Thông tin cần biết khi cấp, đổi thẻ căn cước công dân có gắn chíp điện tử

Để người dân các địa phương hiểu rõ hơn về những thuận lợi, vướng mắc trong thời gian triển khai thực hiện cấp, đổi thẻ căn cước công dân (CCCD) có gắn chíp điện tử, phóng viên Báo An Giang trao đổi với thượng tá Trương Văn Giàu, Phó Trưởng phòng Cảnh sát Quản lý hành chính về trật tự xã hội (CSQLHC) Công an tỉnh xung quanh vấn đề này.

Công đoạn khó khăn nhất là việc thu nhận dấu vân tay người dân

Phóng viên (P.V): việc cấp, đổi CCCD gắn chíp điện tử đối với cơ quan nhà nước như thế nào? Thẻ CCCD gắn chíp điện tử có thể thay thế tất cả các loại giấy tờ cá nhân không?

Thượng tá Trương Văn Giàu: dự án sản xuất, cấp và quản lý CCCD được đưa vào hoạt động, sẽ là giai đoạn mang ý nghĩa quan trọng và đột phá không chỉ đối với công tác nghiệp vụ của ngành công an, mà còn là tiền đề cơ bản cho quá trình xây dựng Chính phủ điện tử hướng tới xây dựng chính quyền số và nền kinh tế số ở Việt Nam. Vì vậy, Bộ Công an tiến hành rà soát, tổng hợp nhu cầu tích hợp các dịch vụ, ứng dụng thuộc lĩnh vực công tác, quản lý của mình vào chíp điện tử trong thẻ CCCD hướng tới rút, gọn, giảm tải các loại giấy tờ cho công dân thực hiện các dịch vụ hành chính công và các giao dịch khác.

Tuy nhiên, nhiều thông tin xoay quanh việc thẻ CCCD hiện nay có thể thay thế tất cả giấy tờ liên quan đến cá nhân (giấy phép lái xe, giấy chứng nhận đăng ký xe, thẻ tín dụng ngân hàng…) chưa chính xác.

P.V: Bộ Công an đã chỉ đạo Công an các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương ngừng cấp giấy chứng minh nhân dân (CMND) 9 số, 12 số và thẻ CCCD mã vạch để triển khai cấp CCCD gắn chíp điện tử trên toàn quốc và đến tháng 7 cả nước phải đạt được 50 triệu thẻ CCCD. Như vậy, đối với từng địa bàn huyện, thị xã, thành phố của tỉnh An Giang có thuận lợi và khó khăn gì? Những người dân bị bệnh tâm thần, thiếu nhận thức và thuộc vùng sâu, vùng xa, đồng bào dân tộc thiểu số khi cấp, đổi như thế nào?

Thượng tá Trương Văn Giàu: An Giang được Bộ Công an cấp tổng cộng 24 máy là thiết bị làm thẻ CCCD. Để công việc được thực hiện nhanh chóng và nhịp nhàng, ngoài Phòng CSQLHC, Công an tỉnh đã phân bổ mỗi địa phương 2 máy, đồng thời tổ chức tập huấn cho cán bộ trực tiếp làm nhiệm vụ và tuyên truyền để người dân sinh sống ở địa phương nào chủ động đến công an nơi đó đăng ký thủ tục, hồ sơ làm thẻ CCCD. Ngoài việc cấp, đổi tại chỗ và tăng ca làm việc, công an địa phương còn thực hiện lưu động tùy theo nhu cầu từng trường hợp để kịp với tiến độ, vì còn phụ thuộc vào các thiết bị nên không đủ để phục vụ người dân cùng một lúc.

Đối với người bệnh tâm thần hay bị bệnh khác mất khả năng nhận thức, khả năng điều khiển hành vi của mình vẫn được cấp thẻ CCCD nhưng phải có người đại diện hợp pháp. Riêng người đăng ký tạm trú do nhập dữ liệu chưa đồng bộ nên sẽ được làm sau. Còn đối với người dân vùng sâu, vùng xa, đồng bào dân tộc thiểu số cũng như tất cả các người dân thì hiện nay trăn trở của các địa phương này chính là việc xác định rõ lại 17 trường hợp thông tin trước đây người dân đã khai báo trong phiếu thu thập cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư của từng trường hợp bị thiếu, sai…

P.V: thời gian cấp đổi thẻ CCCD ở từng địa phương như thế nào? Việc thu phí cấp, đổi thẻ CCCD được quy định ra sao và những trường hợp nào sẽ được miễn trả phí?

