Thu hoạch trắng cà phê bán chốt lời, 'thiệt đơn, thiệt kép'

Hệ lụy của hoạt động thu hoạch cà phê chưa đạt chuẩn về tỉ lệ chín sẽ còn tác động lâu dài, ảnh hưởng tới thương hiệu cà phê Việt Nam trên thị trường quốc tế. Khi đó, gánh thiệt hại chính là người trồng cà phê và các doanh nghiệp sản xuất, chế biến loại nông sản này...

Giá cà phê ở các tỉnh Tây Nguyên đang giữ ở mức cao nhất trong suốt hàng chục năm qua, hiện đạt gần 59.000 đồng/kg. Có thời điểm, loại nông sản này vọt lên cán mốc xấp xỉ 70.000 đồng/kg. Lo sợ cà phê bước vào chính vụ giá sẽ xuống thấp, nhiều gia đình ở Tây Nguyên, trong đó có Lâm Đồng, chọn cách đồng loạt thu hoạch một lần ngay khi quả vẫn đang còn xanh, chưa chín đều để bán cho thương nhân. Với nhà vườn, cách thu hoạch cà phê kiểu này tưởng chừng sẽ có lời cao nhưng theo các chuyên gia, doanh nghiệp kinh doanh cà phê, bà con đang bị thiệt hại rất lớn.

Theo một số gia đình trồng cà phê ở huyện Lâm Hà (Lâm Đồng), thông thường hằng năm, khi bước vào chính vụ thu hoạch cà phê, giá loại nông sản này sẽ xuống, ít nhất khoảng 5 giá so với thời điểm lập đỉnh trong năm. Để bán được sản phẩm khi giá còn ở mức cao, ngay từ đầu vụ, mặc dù nhiều vườn cà phê quả vẫn còn xanh, thậm chí tỉ lệ quả chín mới đạt 40% nhưng nhiều gia đình đã thu hoạch, bán quả tươi ngay tại rẫy cho thương nhân tới thu mua. Đó là tâm lý “xanh nhà hơn già vườn” và lại bán được với giá cao. Tuy nhiên, thực chất việc thu hoạch và bán cà phê khi quả còn xanh, tỉ lệ chín chưa đạt chuẩn đã gây ra rất nhiều thiệt hại cho bà con nông dân. Thu hoạch cà phê chưa đạt chuẩn đồng nghĩa với việc tỉ lệ quả xanh vẫn còn cao, hạt cà phê chưa tới thời kỳ căng mọng nên tỉ lệ hao hụt trong chế biến rất lớn, gây ảnh hưởng nghiêm trọng tới chất lượng cà phê.

Thu hoạch cà phê ở Tây Nguyên.

Theo các chuyên gia, cà phê khi chín mới đủ hàm lượng đường, cafein và các loại axit hữu cơ cần thiết, mang lại hương vị thơm ngon. Ngược lại, nếu tỷ lệ trái xanh lớn, cà phê dễ bị nấm mốc, hư hỏng, khó bảo quản, hương vị kém, mẫu mã xấu. Hệ lụy của hoạt động thu hoạch cà phê chưa đạt chuẩn về tỉ lệ chín sẽ còn tác động lâu dài, ảnh hưởng tới thương hiệu cà phê Việt Nam trên thị trường quốc tế. Khi đó, gánh thiệt hại chính là người trồng cà phê và các doanh nghiệp sản xuất, chế biến loại nông sản này. Thực tế, tình trạng thu hoạch cà phê khi còn nhiều quả xanh đã xảy ra lâu nay ở các tỉnh Tây Nguyên. Nguyên nhân do thói quen của người dân thường “tuốt xô” cả cành khi thu hoạch nhằm tiết kiệm chi phí nhân công hoặc do cà phê được giá, người trồng muốn “ăn xổi”. Năm nay, giá cà phê tăng đột biến nên tình trạng này diễn ra phổ biến hơn, thiệt hại về kinh tế cũng nhiều hơn những năm trước.

