Thời trang teen, khó đủ điều!

PN - Các nhà sản xuất, thiết kế lâu nay không mặn mà với thị trường thời trang tuổi teen vì yêu cầu phải thật đa dạng và luôn đổi mới thiết kế nên bỏ mặc cho hàng ngoại, nhất là hàng Trung Quốc, chiếm lĩnh thị trường.

Teen bị bỏ rơi Điểm lại các thương hiệu nội, ngoại dành cho teen, nhiều mẫu quá già hoặc trẻ so với tuổi teen. Do quá ít mẫu ưng ý nên teen thường mặc theo mẫu số chung: nữ thì quần lửng, áo thun, đầm dây, đầm bí…; nam cũng quần lửng, áo thun, sơ mi khoác ngoài. Trong khi teen thích thể hiện cá tính thì người lớn lại bị “sốc”. Phong cách “sốc” thường xuất hiện ở khu vực chơi game, bowling. Teen nữ thì diện váy, áo, vớ có màu sắc “tả pí lù”; trên đầu gắn hàng chục chiếc nơ, kẹp; đeo kính... không tròng và mang giày mỗi chiếc một màu. Hoặc, các cô nàng mặc áo thụng với quần thun ôm, vớ dài, giày búp bê; ghi lê và áo tay ngắn, hay mặc nhiều áo đủ màu, quần short, váy ngắn cạp cao, hay quần baggi (trên thụng, ống bó); đeo: dây chuyền chằng chịt, vòng tay, mũ rộng vành, túi bự quai dài. Trong đó, “mốt Harajuku” theo phong cách teen Nhật Bản phối hợp tự do, phá cách, màu sắc sặc sỡ không theo cùng gam màu cũng khá phổ biến. Teen nam thì đầu tóc tỉa như… “trái sầu riêng” lỗ chỗ trắng, vàng; quần đáy thụng, cạp trễ; ba - bốn lớp áo phối dây đeo, theo kiểu “hoàng tử, công chúa, baby”… Thời trang cho tuổi teen càng "độc" càng dễ bán Theo nhà thiết kế Trọng Nguyên, thiết kế thời trang cho teen rất khó, vì phải làm nhanh, "tiêu hóa" gọn, nếu không sẽ bị “thiu”. Vì thế các teen đành chọn “thức ăn” có sẵn, thay vì phải tìm phong cách riêng cho mình. Việc các teen chạy theo phong cách Hàn Quốc, Nhật Bản, Trung Quốc, "chiếu" theo thần tượng trên các phim chiếu nhan nhản trên truyền hình hiện nay cũng là điều dễ hiểu. Các chủ shop thời trang trên đường Lê Văn Sỹ (Q.Phú Nhuận), Phạm Ngũ Lão (Q.Gò Vấp), Nguyễn Trãi (Q.5, TP.HCM) cho biết, nguồn quần áo, giày dép, phụ kiện cho teen chủ yếu nhập từ Hàn Quốc, Hồng Kông, Thái Lan, Trung Quốc… Các shop cũng có vài mẫu hàng hiệu nhái “made in VN” nhưng giới trẻ vẫn chuộng những mẫu thời trang lạ mắt; càng “độc”, càng không đụng hàng, càng bán được, dù giá cao. Để cạnh tranh, các shop thường xuyên nhập mẫu mới và treo bảng “hàng mới về” để thu hút “thượng đế”. Khó đủ điều! Trước đây, Việt Tiến, F8… cũng nhắm đến thị trường này, nhưng sau một thời gian tiếp cận khách hàng teen đã không tìm thấy sự đồng cảm. Cuối cùng nhãn hiệu Veesanding giải tán, nhãn hiệu F8 chuyển sang phục vụ khách lớn tuổi. Khánh Vy - thành viên của nhãn hiệu F8 cho biết, không chỉ thiết kế theo tiêu chí trẻ trung, phá cách, thời trang teen còn liên quan đến chất liệu vải, công nghệ in ấn… để may hàng loạt, nhưng nhân lực của F8 không đủ, mỗi mã hàng chỉ may hai hoặc ba bộ, nên không định hình một phong cách có sức ảnh hưởng lớn. Một số nhãn hiệu thời trang trong nước như Foci, Sea, Ninomax… cũng nhắm vào đối tượng trẻ nhưng chủ yếu là lứa tuổi trên 25. Khi được hỏi vì sao bỏ rơi thị trường tuổi teen, nhiều nhà thiết kế đổ cho lý do hàng ngoại nhập gần như chiếm lĩnh thị trường. Thực tế không hẳn như vậy, bởi các nhãn hiệu thời trang dành cho teen như Molo, Bambo… vẫn có lượng khách nhất định nhờ phong cách thiết kế riêng, không “lai căng” mà vẫn theo mốt. Ông Phạm Quốc Uy - chủ hệ thống thời trang Molo cho rằng: chất liệu, màu sắc vải trong nước quá đơn điệu, nguồn cung không ổn định, nên phải nhập vải với giá thành cao, khó cạnh tranh giá với hàng ngoại. Nguồn vải trong nước có giá rẻ hơn nhưng lại không tươi trẻ, thời trang, trong khi teen liên tục thay đổi "gu" ăn mặc. Đó cũng là một trong những lý do khiến các công ty dệt may chưa đầu tư thiết kế vải riêng cho teen. Nhà thiết kế Anh Vũ cho biết, ở Quảng Châu, Trung Quốc, có siêu thị về nguyên phụ liệu thời trang, trong đó có bán các loại vải vóc, phụ liệu đặc biệt dành cho lứa tuổi này. Còn ở ta, muốn tìm hoa văn, họa tiết thích hợp thì phải đặt, chi phí càng đội lên. Teen thường dễ bị tác động bởi thời trang của thần tượng, nhân vật trong phim, truyện, game… nên dễ dàng thay đổi phong cách, đòi hỏi nhà thiết kế phải hiểu rõ tâm sinh lý lứa tuổi này, liên tục tạo ra các mẫu mới. Một thực tế khác là không ít phụ huynh vẫn áp đặt con phải mặc theo ý thích của mình, khiến nhà thiết kế không dám mạo hiểm đưa ra định hướng riêng vì ngại bán không được hàng. Ngọc Lâm - Nguyễn Cẩm

Nguồn Phụ Nữ TP.HCM: http://www.phunuonline.com.vn/thoitrang-lamdep/2010/Pages/thoi-trang-teen-kho-du-dieu.aspx