Thót tim ca cứu sống bé sơ sinh 1 tháng tuổi bị tăng sản thượng thận bẩm sinh

Nhập viện trong tình trạng nguy kịch, tim chậm có dấu hiệu ngừng tim, suy hô hấp nặng, bé sơ sinh 1 tháng tuổi ở Minh Tân, huyện Thủy Nguyên, Hải Phòng may mắn được kíp trực Khoa hồi sức tich cực và chống độc BV Trẻ em Hải Phòng cứu sống.

Thông tin từ BV Trẻ em Hải Phòng vừa cho biết, vào đêm bão lớn (18/7), Khoa hồi sức tich cực và chống độc của bệnh viện tiếp nhận bệnh nhi L.X.H (xã Minh Tân, huyện Thủy Nguyên, Hải Phòng), 01 tháng tuổi, tiên lượng tử vong vì có dấu hiệu ngừng tim.

Bệnh nhi 01 tháng tuổi mắc bệnh tăng sản thượng thận điều trị tại khoa Hồi sức tích cực – chống độc của BV Trẻ em HP

Ngay khi tiếp nhận ca bệnh trên, cả kíp trực đã tập trung cấp cứu giành giật sự sống cho cháu bé. Qua thăm khám, kiểm tra, các bác sĩ nhận thấy trẻ bị rối loạn điện giải nặng (giảm Natri, tăng Kali máu). Bằng kinh nghiệm trong nghề, kíp bác sĩ của khoa đã chẩn đoán bé bị tăng sản thượng thận bẩm sinh thể mất muối cấp.

Theo chia sẻ từ gia đình bệnh nhi, trước đó 1 ngày thấy con nôn nhiều, gia đình nghĩ trẻ con nôn là bình thường nên cũng chủ quan không cho đi khám. Đến 22 giờ ngày 18/7, thấy con có dấu hiệu yếu đi, gia đình đưa vào 1 bệnh viện tư nhân trong thành phố cấp cứu. Tuy nhiên, sau 1 giờ theo dõi, thăm khám, bệnh tình của bé vẫn không rõ nên gia đình xin chuyển cháu sang BV Trẻ em Hải Phòng.

Ngay trong đêm bão, bệnh nhi L.X.H đã được kíp trực BV Trẻ em Hải Phòng tiến hành cấp cứu. Sau 12 giờ xử trí ca bệnh, đến trưa ngày 19/7, bệnh nhi L.X.H có dấu hiệu phục hồi tốt, tỉnh dần, cai máy thở, bú được nhưng vẫn cho thở oxy.

Sau 12 giờ cấp cứu tích cực, trẻ mắc bệnh tăng sản thượng thận bẩm sinh đã có dấu hiệu phục hồi tốt.

Sau 11 ngày cấp cứu, điều trị tại BV Trẻ em Hải Phòng, bệnh nhi đã được xuất viện trong niềm vui, hạnh phúc của cả gia đình và kíp trực.

BSCK2 Dương Văn Đoàn –Trưởng khoa Tim mạch, BV Trẻ em Hải Phòng - người trực tiếp khám và cùng ekip điều trị cho bệnh nhi cho biết: Tăng sản thượng thận bẩm sinh là bệnh di truyền lặn trên nhiễm sắc thể thường do tuyến thượng thận thiếu emzyme đặc hiệu, không tổng hợp được hormone thượng thận đáp ứng cho cơ thể tăng trưởng và chống lại stress. Bệnh gặp 2 thể phổ biến: thể nam hóa và thể mất muối cấp.

Thể mất muối là bệnh nội tiết cấp cứu hay gặp ở trẻ bú mẹ thường gây cơn suy thượng thận cấp. Nếu không được chẩn đoán và điều trị kịp thời dẫn đến mất nước, rối loạn điện giải và nguy cơ tử vong cao.

Các dấu hiệu của thể mất muối cấp như: Sụt cân, chậm tăng cân, nôn nhiều, mất nước, da mắt trũng, bú kém, bỏ bú. Đặc biệt ở vùng ngực, núm vú và bộ phận sinh dục vùng kín của trẻ bị thâm sạm. Trẻ gái sơ sinh có âm vật lớn hơn bình thường còn trẻ trai sơ sinh có dương vật lớn hơn bình thường.

Do đó, bác sĩ Đoàn khuyên, các bậc phụ huynh trong quá trình chăm sóc, nuôi trẻ cần chú ý, khi thấy trẻ có những dấu hiệu trên, hãy đưa ngay đến khám và điều trị kịp thời tại các cơ sở y tế chuyên sâu để tránh các biến chứng nguy hiểm, ảnh hưởng đến sức khỏe và tính mạng của trẻ.

Minh Lý

Nguồn SK&ĐS: https://suckhoedoisong.vn/thot-tim-ca-cuu-song-be-so-sinh-1-thang-tuoi-bi-tang-san-thuong-than-bam-sinh-169230731113659382.htm