Thông điệp mùa dịch qua 'Nhật ký COVID và những chuyện chưa kể'

'Nhật ký COVID và những chuyện chưa kể' ra đời trong những ngày cả nước đang nóng lên vì đợt bùng phát thứ tư của dịch COVID-19.

Sau thành công của cuốn Để yên cho bác sĩ "hiền" (ra mắt năm 2018 và liên tục được in nối bản, tái bản), tên tuổi tác giả Hùng Ngô – bác sĩ Ngô Đức Hùng đã trở nên thân thuộc với hàng triệu độc giả cả nước, những người hâm mộ anh qua mạng xã hội Facebook và cả những kẻ thuộc trường phái thực dưỡng – anti fan của anh.

Những câu chuyện đời, chuyện nghề lại tiếp tục được anh giãi bày trong tập thứ hai Để yên cho bác sĩ "hiền"-

Độc giả yêu văn phong của Hùng Ngô lại một lần nữa được trải nghiệm cùng anh những câu chuyện sống động về 3 mùa dịch đã qua với rất nhiều những cung bậc cảm xúc qua giọng văn đa thanh, phức điệu.

Cuốn sách được cấu trúc gồm 5 phần tương ứng với những giai đoạn của thực tế 2 năm bệnh dịch trên toàn cầu, với những câu chuyện có thật, sống động.

Bs. Ngô Đức Hùng tác giả cuốn sách Nhật ký COVID và những chuyện chưa kể (ảnh H.Nguyên)

Hiểu về bệnh dịch để bớt hoang mang

Phần mở đầu khái quát về dịch bệnh, nguồn gốc virus trong lịch sử nhân loại, những tri thức khoa học được đơn giản hóa qua cách diễn giải của tác giả khiến người xem bớt đi nỗi ám ảnh, sợ hãi con virus vô hình đang thống trị cả thế giới. Để từ đó, chúng ta hiểu rằng sẽ đến một lúc, ta buộc phải cách tồn tại song song với thứ David tí hon đó như đã từng vượt qua những đại dịch như Dịch hạch đen, SARS, MERS,…

Ngay trong phần mở đầu, những gợi nhắc về những cuộc truy tìm F0- cuộc săn lùng phù thủy khiến độc giả nhớ lại những búa rìu dư luận, những cay nghiệt của cộng đồng mạng đổ xuống đầu các F0 từ đợt dịch đầu tiên đến nay, gây nên một tâm lý hoảng loạn, sợ sệt và giấu diếm thông tin, dẫn đến khó khăn cho công tác chống dịch.

COVID-19, em là ai ? là sự đúc rút những thông tin kiếm tìm nguồn gốc, nhận diện chủng virus qua những đợt chống dịch của năm 2020, qua những câu chuyện bi hài về các anh hùng cõi mạng, các thánh thực dưỡng chia sẻ những kinh nghiệm phản khoa học chống COVID như uống nước tiểu, nuốt trứng sống, uống thuốc chữa sốt rét,… gây ngộ độc cho bệnh nhân.

Trải nghiệm thực tế về sức mạnh của những điều tử tế

Phần nội dung gồm 3 chương, là những câu chuyện của Năm covid thứ nhất, Năm Covid thứ hai, và xen giữa là Những tháng ngày bình yên quý giá và ngắn ngủi. Là một bác sĩ khoa Hồi sức cấp cứu của Bệnh viện Bạch Mai, Ngô Đức Hùng luôn phải đối mặt với những ca bệnh hiểm nghèo và những trạng thái căng thẳng khi tiếp nhận, cứu chữa cho bệnh nhân tuyến cuối.

Em bé ở BV dã chiến Chí Linh được ra viện tác giả đã tranh thủ xin chụp ảnh cùng

(ảnh Hùng Ngô)

Khoa của anh cũng là đơn vị thường xuyên bị điều động tăng cường cho các bệnh viện dã chiến trong các khu cách li. Ngô Hùng luôn là người tình nguyện xông pha vào tâm dịch.

