Thời tiết giao mùa, nguy cơ dịch chồng dịch

Cùng với dịch sốt xuất huyết (SXH), tay chân miệng, thủy đậu, đau mắt đỏ vẫn diễn biến phức tạp, các dịch bệnh về đường hô hấp, cúm… cũng đang có chiều hướng tăng cao số ca mắc do ảnh hưởng của thời tiết giao mùa thu - đông, gây nguy cơ dịch chồng dịch.

Gia tăng trẻ nhập viện vì bệnh hô hấp

Tại Trung tâm Nhi khoa, Bệnh viện Bạch Mai (Hà Nội), những ngày gần đây, số trẻ nhập viện tăng khá cao, khiến một số phòng điều trị quá tải. Bác sĩ Nguyễn Thành Nam, Giám đốc Trung tâm Nhi khoa, cho biết, theo dịch tễ bệnh dịch, vào giai đoạn cuối tháng 10 và tháng 11, số trẻ nhập viện thường gia tăng, nhất là nhóm trẻ dưới 5 tuổi, do thời tiết thay đổi thất thường khiến trẻ hay mắc một số bệnh đường hô hấp.

Còn tại Bệnh viện Nhi Trung ương, số trẻ được đưa tới khám, điều trị các bệnh về đường hô hấp, cảm cúm tăng khá cao. Theo PGS-TS Lê Thị Hồng Hanh, Giám đốc Trung tâm Hô hấp, Bệnh viện Nhi Trung ương, phần lớn trẻ bị nhiễm virus hợp bào hô hấp, có biểu hiện viêm phổi, ho, sốt, khó thở, một số ca nặng bị suy hô hấp.

Bệnh nhi mắc bệnh về đường hô hấp nhập viện điều trị tại Bệnh viện Nhi đồng 1, TPHCM

Ghi nhận tại TPHCM cho thấy, những ngày qua, lượng bệnh nhi mắc bệnh hô hấp nhập viện cũng có xu hướng tăng nhanh. Bác sĩ Lê Minh Lan Phương, Trưởng khoa Khám bệnh, Bệnh viện Nhi đồng 1, thông tin, mỗi ngày bệnh viện khám khoảng 4.500 bệnh nhi; cao điểm có ngày lên đến khoảng 5.700 ca, trong đó có nhiều trẻ mắc các bệnh lý về đường hô hấp. Trong khi một tháng trước đó, trung bình mỗi ngày bệnh viện tiếp nhận khoảng 4.200-4.300 bệnh nhi.

Còn tại Bệnh viện Nhi đồng Thành phố, BS CKII Nguyễn Minh Tiến, Phó Giám đốc bệnh viện, cho hay, từ đầu tháng 10 đến nay, bệnh viện tiếp nhận khám ngoại trú gần 5.000 trẻ mắc các bệnh hô hấp như viêm tiểu phế quản, viêm phổi, hen suyễn, hen phế quản, nhiễm khuẩn hô hấp cấp. Một số bệnh nhi diễn tiến nặng, phải thở ôxy dòng cao, thở máy, thậm chí can thiệp ECMO (tuần hoàn ngoài cơ thể).

Theo các bác sĩ, trong giai đoạn thời tiết giao mùa, nhiệt độ chênh lệch giữa ngày và đêm thường rất lớn nên ảnh hưởng nhiều tới sức khỏe của trẻ em và người có hệ miễn dịch kém.