Thượng tá Trương Văn Giàu: do tính cấp thiết đến ngày 1-7, tỉnh An Giang phải đạt 878.400 hồ sơ nên từng địa phương có thể làm cả ban đêm xuyên suốt tuần, đồng thời sẽ thông báo rộng rãi lịch trình thời gian làm việc cho cán bộ, công nhân viên và người dân nắm rõ để sắp xếp thời gian. Do đó, để được cấp, đổi thẻ CCCD thuận lợi và nhanh chóng, người dân cần phải có đầy đủ những thông tin cần thiết theo yêu cầu (ngày, tháng, năm sinh, nơi sinh, nguyên quán…) và phải khớp với 17 trường thông tin trong cơ sở dữ liệu. Nếu không đầy đủ thì phải bổ sung ngay mới hợp lệ khi tiến hành thủ tục hồ sơ làm thẻ CCCD.

Căn cứ theo Thông tư số 12 thì khi làm thẻ CCCD chỉ đóng 15.000 đồng/thẻ; nếu đổi thẻ CCCD do bị hư hỏng hay thay đổi thông tin cá nhân (họ, tên…) đóng 25.000 đồng/thẻ; khi bị mất thẻ CCCD hay trả lại Quốc tịch Việt Nam theo quy định của Luật Quốc tịch Việt Nam nếu cấp lại thì đóng 35.000 đồng/thẻ. Ngoài ra, các trường hợp miễn không phải nộp lệ phí, như: khi nhà nước quy định thay đổi địa giới hành chính; công dân là bố mẹ, vợ chồng con dưới 18 tuổi của thương binh, liệt sĩ, người hưởng chính sách như thương binh, công dân thường trú tại các xã biên giới, huyện đảo, đồng bào dân tộc thiểu số ở các xã có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn, công dân thuộc hộ nghèo theo quy định pháp luật…

PV: đối với các trường hợp CMND còn thời hạn sử dụng mà người dân để thất lạc hay bị mất sẽ được làm lại ở đâu? Khi nộp hồ sơ làm thẻ CCCD thì nhận như thế nào? Trong thời gian bị mất CMND chờ cấp, đổi mới thì việc giao dịch với các cơ quan chức năng bị ảnh hưởng hay không?

Thượng tá Trương Văn Giàu: các trường hợp CMND bị thất lạc hay mất… thì người dân không cần thiết phải đến Phòng CSQLHC để làm như trước đây nữa, người dân chỉ cần đến công an địa phương nơi mình đăng ký hộ khẩu thường trú nộp hồ sơ làm lại. Sau khi người dân nộp hồ sơ cấp, đổi thẻ CCCD và được tiến hành xong các thủ tục cần thiết cho đến khi có phiếu hẹn thì người dân có thể nhận thẻ CCCD theo địa chỉ trên giấy hẹn, hoặc để được đảm bảo thì đăng ký với đơn vị chuyển phát đảm bảo tại nơi làm thẻ CCCD.

Sau khi người dân hoàn thành xong tất cả các thủ tục cấp, đổi thẻ CCCD thì người dân vẫn được giữ lại giấy CMND để sử dụng cho đến khi có thẻ CCCD thay thế. Đối với những trường hợp giấy CMND bị mất, mờ… trong thời gian chờ nhận thẻ CCCD, nếu người dân có yêu cầu thì Phòng CSQLHC sẽ cấp giấy xác nhận các thông tin có liên quan để người dân thuận lợi quan hệ giao dịch.

PV: xin cám ơn thượng tá!

Bài, ảnh: KHÁNH HƯNG

Nguồn An Giang: https://baoangiang.com.vn/thong-tin-can-biet-khi-cap-doi-the-can-cuoc-cong-dan-co-gan-chip-dien-tu-a299521.html