Ông Đoàn Mạnh Trình, Phó Giám đốc Công ty Xuất nhập khẩu cà phê Tám Trình (huyện Lâm Hà, tỉnh Lâm Đồng) cho biết, nếu người dân hái xanh tỷ lệ 60%, 40% trái chín thì sẽ hao hụt, giảm trọng lượng đi khoảng 20%. Nếu tỷ lệ 30% trái xanh, 70% trái chín thì trọng lượng giảm đi khoảng 15%. “Năm ngoái, khi giá cà phê khoảng 35.000 đồng/kg nhân, tôi nhẩm tính, huyện Lâm Hà có gần 40.000ha cà phê, sản lượng tạm tính khoảng 150.000 tấn, nếu hái xanh như hiện nay, tôi chỉ tính tỷ lệ hao hụt là 15%, lượng cà phê bị hao hụt khoảng 22.000 tấn, khi đó người dân sẽ mất khoảng 800 tỷ đồng. Thời điểm hiện nay, giá lên đến 57.000 đồng con số thiệt hại sẽ lên đến hơn 1.200 tỷ đồng. Nếu tính thiệt hại toàn tỉnh Lâm Đồng và cả khu vực Tây Nguyên thì con số thật khủng khiếp!...”, ông Trình cho biết.

Để hạn chế thiệt hại do nông dân thu hoạch cà phê xanh, nhiều doanh nghiệp tại Lâm Đồng đã khuyến khích người dân chỉ thu hái loại nông sản này khi quả đã chín đều và đạt chất lượng tốt nhất. Đối với cà phê có chất lượng cao, các doanh nghiệp sẵn sàng mua với giá cao hơn mặt bằng chung của thị trường. Riêng công ty của ông Đoàn Mạnh Trình, nếu cà phê đạt tỉ lệ chín 100% sẽ được doanh nghiệp trả thêm cho bà con 2.000 đồng/kg cà phê tươi so với giá hiện tại. Trong khi đó, ông Trịnh Tấn Vinh, Giám đốc Công ty TNHH Thuần Trịnh Cafe (huyện Di Linh, tỉnh Lâm Đồng) cho biết, 1kg quả cà phê chín sẽ có 833 quả, sau khi phơi khô, chế biến ra nhân thành phẩm sẽ được 260 gram. Trong khi 1kg cà phê quả còn xanh phải mất 1.113 quả, sau khi phơi, chế biến chỉ được 220gram.

Theo Sở NN&PTNT tỉnh Lâm Đồng, niên vụ cà phê 2023 chuẩn bị bước vào giai đoạn chính vụ thu hoạch, để nâng cao năng suất, chất lượng cà phê, tiếp tục duy trì và xây dựng thương hiệu cà phê của tỉnh Lâm Đồng, sở đã yêu cầu các huyện, thành phố trên địa bàn hướng dẫn người dân chỉ thu hoạch khi quả đã chín, không thu hái quả xanh, quả non, phải thu hái đúng kỹ thuật (không tuốt, vặn cành, làm gãy cành), thu hoạch nhiều lần trong một vụ để thu hết quả chín và đạt chất lượng tốt nhất. Cuối mỗi ngày thu hoạch người dân phải vận chuyển quả ngay về nơi sơ chế, chế biến, không lưu giữ quả tươi để chế biến ướt quá 12 giờ, quả để chế biến khô không quá 24 giờ. Với số lượng quá lớn, nếu vận chuyển hay chế biến không kịp, người dân, doanh nghiệp phải bảo quản quả cà phê trên nền xi măng, nền gạch, nơi khô ráo thoáng mát, đổ thành từng đống nhỏ có độ dày không quá 40cm, thường xuyên được cào đảo và che mưa để đảm bảo giữ được chất lượng cà phê.

Khắc Lịch

Nguồn CAND: https://cand.com.vn/kinh-te/thu-hoach-trang-ca-phe-ban-chot-loi-thiet-don-thiet-kep-i715096/