Thủ đô Hà Nội đứng đầu thế giới về ô nhiễm không khí trong sáng 2/2

Sáng 2/2, Thủ đô Hà Nội chìm trong sương mù và mưa phùn, nhiều người dân phải bật đèn pha phương tiện để di chuyển an toàn. Ứng dụng theo dõi chất lượng không khí AirVisual đã xếp TP Hà Nội đứng đầu các thành phố trên thế giới bị ô nhiễm không khí với chỉ số chất lượng không khí (AQI) vượt ngưỡng 200 - mức rất nguy hại tới sức khỏe.

Đường phố Hà Nội sáng 2/2 mù sương, tầm nhìn người đi đường bị hạn chế.

Đường phố Hà Nội sáng 2/2 mù sương, tầm nhìn người đi đường bị hạn chế.

Từ sáng sớm 2/2 đến 9 giờ sáng, không khí ở Hà Nội vẫn bị bao phủ bởi màn sương mù và bụi mịn dày đặc, thậm chí nhiều nhà cao tầng còn không nhìn rõ các tầng trên cao.

Sáng 2/2, ứng dụng theo dõi chất lượng không khí AirVisual đã xếp TP Hà Nội đứng đầu các thành phố trên thế giới bị ô nhiễm không khí với chỉ số chất lượng không khí (AQI) vượt ngưỡng 200 - mức rất nguy hại tới sức khỏe.

Ứng dụng theo dõi chất lượng không khí AirVisual đã xếp TP Hà Nội đứng đầu các thành phố trên thế giới bị ô nhiễm không khí sáng 2/2.

Ứng dụng theo dõi chất lượng không khí AirVisual đã xếp TP Hà Nội đứng đầu các thành phố trên thế giới bị ô nhiễm không khí sáng 2/2.

Tương tự, ứng dụng theo dõi chất lượng không khí PAM Air ghi nhận chất lượng không khí Hà Nội phổ biến ở ngưỡng rất xấu với chỉ số AQI phổ biến từ 200-300, là mức nguy hại, rất có hại cho sức khỏe tất cả mọi người.

Cá biệt, có điểm quan trắc tại khu vực Nhân Chính (Thanh Xuân, Hà Nội) ghi nhận chỉ số AQI lên tới 319, mức nâu - mức cao nhất trong thang bảng đo chất lượng không khí). Ở mức độ không khí khẩn cấp nguy hiểm, tất cả mọi người có thể chịu tác động nghiêm trọng đến sức khỏe và cần tránh các hoạt động tiếp xúc bên ngoài.

Một số điểm như Quan Hoa (Cầu Giấy, Hà Nội), Đội Cấn (Ba Đình, Hà Nội), đường Láng (Đống Đa, Hà Nội), Quảng An (Quận Tây Hồ) AQI ở mức tím - rất xấu, tình trạng không khí báo động, mọi người sẽ bị ảnh hưởng đến sức khỏe nghiêm trọng.

Ứng dụng theo dõi chất lượng không khí PAM Air ghi nhận chất lượng không khí Hà Nội phổ biến ở ngưỡng rất xấu với chỉ số AQI phổ biến từ 200-300, là mức nguy hại, rất có hại cho sức khỏe tất cả mọi người.

Ứng dụng theo dõi chất lượng không khí PAM Air ghi nhận chất lượng không khí Hà Nội phổ biến ở ngưỡng rất xấu với chỉ số AQI phổ biến từ 200-300, là mức nguy hại, rất có hại cho sức khỏe tất cả mọi người.

Theo các chuyên gia, ô nhiễm không khí tại Hà Nội và các tỉnh miền Bắc chủ yếu là ô nhiễm bụi PM 2,5 – loại bụi được coi là tử thần trong không khí vì kích thước siêu nhỏ, có khả năng lắng đọng, thẩm thấu và đi sâu vào tận các phế nang trong phổi cũng như đi trực tiếp vào máu.

Nhiều nghiên cứu cho thấy, bụi PM2,5 tăng nguy cơ mắc hen suyễn, bệnh phổi tắc nghẽn mãn tính (COPD), viêm phổi, các chứng bệnh hô hấp, tim mạch, tiểu đường và ung thư phổi.

Theo Nghiên cứu Gánh nặng Bệnh tật toàn cầu năm 2019 (IMHE, 2019), ô nhiễm không khí đứng thứ 5 trong các yếu tố nguy cơ hàng đầu gây tử vong và tàn tật ở Việt Nam, đứng sau các nguyên nhân như cao huyết áp, đường huyết, hút thuốc và chế độ ăn uống.

Các nghiên cứu trong nước cũng chỉ ra, trong các đợt ô nhiễm không khí nghiêm trọng tại Hà Nội và TP Hồ Chí Minh, tỷ lệ bệnh nhân nhập viện do hô hấp, tim mạch tăng mạnh.

Trước tình trạng ô nhiễm không khí rất nghiêm trọng, Cục Kiểm soát ô nhiễm môi trường mới đây có văn bản đề nghị các Sở Tài nguyên và Môi trường khẩn trương chỉ đạo, tăng cường tần suất quan trắc, công bố kết quả quan trắc chất lượng môi trường không khí trên Cổng thông tin điện tử và phương tiện truyền thông của tỉnh, thành phố, khuyến cáo người dân áp dụng ngay các giải pháp bảo vệ sức khỏe, đặc biệt với nhóm đối tượng có hoạt động ngoài trời vào 5 giờ - 7 giờ sáng và 14 giờ - 19 giờ tối.

Cục cũng yêu cầu các địa phương tổ chức kiểm tra, giám sát các nguồn thải khí thải (đặc biệt là các điểm đốt mở, đốt rác thải, đốt rơm rạ, phụ phẩm nông nghiệp, công trình xây dựng, các cơ sở sản xuất công nghiệp).

Trong đó, yêu cầu các cơ sở sản xuất công nghiệp trên địa bàn kiểm soát, bảo đảm xử lý khí thải đạt quy chuẩn kỹ thuật về môi trường, đặc biệt là các cơ sở có phát sinh nguồn bụi, khí thải lớn, đôn đốc, giám sát các cơ sở sản xuất thuộc đối tượng phải lắp đặt quan trắc khí thải tự động và truyền dữ liệu về Sở Tài nguyên và Môi trường theo quy định.

Các chuyên gia khuyến cáo, những ngày ô nhiễm không khí nghiêm trọng người dân nên hạn chế ra khỏi nhà, vận động tập thể dục, lao động ngoài trời khi chất lượng không khí ở mức xấu. Khi ra đường nên sử dụng khẩu trang đảm bảo chất lượng và đeo khẩu trang đúng quy cách (đảm bảo kín, khít mặt).

Thu Trang/Báo Tin tức

Nguồn Tin Tức TTXVN: https://baotintuc.vn/xa-hoi/thu-do-ha-noi-dung-dau-the-gioi-ve-o-nhiem-khong-khi-trong-sang-22-20240202094047627.htm