Thông đường 'trách nhiệm' cao tốc Đồng Đăng - Trà Lĩnh

Ông Hoàng Xuân Ánh - Chủ tịch UBND tỉnh Cao Bằng khẳng định: 'Cao Bằng sẽ thực hiện mọi cam kết với nhà đầu tư và ngân hàng tài trợ vốn trong quá trình thực hiện cao tốc Đồng Đăng - Trà Lĩnh. Đặc biệt là phần vốn ngân sách địa phương hỗ trợ cho dự án, nếu thiếu chỗ nào, chúng tôi sẽ bù ngay chỗ đó'.

Ông Trần Hồng Minh, Bí thư Tỉnh ủy Cao Bằng (đứng giữa) phát biểu tại cuộc họp

Ông Trần Hồng Minh, Bí thư Tỉnh ủy Cao Bằng (đứng giữa) phát biểu tại cuộc họp

Khởi công dự án ngày 22/12/2023

Sáng nay (9/10), tỉnh Cao Bằng tổ chức họp Ban Chỉ đạo dự án đường bộ cao tốc Đồng Đăng (Lạng Sơn) - Trà Lĩnh (Cao Bằng) dưới sự chủ trì của ông Trần Hồng Minh, Bí thư Tỉnh ủy Cao Bằng.

Điều đặc biệt là cuộc họp này lần đầu được tổ chức tại Thủ đô Hà Nội sau hơn 5 năm Cao Bằng tiến hành xúc tiến đầu tư và thành lập Ban Chỉ đạo dự án đường bộ cao tốc Đồng Đăng - Trà Lĩnh với cả chục cuộc họp trước đó được diễn ra tại trụ sở tỉnh nhà.

Thành phần tham dự cuộc họp sáng nay bao gồm tất cả lãnh đạo cơ quan ban, ngành, chính quyền địa phương của tỉnh Cao Bằng, liên danh nhà đầu tư quan tâm dự án (Tập đoàn Đèo Cả đứng đầu liên danh) và tổ chức tín dụng quan tâm dự án (Ngân hàng TMCP Việt Nam Thịnh Vượng - VP Bank).

Mở đầu cuộc họp, ông Trần Hồng Minh, Bí thư Tỉnh ủy Cao Bằng thông báo kết quả buổi làm việc vào ngày hôm qua với Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính. "Tôi đã báo cáo và Thủ tướng Chính phủ rất vui mừng khi dự án cao tốc Đồng Đăng - Trà Lĩnh sẽ được khởi công vào ngày 22/12/2023, nhân dịp 79 năm thành lập Quân đội nhân dân Việt Nam".

"Đây là sự kiện đặc biệt quan trọng, bởi cao tốc Đồng Đăng - Trà Lĩnh là tuyến đường có nghĩa rất lớn trong việc tháo gỡ điểm nghẽn để Cao Bằng phát triển KT-XH và Cao Bằng cũng là nơi khai sinh của Quân đội nhân dân Việt Nam", ông Minh chia sẻ.

Bí thư Tỉnh ủy Cao Bằng cho biết thêm, theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, cao tốc Đồng Đăng - Trà Lĩnh sẽ phấn đấu thông tuyến vào cuối năm 2025. Đây sẽ là cuộc họp cuối cùng để rà soát tổng thể trước khi khởi công dự án. "Tiến độ triển khai thi công rất ngắn, trách nhiệm của tỉnh rất nặng nề. Vì vậy, đại diện các đơn vị dự họp phải phát biểu thẳng thắn mọi vấn đề còn cấn cá để chúng tôi xử lý ngay", ông Minh gợi mở.

Ông Lưu Công Hữu, Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh Cao Bằng cho biết, ngày 15/9/2023, UBND tỉnh Cao Bằng đã ban hành quyết định phê duyệt dự án đầu tư giai đoạn 1 với tổng mức đầu tư khoảng 14.331,61 tỷ đồng. Cơ cấu nguồn vốn gồm: Vốn ngân sách nhà nước tham gia hỗ trợ khoảng 6.580 tỷ đồng (vốn ngân sách địa phương: 4.080 tỷ đồng, vốn ngân sách trung ương: 2.500 tỷ đồng) và vốn nhà đầu tư huy động khoảng 7.751,61 tỷ đồng. Thời gian thu phí hoàn vốn dự án giai đoạn 1 khoảng 25 năm 3 tháng.

Về kế hoạch bố trí vốn cho dự án, ngày 18/9/2023, UBND tỉnh Cao Bằng đã ban hành quyết định giao kế hoạch vốn đầu tư công năm 2023 cho dự án là 1.282,54 tỷ đồng, gồm: Vốn ngân sách trung ương (500 tỷ đồng) và vốn ngân sách địa phương (782,54 tỷ đồng). "Đối với mỏ vật liệu phục vụ thi công dự án, hiện nay, Sở TN&MT tỉnh Cao Bằng đang hoàn thiện đấu giá quyền khai thác khoáng sản, dự kiến hoàn thành trong tháng 11/2023", ông Hữu thông tin.