Những điều anh viết ra là những hiện thực chân thực của một người trực tiếp làm nghề, chứng kiến và thấu hiểu giá trị của sinh mạng, từ sản phụ băng huyết mắc COVID trong đợt đầu dịch, ra đi trong cô đơn, ngày đoàn tụ với gia đình chỉ là lọ tro, đến bệnh nhân ung thư di căn giai đoạn cuối, các bác sĩ phải nỗ lực chữa khỏi COVID để anh ta được ra đi thanh thản bên gia đình.

"Mỗi sinh mạng đều đáng quý. Ngay cả cái chết cũng có ý nghĩa khác nhau, dù cho tình huống không còn can thiệp được gì nữa, nó vẫn gợi cho người bác sĩ nhiều trăn trở… Thế nên, dù tuyệt vọng, bạn vẫn nên tự hỏi quyết định ấy có đáng hay không?"

Những câu chuyện trong khu cách ly được viết lại với giọng hài hước, tếu táo, tinh nghịch của một tâm hồn luôn lạc quan. Qua miêu tả của Ngô Đức Hùng, nỗi vất vả của đội ngũ y bác sĩ chống dịch hiện lên muôn màu muôn vẻ.

Những bác sĩ trong bộ đồ "nuôi ong" lấy mẫu xét nghiệm tại tâm dịch Hải Dương tháng 2/2021 (ảnh Hùng Ngô)

Từ nỗi khổ của mùa nóng, trùm lên người bộ đồ bảo hộ "người nuôi ong" trị giá bạc triệu suốt 8 tiếng không dám cởi, mồ hôi vã ra như tắm, đến những khó khăn khi tấm chắn giọt bắn mờ mịt hơi nước do độ kín của khẩu trang N95, nhòe nhoẹt, không thể lấy ven cho bệnh nhân, không thể lau kính, họ phải bật quạt giữa mùa đông để thổi bay hơi nước, từ những sự khó chịu đau đớn vì phải lấy dịch hầu họng xét nghiệm định kỳ đến nỗi ám ảnh chính mình có thể trở thành F0 khi tiếp xúc với bệnh nhân.

Tác giả đưa ra khái niệm mới về "người tử tế": "Trong cuộc đời của mỗi người tử tế, điều khiến họ áy náy và bất an nhất, đôi khi hoảng loạn, là lúc họ biết mình trở thành mối họa cho người khác". Vì thế, đội ngũ y tế luôn phải tự bảo vệ chính mình để bảo vệ những người họ đang phục vụ.

Chăm sóc cho bệnh nhân COVID-19 tại BV dã chiến số Chí Linh, Hải Dương (ảnh Hùng Ngô)

Theo bước chân tác giả trong trại cách ly, người đọc cảm nhận được không khí yêu thương, chia sẻ và đoàn kết của những người bệnh, sự hồn nhiên của những em bé vô tình mắc COVID.

Tuy không phải không có những kẻ cậy quyền, cậy thế, đòi hỏi vô lý khi đang là bệnh nhân nhưng trên hết vẫn là tình người trong hoạn nạn. Những câu chuyện về các đợt cứu trợ, tiếp sức để bảo vệ bác sĩ 24h bằng cả vật chất và tinh thần, sự chia sẻ của bác sĩ với những bệnh nhân phải cách ly với thân nhân đều ấm áp tình người.

Câu chuyện hài về cả gia đình đi cách ly vì anh chồng đi đâu về mang bệnh cho cả nhà, hôm đầu, vợ chồng giận nhau không thèm nói câu gì, qua vài hôm tíu tít cùng chăm các con. Hóa ra, trong lúc khó khăn, con virus cũng có khả năng hàn gắn một gia đình.

Phút nghỉ ngơi của bác sĩ sau những giờ làm việc căng thẳng, vất vả (ảnh Hùng Ngô)

Thông điệp chống kỳ thị người bệnh

Xuyên suốt cuốn nhật ký là những câu chuyện về thái độ phân biệt đối xử cực đoan với những người mắc bệnh và những người liên quan, đặc biệt là sự kỳ thị dành cho đội ngũ y bác sĩ tham gia chống dịch.

