Thủ đoạn 'Nhân quyền'

Nhân quyền (hay quyền con người) là những quyền tự nhiên của con người và không bị tước bỏ bởi bất cứ ai và bất cứ chính thể nào. Theo định nghĩa của Văn phòng Cao ủy Liên Hiệp Quốc, nhân quyền là những bảo đảm pháp lý toàn cầu có tác dụng bảo vệ các cá nhân và các nhóm chống lại những hành động hoặc sự bỏ mặc mà làm tổn hại đến nhân phẩm, những tự do cơ bản của con người. Xét về bản chất, nhân quyền là thước đo cho sự tiến bộ, ưu việt, mục tiêu phấn đấu của mỗi thể chế quốc gia, dân tộc. Tuy nhiên, đây cũng là chiêu bài mà các thế lực phản động, chống phá thường xuyên lợi dụng để thực thi âm mưu chính trị thấp hèn…

Luận điệu xuyên tạc của các thế lực thù địch

Đầu năm 2022, Tổ chức theo dõi nhân quyền (HRW) đã đưa ra cái gọi là “Báo cáo thường niên năm 2022 về tình hình quyền con người tại các nước và lãnh thổ trên thế giới trong năm qua” tiếp tục vu cáo, xuyên tạc trắng trợn rằng Việt Nam gia tăng hạn chế các quyền dân sự và chính trị cơ bản của người dân trong năm 2021. Tiếp đó, ngày 19/1, Phạm Thị Đoan Trang- tội phạm đang thụ án tại trại cải tạo đã được nhận cái gọi là Giải thưởng nhân quyền Martin Ennals. Nhanh như kền kền bắt được xác thối, Đài Á Châu tự do (RFA), Luật Khoa Tạp chí, tổ chức khủng bố Việt Tân và các phần tử chống phá khác đã lu loa trên mạng xã hội với những mỹ từ sống sượng ca ngợi “nhà đấu tranh dân chủ” trong khi thực chất đó là kẻ vi phạm pháp luật, chống phá lại chính đồng bào, dân tộc mình.

Trên trang facebook, Luật Khoa Tạp chí giật tít: “Phạm Thị Đoan Trang được trao giải thưởng nhân quyền quốc tế MARTIN ENNALS 2022”. Nội dung bài viết cho rằng: “Phạm Thị Đoan Trang được vinh danh vì các nỗ lực từ những năm 2000 trong việc bảo vệ quyền tự do ngôn luận và quyền tiếp cận thông tin của người dân. Ban tổ chức giải thưởng đặc biệt nhắc đến những sáng kiến truyền thông độc lập của cô, bao gồm Luật Khoa Tạp chí và Nhà xuất bản Tự Do. Theo họ, trong một quốc gia chuyên chế như Việt Nam, những tổ chức độc lập này đã truyền cảm hứng cho rất nhiều người khác cùng lên tiếng vì nhân quyền, và chúng cũng là lý do khiến Đoan Trang trở thành mục tiêu truy đuổi của chính quyền. Nhà báo Phạm Thị Đoan Trang đã liên tục bị quấy nhiễu trong suốt thời gian hoạt động. Cô bị đánh nhiều lần, dẫn đến những chấn thương lâu dài. Đoan Trang bị bắt vào ngày 7/10/2020, bị giam giữ biệt lập suốt hơn một năm, sau đó bị kết án chín năm tù vì tội “Tuyên truyền chống Nhà nước cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam”. Bản án này bị các tổ chức quốc tế và nhiều quốc gia lên án mạnh mẽ. Hiện tại, Đoan Trang bị giam tại Hà Nội. Cô vẫn không được phép gặp gia đình và không được điều trị y tế trong khi sức khỏe ngày càng giảm sút…”. RFA cũng lu loa: “Ban tổ chức giải Martin Ennals từ Geneva nhận định bà Phạm Thị Đoan Trang là một nhà báo hàng đầu và là một quán quân về tự do biểu đạt tạo nguồn cảm hứng lên tiếng cho nhiều người khác. “Thành tích” của bà Phạm Thị Đoan Trang được nêu ra để vinh danh bà là nỗ lực bảo vệ nhân quyền tại Việt Nam. Những nỗ lực này được ghi dấu qua khả năng thu hút sự quan tâm của cộng đồng quốc tế đối với thành tích nhân quyền đáng quan ngại của Chính phủ Hà Nội. Trên trang blog cá nhân của bà có những bản dịch Tiếng Anh các bài viết của chính bà. Bà cũng từng ra nước ngoài cùng với những bloggers và nhà hoạt động khác để kêu gọi chú ý đến tình trạng nhân quyền tại Việt Nam…”.

