Thu hút đầu tư tư nhân vào nông nghiệp: Bảo hộ quyền tài sản là chiếc chìa khóa

Báo cáo Thường niên Kinh tế Việt Nam 2017 công bố mới đây kết luận: “Bảo hộ quyền tài sản đối với tài nguyên thiên nhiên của các cá nhân, tổ chức chính là chiếc chìa khóa mở rộng cánh cổng thu hút đầu tư vào lâm nghiệp và thủy sản”.

Kết luận gây chú ý bởi các cơ quan chức năng đang đưa ra Dự thảo Luật Bảo vệ phát triển rừng và Luật Thủy sản nhằm thu hút tốt hơn đầu tư tư nhân trong nông nghiệp. Tuy nhiên, đối với pháp luật về rừng, Báo cáo cho rằng các vấn đề về quyền của chủ rừng, chuyển giao rừng từ Nhà nước sang cho cá nhân, tổ chức hoặc ngược lại chưa được làm rõ.

Vấn đề công khai minh bạch về rừng thuộc sở hữu Nhà nước như tránh xung đột lợi ích khi kiểm kê rừng và công khai thông tin kết quả kiểm kê rừng cũng chưa được đề cập. Báo cáo cũng lưu ý, việc xác định phạm vi các quy hoạch quá rộng, bao gồm cả rừng thuộc sở hữu tư nhân, quy hoạch chế biến lâm sản, quy hoạch vùng nguyên liệu.

Đối với pháp luật về thủy sản vẫn có nhiều quy định khá phức tạp về điều kiện đầu tư kinh doanh và thủ tục hành chính. Vấn đề cấp phép khai thác thủy sản tự nhiên cần áp dụng cơ chế đấu giá để tăng tính minh bạch. Việc giao, cho thuê, thu hồi mặt nước biển để nuôi trồng thủy sản cần thống nhất với Luật Đất đai.

Các tác giả của Báo cáo cũng lưu ý, cần hoàn thiện chế định về đồng sở hữu nguồn lợi thủy sản (giao nguồn lợi thủy sản từ sở hữu nhà nước sang sở hữu của cộng đồng ngư dân) và chuyển luôn Quỹ Tái tạo nguồn lợi thủy sản cho cộng đồng quản lý.

Thực tế, nông nghiệp đã và đang nhận được sự quan tâm lớn của cả Chính phủ cũng như các nhà đầu tư. Tuy nhiên, tăng trưởng khu vực này đang suy giảm trong những năm gần đây. Mức tăng trưởng giá trị sản xuất nông nghiệp giảm xuống chỉ 1,2% năm 2016.Tranh chấp đất đai tăng nhanh, quy mô có khuynh hướng lớn lên. Đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp đang có xu hướng giảm dần về tỷ trọng so với tổng đầu tư.

Trong khi đó, nông nghiệp phụ thuộc rất nhiều vào các loại tài nguyên thiên nhiên đầu vào như đất đai, nước, rừng, thủy sản... Vì vậy, pháp luật quản lý các loại tài nguyên này có ý nghĩa đặc biệt quan trọng trong việc thu hút, thúc đẩy đầu tư vào nông nghiệp.

Chính phủ cũng đang tìm nhiều biện pháp để hoàn thiện thể chế, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh trong lĩnh vực nông nghiệp, trọng tâm là việc cải cách thể chế quản lý các loại tài nguyên thiên nhiên là đầu vào cho sản xuất nông nghiệp.

Tại buổi công bố Báo cáo Thường niên Kinh tế Việt Nam 2017, với tiêu đề “Đẩy nhanh cải cách vì một Nhà nước kiến tạo”, ông Nguyễn Minh Đức, chuyên gia chính sách và pháp luật về kinh tế - VCCI, đồng tác giả của Báo cáo bàn thêm về một số rào cản pháp lý trong Dự thảo Luật Bảo vệ phát triển rừng và Luật Thủy sản nhằm thu hút tốt hơn đầu tư tư nhân trong nông nghiệp.

Ông Nguyễn Minh Đức.

Ông Nguyễn Minh Đức cho rằng, “Để thu hút đầu tư trong nuôi trồng thủy sản, trồng rừng thì việc bảo hộ các quyền của chủ sở hữu đối với rừng trồng và thủy sản nuôi trồng là vô cùng quan trọng”. Đặt mình vào địa vị nhà đầu tư, ông Nguyễn Minh Đức nói: “Tôi chỉ có thể yên tâm đầu tư nếu tôi tin tưởng rằng quyền của tôi đối với những tài sản tôi đã đầu tư được bảo hộ một cách bền vững, lâu dài”.

