Thời tiết nồm ẩm, gia tăng người mắc bệnh về da liễu

Bệnh viện Da liễu Trung ương ghi nhận gia tăng người đến khám bệnh nấm da hay còn gọi là hắc lào, lang ben và các bệnh dị ứng, viêm da cơ địa, nguyên nhân do thời tiết nồm ẩm kéo dài.

BS Nguyễn Thị Hà Vinh, Bệnh viện Da liễu Trung ương cho biết, mùa nồm ẩm do đặc trưng liên quan đến phát triển nấm, vi khuẩn, virus ký sinh trùng, các tác nhân trong không khí gây tình trạng dị ứng. Do vậy, người bệnh đến khám do nhiễm khuẩn, dị ứng, trứng cá tăng gấp rưỡi đến gấp đôi so với thông thường.

Bệnh viện ghi nhận gia tăng tình trạng người đến khám nấm da hay còn gọi là hắc lào, lang ben…Ngoài ra còn các mặt bệnh liên quan đến dị ứng, viêm da dị ứng do phấn hoa, kích ứng do côn trùng…cũng tăng lên theo thời tiết nồm ẩm.

"Bên cạnh đó còn có viêm da cơ địa, thường bị nặng mùa hanh khô, nhưng thời tiết này cũng làm bệnh nặng hơn, nhất là ở trẻ nhỏ chạy nhảy nhiều, ra mô hồi ở các nếp kẽ, ẩm ướt, làm tình trạng viêm da nặng, hoặc bội nhiễm thêm vi khuẩn virus khác, hoặc bội nhiễm về trứng cá, da nhiều bã nhờn, mồ hôi, tạo điều kiện cho vi khuẩn phát triển, nang lông bít tắc… gây tình trạng nặng lên", BS Vinh cho biết.

Thời tiết nồm ẩm, nhiều người mắc bệnh về da liễu.

BS Vinh lưu ý, trẻ nhỏ hay gãi, cào nên tình trạng bệnh viêm da bội nhiễm nặng thêm. Bên cạnh đó, các bố mẹ cũng chưa có cách chăm sóc đúng, cho con tắm nước muối, nước lá hoặc nước bị nóng quá làm ảnh hưởng tới da của trẻ nhỏ. Đặc biệt, bố mẹ mua thuốc không rõ nguồn gốc, hoặc thuốc không đúng chỉ định, khiến bệnh không khỏi, có xu hướng nặng lên. Khi bố mẹ đưa con đến bác sĩ thì không còn là bệnh chẩn đoán ban đầu, mà có thể là 1, 2 tình trạng bệnh khác nữa.

Một sai lầm thường gặp nữa là bố mẹ mua các loại thuốc lá, kem không rõ thành phần, có thể có corticoid… không phù hợp trong điều trị. Với thuốc nam, thuốc lá dễ làm cho viêm da cơ địa chảy dịch nhiều hơn, đóng vẩy dày, nơi vi khuẩn, virus xâm nhập sau khi làn da bị tổn thương

BS Vinh khuyến cáo, với viêm da cơ địa không biến chứng, bác sĩ có thể kê đơn điều trị tại nhà. Trường hợp nặng bội nhiễm, phải điều trị nội trú tích cực, với kháng sinh đường uống và bôi, điều trị 1-2 tuần mới đỡ. Tuy nhiên, với các bệnh mạn tính không thể điều trị dứt điểm trong 1-2 ngày nên người bệnh cần kiên trì tuân thủ phác đồ điều trị của bác sĩ.

Trần Hằng

Nguồn CAND: https://cand.com.vn/y-te/thoi-tiet-nom-am-gia-tang-nguoi-mac-benh-ve-da-lieu--i725388/