Bị cáo Phạm Thị Đoan Trang tại phiên tòa xét xử ngày 14/12/2021. Ảnh tư liệu

Trên thực tế, ngày 14/12/2021, sau một ngày xét xử và nghị án, Tòa án Nhân dân TP Hà Nội tuyên phạt bị cáo Phạm Thị Đoan Trang (43 tuổi, trú quận Đống Đa, Hà Nội, được biết đến là blogger, từng làm việc cho nhiều tờ báo) 9 năm tù về tội tuyên truyền chống Nhà nước Cộng hòa XHCN Việt Nam, quy định tại điều 88 Bộ luật hình sự 1999. Tòa nhận định hành vi xuyên tạc đường lối chính sách, phỉ báng chính quyền của bị cáo Đoan Trang là nguy hiểm cho xã hội, thực hiện với mục đích cố ý xâm phạm chế độ XHCN và Nhà nước trên lĩnh vực tư tưởng, văn hóa, xã hội, đối ngoại, xâm phạm đến sự vững mạnh của chính quyền nhân dân. Theo cáo trạng, từ ngày 16-11-2017 đến 5-12-2018, bà Đoan Trang có hành vi làm ra, tàng trữ, lưu hành các tài liệu, bài viết có nội dung nhằm chống phá Nhà nước Cộng hòa XHCN Việt Nam. Cáo trạng xác định, bị cáo Đoan Trang đã trả lời phỏng vấn trên truyền thông nước ngoài với nội dung xuyên tạc đường lối, chính sách của Nhà nước, cũng như "phỉ báng chính quyền nhân dân". Cụ thể, bà Đoan Trang có hành vi tàng trữ các tài liệu: "Báo cáo tóm tắt về thảm họa môi trường biển Việt Nam"; "Đánh giá chung về tình hình nhân quyền tại Việt Nam"; "Báo cáo đánh giá về luật tôn giáo và tín ngưỡng năm 2016 liên quan đến việc thực hiện quyền tự do tôn giáo và tín ngưỡng ở Việt Nam". Theo kết luận của viện kiểm sát, các tài liệu trên có nội dung tuyên truyền "luận điệu chiến tranh tâm lý, phao tin bịa đặt gây hoang mang trong nhân dân, tuyên truyền thông tin xuyên tạc đường lối, chính sách của Nhà nước Cộng hòa XHCN Việt Nam". Quá trình làm việc với cơ quan công an, bị cáo Đoan Trang xác nhận mình là tác giả của báo cáo nghiên cứu về luật tín ngưỡng, tôn giáo. Bị cáo Đoan Trang cùng nhóm tác giả viết báo cáo này bằng tiếng Anh, sau đó dịch ra tiếng Việt và đăng tải trên trang điện tử do mình lập ra. Viện kiểm sát cáo buộc bị cáo Đoan Trang đã có hành vi trả lời phỏng vấn đài nước ngoài BBC News tiếng Việt và Đài Á Châu tự do (RFA). Trong các bài phỏng vấn này, bà Trang có phát ngôn "tuyên truyền các nội dung thông tin xuyên tạc đường lối chính sách của Nhà nước"…

Thử tưởng tượng, gia đình có đứa con ngỗ ngược, cãi chửi lại cha mẹ, phá hoại gia phong, gây hại đến anh chị em, bố mẹ trách phạt để răn đe, giáo dục nhưng ông hàng xóm lại thậm thụt sang… biểu dương, tặng quà thì nhân cách của tay hàng xóm này thuộc loại gì? Thực tế nhiều năm qua cho thấy, HRW và các tổ chức luôn phán xét, rêu rao quyền con người ở khắp các quốc gia, dân tộc mà chưa bao giờ quan tâm đến nhân quyền đúng nghĩa mà chẳng qua là sử dụng chiêu bài này để phục vụ mưu đồ chính trị vì lợi ích của những người đang muốn chi phối thế giới này bằng các giá trị do họ sản xuất và áp đặt.

