Thử giải mã thành công của nhà báo Đỗ Doãn Hoàng

Trong làng báo lâu nay, Đỗ Doãn Hoàng nổi lên như một hiện tượng đặc biệt. Nhiều năm qua, anh đã khẳng định 'đẳng cấp' của một cây bút phóng sự - điều tra xông xáo, luôn xuất hiện ở những điểm nóng, góc khuất của cuộc sống và liên tục đoạt được những giải thưởng cao ở cả trong nước, quốc tế.

Gần 30 năm làm nghề, đi khắp Việt Nam, khám phá nhiều quốc gia trên thế giới, tính đến năm 2024, Đỗ Doãn Hoàng không chỉ có hàng vạn bài báo mà còn xuất bản tới 32 cuốn sách đủ thể loại: bút ký, du ký, phóng sự, điều tra, ghi chép, truyện ngắn, truyện dài, tản mạn…

Đọc các tác phẩm của Đỗ Doãn Hoàng trong một hệ thống liền mạch, mới càng thấy rõ những đóng góp của anh cho đời sống báo chí nói riêng, cho xã hội nói chung. Bên cạnh đó là những giá trị đặc sắc của phóng sự Đỗ Doãn Hoàng. Trân trọng và thích thú, tôi đã cố gắng thử tìm cách giải mã những thành công của cây bút phóng sự - điều tra này.

Nhà báo Đỗ Doãn Hoàng ở Nam Phi. Ảnh: NVCC

Vẫn biết, để thành công trước hết phải có nhiệt huyết, tài năng. Và tài năng của con người đều có căn nguyên từ các yếu tố: bẩm sinh di truyền, ảnh hưởng của gia đình, quê hương và thời đại, sự tác động của giáo dục - mà quan trọng nhất chính là sự tự giáo dục của mỗi cá nhân. Nhưng ở từng trường hợp, độ đậm nhạt của các yếu tố không hề giống nhau.

Hiểu rằng, thành tựu của mỗi tác giả bao giờ cũng kết tinh ở những tác phẩm tiêu biểu nên tôi đã dừng lại khảo sát kỹ những phóng sự điều tra xuất sắc (đoạt giải Nhất và giải A ở các giải quốc gia, toàn quốc) làm thức động lương tri bạn đọc, có khả năng lan tỏa sâu rộng, tạo hiệu ứng xã hội mạnh mẽ, góp phần làm nên tên tuổi của Đỗ Doãn Hoàng.

Đó là những phóng sự điều tra về các vụ phá rừng lớn nhất trong lịch sử Việt Nam, vụ giải cứu hổ lớn nhất trong lịch sử Việt Nam, vụ triệt phá đường dây tàn sát rùa biển lớn nhất trong lịch sử Việt Nam và thế giới, điều tra chống nạn săn bắn và mua bán động vật hoang dã trên thế giới (ở Lào, Campuchia, ở vùng Tam Giác Vàng và ở Châu Phi), các tuyến bài về chủ đề đề phòng chống tham nhũng, lãng phí, tiêu cực ở Việt Nam…

Thứ 1, Đỗ Doãn Hoàng đã có may mắn những năm tháng đầu đời được sống gắn bó máu thịt với ngọn núi Tổ của Việt Nam, núi Ba Vì - núi Tản Viên, nơi có Vườn Quốc gia Ba Vì (nay là huyện Ba Vì, TP Hà Nội), cũng là nơi Hoàng được sinh ra. Từ nhỏ Hoàng đã lớn lên cùng rừng, đã hiểu, đã yêu rừng bằng một tình yêu vĩnh cửu và Hoàng đã trở thành một phần máu thịt của rừng.

Và rừng đã góp phần quan trọng giúp Hoàng sớm trở thành một cậu bé cá tính, khỏe mạnh, thông minh, lanh lợi, ưa mạo hiểm, tính tình cương trực, trọng nghĩa, tâm hồn phóng khoáng, không sợ gian khổ, muốn làm gì là làm đến cùng, đặc biệt yêu rừng, yêu muông thú, thậm chí có thể hú hít gọi chim rừng...

Đây chính là những phẩm chất cần của một nhà báo dám dấn thân, là cơ sở để anh nhiệt huyết với đề tài bảo vệ thiên nhiên, bảo vệ môi trường, dám chống lại cái xấu, cái ác để bảo vệ công bằng xã hội.

Nhận thức là một quá trình. Khi đã được học hành, đã đi nhiều nơi, đã tận mắt nhìn thấy những nỗi kinh hoàng đau xót mà rừng phải gánh chịu, khi chứng kiến thiên nhiên bị tàn phá, cuộc sống an lành của cả cộng đồng bên bờ vực hiểm nguy, anh đã hành động, rồi tiếp tục kêu gọi ý thức được trách nhiệm với cộng đồng nhiều hơn nữa. Đỗ Doãn Hoàng không ngại nói về khát vọng phải làm gì để góp phần cứu rừng, cứu các loài thú hoang, trả lại màu xanh cho ngôi nhà chung trái đất, bảo vệ sự sống của con người.