Đề cập đến công tác lựa chọn nhà đầu tư dự án, ông Hữu cho biết, dự án đã được Thủ tướng Chính phủ chấp thuận cơ chế chỉ định thầu. "Sau khi công bố mời thầu theo thời gian quy định, dự án chỉ có một nhà đầu tư quan tâm là liên danh nhà đầu tư do Tập đoàn Đèo Cả đứng đầu. Ngay sau cuộc họp này, Sở KH&ĐT sẽ trình Chủ tịch UBND tỉnh Cao Bằng ký duyệt văn bản gửi Tập đoàn Đèo Cả để triển khai các bước tiếp theo", ông Hữu nói và cho biết, công tác lựa chọn nhà đầu tư sẽ hoàn thành trong tháng 11/2023, dự án tổ chức khởi công xây dựng trong tháng 12/2023.

Theo Giám đốc Sở KH&ĐT tỉnh Cao Bằng, khó khăn lớn nhất của dự án lúc này là nguồn vốn tín dụng. "Hiện nay, nhà đầu tư quan tâm dự án đã ký thỏa thuận hợp tác với VP Bank. Tuy nhiên, chưa rõ hạn mức điều kiện và hạn mức cung cấp tín dụng cho dự án", ông Hữu chia sẻ.

Ông Hồ Minh Hoàng - Chủ tịch HĐQT Tập đoàn Đèo Cả phát biểu tại cuộc họp

Ông Hồ Minh Hoàng - Chủ tịch HĐQT Tập đoàn Đèo Cả phát biểu tại cuộc họp

"Vốn địa phương thiếu ở đâu sẽ bù ở đó"

Đại diện liên danh nhà đầu tư quan tâm dự án, ông Hồ Minh Hoàng, Chủ tịch HĐQT Tập đoàn Đèo Cả nói thẳng: "Chúng tôi đã đầu tư hơn 100 nghìn tỷ đồng vào các dự án hạ tầng giao thông nhưng chưa có dự án nào đặc biệt như cao tốc Đồng Đăng - Trà Lĩnh".

Phân tích những điều đặc biệt tại dự án này, ông Hoàng cho biết, trước hết là về quy hoạch, dự án được điều chỉnh thực hiện trong giai đoạn trước năm 2030 thay vì sau năm 2030 như quyết định ban đầu. Tiếp đó, cơ quan nhà nước có thẩm quyền tại dự án được chuyển đổi từ Bộ GTVT về UBND tỉnh Cao Bằng. Đặc biệt, dự án đã được rà soát điều chỉnh để tối ưu hướng tuyến, qua đó giảm tổng mức đầu tư từ hơn 44 nghìn tỷ đồng xuống còn hơn 23 nghìn tỷ đồng.

Theo ông Hoàng, dự án cao tốc Đồng Đăng - Trà Lĩnh triển khai theo hình thức đối tác công tư (PPP), trong đó, cơ cấu nguồn vốn áp dụng mô hình 3P, gồm: P1 (vốn ngân sách nhà nước hỗ trợ: 6.580 tỷ đồng), P2 (vốn nhà đầu tư: 1.400 tỷ đồng) và P3 (các nguồn vốn khác: 6.351 tỷ đồng).

Muốn thông đường thực địa phải thông đường "trách nhiệm"

"Tập đoàn Đèo Cả đã giải cứu thành công cao tốc Bắc Giang - Lạng Sơn ở phía Bắc, cao tốc Trung Lương - Mỹ Thuận ở phía Nam và thực hiện đầu tư chuỗi hầm xuyên núi như: Đèo Cả, Cổ Mã, Cù Mông, Hải Vân 2,… kinh nghiệm rút ra là muốn thông đường thực địa thì phải thông đường trách nhiệm", ông Hồ Minh Hoàng nói và chia sẻ, trách nhiệm ở đây là các cam kết của cơ quan nhà nước có thẩm quyền đối với nhà đầu tư, nhà tài trợ tín dụng dự án phải được thực hiện triệt để.

Về phía ngân hàng quan tâm đến dự án, ông Nguyễn Tiến Thành, đại diện Ngân hàng TMCP Việt Nam Thịnh Vượng (VP Bank) khẳng định: "Cao tốc Đồng Đăng - Trà Lĩnh là dự án có quy mô rất lớn, chúng tôi đang nghiên cứu, xem xét tài trợ vốn cho dự án và sẽ phản hồi trong ngay trong tháng này".

