Thu hút FDI: Cơ chế hấp dẫn và công bằng

Cuộc đua FDI vào Việt Nam của các quốc gia trên thế giới sẽ gay cấn hơn khi kinh tế toàn cầu đang dần phục hồi.

Trong bức tranh kinh tế vĩ mô tháng 7 mới được các cơ quan thống kê công bố, nổi bật là điểm sáng của dòng vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI).

Dòng vốn FDI tăng tốc

Tháng 7 là lần đầu tiên trong năm nay mà tổng vốn đầu tư đăng ký đã tăng so với cùng kỳ, cụ thể là tăng 4,5% sau khi giảm liên tục trong 6 tháng đầu năm. Lĩnh vực được quan tâm đầu tư vẫn là công nghiệp chế biến chế tạo, chiếm 67,3% tổng vốn đầu tư và thậm chí còn được quan tâm hơn so với năm ngoái. Trong khi lĩnh vực bất động sản, dù vẫn xếp thứ 2, nhưng là lĩnh vực duy nhất đã sụt giảm so với cùng kỳ và giảm tới một nửa.

Để có được đà tăng tốc này, chắc chắn không thể không nhắc tới các địa phương, nổi bật nhất trong tháng 7, có lẽ là Hải Phòng. Dù không hẳn dẫn đầu như TP. Hà Nội nhưng địa phương này đã bất ngờ vượt qua cả TP Hồ Chí Minh, Bình Dương, Bắc Giang, tạm vươn lên vị trí số 2. Đó là nhờ địa phương này đã ghi nhận dự án LG Innotek điều chỉnh bổ sung thêm 1 tỷ USD trong tháng 7. Vốn bổ sung tức là đã rót vốn rồi lại tiếp tục mạnh tay rót tiếp - điều này càng cho thấy niềm tin của các nhà đầu tư lớn dành cho Việt Nam.

Dự án này cũng giúp Hàn Quốc khẳng định vị trí số 2 trên đường đua tính tới hết tháng 7, xếp cạnh là Singapore, Trung Quốc và Nhật Bản. Tuy nhiên, Singapore cũng sẽ không dễ để mất vị trí dẫn đầu bởi thực ra Singapore chỉ là điểm trung chuyển vốn, còn nguồn gốc vốn thực sự lại có thể là từ Mỹ, EU, Trung Quốc và có thể cả Hàn Quốc nữa, rất đa dạng.

Hãy nhìn vào tựa đề này của bài phân tích mới nhất từ ngân hàng phát triển Singapore: "Tăng trưởng năm nay của Việt Nam có chậm lại trong bối cảnh những cơn gió ngược toàn cầu, tuy nhiên vị thế là 'điểm đến FDI yêu thích' trong lĩnh vực sản xuất vẫn nguyên vẹn". Rõ ràng, cuộc đua FDI vào Việt Nam của các quốc gia sẽ còn gay cấn hơn nữa khi kinh tế toàn cầu đang dần phục hồi.

Doanh nghiệp FDI kỳ vọng mở rộng sản xuất

Công ty sản xuất thiết bị y tế B Braun vừa tăng gấp đôi vốn đầu tư, rót thêm hơn 100 triệu USD. Dự kiến trong 2 năm tới, từ cơ sở sản xuất hiện tại, sẽ có thêm 1 cơ sở tương tự đặt ngay bên cạnh ở Thanh Oai, Hà Nội. Công suất cũng sẽ tăng gấp đôi, đáp ứng nhu cầu xuất khẩu toàn cầu.

Ông Torben Minko, Tổng Giám đốc CTCP B Braun, cho biết: "Việt Nam có rất nhiều hiệp định thương mại tự do. Cùng với việc không ngừng cải thiện thủ tục hành chính, Việt Nam đang chứng tỏ được sự cởi mở của mình. Tôi cho rằng Việt Nam sẽ là 1 trong những quốc gia thắng cuộc trong cuộc đua phục hồi kinh tế. Hãy nhìn ngay vào lạm phát, Việt Nam vẫn ổn định khi thế giới vẫn bất ổn. Và nhìn rộng hơn, sự ổn định chính là lợi thế lớn nhất của Việt Nam. Điều này giúp chúng tôi cảm thấy yên tâm khi đầu tư tại đây. Vài năm qua là minh chứng rõ nhất và tôi chắc chắn những năm tới cũng sẽ vẫn thế".

Chuyển dịch xanh hiện đang được khối FDI ngày càng quan tâm, đặc biệt là sau khi quy hoạch điện 8 mới được thông qua.

Ông Sung Hoon, Tổng giám đốc Quỹ đầu tư Asong Invest, cho biết: "Chính phủ Việt Nam đã và đang xây dựng hành lang chính sách rất tốt về tăng trưởng xanh. Chúng tôi sẽ tiếp tục kết nối nhiều quỹ đầu tư Hàn Quốc đến Việt Nam để phát triển các dự án năng lượng tái tạo, tăng trưởng xanh".

Ông Gregory Testerman, Chủ tịch Hiệp hội Thương mại Hoa Kỳ tại Việt Nam (AmCham), nói: "Năng lượng là một trong những lĩnh vực ưu tiên hàng đầu của các doanh nghiệp Mĩ khi đầu tư vào Việt Nam. Việt Nam đã có mức tăng trưởng ấn tượng trong năm ngoái và phát triển kinh tế xanh sẽ là động lực trong những năm tiếp theo".