Nhiều dịch bệnh vẫn “nóng”

Cùng với sự gia tăng các bệnh về đường hô hấp, một số dịch bệnh khác vẫn diễn biến phức tạp. Mới đây, tại Hà Nội đã ghi nhận 2 trẻ ở huyện Chương Mỹ và huyện Phúc Thọ bị viêm não Nhật Bản. Bác sĩ Nguyễn Văn Lâm, Giám đốc Trung tâm Bệnh nhiệt đới, Bệnh viện Nhi Trung ương, cho biết, viêm não Nhật Bản rất nguy hiểm, có tỷ lệ tử vong lên đến 30%, thậm chí người được điều trị khỏi bệnh vẫn có những di chứng vĩnh viễn như: rối loạn tâm thần, liệt, rối loạn ngôn ngữ, co giật, động kinh. Trẻ nhỏ mắc viêm não Nhật Bản thường có các triệu chứng như: sốt, đau đầu, buồn nôn, nôn, mệt mỏi, ớn lạnh…; với những trường hợp bệnh nặng có thể có các biểu hiện co giật, giảm khả năng nhận thức.

Bác sĩ Khoa Hô hấp, Bệnh viện Nhi đồng 1, TPHCM thăm khám cho bệnh nhi

Trong khi đó, dịch SXH vẫn tiếp tục “căng thẳng” tại nhiều địa phương trong cả nước. Theo thống kê của Bộ Y tế, toàn quốc hiện đã ghi nhận trên 95.000 ca mắc SXH, trong đó có 26 ca tử vong. Trong số các địa phương, số ca mắc SXH ở Hà Nội vẫn rất cao. Tích lũy từ đầu năm 2023 đến nay, trên địa bàn Hà Nội có hơn 28.400 ca mắc SXH (tăng 2,7 lần so với cùng kỳ năm 2022) và đã có 4 ca tử vong.

GS-TS Phan Trọng Lân, Cục trưởng Cục Y tế dự phòng, chỉ rõ, công tác phòng chống dịch SXH đang đối mặt với nhiều khó khăn, đòi hỏi các hoạt động chống dịch phải được triển khai kiên trì, liên tục và quyết liệt, nhất là trong những đợt cao điểm, để khống chế số ca mắc và số ca tử vong.

Tại TPHCM, số ca mắc SXH tuy giảm 11% so với tháng trước nhưng vẫn ở mức cao. Tính từ đầu năm đến nay, TPHCM ghi nhận 15.037 ca mắc SXH; các quận, huyện có số ca mắc SXH cao là quận 1, quận Bình Thạnh và quận 8. Trong khi đó, số ca mắc tay chân miệng cũng có xu hướng tăng trở lại (tăng 14% so với tháng trước). Lũy kế từ đầu năm đến nay, TPHCM ghi nhận 34.521 ca. Các quận, huyện có số ca mắc tay chân miệng cao là quận Bình Tân, huyện Nhà Bè và huyện Bình Chánh.

Theo Bệnh viện Da liễu Trung ương, gần đây, số lượng người bệnh bị viêm da tiếp xúc do kiến ba khoang tăng mạnh. Trường hợp nhẹ thì chỉ tổn thương khu trú ở vùng da nhỏ; còn nặng thì sẽ gây ra tổn thương vùng rộng, khu vực tổn thương đau rát, lở loét nặng nề.

Thông tin từ Bệnh viện Đa khoa Vũng Tàu (TP Vũng Tàu, tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu) cho biết, từ đầu tháng 10-2023 tới nay, số bệnh nhi nhập viện điều trị tăng cao hơn gấp đôi so với những tháng trước đó. Theo tính toán, trung bình mỗi ngày đơn vị tiếp nhận, điều trị khoảng 100 bệnh nhi, lúc cao điểm lên tới 110 bệnh nhi. Bệnh tập trung ở các bệnh lý như tay chân miệng, SXH, rối loạn tiêu hóa, viêm phổi. Đáng lo ngại hơn là có rất nhiều bệnh nhi bị viêm phổi diễn tiến nặng, phải thay đổi phác đồ điều trị và thậm chí phải chuyển qua hồi sức tích cực.

PHÚ NGÂN

THÀNH AN - MINH KHANG

Nguồn SGGP: https://sggp.org.vn/thoi-tiet-giao-mua-nguy-co-dich-chong-dich-post713018.html