những năm qua, tỉnh đặc biệt quan tâm xây dựng chính quyền địa phương liêm chính, kiến tạo, hoạt động hiệu lực, hiệu quả với nền quản trị hiện đại, tự chủ, năng động, hiệu quả, phục vụ người dân, doanh nghiệp và xã hội; giảm tối đa rủi ro pháp lý, chi phí hành chính và tuân thủ đối với người dân và doanh nghiệp; nâng cao chất lượng thực thi chính sách, pháp luật…

Quảng Ninh hiện là địa phương đầu tiên có các nghị quyết chuyên đề của Tỉnh ủy, HĐND tỉnh về cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh.

Ngay sau Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XV, Tỉnh ủy đã ban hành Nghị quyết số 05-NQ/TU (ngày 9/4/2021) về đẩy mạnh cải cách hành chính, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh cấp tỉnh giai đoạn 2021-2025, định hướng đến năm 2030.

Đồng thời, xác định nhiệm vụ tiếp tục giữ vững vị trí nhóm dẫn đầu các chỉ số cải cách hành chính không chỉ là giành điểm số, vị trí cao, mà quan trọng nhất là hướng đến xây dựng hình ảnh địa phương đi đầu đổi mới sáng tạo, xây dựng văn hóa cam kết, văn hóa đồng hành, văn hóa thực thi của chính quyền địa phương.

Quan điểm tiếp tục đổi mới mạnh mẽ tư duy quản lý, từ mệnh lệnh sang phục vụ - kiến tạo, lấy sự hài lòng của người dân, tổ chức là thước đo đánh giá chất lượng phục vụ, chất lượng điều hành của cơ quan hành chính nhà nước từ cấp tỉnh đến cấp cơ sở… cũng là quan điểm được quán triệt và thực hiện xuyên suốt trong thời gian qua.

Cùng với đó, Quảng Ninh cũng đã kiên trì nỗ lực, tự lực, tự cường thực hiện thành công 3 khâu đột phá chiến lược. Đó là tốc độ phát triển các hạ tầng chiến lược; chất lượng cải cách hành chính, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh; phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao, lao động có kỹ năng.

Đặc biệt, sự kiên trì, nỗ lực của tỉnh được cộng đồng doanh nghiệp, nhà đầu tư đánh giá cao nhất đó là việc xây dựng văn hóa cam kết, văn hóa đồng hành và văn hóa thực thi cùng nhà đầu tư, doanh nghiệp.

Quảng Ninh cũng đã mạnh dạn thí điểm, kiên trì áp dụng những mô hình quản trị mới phù hợp thực tiễn phát triển địa phương phục vụ nhân dân, doanh nghiệp. Từ đó, tạo lập môi trường đầu tư, kinh doanh thông thoáng, công khai, minh bạch, cạnh tranh công bằng, bình đẳng trong tiếp cận các nguồn lực, đặc biệt là đất đai, lao động giữa các doanh nghiệp, các nhà đầu tư, các thành phần kinh tế, nhất là doanh nghiệp vừa và nhỏ.

Cảng biển Quảng Ninh. (Nguồn: Vietnamnet)

Cảng biển Quảng Ninh. (Nguồn: Vietnamnet)

Chứng tỏ thương hiệu, vị thế

Sự nỗ lực đã giúp Quảng Ninh thu về "trái ngọt". Trong 9 năm liên tiếp (2015-2023) tỉnh duy trì tốc độ tăng trưởng Tổng sản phẩm trên địa bàn (GRDP) đạt trên 10%. Riêng năm 2023, tăng trưởng GRDP đạt 11,03%; quy mô nền kinh tế đứng thứ 3 ở khu vực phía Bắc.

Quý I/2024, tỉnh vẫn đang giữ vững đà tăng trưởng GRDP đạt 8,79%.

Năm 2023, tỉnh đã có bước đột phá mạnh mẽ trong thu hút đầu tư với tổng vốn đạt gần 5 tỷ USD. Trong đó, riêng thu hút FDI đạt trên 3,1 tỷ USD - là một trong những địa phương dẫn đầu cả nước.

Quý I/2024, tổng vốn thu hút FDI trên địa bàn tỉnh đã đạt hơn 800 triệu USD, đạt 170% kế hoạch thu hút FDI đề ra trong quý I và đạt hơn 28% kế hoạch năm. Lũy kế đến thời điểm hiện tại, trên địa bàn tỉnh đã có gần 200 doanh nghiệp FDI đến từ 20 quốc gia, vùng lãnh thổ với tổng vốn đầu tư gần 14 tỷ USD.

Các doanh nghiệp FDI chủ yếu là các dự án công nghệ cao, thân thiện với môi trường, quản trị hiện đại, có giá trị gia tăng cao, tham gia vào chuỗi giá trị toàn cầu, góp phần thúc đẩy chuyển giao công nghệ tiên tiến vào Quảng Ninh, phát triển một số ngành kinh tế quan trọng của tỉnh...

Tin tưởng rằng, với những nỗ lực bền bỉ, kiên trì, không có điểm kết thúc, Quảng Ninh đang ngày càng chứng tỏ được vị thế, thương hiệu về một điểm đến đầu tư an toàn, thuận lợi, minh bạch, hấp dẫn, thành công với nhà đầu tư trong nước và thế giới.

Gia Thành

Nguồn TG&VN: https://baoquocte.vn/thu-hut-fdi-luon-dat-moc-son-moi-bao-nhat-neu-ro-yeu-to-quan-trong-lam-nen-thanh-cong-cua-quang-ninh-272188.html