Nói về “Giải thưởng nhân quyền” chúng ta có thể kể đến hàng loạt cái tên như: “Giải thưởng nhân quyền Martin Ennals, giải thưởng nhân quyền Lê Đình Lượng, giải thưởng nhân quyền Việt Nam”… đều có chung nội hàm là núp dưới vỏ bọc “nhân quyền” và những người được trao giải đều là những kẻ có hành vi vi phạm pháp luật, liên tục có những hoạt động chống phá chế độ, chống phá đất nước, thực hiện các hành vi phạm tội trong nhóm xâm phạm an ninh quốc gia của Việt Nam. Về bản chất, những giải thưởng này hoàn toàn không chính danh, vô giá trị, không có đóng góp gì cho sự phát triển dân chủ, nhân quyền tại Việt Nam cũng như trên thế giới. Hơn thế nữa, cái gọi là Giải thưởng này ẩn giấu âm mưu chính trị đen tối, có mối quan hệ rất chặt chẽ với chiến lược “Diễn biến hòa bình” mà các thế lực thù địch đang sử dụng để tác động, hướng lái, thay đổi chế độ chính trị tại Việt Nam…

Hơn chín thập niên qua, kể từ khi được thành lập, Đảng ta đã luôn chú trọng đến vấn đề dân chủ, dân quyền, gắn liền hai nhiệm vụ dân tộc và dân chủ, chống đế quốc và chống phong kiến. Cách mạng tháng Tám thành công, ngày 02-9-1945 trên Quảng trường Ba Đình lịch sử, trước cuộc mít tinh lớn của hàng chục vạn nhân dân thủ đô thuộc đủ các tầng lớp, Chủ tịch Hồ Chí Minh thay mặt Chính phủ lâm thời trịnh trọng đọc Tuyên ngôn độc lập, công bố với toàn thể quốc dân và nhân dân thế giới rằng: Nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa đã ra đời. Bản Tuyên ngôn khẳng định: “Tất cả mọi người đều sinh ra có quyền bình đẳng. Tạo hóa cho họ những quyền không ai có thể xâm phạm được; trong những quyền ấy, có quyền được sống, quyền tự do và quyền mưu cầu hạnh phúc”. Lời nói bất hủ, mở đầu cho Tuyên ngôn độc lập không chỉ là tư tưởng lớn về độc lập, tự do của dân tộc, mà còn là tư tưởng cơ bản về quyền con người của Chủ tịch Hồ Chí Minh và Đảng ta.

Kế thừa thành tựu trong các thời kỳ cách mạng ở nước ta và vận dụng, phát triển sáng tạo quan điểm của chủ nghĩa Mác-Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh về quyền con người, cũng như tiếp thu tinh hoa tư tưởng, pháp luật nhân quyền quốc tế, nhận thức và đường lối chỉ đạo của Đảng ta về quyền con người xuyên suốt mấy thập kỷ qua tiếp tục có nhiều bước phát triển mới. Điều này được thể hiện rất rõ ràng trong Hiến pháp và các văn bản pháp luật của Việt Nam cũng như các hành động thiết thực, cụ thể của chính quyền nhà nước trong suốt những năm vừa qua, được cộng đồng quốc tế ghi nhận, đánh giá cao.

Những chiêu trò chống phá, xuyên tạc của các thế lực thù địch mang tên Nhân quyền không những hoàn toàn vô tác dụng mà còn vạch rõ, bóc trần bản chất, âm mưu thấp hèn, tâm địa đen tối của chúng với cộng đồng dân tộc Việt.

Cẩm Ninh

Nguồn Phú Thọ: http://baophutho.vn/chinh-tri/202201/thu-doan-%E2%80%9Cnhan-quyen%E2%80%9D-182583