Chuyên gia này thêm, tôn trọng quyền tài sản của chủ sở hữu, bao gồm cả quyền định đoạt tài sản đó khi rút khỏi thị trường, chính là một trong những biện pháp giúp thu hút đầu tư vào nông nghiệp.

Về quyền tài sản đối với rừng hiện có ba hình thức sở hữu đối với rừng. Đó là sở hữu nhà nước; sở hữu riêng; và sở hữu chung. Điều này phù hợp với Hiến pháp, tuy nhiên Báo cáo cần thống nhất cách hiểu quy định này, theo đó, đây chỉ là quy định nhằm xác lập quyền sở hữu ban đầu đối với rừng chưa có chủ.

Ông Nguyễn Minh Đức đặt câu hỏi: Quyền của chủ rừng được thể hiện ở đâu? và cho rằng, chủ rừng sẽ rất lo ngại nếu một văn bản quy định về nội dung và trình tự thực hiện quyền tài sản của mình lại được thể hiện trong một văn bản dưới Luật và có nguy cơ bị điều chỉnh thường xuyên.

Bên cạnh đó, Dự thảo Luật Bảo vệ và phát triển rừng mới chỉ có quy định minh bạch thông tin về quy hoạch rừng, mà chưa có đối với hai nhóm thông tin quan trọng khác là Kết quả phân chia, xác định ranh giới rừng và Kết quả kiểm kê rừng. Việc quy hoạch rừng can thiệp vào cả rừng thuộc sở hữu tư nhân là một biểu hiện của việc hạn chế quyền sở hữu của chủ đầu tư tư nhân đối với rừng, thậm chí là cả rừng trồng.

Quy chế quản lý rừng sản xuất khuyến khích mạnh mẽ việc đầu tư vào rừng sản xuất, tuy nhiên, các quy định cụ thể lại không thể hiện được điều này. Chẳng hạn, dự thảo đã cho phép giao rừng cho tổ chức kinh tế, hộ gia đình cá nhân và cho thuê môi trường rừng, mặc dù rừng luôn gắn liền với đất, song cách tiếp cận này không hợp lý xuất phát từ sự khác biệt căn bản giữa hai loại tài nguyên là đất đai và rừng.

Hầu hết các quyền được quy định trong Dự thảo đều đi kèm với dòng chữ “theo dự án/đề án được cơ quan nhà nước/cấp có thẩm quyền phê duyệt”.

Trong lĩnh vực thủy sản, các điều kiện đầu tư kinh doanh vẫn còn nhiều điểm chưa minh bạch. Vấn đề đăng ký cơ sở nuôi trồng thủy sản chỉ nên đặt ra khi hoạt động nuôi trồng này có thể gây những tác động tiêu cực đối với lợi ích công cộng và phải được thể hiện ngay trong Luật. Giao, cho thuê, thu hồi đất, mặt nước biển để nuôi trồng thủy sản có sự chồng chéo với Luật Đất đai 2013.

Quy định cấp phép khai thác thủy sản là phù hợp, tuy nhiên, việc phân bổ hạn ngạch cần bảo đảm nguyên tắc công bằng và minh bạch để tránh hiện tượng “ban phát” hạn ngạch. Điều kiện khai thác thủy sản ngoài vùng biển Việt Nam cần cân nhắc bãi bỏ các điều kiện và thủ tục hành chính này. Điều kiện cơ sở đóng mới, cải hoán tàu cá nhằm mục đích bảo đảm về chất lượng và an toàn tàu cá. Tuy nhiên, cần cân nhắc kỹ hơn về sự cần thiết của các điều kiện này. Các quy định nhập khẩu tàu cá sẽ làm tăng các thủ tục hành chính không cần thiết cho việc nhập khẩu tàu cá.

Cảng cá, bến cá, khu neo đậu, tránh trú bão của tàu cá: là các dịch vụ công mà Nhà nước cung cấp cho ngư dân nên cần nghiên cứu bổ sung một số quy định giúp tăng cường hiệu quả hoạt động. Quỹ bảo vệ và phát triển nguồn lợi thủy sản thiếu khung pháp lý để điều chỉnh hoạt động của Quỹ.

Nguồn Nhân Dân: http://nhandan.com.vn/chungkhoan/chungkhoan-chinhsach/item/33280002-thu-hut-dau-tu-tu-nhan-vao-nong-nghiep-bao-ho-quyen-tai-san-la-chiec-chia-khoa.html