Có những câu chuyện mang màu sắc hài hước, nhưng cũng có những chuyện làm người ta nhói lòng. Chuyện bác nông dân phải vào bệnh viện điều trị, ngày ngày ủ dột lo đôi lợn ở nhà chết đói vì hàng xóm bốn bên không ai sang giúp đỡ vì sợ nhiễm bệnh.

Bức ảnh được phác họa trong cuốn sách của tác giả̉ (ảnh Hùng Ngô)

Bản thân tác giả cũng rơi vào trạng thái bị xa lánh ở khu chung cư từ lúc bùng dịch. Những câu chuyện xót xa về đồng nghiệp của anh bị vu khống trên mạng nội bộ khu dân cư, những người mắc bệnh bị truy vết và đấu tố trên các mạng thông tin, cho thấy sự "ác ý hồn nhiên" của dư luận và độ nguy hiểm của việc kỳ thị bệnh nhân.

"Triệu chứng của họ có thể không có gì, nhưng nỗi sợ mơ hồ về sự kỳ thị, nỗi sợ khi mình trở thành nguồn lây nhiễm cho người khác mới nặng nề trong mỗi người". Những điều anh viết có thể là suy nghĩ của nhiều người, thậm chí, trước khi viết sách, anh đã đưa lên các status cá nhân để bảo vệ cho những bệnh nhân bị bới móc đời tư, bị miệt thị và chính Ngô Đức Hùng cũng gánh chịu nhiều comment ác ý, mang tính nguyền rủa.

Trân quý những điều bình dị bé nhỏ

Những tháng ngày bình yên nằm giữa 2 năm COVID, là khoảnh khắc yên bình quý giá với toàn xã hội khi không còn lệnh giãn cách. Trong khoảnh khắc ấy, người bác sĩ có thời gian thảnh thơi một chút về tâm hồn nhưng lại ngập trong cường độ công việc vì giải quyết lượng bệnh nhân đổ dồn đến viện sau dịch.

Lo âu và căng thẳng xếp lại, Hùng Ngô lại về với đúng chất tinh nghịch của mình với những cách trị bệnh không giống ai, những câu chuyện xử lý tình huống mà bác sĩ "không thể hiền".

Đấy là những câu chuyện cười ra nước mắt như nhiều câu chuyện đã kể ở tập 1, độc giả có thể nhận ra giọng văn châm biếm đã thành phong cách đặc trưng của facebooker Hung Ngo.

Một góc bệnh viện qua góc nhìn của tác giả (ảnh Hùng Ngô)

Đan xen chất hài hước là chút mộng mơ của một tâm hồn yêu cái đẹp, biết rung động, cảm nhận những vẻ đẹp của cuộc sống mà như anh tự nhận là "ham đi nhiều để ngắm thiên hạ sống và yêu".

Hùng Ngô tỉ mẩn quan sát từng chi tiết của cuộc sống, miêu tả thiên nhiên qua những góc nhìn rất độc và lạ, liên tưởng đến xã hội loài người. Có những trang viết mang màu sắc tản văn và đậm chất thơ ra đời trong những khoảnh khắc anh nghỉ dưỡng bệnh. Có lẽ, những lúc ấy, tác giả mới được sống cho chính mình, sống chậm để tận hưởng.

Cuốn sách Nhật ký COVID và những chuyện chưa kể

Bên cạnh những cuốn sách chuyên ngành, hai tập Để yên cho bác sĩ "hiền" đã, đang và sẽ là những cuốn sách được độc giả đón nhận không chỉ vì độ "hot" của tác giả, tính thời sự của nội dung, văn phong độc đáo, ngôn ngữ "chua ngoa" – như độc giả đánh giá, mà còn vì những thông điệp nhân văn, giản dị.

"Nhật ký COVID và những chuyện chưa kể" sẽ tiếp thêm niềm tin cho chúng ta về sự tử tế của con người, về sức mạnh của tinh thần đoàn kết, nhân ái của cộng đồng trong những ngày đại dịch hoành hành khắp thế giới và hướng con người tới những điều tốt đẹp dù bé nhỏ.

Thanh Nga

Nguồn SK&ĐS: https://suckhoedoisong.vn/thong-diep-mua-dich-qua-nhat-ky-covid-va-nhung-chuyen-chua-ke--n192502.html