Hàng loạt chuyến thăm cấp cao tới Việt Nam trong nửa đầu năm nay càng là động lực thôi thúc dòng vốn FDI những quý tiếp theo. Boeing mới khai trương văn phòng tại Hà Nội. P&G tiếp tục mở rộng nhà máy ở Bình Dương. Hay hơn 100 biên bản ghi nhớ với các doanh nghiệp Hàn Quốc. Tất cả dường như mới chỉ là những bước lấy đà cho pha bứt tốc khi kinh tế phục hồi.

Rõ ràng, kinh tế phục hồi sẽ là cơ sở để chúng ta cải thiện thêm nữa sức hấp dẫn đầu tư. Ngay lúc này, hiện có tới 1/3 doanh nghiệp EU tin rằng Việt Nam là top 5 điểm đến đầu tư hấp dẫn nhất toàn cầu hay 60% doanh nghiệp Nhật Bản được Jetro khảo sát cho biết có kế hoạch mở rộng đầu tư tại Việt Nam và đây cũng là tỷ lệ cao nhất trong khu vực ASEAN.

Bà Phí Thị Hương Nga, Vụ trưởng Vụ Thống kê Công nghiệp và Xây dựng, Tổng Cục Thống kê, cho biết: "Tốc độ tăng số dự án lớn gấp 2 tốc độ tăng vốn đầu tư. Điều này cho thấy các nhà đầu tư nước ngoài quy mô nhỏ và vừa tiếp tục quan tâm, tin tưởng môi trường đầu tư của Việt Nam trong khi các tập đoàn lớn đang cẩn trọng, xem xét kỹ trong bối cảnh tác động của thuế tối thiểu toàn cầu".

Như vậy, thuế tối thiểu toàn cầu dự kiến sẽ áp dụng ngay từ đầu năm tới có lẽ là một trong những rào cản khiến các tay đua FDI của chúng ta chùn bước lúc này, đặc biệt là các tay đua lớn. Vì thế, hỗ trợ của Việt Nam để giúp họ duy trì tốc độ, bắt kịp đà phục hồi kinh tế trong năm tới, càng trở nên quan trọng hơn bao giờ hết.

Thu hút FDI: Cơ chế hấp dẫn và công bằng

Bà Đào Thị Thu Huyền, Phó Tổng giám đốc Canon Việt Nam:Việt Nam nên duy trì các chính sách như hiện tại nhưng bổ sung thêm hỗ trợ cho các doanh nghiệp. Ví dụ, sau khi quyết toán thuế hằng năm, doanh nghiệp sẽ đề xuất danh mục được miễn, ví dụ những chi phí như hạ tầng cơ sở, tiền điện, tiền giao thông...

Ông Jean Jacques Bouflet, Phó Chủ tịch Hiệp hội doanh nghiệp châu Âu (EuroCham) tại Việt Nam: Cải cách thủ tục hành chính là chìa khóa quan trọng để Việt Nam tiếp tục thu hút nhà đầu tư nước ngoài. Ví dụ như nếu thời gian thị thực được kéo dài hơn nữa thì không chỉ thuận tiện hơn cho các nhà đầu thăm quan, làm việc, khảo sát, mà còn có lợi cho du lịch Việt Nam.

Ông Hong Sun, Chủ tịch Hiệp hội doanh nghiệp Hàn Quốc (KOCHAM): Chúng tôi kì vọng, chính phủ Việt Nam có chế độ cấp thẻ tạm trú thành thẻ vĩnh trú đối với nhà đầu tư lớn. Nhiều nhà đầu tư Hàn Quốc ở Việt Nam chưa bao giờ có một người có thẻ cư trú mà đa số là thẻ tạm trú, visa.

Ông Đỗ Nhất Hoàng, Cục trưởng Cục Đầu tư nước ngoài, Bộ Kế hoạch và Đầu tư: Đây là các chính sách đã có từ trước, nhưng nay phải cập nhật, thực tế hơn. Hiện nay Bộ Kế hoạch đầu tư đang phối hợp với các Bộ, ngành để soạn thảo các chính sách tham mưu cho Chính phủ, trình Quốc hội trong kì họp tháng 10 tới.

Tại hội nghị Thủ tướng gặp mặt các nhà đầu tư nước ngoài tổ chức vào tháng 4 vừa rồi và trước đó là tháng 9 năm ngoái, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã nhấn mạnh: Những khó khăn, vướng mắc giải quyết được ngay, các bộ, ngành, địa phương phải có câu trả lời rõ ràng, dứt khoát, những vấn đề chưa giải quyết được ngay thì phải khẩn trương nghiên cứu, chủ động giải quyết hoặc báo cáo cấp có thẩm quyền xử lý kịp thời, linh hoạt, hiệu quả với tinh thần "lợi ích hài hòa, rủi ro chia sẻ", cân đối hài hòa lợi ích giữa Nhà nước, doanh nghiệp và nhân dân.

Theo VTV

Nguồn SGĐT: https://dttc.sggp.org.vn/thu-hut-fdi-co-che-hap-dan-va-cong-bang-post107041.html