Điều khiến đại diện VP Bank còn cấn cá là phần vốn nhà nước tham gia hỗ trợ dự án hiện ở tỷ lệ dưới 50% tổng mức đầu tư. "Chúng tôi đề nghị UBND tỉnh Cao Bằng có ý kiến với Chính phủ để tăng thêm phần vốn hỗ trợ của nhà nước lên trên 50% nhằm giảm áp lực tài chính cho nhà đầu tư", ông Thành đề xuất.

Phản hồi các ý kiến của ngân hàng và nhà đầu tư quan tâm dự án, ông Hoàng Xuân Ánh, Chủ tịch UBND tỉnh Cao Bằng khẳng định: "Tỉnh Cao Bằng sẽ bố trí đủ nguồn vốn ngân sách nhà nước tham gia hỗ trợ dự án và thực hiện đầy đủ các cam kết với vai trò là cơ quan nhà nước có thẩm quyền về công tác giải phóng mặt bằng, nguồn vật liệu thi công".

Ông Hoàng Xuân Ánh, Chủ tịch UBND tỉnh Cao Bằng nhấn mạnh: "Tỉnh Cao Bằng sẽ dừng hết các dự án khác để tập trung mọi nguồn lực cho cao tốc Đồng Đăng - Trà Lĩnh"

Ông Hoàng Xuân Ánh, Chủ tịch UBND tỉnh Cao Bằng nhấn mạnh: "Tỉnh Cao Bằng sẽ dừng hết các dự án khác để tập trung mọi nguồn lực cho cao tốc Đồng Đăng - Trà Lĩnh"

Đồng thời, ông Ánh cho biết, thời gian tới, UBND tỉnh Cao Bằng sẽ tiếp tục làm việc với các bộ, ngành liên quan để kiến nghị Chính phủ báo cáo Quốc hội cho phép nâng tỷ lệ vốn hỗ trợ của nhà nước tại cao tốc Đồng Đăng - Trà Lĩnh lên hơn 50% tổng mức đầu tư của dự án.

"Đối với VP Bank và nhà đầu tư quan tâm dự án, bất cứ thời gian nào kể cả ngày nghỉ nếu có vấn đề gì còn lấn cấn về dự án cao tốc Đồng Đăng - Trà Lĩnh, chúng tôi cũng đều sắp xếp thời gian để làm rõ mọi vấn đề", Chủ tịch UBND tỉnh Cao Bằng nhấn mạnh.

Đề cập đến phần vốn của ngân sách địa phương tham gia hỗ trợ dự án (4.080 tỷ đồng), người đứng đầu chính quyền tỉnh Cao Bằng nói thẳng: "Tỉnh Cao Bằng sẽ dừng hết các dự án khác để tập trung mọi nguồn lực cho cao tốc Đồng Đăng - Trà Lĩnh. Dù việc bố trí vốn còn phải phụ thuộc vào nguồn thu hàng năm của địa phương, nhưng chúng tôi cam kết nếu thiếu chỗ này sẽ bù bằng chỗ khác để đảm bảo đủ vốn triển khai cao tốc Đồng Đăng - Trà Lĩnh".

Dự án cao tốc Đồng Đăng - Trà Lĩnh có tổng chiều dài khoảng 93,35 km đi qua địa bàn các huyện Văn Lãng, Tràng Định (tỉnh Lạng Sơn); huyện Thạch An và Quảng Hòa (tỉnh Cao Bằng).

Điểm đầu dự án Km0+00 tại nút giao khu vực cửa khẩu Tân Thanh, huyện Văn Lãng, tỉnh Lạng Sơn; Điểm cuối Km93+350 điểm giao với QL3 thuộc xã Chí Thảo, huyện Quảng Hòa, tỉnh Cao Bằng.

Tuyến cao tốc Đồng Đăng - Trà Lĩnh giai đoạn 1 được đầu tư xây dựng với quy mô 4 làn xe, nền đường rộng 17 m (đối với các đoạn thông thường) và 13,5 m (đối với các đoạn khó khăn), đảm bảo cho xe chạy với tốc độ 80 km/h.

Ngoài việc xây dựng phần đường, các nút giao và 46 công trình cầu, trên tuyến cao tốc Đồng Đăng - Trà Lĩnh sẽ xây dựng 2 hầm xuyên núi. Trong đó hầm số 1 tại khoảng Km49 (huyện Tràng Định, tỉnh Lạng Sơn) gồm 2 ống hầm (trái, phải) dài 220 m, hầm số 2 được xây dựng tại khoảng Km72 (huyện Thạch An, tỉnh Cao Bằng) gồm 2 ống hầm (trái, phải) dài gần 500 m.

Đình Quang

Nguồn GTVT: https://tapchigiaothong.vn/thong-duong-trach-nhiem-cao-toc-dong-dang-tra-linh-183231009152241311.htm