Nhà báo Đỗ Doãn Hoàng trong một lần đi tác nghiệp. Ảnh: NVCC

Nhất là khi cảm nhận được rằng trong mình có: “Nửa dòng máu mang màu diệp lục” thì niềm ân hận vì những hành vi tàn sát rừng và muông thú ngày thơ dại của mình và cộng đồng cứ lớn dần, rồi trở thành động lực thôi thúc anh phải điều tra, tố cáo, viết báo đích đáng nhất, để trả nợ rừng, dù biết báo chí là một nghề nghiệt ngã và vô cùng nguy hiểm - Nghề báo là nghề đi liền giữa ân và oán.

Đam mê, hiểu biết, tôn trọng và tôn vinh thiên nhiên, phóng sự của Hoàng tập trung vào những vấn đề sinh tử của cuộc sống, cổ vũ cho lối sống hài hòa với thiên nhiên chứ không chủ trương chiếm lĩnh, thống trị, chế ngự thiên nhiên. Tư tưởng nhân văn này hoàn toàn phù hợp với tư duy nhân loại, vì thế phóng sự của anh vượt qua biên giới đến với bè bạn năm châu. Nhiều tổ chức quốc tế đã mời Đỗ Doãn Hoàng đi các quốc gia châu Phi và các châu lục khác để viết bài, tìm hiểu, truyền cảm hứng, trao đổi kinh nghiệm, điều tra thay đổi hiện thực theo chiều hướng tốt hơn.

Thứ hai, Đỗ Doãn Hoàng có một vốn kiến thức văn hóa sâu, rộng. Trên thực tế, Hoàng là người chăm đọc, chăm học, chăm nghĩ, chăm rèn luyện và rất chăm đi. Học ở nhà trường, học ngoài xã hội, học ở sách vở. Sự trải nghiệm giúp anh có được kho tàng trí khôn dân gian phong phú, sinh động và mang tính thực tiễn cao. Còn sách vở giúp kiến thức của anh trở nên sâu sắc, vốn sống văn hóa ở anh ngày một đầy thêm. Mà theo Đỗ Phủ: Sách đọc muôn ngàn cuốn/Hạ bút như có thần.

Ngoài kỹ năng làm báo, ngoài kiến thức nghiệp vụ chuyên sâu, hiểu biết công nghệ hiện đại, còn có sức khỏe, có phông văn hóa toàn diện về các lĩnh vực: chính trị, lịch sử, địa lý, văn học nghệ thuật, sinh ngữ, luật pháp, tâm lý tội phạm, thiên nhiên - xã hội - con người; nhà báo chuyên viết phóng sự - điều tra thời 4.0 Đỗ Doãn Hoàng còn biết rất nhiều kỹ năng sống khác như: lái xe đường rừng, biết leo núi và sống trong rừng dài ngày, cách ra khỏi rừng nếu lạc, biết ứng xử khéo léo với mọi đối tượng, dù là nguy hiểm nhất… Nhờ thế, anh tự tin làm nghề và có được những kết quả ít ai đạt được.

Với vốn tiếng Anh ứng dụng khá tốt, Hoàng có thể khám phá, tiếp nhận văn hóa phương Tây một cách dễ dàng. Do ít nhiều biết về Hán Nôm, Hoàng có thể nhanh chóng phát hiện được chiều sâu của nhiều vỉa tầng văn hóa phương Đông. Từ trường hợp Đỗ Doãn Hoàng, ta có thể kết luận rằng, muốn làm nhà báo giỏi còn cần phải phấn đấu theo hướng của một nhà văn hóa.

Thủ tướng Phạm Minh Chính trao Giải A, Giải Báo chí Quốc gia năm 2021 cho Nhà báo Đỗ Doãn Hoàng. Ảnh: NVCC

Thứ ba, Đỗ Doãn Hoàng đã phát huy được ưu thế của hai loại hình: kết hợp tinh tế giữa báo chí và văn chương nghệ thuật. Sự gặp gỡ giữa văn học và báo chí đã tạo nên sự bùng nổ, giúp họ có được bút lực lớn và tâm hồn luôn tươi mới, phát hiện vấn đề nhanh, đồng thời thể hiện các nội dung trên theo cách rất sinh động, hấp dẫn. Vì văn học là nghệ thuật ngôn từ.

Muốn trở thành nhà phóng sự - điều tra, nhà báo chuyên sâu thể loại này thì phải giỏi sử dụng ngôn ngữ, yêu văn chương nghệ thuật - vì những người yêu cái đẹp thường luôn biết sống đẹp và tâm huyết với các giá trị nhân văn theo cách của họ. Thế nên, khi viết về tội ác, khi đi vào mặt trái xã hội, họ vẫn tìm được cách nâng đỡ con người ta đứng dậy một cách đáng tự hào nhất.

