Thôn, bản miền núi đổi thay nhờ có điện

Những năm qua, Quảng Trị đã nỗ lực hoàn thiện hạ tầng lưới điện trên địa bàn tỉnh, nhất là khu vực vùng sâu, vùng xa, biên giới, hải đảo. Cuối năm 2016, Cát, Trỉa, xã Hướng Sơn, huyện Hướng Hóa là hai thôn cuối cùng ở địa bàn huyện miền núi của tỉnh có điện. Đến nay, 100 % xã, phường, thị trấn từ đất liền đến hải đảo của tỉnh đã có điện. Việc 'bao phủ' điện lưới quốc gia đã góp phần thúc đẩy kinh tế-xã hội, giữ vững quốc phòng - an ninh cho địa phương, nhất là ở địa bàn vùng sâu, vùng xa.

Nhờ có điện, ông Hồ Văn Keng ở xã A Dơi, huyện Hướng Hóa sắm máy móc để làm dịch vụ xay xát lúa -Ảnh: T.N

Nhờ có điện, ông Hồ Văn Keng ở xã A Dơi, huyện Hướng Hóa sắm máy móc để làm dịch vụ xay xát lúa -Ảnh: T.N

Điện về thôn Cát, Trỉa thuộc Dự án nâng cấp và mở rộng lưới điện phân phối nông thôn tỉnh Quảng Trị (Dự án ADB) có quy mô 12,43 km đường dây trung áp đi qua địa hình rừng núi hiểm trở và 5,1 km đường dây hạ áp, 2 trạm biến áp. Thôn Cát và thôn Trỉa nằm cách trung tâm xã Hướng Sơn hơn 18 km, có 114 hộ dân người dân tộc Vân Kiều sinh sống.

Đời sống của người dân nơi đây còn nghèo, giao thông đi lại rất khó khăn, nhất là về mùa mưa. Để đến được thôn Cát, Trỉa phải vượt qua đoạn đường núi gần 20 km hiểm trở, gập ghềnh một bên là núi đá, một bên là bờ vực sâu, đoạn đường hẹp chỉ đủ cho một chiếc xe lưu thông. Kể từ khi có điện, cuộc sống của người dân nơi đây đã được cải thiện đáng kể. Trưởng thôn Trỉa Hồ Văn Đàn cho biết, từ khi điện lưới quốc gia về bản, người dân mới có điều kiện mua sắm tivi, tủ lạnh, quạt máy, nồi cơm điện... để sử dụng nên cuộc sống đã được đổi thay.

Thôn Bụt Việt, xã Hướng Phùng, huyện Hướng Hóa là một trong những thôn, bản nằm cách xa trung tâm huyện hàng chục cây số với địa hình cách trở. Khi chưa có điện, cuộc sống của người dân ở đây gặp nhiều khó khăn.

Quanh năm chỉ có ánh đèn dầu, dân bản không thể tiếp cận với những thông tin hữu ích, đây là rào cản lớn khiến đời sống bà con ở đây càng khó khăn hơn và kinh tế chậm phát triển. Điều mong mỏi lớn nhất của bà con nơi đây sau thời gian dài chờ đợi cuối cùng đã đến.

Nhờ sự hỗ trợ của ngành điện đã đầu tư, xây lắp 3 trạm biến áp là Cỏ Nhổi, Cợp và Hướng Độ thuộc địa bàn xã Hướng Phùng. Đến cuối năm 2004, toàn bộ 18 cụm thôn, bản ở Hướng Phùng có điện, trong đó có thôn Bụt Việt. Trưởng thôn Bụt Việt Hồ Văn Yên cho biết, toàn thôn có 133 hộ gia đình với 713 nhân khẩu, đời sống bà con chủ yếu dựa vào nương rẫy. Từ khi có điện, người dân được tiếp cận với khoa học kỹ thuật, nhiều cách làm hay được áp dụng vào chăn nuôi, trồng trọt; nắm được các chủ trương, chính sách hỗ trợ của Nhà nước nên kinh tế của người dân được nâng lên.

Đội Quản lý điện tổng hợp Hướng Phùng thuộc Điện lực Khe Sanh có nhiệm vụ quản lý 140 km hệ thống đường dây trung thế 22 kV, 80 km đường dây và 75 trạm biến áp hạ thế 0,4 kV với hơn 3.100 khách hàng thuộc địa bàn các xã Hướng Phùng, Hướng Sơn, Hướng Lập và Hướng Việt.

Đội trưởng Đội Quản lý điện tổng hợp Hướng Phùng Thái Tăng Đạo cho biết, vì đóng tại địa bàn vùng sâu, vùng xa, lượng khách hàng chủ yếu là đồng bào dân tộc thiểu số nên công tác quản lý, triển khai các chương trình chăm sóc khách hàng gặp nhiều khó khăn.

Tuy nhân viên chỉ có 8 người nhưng đơn vị chủ động bố trí đủ người trực tại trạm để xử lý sự cố và triển khai về tận các bản để kiểm tra, bảo dưỡng đường dây, trạm biến áp, đồng thời tuyên truyền người dân sử dụng điện an toàn, tiết kiệm, hướng dẫn người dân cài đặt ứng dụng chăm sóc khách hàng trên điện thoại thông minh để giảm bớt thời gian đi lại thanh toán tiền điện của bà con.

Có thể khẳng định, điện về tận các thôn, bản không chỉ làm thay đổi cảnh quan vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số mà còn góp phần xóa đói giảm nghèo, cải thiện, nâng cao đời sống vật chất và tinh thần cho Nhân dân.

Phó Chủ tịch UBND huyện Hướng Hóa Lê Quang Thuận cho biết, từ khi được quan tâm đầu tư hệ thống lưới điện, các địa bàn vùng khó của huyện đã được đổi thay. Nhờ có điện, bà con được tiếp cận với kỹ thuật canh tác nông, lâm nghiệp qua các phương tiện thông tin.

Nhiều gia đình mạnh dạn vay vốn, đầu tư dịch vụ xay xát lúa, mở xưởng cơ khí, cưa xẻ gỗ để phát triển kinh tế. Điện đã hỗ trợ rất lớn cho địa phương trong công tác xóa đói giảm nghèo, nâng cao trình độ dân trí của người dân.

Với đặc thù là địa bàn vùng miền núi khó khăn, hiểm trở, khí hậu khắc nghiệt nên hạ tầng lưới điện thường xuyên chịu ảnh hưởng của thiên tai.

Do đó, rất cần sự hỗ trợ tích cực của ngành điện trong việc duy tu, bảo dưỡng và nâng cấp hạ tầng lưới điện nhằm cung ứng nguồn điện an toàn, liên tục, hỗ trợ đắc lực cho công cuộc xây dựng huyện miền núi Hướng Hóa ngày càng phát triển.

Tân Nguyên

Nguồn Quảng Trị: http://www.baoquangtri.vn/kinh-te/thon-ban-mien-nui-doi-thay-nho-co-dien/181206.htm