Trên thực tế, chỉ những nhà báo lớn, có bản lĩnh chính trị cao, kiến thức ngữ văn tốt mới viết được phóng sự hay. Để tạo được hiệu ứng xã hội lớn thì ngoài tính vấn đề, ngoài những yêu cầu đặc trưng của báo chí, thì những thông tin của phóng sự - điều tra cũng cần phải được chuyển tải thông qua lăng kính nhìn “cái đẹp”, qua cách gửi thông điệp tới công chúng báo chí có cả cái lấp lánh của văn chương nghệ thuật. Chọn và thủy chung rồi khẳng định được đóng góp của mình cho thể loại phóng sự - một phần do nhà báo họ Đỗ đã phát huy được sức mạnh của cả hai loại hình báo chí và văn chương trong phong cách, trong tác phẩm của mình. Nhờ thế phóng sự của Hoàng, nhiều tác phẩm hấp dẫn, có sức sống bền lâu.

Nhiều phóng sự thành công của Đỗ Doãn Hoàng có tác động rất lớn tới xã hội. Có thể kể những loạt bài về: nạn săn bắn, bán động vật hoang dã xuyên quốc gia; đại nạn thực phẩm bẩn đầu độc người tiêu dùng; phá rừng trên diện rộng, vấn đề tái chế rác thải bẩn thỉu độc hại với quá nhiều hiểm họa cho người Việt Nam.

Những phim tài liệu mà Hoàng tham gia rồi được giải thưởng, như: Rút ruột rừng già, Nước mắt của vàng, Rác làng Khoai, Bi kịch sống mòn... khi phát sóng trên VTV rồi VTV đặc biệt đã gióng lên hồi chuông cảnh tỉnh về vấn đề sức khỏe con người, bảo vệ không gian sống, hướng tới một xã hội minh bạch và nhân văn hơn nữa. Những tác phẩm ấy, đã có sức lan tỏa rất lớn, như báo chí đã viết, Hoàng đã có những hoạt động xã hội vì cộng đồng, bằng chính hình ảnh Hoàng và các hoạt động ngoài trang viết của Hoàng, rất hiệu quả.

Loạt bài viết về con quỷ ấu dâm Huỳnh Cường và đồng bọn (chúng lạm dụng, hãm hiếp rồi quan hệ tình dục đồng giới, lây nhiễm HIV/AIDS sang nhiều bé trai tuổi từ 14…) đã làm rung động xã hội, những kẻ thủ ác bị bắt, là lời cảnh tỉnh những bậc làm cha làm mẹ, những nhà quản lý xã hội... Nhiều bài báo của Hoàng là nguyên nhân trực tiếp để lực lượng công an, liên ngành vào cuộc…

Nhà báo Đỗ Doãn Hoàng (thứ 3 từ trái sang) đại diện nhóm tác giả của Báo Dân Việt lên nhận Giải A Giải báo chí toàn quốc phòng, chống tham nhũng, tiêu cực lần thứ 3 năm 2020 - 2021. Ảnh: NVCC

Rõ ràng, sự gặp gỡ giữa văn chương và báo chí đã giúp phóng sự của Đỗ Doãn Hoàng hấp dẫn hơn. Độ nhạy cảm của tâm hồn nghệ sĩ giúp anh phát hiện và thể hiện vấn đề tốt hơn. Dù rằng, hiện nay có một số người muốn tách văn ra khỏi báo...

Đọc phóng sự Đỗ Doãn Hoàng ta không thấy chất văn chi phối theo hướng “bất lợi” nào, mà chỉ thấy chất văn làm cho báo của anh sang hơn, tính giáo dục cao hơn. Bởi bản chất nghệ thuật là sáng tạo, không lặp lại người khác và không lặp lại chính mình, đồng thời nghệ thuật còn giúp bạn đọc khát khao hướng thiện.

Từ những phân tích trên cho thấy, Đỗ Doãn Hoàng, là một cây bút phóng sự có năng lực thiên bẩm, với không ít thành tựu đã được biết đến. Và phóng sự của anh có những giá trị đặc sắc riêng có. Thành công của anh, ngoài yếu tố bẩm sinh, ngoài mối quan hệ gắn bó với rừng, ngoài vốn kiến thức sâu rộng và khả năng biết phát huy sức mạnh của văn chương nghệ thuật, tôi còn nghĩ, đó là sản phẩm của một thái độ sống và viết nghiêm túc, với sự chuyên nghiệp cao độ - như những gì Hoàng hay “truyền bí kíp” khi giảng cho sinh viên báo chí và nhà báo trẻ khắp cả nước.

Với tôi, tôi tin không quá lời tí nào khi nói: Đỗ Doãn Hoàng là một gương mặt sáng giá của nền báo chí Việt Nam hôm nay. Và nếu chọn một người Việt Nam hạnh phúc nhất, tôi chọn Đỗ Doãn Hoàng - người đã làm được, và làm khá tốt những điều anh khao khát từ thuở ngồi trên ghế giảng đường. Nếu được chọn một nhà báo Việt Nam đương đại tiêu biểu nhất, không do dự, tôi cũng sẽ chọn Đỗ Doãn Hoàng.

PGS.TS Trần Thị Trâm

Nguồn Công Luận: https://congluan.vn/thu-giai-ma-thanh-cong-cua-nha-bao-do-doan-hoang-post287399.html